Phải làm gì khi người lạ chuyển tiền nhầm tài khoản 2024?

Phải làm gì khi người lạ chuyển tiền nhầm tài khoản? Bỗng một ngày đẹp trời bạn thấy tài khoản ngân hàng của mình được cộng vào một số tiền từ số tài khoản lạ, không phải giao dịch của bạn thì phải xử lý thế nào? Có được rút ra để sử dụng không? Cùng Hoatieu.vn tìm hiểu để không bị vướng vào pháp luật hay các trò lừa đảo nhé.

1. Làm sao khi nhận được tiền từ người lạ chuyển khoản?

Khi nhận được tiền từ người lạ chuyển khoản bạn tuyệt đối không được rút ra tiêu dùng mà hãy lên báo với ngân hàng về giao dịch chuyển khoản lạ đó nếu số tài khoản đó là của người lạ, không phải là người mà bạn quen. Sau khi ngân hàng xác minh được người chuyển nhầm, họ sẽ nhờ bạn chuyển ngược lại số tiền bên kia chuyển nhầm, bạn chuyển lại là xong.

Do đó, khi nhận được một số tiền lớn chuyển vào tài khoản, các bạn không động đến nó. Nếu có người gửi nhầm thật họ sẽ chuyển khoản tiếp khoảng 2-3 lần với nội dung chuyển khoản là thông báo chuyển khoản nhầm kèm SĐT để mình liên lạc lại. Bạn có thể liên hệ để xác minh thông tin.

Tiếp theo, bạn ra ngân hàng thực hiện “Tra soát“. Nếu số tài khoản ngân hàng báo đúng với số tài khoản họ đã chuyển nhầm cho mình kèm thông tin khớp thì có thể xác nhận họ đúng là người chuyển nhầm, bạn hãy thực hiện chuyển khoản lại. Lưu ý: Không chuyển khoản sang số Tài khoản thứ 3 không rõ danh tính và nguồn gốc.

Nếu người chuyển nhầm là người quen, bạn có thể xác minh với họ và chuyển hoàn lại đơn giản hơn.

2. Cách xử lý khi chuyển tiền nhầm tài khoản

Khi chuyển tiền qua tài khoản, không ít các trường hợp chuyển nhầm do nhầm lẫn số tài khoản, bởi số tài khoản của các ngân hàng khác nhau, có dãy số ngắn thì dễ nhớ hơn dãy số dài. Chỉ cần nhập nhầm 1 chữ số đã sang tài khoản của người khác. Hơn nữa, nhiều trường hợp ngẫu nhiên, nhập sai số tài khoản nhưng vẫn hiện ra tên người dùng tương tự như tên người mà mình muốn chuyển khoản nên cũng dễ nhầm lẫn. Khi phát hiện ra chuyển khoản nhầm, bạn đọc cần thực hiện theo hướng dẫn sau:

- Trường hợp chuyển nhầm tài khoản cùng ngân hàng: 

Chuyển nhầm tài khoản cùng ngân hàng được hiểu là tài khoản nhận đang cùng hệ thống với ngân hàng bạn gửi tiền. Ví dụ, bạn sử dụng ngân hàng VP Bank và gửi tiền nhầm sang chủ thẻ VP Bank. Vậy thì sẽ có các bước thực hiện như sau.

Bước 1: Kiểm tra và chụp ảnh lại giao dịch đã chuyển nhầm rồi đi đến chi nhánh ngân hàng bạn đang sử dụng.

Bước 2: Tới ngân hàng hãy thông báo với nhân viên về việc bạn đã chuyển khoản nhầm tiền cho người khác.

Bước 3: Cung cấp các thông tin cá nhân và điền vào mẫu đơn khi được nhân viên ngân hàng yêu cầu.

Bước 4: Sau khi kiểm tra và xác nhận là giao dịch nhầm, ngân hàng sẽ liên hệ với người nhận và yêu cầu họ trả lại tiền cho bạn.

Lưu ý: Thời gian nhận được tiền sẽ khá lâu do ngân hàng phải liên hệ và làm việc với người nhận.

