8 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh mới nhất 2024 hiện nay

8 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh mới nhất 2024 hiện nay. Những ngành nghề này được pháp luật quy định rõ tại Luật Đầu tư 2020 đến nay vẫn có hiệu lực. Hoatieu.vn mời các bạn cùng tham khảo bài viết sau để có thể hiểu rõ các ngành nghề cấm kinh doanh gồm những ngành nghề nào nhé!

8 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh

1. 8 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh 

Một vài lĩnh vực mà Nhà nước cấm kinh doanh được quy định cụ thể tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020. Theo đó cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

1. Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư 2020;

2. Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư 2020;

3. Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư 2020;

4. Kinh doanh mại dâm;

5. Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

6. Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

7. Kinh doanh pháo nổ;

8. Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ngoài ra, việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm 1, 2 và 3 trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Những ngành nghề pháp luật cấm kinh doanh vì sao?

Tại sao Nhà nước lại cấm kinh doanh một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định. Những ngành nghề pháp luật cấm kinh doanh lý do vì sao?

Có thể lý giải là bởi những ngành nghề này có tác động tiêu cực đến toàn xã hội nói chung, ảnh hưởng đến những giá trị kinh tế, tài nguyên thiên nhiên nước nhà nói riêng. Tiềm ẩn nguy cơ vi phạm nghiêm trọng pháp luật, làm sai lệch những chuẩn mực đạo đức chung, xâm phạm tới quyền con người, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, mất cân bằng hệ sinh thái,…

Do đó, việc cấm kinh doanh một số ngành nghề, lĩnh vực là nhằm mục đích bảo vệ an ninh xã hội, sự an toàn cho mọi người dân. Bảo vệ thiên nhiên, tài nguyên hữu hạn của nước nhà, bảo đảm quyền con người và thực hiện đầy đủ các Công ước, điều ước quốc tế đã cam kết.

3. Xử phạt hành vi đầu tư kinh doanh những ngành nghề bị cấm

Việc xử phạt đối với những hành vi đầu tư kinh doanh các ngành nghề bị cấm được căn cứ theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 16 Nghị định 122/2021/NĐ-CP (đến nay vẫn còn hiệu lực).

Theo đó, quy định mức xử phạt vi phạm về điều kiện đầu tư kinh doanh tại Việt Nam như sau:

3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 16.

=> Như vậy, nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng. Đồng thời, buộc chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Lưu ý: Mức xử phạt trên là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì phạt tiền bằng 1/2 lần mức phạt tiền quy định đối với tổ chức (Khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
7 1.415
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm