Bóng cười có bị cấm tại Việt Nam không?

Bóng cười có bị cấm tại Việt Nam không? Hiện nay, việc sử dụng bóng cười trong giới trẻ rất phổ biến. Các thanh thiếu niên với vẻ mặt say sưa hưởng thụ, cầm trên tay quả bóng cười tại hộp đêm trở thành trào lưu như nấm mọc sau mưa. Tuy nhiên, hút bóng cười để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tinh thần người sử dụng, thậm chí có thể gây tử vong. Vậy bóng cười có bị cấm tại Việt Nam không? Để giải đáp cho vấn đề này, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của HoaTieu.vn.

Quy định về sử dụng Bóng cười tại Việt Nam
Quy định về sử dụng Bóng cười tại Việt Nam

1. Bóng cười có bị cấm tại Việt Nam không?

Bóng cười là quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hoá học là N2O (Dinitơ monoxit hay nitrous oxide). Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng. Việc sử dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng; các rối loạn khí sắc; rối loạn trí nhớ; rối loạn giấc ngủ; các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp; thiếu máu, thiếu B12...

N2O là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương, thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II của Nghị định 113/2017/NĐ-CP).

Như vậy, việc nhập khẩu, mua bán… chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội được phép thực hiện nhưng được pháp luật quy định chặt chẽ. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về việc cấm bóng cười. Tuy nhiên do bóng cười có chứa chất N2O - hóa chất chỉ được sử dụng trong lĩnh vực nhất định vì thế nên bóng cười không được phép bán cho cá nhân và sử dụng tràn lan như hiện nay tại các cơ sở hộp đêm, vũ trường, quán bar...

2. Bóng cười có phải là ma túy không?

Các thanh thiếu niên với vẻ mặt say sưa hưởng thụ, cầm trên tay quả bóng cười tại hộp đêm trở thành trào lưu như nấm mọc sau mưa.
Các thanh thiếu niên với vẻ mặt say sưa hưởng thụ, cầm trên tay quả bóng cười tại hộp đêm trở thành trào lưu như nấm mọc sau mưa.

N2O không nằm trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 60/2020/NĐ-CP) mà là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công thương, cụ thể: N2O thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất), chủ yếu sử dụng để gây tê, giảm đau trong lĩnh vực y tế hoặc dùng để đóng gói, bảo quản thực phẩm.

Hiện Bộ Công an tiếp tục phối hợp lực lượng chức năng nắm tình hình, xác định thực trạng sử dụng “Bóng cười” và các chất hướng thần mới ở trong nước, tham khảo quy định của Ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) và các nước trên thế giới về các chất này, khi có đủ căn cứ sẽ đề xuất Chính phủ đưa vào Danh mục các chất ma túy và tiền chất để có căn cứ đấu tranh, xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, sản xuất, tổ chức sử dụng trái phép các chất này (hiện nay chưa có quốc gia nào đưa “Bóng cười” vào Danh mục chất ma túy).

3. Sử dụng bóng cười có vi phạm pháp luật không?

Hiện nay Bóng cười không nằm trong danh mục chất ma túy và chất cấm. Do đó người sử dụng bóng cười sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật vì không nằm trong danh mục cấm.

Tuy nhiên, vì khí N2O bị hạn chế sản xuất kinh doanh và chỉ được dùng trong các lĩnh vực công nghiệp và y tế nên nếu kinh doanh, sản xuất khí N2O không đúng quy định này sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Hy vọng trong thời gian tới, pháp luật nước ta sẽ có những quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này.

4. Mua bán bóng cười có bị cấm?

Do nhu cầu của giới trẻ tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng nhập khẩu khí N2O với mục đích lợi nhuận gây nhiều tác hại xấu đến sức khỏe con người, mất an toàn xã hội.

- Để ngăn chặn tình trạng sử dụng bóng cười ngày càng tràn lan, Bộ Y tế đã có Công văn số 2954/BYT-KCB có nội dung: không sử dụng khí N2O vào mục đích vui chơi giải trí. Tuy nhiên, đây mới chỉ là văn bản dưới luật mang tính chất tham khảo, không phải văn bản quy phạm pháp luật, bắt buộc người dân phải tuân theo.

- Mặc dù vậy, vẫn chưa có chế tài xử phạt cụ để ngăn tác hại tiêu cực của việc sử dụng khí N2O sai mục đích nên các cơ quan quản lý Nhà nước đã tiến hành đẩy mạnh kiểm tra và xử phạt các doanh nghiệp kinh doanh khí N2O về lỗi hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng hóa hạn chế kinh doanh khi chưa có giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội buôn lậu, tội trốn thuế.

- Thực tế, nước ta vẫn chưa có chế tài quy định rõ việc cấm sử dụng bóng cười mà chỉ có quy định không sử dụng khí N2O vào mục đích vui chơi giải trí. Tuy nhiên, nếu khí N2O chỉ được sử dụng trong công nghiệp và y tế thì có thể hiểu việc mua bán bóng cười cho cá nhân là không được phép và bị cấm theo quy định của pháp luật.

- Việc kinh doanh trái phép chất N2O có thể bị xử phạt hành chính lên đến 25.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép sản xuất, kinh doanh (Nghị định 71/2019/NĐ-CP).

Bài viết trên đã giải đáp cho câu hỏi Bóng cười có bị cấm tại Việt Nam không? Mời bạn đọc tham khảo các bài viết liên quan tại mục Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 361
0 Bình luận
Sắp xếp theo