- Trường hợp chuyển nhầm tài khoản khác ngân hàng: 

Trong trường hợp bạn gửi nhầm tiền sang một tài khoản khác ngân hàng thì việc lấy lại tiền sẽ khó hơn, nhưng cơ hội là vẫn còn. Các thao tác làm việc với ngân hàng như sau:

Bước 1: Ngay sau khi phát hiện bị chuyển tiền nhầm tài khoản, bạn cầm theo chứng minh thư của mình tới ngân hàng mình đang sử dụng để giải quyết.

Bước 2: Tới ngân hàng hãy thông báo với nhân viên về việc bạn đã chuyển khoản nhầm tiền cho người khác.

Bước 3: Ngân hàng sẽ tiến hành các bước kiểm tra, rà soát. Sau khi kiểm tra và xác nhận là giao dịch nhầm, ngân hàng sẽ liên hệ với ngân hàng chủ quản chuyển nhầm để thông báo cho chủ tài khoản đó xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, với trường hợp này, thời gian nhận lại được tiền sẽ rất lâu bởi còn tùy thuộc vào mức độ làm việc của hai bên ngân hàng.

3. Chuyển tiền nhầm cho người khác có lấy lại được không?

Khoản 4 Điều 32 Thông tư số 37/2016/TT-NHNN quy định như sau:

Đối với Lệnh thanh toán sai ký hiệu chứng từ, ký hiệu loại nghiệp vụ, loại đồng tiền, đơn vị phục vụ Người nhận lệnh không phải là đơn vị nhận lệnh và không phải là thành viên gián tiếp thuộc đơn vị nhận lệnh, xử lý như sau:

a) Đối với các Lệnh thanh toán Có (hoặc Nợ) đơn vị nhận lệnh đã nhận nhưng chưa hạch toán thì thực hiện hạch toán vào tài khoản phải trả (phải thu) sau đó lập Lệnh thanh toán chuyển trả lại đơn vị khởi tạo lệnh. Nghiêm cấm đơn vị nhận lệnh chuyển tiền tiếp;

b) Đối với các Lệnh thanh toán đã thực hiện, đơn vị nhận lệnh xử lý tương tự như đã nêu tại Điểm b Khoản 3 Điều này.

Quy định trên giải quyết các vấn đề đối với lệnh thanh toán bị sai các thông tin, người nhận lệnh không phải là đơn vị nhận lệnh,... Do vậy, khi chuyển nhầm tài khoản, bạn hoàn toàn lấy lại được số tiền đã chuyển nhầm nếu thực hiện theo các bước sau:

  • Liên hệ ngay với ngân hàng và báo về sự cố này. Đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng hoặc phòng giao dịch để làm giấy đề nghị ngân hàng hỗ trợ xử lý giao dịch chuyển nhầm.
  • Cung cấp đầy đủ thông tin giao dịch. Các giấy tờ như căn cước công dân, thẻ ngân hàng, hóa đơn chuyển tiền, để ngân hàng rà soát giao dịch.
  • Giao dịch viên sẽ tra cứu và xác minh lại lịch sử giao dịch của khách hàng.
  • Nếu đúng là chuyển nhầm, ngân hàng sẽ tự động liên hệ lại với chủ tài khoản nhận tiền và yêu cầu trả lại số tiền đã được chuyển đó cho người gửi.
  • Trường hợp số tiền gửi nhầm đã bị chủ tài khoản rút ra và tiêu hết thì ngân hàng sẽ yêu cầu chủ tài khoản này phải trả lại. Nếu như chủ tài khoản nhận tiền gửi nhầm nhất quyết không trả lại thì ngân hàng sẽ thông báo cho khách hàng để tiến hành thủ tục khởi kiện.

Lưu ý rằng, việc chuyển nhầm tiền là xuất phát lỗi từ phía bạn, do vậy bạn cần giữ thái độ bình tĩnh, từ tốn, phối hợp với ngân hàng để bên ngân hàng có thể hỗ trợ theo cách tốt nhất. Với những số tiền nhỏ thì việc lấy lại số tiền trên thực tế là ít khả thi, với những số tiền trên 2 triệu đồng, có thể liên hệ với người nhận số tiền chuyển nhầm đó để trả lại, nếu không trả lại có thể bị khởi kiện ra Tòa.

4. Một số điều Không nên làm nếu có người chuyển nhầm cho bạn

Không nên chuyển hoàn cho người lạ khi không có bên thứ 3 làm chứng, không nên chuyển hoàn vào một tài khoản khác tài khoản đã chuyển cho bạn (thông thường khi nhận tiền liên ngân hàng bạn sẽ không biết được số tài khoản người gởi)

Việc không tự ý chuyển hoàn cho tài khoản lạ khi không có bên làm chứng là để tránh việc sau khi chuyển hoàn, bạn bị chủ số tiền khiếu kiện đòi chuyển, lúc này tình ngay lý gian, bạn có thể sẽ gặp nhiều rắc rối.

5. Hình thức lừa đảo chuyển khoản nhầm

Hình thức lừa đảo chuyển khoản nhầm

Mọi người cần lưu ý có cả hình thức lừa đảo bằng cách "cố ý chuyển nhầm" vào tài khoản nữa.

Kịch bản như sau:

Kịch bản 1: Bên lừa đảo (Tạm gọi là L) nắm được thông tin về tên tuổi, số tk và thông tin liên lạc của nạn nhân (Tạm gọi là V, thường là người bán hàng online hoặc hay mua hàng online chuyển khoản vì thông tin này 2 bên giao dịch trước đó đều nắm được cũng như số lượng giao dịch nhiều khó kiểm tra rà soát).

Bước 1: L sẽ chuyển 1 số tiền nhỏ vào tài khoản V cố ý.

Bước 2: L sẽ đóng giả nhân viên ngân hàng/người chuyển nhầm/ thậm chí là công an gọi cho V để thông báo về việc chuyển nhầm và thủ tục hoàn trả.

Bước 3: Nếu V không cẩn thận và sập bẫy, L sẽ lừa V để lấy thông tin đăng nhập online banking cũng như mã OTP gửi về điện thoại từ đó kiểm soát được tài khoản ngân hàng của V và nhanh chóng rút sạch tiền trong tk và tẩu tán.

Nên nếu có ai chuyển nhầm cho mọi người thì cứ bình tĩnh từ từ kiểm tra xem có đúng họ là người lạ và không liên quan đến công việc của mình không. Sau đó mới làm việc với ngân hàng (phải chắc chắn đó là số tổng đài của ngân hàng nếu gọi điện hoặc chắn ăn nhất là ra trực tiếp chi nhánh NH làm việc trong trường hợp xấu dính dáng tới pháp luật thì có bằng chứng, nhân chứng, camera an ninh là chúng ta đã thực hiện nỗ lực hoàn trả rồi).

***Tuyệt đối không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password ngân hàng cho bất cứ ai kể cả họ có tự xưng là người thân, bạn bè, nhân viên ngân hàng hay Công an, họ không bao giờ cần các thông tin đó ***

Bạn cũng không được rút tiền này tiêu xài, cũng không nên đòi hỏi tiền hậu tạ khi chuyển hoàn cho bên chuyển nhầm vì có thể bị quy kết là tống tiền.

Kịch bản 2: Bạn sẽ được cộng tiền từ một giao dịch với nội dung chuyển khoản là anh/chị A cho vay tiền.

Nếu bạn không báo ngân hàng để chuyển lại thì sẽ có nhóm người tự xưng là anh/chị A đến để đòi nợ với khoản lãi cao. Khi bạn không trả thì họ lại đập phá, ép bạn phải trả lại tiền vốn cộng lãi.

Các hình thức lừa đảo càng ngày càng tinh vi và khó đoán, các bạn cần cẩn thận với những giao dịch lạ như thế này. Dù là trường hợp nào thì cũng không được rút ra tiêu dùng cá nhân mà phải xử lý như tại mục 1 bài này

6. Làm sao khi lỡ chuyển khoản nhầm cho người khác?

Trường hợp chuyển nhầm tiền thì đau đầu hơn, sau khi xác định là đã chuyển nhầm, bạn cần bình tĩnh xử lý.

Kiểm tra lại giao dịch xem đã chuyển nhầm cho người quen hay người lạ, có thể giao dịch của bạn là chuyển nhầm cho người quen, bạn có thể liên lạc với họ nhờ họ chuyển lại.

Nếu chuyển nhầm cho người lạ thì phức tạp hơn, bạn cần tập trung các thông tin quan trọng, giấy tờ tùy thân, hình ảnh giao dịch nhầm, số tài khoản đã chuyển nhầm, số tài khoản dự định chuyển đi vv và đến chi nhánh ngân hàng gần nhất để yêu cầu hỗ trợ.

Bạn yêu cầu hỗ trợ việc chuyển khoản nhầm, và cung cấp các thông tin mà ngân hàng cần.

Ngân hàng sẽ tiến hành xác minh, xác định người nhận, liên lạc với người nhận và nhờ họ chuyển lại cho bạn.

Trường hợp tốt đẹp nhất là họ chuyển ngay cho bạn, chúc mừng bạn, từ nay nhớ cẩn thận hơn nhé!

7. Không trả lại số tiền bị chuyển khoản nhầm phạt thế nào?

Theo Điều 597, Bộ luật dân sự 2015:

Người nào chiếm hữu hay người nào sử dụng tài sản của người khác mà xác định đó không phải là tài sản của họ thì phải tiến hành hoàn trả lại cho chủ sở hữu của khối tài sản đó. Trường hợp không tìm được chủ sở hữu thì tiến hành việc giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trông giữ, bảo quản. Trừ trường hợp được quy định trong điều 236 Bộ luật dân sự 2015.

Người nào được lợi về tài sản mà xác định được khối tài sản đó không phải của họ và đồng thời làm cho chủ sở hữu khối tài sản đó bị thiệt hại thì phải tiến hành hoàn trả lại khoản lợi đó cho người bị thiệt hại. Trừ trường hợp được quy định trong điều 236 Bộ luật dân sự 2015.

Nếu có một khoản tiền đổ vào tài khoản của mình mà xác định đây không phải là khoản tiền mà mình được nhận thì phải tiến hành hoàn trả lại cho chủ tài khoản đã chuyển cho mình.

7.1 Không trả lại số tiền bị chuyển khoản nhầm bị phạt hành chính

Không trả lại số tiền bị chuyển khoản nhầm bị phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng kèm xử phạt bổ sung: Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép theo quy định tại Điều 15 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản;

c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

d) Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;

đ) Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;

b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;

c) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;

d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;

đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;

e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này;

b) Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này;

c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

7.2 Không trả lại số tiền bị chuyển khoản nhầm bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Nếu việc chiếm giữ hay sử dụng tài sản của người khác mà có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội:

  • Tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác được quy định tại Điều 176, Bộ luật hình sự 2015, cụ thể:

Người nào biết rõ về tài sản đó không thuộc quyền sở hữu của mình nhưng cố tình không muốn trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp hay không chịu tiến hành giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà giá trị tài sản đó có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng trong khi đã được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu được nhận lại tài sản đó thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.

Cùng với đó là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị áp dụng hình thức phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu xác định được giá trị tài sản chiếm giữ có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì sẽ bị áp dụng hình thức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Người nào vì mục đích vụ lợi, biết rõ là tài sản của người khác nhưng vẫn sử dụng trái phép để vụ lợi cho bản thân có giá trị vụ lợi từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị xử lý kỷ luật, hoặc đã bị kết án về tội này tuy nhiên chưa được xóa án tích mà đến nay lại tiếp tục hành vi vi phạm thì sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm đối với hành vi phạm tội này.

Đối với giá trị tài sản từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ 500 triệu đồng thì sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền với mức từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc bị áp dụng hình thức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Đối với tài sản sử dụng trái phép có giá trị từ 1 tỷ 500 triệu đồng trở lên thì sẽ bị xử phạt án là từ 03 năm tù đến 07 năm tù.

Trên đây, Hoatieu.vn đã hướng dẫn bạn đọc cách xử lý khi có người chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của mình.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên Hỏi đáp pháp luật.

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
6 15.106
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm