Top 40 mẫu Kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của em siêu hay

Kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của em gồm những bài văn kể lại những câu chuyện đã được học hay được đọc như những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích nhằm giúp các em hoàn thiện cách làm bài văn kể chuyện, chuẩn bị tốt cho bài tập làm văn của mình.

Dưới đây là top 40 mẫu kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết lớp 6 hay nhất được HoaTieu.vn sưu tầm từ những bài văn đạt điểm cao của học sinh trên cả nước. Các câu chuyện được kể đều truyện cổ tích hay truyền thuyết quen thuộc và gắn bó với nhiều thế hệ tuổi thơ người Việt Nam như: kể lại một truyện cổ tích Thạch Sanh, Sọ Dừa, Thánh Gióng, Em bé thông minh, Cây tre trăm đốt... Các em tham khảo để tự viết cho mình một bài kể chuyện thật hay nhé.

1. Kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của em số 1

Trong các câu chuyện cổ tích mà em đã từng được đọc, thì câu chuyện em thích nhất chính là truyện cổ tích Thạch Sanh.

Câu chuyện kể về cuộc đời của Thạch Sanh - một chàng trai dũng cảm, tốt bụng và tài năng. Chàng vốn là thái tử ở trên thiên đình, được Ngọc Hoàng phái xuống làm con của hai vợ chồng già tốt bụng. Cha chàng qua đời trước khi chàng được sinh ra. Mấy năm sau, mẹ chàng cũng qua đời. Để lại Thạch Sanh sống cánh tứ cố vô thân, lủi thủi trong một túp lều cũ dựng dưới gốc đa. Cả gia tài của chàng là một lưỡi búa của cha để lại. Năm chàng biết dùng búa, Ngọc Hoàng sai thiên thần xuống dạy cho chàng đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông.

Thạch Sanh là người luôn khát khao mái ấm gia đình. Vì vậy, chàng đã bị Lý Thông lừa gạt, đến sống chung và làm lụng giúp đỡ mẹ con nhà hắn. Sau này, chàng còn bị Lý Thông lừa đến miếu thờ nộp mạng cho chằn tinh thay hắn. May mắn nhờ có võ nghệ và phép thần thông, Thạch Sanh đã giết chết và chặt đầu chằn tinh mang về. Lần này, chàng lại bị Lý Thông lừa gạt cướp công giết chằn tinh, còn bản thân thì lại trở về lủi thủi một mình dưới gốc đa.

Sau này, trong một lần tình cờ, chàng nhìn con đại bàng tinh đang bắt một cô gái bay ngang qua. Thế là Thạch Sanh liền bắn bị thương cánh của đại bàng, rồi lần theo vết máu mà đuổi tới hang của đại bàng, nhằm tìm cách cứu cô gái. Tuy biết được hang ổ của đại bàng, nhưng Thạch Sanh vẫn chưa tìm ra cách cứu cô gái vì cái hang quá sâu, một mình chàng thì không đưa cô gái lên được. Đúng lúc đó, chàng gặp lại Lý Thông, một lần nữa hắn lại tìm cách lừa chàng. Thì ra, cô gái đó chính là công chúa, và nhà vua đã ra lệnh rằng, nếu ai cứu được công chúa sẽ được cưới nàng và nối ngôi vua. Thạch Sanh không chút nghi ngờ, lập tức dẫn Lý Thông và quân lính đến hang đại bàng. Chàng chủ động nhảy xuống đưa công chúa lên trước. Đến lượt chàng, Lý Thông sai quân lính lấp cửa hang lại. Đến lúc này chàng mới nhận ra bộ mặt độc ác, xảo trá của hắn.

Cửa hang bị lấp lại, Thạch Sanh cố tìm cách ra ngoài bằng một lối đi khác. Trong quá trình đó, chàng gặp mặt và cứu thoát con trai vua Thủy Tề khỏi cũi sắt. Sau đó, chàng được mời xuống thủy cung và được vua thủy tề tạ ơn hậu hĩnh. Thế nhưng với tính cách thật thà, chàng chỉ xin nhận một cây đàn rồi lại trở về túp lều cũ dưới gốc đa.

Trở về nhà, chàng lại tiếp tục cuộc sống như xưa. Ngày ngày, sau khi làm việc mệt mỏi thì chàng lại lấy cây đàn ra để giải khuây. Tiếng đàn của chàng vẳng đến cung công chúa, khiến nàng bật cười vui vẻ. Thì ra từ lúc được cứu ra khỏi hang đại bàng, công chúa lúc nào cũng ủ rũ, buồn bã. Thấy vậy, nhà vua liền cho mời Thạch Sanh vào cung để truy hỏi cho rõ ràng. Đến nơi, Thạch Sanh kể rõ sự tình cho mọi người. Đến đây, sự thật được phơi bày. Mẹ con Lý Thông bị đem ra xử phạt, còn Thạch Sanh trở thành phò mã. Thế nhưng với lòng thương người, chàng đã tha cho mẹ con Lý Thông và để họ về quê. Nhưng trên đường về họ bị sét đánh trúng và biến thành bọ hung.

Sau khi đám cưới của Thạch Sanh và công chúa diễn ra thì hoàng tử các nước chư hầu đem quân sang tấn công nước ta vì ganh ghét. Thạch Sanh đã xin nhà vua cho mình được ứng chiến. Đến nơi, chàng dùng tiếng đàn để làm quân địch bủn rủn tay chân, không nghĩ suy gì về việc chiến đấu. Sau đó, chàng dùng niêu cơm thần ăn mãi không hết khiến cho quân lính các nước chịu thua. Vì không ai có thể ăn hết cơm được. Do đó, quân của các nước chư hầu buộc phải rút về. Sau này, Thạch Sanh nối ngôi vua, trở thành một vị hoàng đế.

Câu chuyện vô cùng hay và hấp dẫn em không chỉ vì nó có nhiều chi tiết kì ảo thú vị. mà còn bởi vì trong nó, chứa đựng những ước mơ, niềm tin của nhân dân về cái thiện, cái chính sẽ luôn thắng cái ác, cái tà. Đây là một tư tưởng vô cùng tốt đẹp, cần được giữ gìn và phát huy.

Kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của em

2. Kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của em ngắn gọn số 2

Sọ Dừa là câu chuyện cổ tích đầu tiên em được đọc, và đó cũng là câu chuyện em yêu thích nhất.

Chuyện kể về một người đàn bà, vì uống nước trong cái gáo dừa, mà mang thai và sinh ra đứa con có ngoại hình xấu xí, kì lạ. Thế là bà đặt tên cho con là Sọ Dừa. Tuy vẻ ngoài xấu xí, đi lại bất tiện, nhưng Sọ Dừa vẫn rất chăm chỉ, chịu khó. Chàng đã nhờ mẹ xin cho được đi chăn bò của nhà phú ông. Đáp lại sự nghi ngờ của mọi người, chàng không chỉ trông được đàn bò, mà còn chăm chúng béo tốt. Trong thời gian ấy, con gái út của phú ông không ngại vẻ ngoài của Sọ Dừa, mà vẫn mang cơm đến cho chàng. Cảm động, chàng nhờ mẹ đến hỏi cưới cô. Ngày cưới, Sọ Dừa trở về hình dáng bình thường, khôi ngô tuấn tú, lại có nhà rộng, gia nhân tấp nập khiến ai cũng ngạc nhiên. Không chỉ thế, sau khi kết hôn, Sọ Dừa còn chăm chỉ dùi mài kinh sử, thi đỗ Trạng Nguyên. Điều đó khiến cho hai chị gái của vợ chàng hết sức ghen ghét.

Nhân lúc Sọ Dừa đi sứ, hai cô chị rủ cô em ra biển chơi, rồi đẩy cô xuống nước, hòng cướp đoạt vị trí vợ Trạng Nguyên. Nhưng may mắn, nhờ vào hòn đá lửa, con dao và mấy quả trứng gà Sọ Dừa dặn mang theo, mà cô em gái sống sót được. Cuối cùng, khổ tận cam lai, hai vợ chồng đoàn tụ được với nhau, sống hạnh phúc đến cuối đời. Còn hai cô chị xấu xa thì tủi hổ mà bỏ đi biệt xứ.

Qua câu chuyện Sọ Dừa, tác giả dân gian đã gửi gắm chúng ta bài học về cách đối nhân xử thế, không nên quan trọng vẻ bề ngoài, mà phải chú trọng đến phẩm chất. Một người có trái tim nhân hậu, tốt bụng, thông minh thì mới là người đáng quý.

Tham khảo tiếp Top 5 bà văn mẫu siêu hay:

3. Kể lại truyện cổ tích Em bé thông minh bằng lời văn của em số 3

Trong kho tàng truyện cổ tích của dân tộc ta, em rất thích các câu chuyện về những nhân vật có tài trí hơn người. Trong đó, em thích nhất là câu chuyện Em bé thông minh.

Câu chuyện bắt đầu tại một làng nọ, có hai cha con tuy nghèo nhưng sống rất hạnh phúc. Đặc biệt là người con trai, không chỉ ngoan ngoãn mà còn vô cùng thông minh. Một hôm, khi hai cha con đang cày ruộng thì gặp sứ giả đến hỏi chuyện. Thì ra, ông ấy được nhà vua phía đi tìm kiếm người những người hiền tài để xây dựng đất nước. Trước câu đố hóc búa của sứ giả, rằng con trâu kia một ngày có thể cày được mấy đường. Thì cậu bé đã dễ dàng hóa giải khi thách đố ngược lại ông ta rằng hãy nói xem ngựa của sứ giả một ngày đi được bao nhiêu bước. Sự tài trí đó của cậu bé đã khiến cậu nhanh chóng được nhà vua chú ý đến. Tuy nhiên, nhà vua vẫn chưa yên tâm nên tiếp tục thử tài cậu. Lần thứ nhất, vua đưa cho làng cậu bé ba con trâu đực cùng ba thúng gạo nếp, yêu cầu sau một năm giao nộp chín con trâu. Tuy nhiên, cậu bé đã lên kinh, đố ngược lại nhà vua, rằng hãy làm cho cha cậu sinh em bé. Còn số trâu và gạo nếp kia, cậu đã cùng ca rlangf đem ra ăn uống no say rồi. Sự thông minh, nhanh nhạy của cậu làm vua rất thích thú. Tuy nhiên, ngài vẫn quyết định thử tài cậu thêm lần nữa. Lần này, nhà vua đã yêu cầu cậu bé mổ một con chim sẻ để làm ra ba mâm cỗ. Nhưng yêu cầu này chẳng làm khó được cậu. Ngay lập tức, cậu bé đem ra một chiếc kim khâu và nhắn nhủ, nhờ nhà vua mài nó thành một con dao để mổ thịt chim. Đến lần này, thì nhà vua hoàn toàn thán phục trước trí tuệ cao siêu của cậu.

Kể lại truyện cổ tích Em bé thông minh bằng lời văn của em
Kể lại truyện cổ tích Em bé thông minh bằng lời văn của em

Đúng thời gian đó, có sứ giả của nước láng giềng sang thăm. Mục đích là tra tim xem nước ta có người tài hay không, để tiến hành xâm lược. Hắn đưa ra một câu hỏi vô cùng hóc búa để thực hiện mục đích. Cả triều trình cùng nhau căng não nhưng không ai biết cách nào để đưa sợi chỉ mảnh qua đường ruột ốc cả. ẤY vậy mà, ngay khi vừa nghe câu đố, em bé đã đưa ra được câu trả lời ngay. Biết vậy, tên sứ giả vội trở về nước bẩm tấu, rằng không nên tấn công nước ta vì nước ta có người rất tài giỏi. Sau lần đó, cậu bé được phong làm trạng nguyên, và thường xuyên được nhà vua mời sang hỏi về chuyện nước nhà.

Sau khi đọc câu chuyện Em bé thông minh, em rất khâm phục trí tuệ cao siêu, vốn hiểu biết sâu rộng của cậu bé nhỏ tuổi. Và lấy đó làm động lực để cố gắng phấn đấu học tập tốt hơn nữa.

4. Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích lớp 6 số 4

Một trong những truyền thuyết nổi tiếng của nước ta vừa thời các vua Hùng dựng nước và giữ nước chính là truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, không chỉ lý giải hiện tượng thiên tai bão lũ hàng năm mà còn tượng trưng cho việc con người đấu tranh với thiên nhiên để bảo vệ cuộc sống suốt hàng ngàn năm qua.

Chuyện kể rằng thời vua Hùng thứ 18 có một nàng công chúa là Mị Nương, xinh đẹp tuyệt trần, vua muốn kén cho con gái yêu một chàng rể tài giỏi nên bèn ban chiếu khắp thiên hạ để tuyển phò mã. Một hôm có hai chàng trai khôi ngô tuấn tú đến ứng tuyển, một người là Sơn Tinh thần núi Tản Viên, một người là Thủy Tinh chúa miền nước thẳm, cả hai tài sức đều ngang nhau, vua rất khó nghĩ nên đã ra điều kiện sính lễ là một trăm ván cơm nếp, một trăm đòn bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi, sáng hôm sau ai mang sính lễ đến trước thì được cưới Mị Nương.

Sáng hôm sau Sơn Tinh mang đủ lễ vật và rước Mị Nương đi sớm, Sơn Tinh đến muộn, không cưới được vợ nên tức giận đuổi theo đòi cướp Mị Nương. Thủy Tinh ra sức hô mưa gọi gió, dâng nước lên cao làm ngập lụt hết nhà cửa, thuồng luồng quái vật bơi khắp nơi, Sơn Tinh cũng không kém cạnh liền làm phép nâng núi đồi lên cao chống lại lũ lụt. Hễ Thủy Tinh dâng nước cao bao nhiêu, Sơn Tinh lại làm phép cho núi cao bấy nhiêu, đánh nhau suốt cả mấy ngày đêm mà hai vị thần vẫn bất phân thắng bại, cuối cùng nản chí Thủy Tinh đành rút lui. Nhưng hằng năm vị thần này vẫn ghi hận cũ, đều dâng nước làm lụi lội một thời gian, sau thấy vẫn không khuất phục được vị thần núi kia nên đành rút quân, năm nào cũng vậy.

Câu chuyện là cách mà người xưa lý giải về thiên tai, đồng thời cũng phản ánh ý chí sức mạnh của con người khi đối chọi với thiên nhiên để bảo vệ cuộc sống. Đây là một câu chuyện có ý nghĩa lớn phản ánh phong tục tập quán và cuộc sống của con người Việt Nam từ thuở xa xưa.

5. Bằng lời văn của mình, kể lại một câu chuyện truyền thuyết mà em đã biết số 5

Các bạn có biết vì sao nhân dân ta tự xưng là con Rồng cháu Tiên hay không? Điều đó có liên quan đến câu chuyện sau đây:

"Ngày xưa, ngày xửa từ lâu lắm rồi, ở vùng đất Lạc Việt, nay là Bắc Bộ nước ta có một vị thần. Thần là con của Thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân. Thần mình rồng sức khỏe vô địch, thường sống ở dưới nước. Thần giúp dân diệt trừ yêu quái như Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh... Thần còn dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và dạy dân cách ăn ở sao cho đúng nghĩa.. Khi làm xong thần trở về Thủy cung sống với mẹ lúc có việc cần mới hiện lên.

Bấy giờ, ở vùng núi cao phương Bắc, có vị tiên xinh đẹp tuyệt trần là con gái Thần Nông tên là Âu Cơ. Nàng nghe nói ở vùng Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ lạ bèn tìm đến thăm. Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp nhau đem lòng yêu nhau rồi trở thành vợ chồng chung sống ở Long Trang. Chung sống với nhau được chừng một năm, Âu Cơ mang thai. Đến kì sinh nở, Âu Cơ sinh ra một cái bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra một trăm đứa con da dẻ hồng hào. Không cần bú mớm mà vẫn lớn nhanh như thổi mặt mũi khôi ngô tuấn tú, đẹp đẽ như thần. Cuộc sống hai vợ chồng đã hạnh phúc lại càng hạnh phúc hơn.

Một hôm, Lạc Long Quân chợt nghĩ mình là dòng giống nòi rồng sống ở vùng nước thẳm không thể sống trên cạn mãi được. Chàng bèn từ giã vợ và và con về vùng nước thẳm. Âu Cơ ở lại chờ mong Lạc Long Quân trở về, tháng ngày chờ đợi mỏi mòn, buồn bã. Nàng bèn tìm ra bờ biển, cất tiếng gọi:

- Chàng ơi hãy trở về với thiếp.

Lập tức, Lạc Long Quân hiện ra. Âu cơ than thở:

- Sao chàng bỏ thiếp mà đi, không ở lại cùng thiếp nuôi dạy các con nên người?

Lạc Long Quân bèn giải thích:

- Ta vốn dĩ rất yêu nàng và các con nhưng ta là giống nòi Rồng, đứng đầu các loài dưới nước còn nàng là giống tiên ở chốn non cao. Tuy âm dương khí tụ mà sinh con nhưng không sao đoàn tụ được vì hai giống tương khắc như nước với lửa. Nay đành phải chia lìa. Ta đem năm mươi người con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Khi có việc cần phải giúp đỡ lẫn nhau, đừng bao giờ quên lời hẹn này.

Rồi Lạc Long Quân đưa năm mươi người con xuống nước còn Âu Cơ đưa năm mươi người con lên núi.

Người con trai trưởng đi theo Âu Cơ sau này được tôn lên làm vua và đặt tên nước là Văn Lang, niên hiệu là Hùng Vương. Mỗi khi vua chết truyền ngôi cho con trai trưởng. Cứ cha truyền cho con tới mười mấy đời đều lấy niên hiệu là Hùng Vương."

Do vậy, cứ mỗi lần nhắc đến nguồn gốc của mình Người Việt chúng ta thường tự xưng là con Rồng cháu Tiên và thân mật gọi nhau là đồng bào vì ai cũng nghĩ mình là cùng một bọc sinh ra cho nên người trong một nước phải thương yêu nhau như vậy. Câu chuyện còn suy tôn nguồn gốc cao quý thiêng liêng của cộng đồng người Việt và tự hào về nguồn gốc của dân tộc mình.

6. Kể một câu chuyện, em thích bằng lời văn của em ngắn gọn (11 mẫu)

Từ thuở còn thơ bé, ta đã được nghe bao câu chuyện kể của bà, của mẹ về lịch sử hào hùng, về những truyền thuyết ly kỳ. Và có lẽ ai khi ấy cũng mang trong mình niềm tự hào và ngưỡng mộ những vị anh hùng trong truyền thuyết của dân tộc. Thánh Gióng là một vị anh hùng oai phong như thế.

Đời Hùng Vương thứ sáu, ở láng Gióng, có hai vợ chồng nông dân, vừa chăm chỉ làm ăn lại có tiếng phúc đức nhưng đến lúc sắp về già mà vẫn chứa có lấy một mụn con. Một ngày kia, bà vợ ra đồng, thấy một vết chân to, bèn đặt chân mình vào ướm thử. Về nhà bà liền mang thai, nhưng mười hai tháng mới sinh ra một cậu bé mặt mũi khôi ngô, đặt tên là Gióng. Điều kỳ lạ nữa là Gióng lên ba tuổi vẫn chẳng biết nói, chẳng biết cười, đặt đâu nằm đó, hai vợ chồng vừa buồn vừa lo lắng.

Thuở ấy, giặc Ân đem quân sang xâm lược bờ cõi nước ta, gây nên bao nhiêu tội ác, dân chúng vô cùng lầm than, khổ sở. Xét thấy thế giặc mạnh, nhà vua bèn sai người đi khắp cả nước tìm người hiền tài cứu nước. Sứ giả đi đến mọi nơi, đi qua cả làng của Gióng. Nghe tiếng rao “Ai có tài, có sức xin hãy ra giúp vua cứu nước”, Gióng đang nằm trên giường bỗng cất tiếng nói đầu tiên:

- Mẹ ơi! Mẹ ra mời sứ giả vào đây cho con.

Thấy vậy, bà mẹ rất bất ngờ vui mừng, vội đi ra mời sứ giả vào nhà. Gióng yêu cầu sứ giả về tâu với vua, chuẩn bị đầy đủ ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để cậu đi đánh giặc.

Kỳ lạ hơn, sau khi sứ giả trở về, Gióng ăn rất khỏe và lớn nhanh như thổi. Cơm ăn bao nhiêu cũng không no, áo vừa mặc xong đã sứt chỉ. Mẹ cậu nuôi không đủ đành nhờ đến hàng xóm láng giềng. Bà con biết chuyện nên cũng rất phấn khởi, ngày đêm tấp nập nấu cơm, đội cà, may vá cho cậu rất chu đáo. Ai cũng hy vọng Gióng sớm ngày ra giết giặc giúp nước, trừ họa cho dân.

Ngày ấy, giặc vừa đến sát chân núi Trâu thì sứ giả cũng kịp mang vũ khí tới. Gióng bèn vươn vai đứng dậy, lập tức trở thành một tráng sĩ, khoác áo giáp, cầm roi sắt, chào mẹ và dân làng rồi nhảy lên ngựa. Cả người cả ngựa lao vun vút ra trận.

Trên chiến trường, Gióng tung hoành ngang dọc, tả đột hữu xung, giặc chết dưới tay như ngả rạ. Bỗng gậy sắt gãy, Gióng nhanh như chớp nhổ tre bên đường làm vũ khí mới. Giặc sợ hãi chạy trốn, dẫm đạp lên nhau mà chết. Khi trời đất đã sạch bóng giặc, Gióng phi ngựa bay về núi Sóc, cởi bỏ áo giáp sắt, vái tạ mẹ rồi bay về trời.

Vua phong hiệu cho cậu là Thánh Gióng, nhân dân lập đền thờ phụng, ghi nhớ công ơn. Nhiều đời sau người ta còn kể, khi ngựa sắt thét ra lửa, lửa đã thiêu trụi một làng. Đến nay làng ấy gọi là làng Gióng. Những vết chân ngựa in xuống ngày xưa nay đã thành những ao hồ to nhỏ nối tiếp nhau, là di tích minh chứng cho chiến công oanh liệt của Thánh Gióng.

Tham khảo tiếp:

7. Kể lại một truyền thuyết bằng lời văn của em (10 mẫu)

Đã thành lệ, đêm nào, trước khi đi ngủ, bà nội cũng kể chuyện cổ tích cho chúng em nghe. Đêm qua, bà kể chuyện “Cây tre trăm đốt”. Câu chuyện thật hay. Chúng em bị cuốn hút theo từng lời kể hấp dẫn của bà...

Ngày xưa có một anh chàng cày hiền lành, khoẻ mạnh, đi ở cho một lão nhà giàu. Anh rất chăm chỉ lại thạo việc đồng áng nên lão nhà giàu muốn anh làm lợi thật nhiều cho lão. Một hôm, lão gọi anh đến và ngon ngọt dỗ dành:

- Con chịu khó thức khuya dậy sớm làm lụng giúp ta, chớ quản nhọc nhằn. Ba năm nữa, ta sẽ gả con gái cho.

Anh trai cày tưởng lão nói thật, cứ thể quần quật I làm giàu cho lão. Ba năm sau, nhờ công sức anh, lão chủ có thêm nhà ngói, sân gạch, tậu thêm được ruộng, được vườn. Tuy nhiên, lão nhà giàu chẳng giữ lời hứa năm xưa. Lão đã ngấm ngầm nhận lời gả con gái cho con trai một nhà giàu khác trong vùng. Một hôm, lão làm ra vẻ thân mật bảo anh trai cày:

- Con thật có công với gia đình ta. Con đã chịu khó ba năm, trồng cây sắp đến ngày ăn quả. Cơ ngơi nhà ta chỉ còn thiếu cây tre trăm đốt, con gắng lên rừng tìm cho được đem về, ta sẽ gả con gái cho.

Anh trai cày mừng rỡ xách dao lên rừng. Anh không biết ở nhà hai lão nhà giàu đã sắp sẵn cỗ bàn để làm lễ cưới con trai, con gái chúng. Hai lão hí hửng bảo nhau: “Cái thằng ngốc ấy có đi quanh năm suốt tháng cũng đố mà kiếm được cây tre đủ trăm đốt! Thế nào rồi cũng bị rắn cắn, hổ vồ!”

Về phần anh trai cày, anh hì hụi trèo đèo lội suối, luồn hết bụi này bờ khác tìm kiếm mà chỉ thấy những cây tre thấp bé bình thường, cây cao nhất cũng chưa được năm chục đốt. Anh buồn quá, ngồi bưng mặt khóc. Nghe tiếng khóc, Bụt hiện lên hỏi:

- Làm sao con khóc?

Anh trai cày thưa rõ đầu đuôi câu chuyện. Bụt cười và bảo:

- Khó gì việc ấy! Con hãy chặt đủ một trăm đốt tre, đem xếp nối với nhau rồi hô: “Khắc nhập, khắc nhập” thì sẽ có ngay cây tre trăm đốt.

Nói xong, Bụt biến mất. Anh trai cày làm đúng lời Bụt bảo, quả nhiên cả trăm đốt tre dính liền nối nhau thành một cây tre đủ trăm đốt. Anh sung sướng nâng lên vai vác về. Song, tre dài quá, vướng bờ vướng bụi, không sao đưa ra khỏi rừng được. Anh lại ngồi xuống khóc, Bụt lại hiện lên hỏi:

- Cây tre trăm đốt có rồi, sao con còn khóc?

Anh nói tre dài quá không vác về nhà được, Bụt liền bảo:

- Con hãy hô: “Khắc xuất, khắc xuất”, những đốt tre ấy sẽ rời ra!

Anh làm theo lời Bụt, quả nhiên cây tre rời ra trăm đốt, anh kiếm dây rừng buộc làm hai bó, mừng rỡ gánh về.

Lúc anh về tới nơi, thấy hai họ ăn uống linh đình và sửa soạn đón dâu, anh mới biết rõ là lão nhà giàu đã lừa anh và đã lén lút đem con gái gả cho người khác. Anh giận lắm nhưng không nói năng gì, lẳng lặng gấp trăm đốt tre nối nhau và hô: “Khắc nhập, khắc nhập”. Một cây tre đúng trăm đốt tươi xanh óng ả hiện ra trước mắt mọi người. Lão chủ thấy lạ, chạy lại gần xem. Anh đọc luôn: “Khắc nhập, khắc nhập”. Lão tà dính liền ngay vào cây tre, không tài nào dứt ra được. Lão thông gia thấy vậy chạy lại định gỡ cho nhà chủ. Anh đợi cho hắn tới gần, rồi lại đọc: “Khắc nhập, khắc nhập”. Thế là lão ta cũng dính chặt luôn vào cây tre. Hai lão nhà giàu kêu khóc thảm thiết, van lạy anh trai cày xin anh gỡ ra cho và hứa trước hai họ sẽ gả con gái cho anh ngày hôm đó. Lúc bấy giờ, anh mới khoan thai đọc: “Khắc xuất, khắc xuất”. Tức thì cả hai lão kia rời khỏi cây tre và cây tre cũng chia thành trăm đốt. Anh trai cày làm lễ cưới cô gái và hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc suốt đời.

Khi nghe xong chuyện “Cây tre trăm đốt”, các bạn nhỏ ngồi quanh bà đều là lên: “Đáng đời cho bọn gian tham, quỷ quyệt!”. Mấy lời đó đã làm em ngẫm nghĩ: Tụi nó nhỏ mà cũng biết suy xét phải trái. Ở đời, những kẻ tham lam thường chuốc hại cho mình, còn những người hiền lành, chăm chỉ như anh trai cày sẽ được mọi người yêu quý và đạt được kết quả tốt đẹp.

8. Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết lớp 6: Cây tre trăm đốt (4 mẫu)

Khi còn nhỏ, em thường được nghe ông và bà kể cho nghe những câu chuyện cổ tích rất ý nghĩa. Một trong số truyện cổ tích ông kể mà em ấn tượng nhất là truyện Cây tre trăm đốt, ông kể trong lúc em và ông cùng đi chặt tre làm diều.

Ngày xưa có một phú ông nhà giàu nhưng lại bủn xỉn keo kiệt, ông ta thuê anh nông dân nghèo có tính cần cù chịu thương chịu khó cày ruộng. Ông ta chỉ muốn anh nông dân làm cho mình mà lại không mất tiền thuê nên đã hứa hẹn rằng "Anh hãy chịu khó cày ruộng cho ta trong ba năm, hết thời gian đó ta sẽ gả con gái cho anh". Anh chàng này tưởng thật, làm ngày làm đêm không quản mệt nhọc, mang về cho phú ông lúa thóc chất đầy kho.

Cuối cùng cũng đến hạn ba năm, đang háo hức được lấy con gái phú ông thì anh nông dân lại bị lão ta lừa. Một mặt phú ông bảo anh vào rừng chặt cây tre trăm đốt về làm đũa mời cỗ cả làng, mặt khác sau khi anh đi lão ta bèn mở tiệc gả con gái cho tên nhà giàu khác. Ở bên này anh nông dân sau khi vào rừng chặt hết cả rặng tre, quần áo rách tơi tả, chân tay bị cứa chảy máu vẫn không tìm được cây tre đủ 100 đốt. Nghe tiếng khóc của anh đã có một ông bụt hiện lên và trao cho anh câu thần chú "Khắc nhập, khắc xuất", anh chặt đủ 100 đốt tre, đọc câu "khắc nhập" là từng đốt tre nhập thành cây tre đủ 100 đốt. Anh vui mừng đem tre về thì phát hiện ra phú ông lừa mình, anh liền đọc câu thần chú "khắc nhập" nhốt ông vào cây tre, sau khi nghe ông ta van xin và hứa không bày mưu lừa hại anh nữa anh mới đọc "khắc xuất" để thả ông ta ra. Từ đó anh nông dân lấy con gái phú ông và sống hạnh phúc đến cuối đời.

Tuy chỉ là truyện cổ tích nhưng thực sự rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày, phú ông và cây tre trăm đốt giống như những khó khăn, thử thách và chướng ngại mà ta phải vượt qua trong cuộc sống. Hãy luôn cố gắng và sống thật tốt, mọi chuyện sẽ luôn có cách giải quyết.

9. Kể lại câu chuyện cây khế bằng lời văn của em (6 mẫu)

Từ ngày còn bé em đã rất yêu thích những câu chuyện cổ tích. Trong đó, em thích nhất là Sự tích cây khế, câu chuyện kể về hai anh em nhà nghèo cùng chú chim thần ăn khế trả vàng. Qua đó gửi đến bài học sâu sắc về lòng tham lam của con người. Hôm nay, em xin kể cho mọi người cùng nghe câu chuyện Sự tích cây khế nhé!

Ngày xưa ngày xưa, ở một làng nọ, có gia đình cha mẹ mất sớm, để lại hai anh em mồi côi bơ vơ, phải sống nương tựa vào nhau. Ngày qua ngày, hai anh em lớn dần lên. Thế rồi người anh cũng đi lấy vợ.

Vợ chồng người anh tham lam, giành hết của cải với lí do phải lo hương hỏa cho cha. Họ chỉ chia cho em khoảnh đất nhỏ có trồng một cây khế. Người em hiền lành và siêng năng, ngày ngày chăm chút cho cây. Đến ngày thu hoạch, người em buồn rầu vì một đàn chim lạ đến ăn gần hết những quả khế ngọt mà chàng đã dày công vun trồng. Đang ngồi bó gối ủ rũ, giọt ngắn giọt dài khóc lóc cho số phận hẩm hiu của mình, người em nghe văng vẳng tiếng nói phát ra từ trên cành khế: “Chúng tôi không phải chim thường đâu. Ăn khế trả vàng. May túi ba gang, mang theo mà đựng”.

Y lời hẹn, sáng sớm hôm sau, Chim Thần dịu anh trên lưng và bay ra một hòn đảo xa tít ngoài khơi. Trên đảo không một bóng người, không có dấu hiệu của sự sống, chỉ toàn vàng bạc châu báu. Bản chất thật thà, người em làm đúng lời dặn của Chim Thần. Chim mang chàng về nhà với túi ba gang đầy vàng bạc đủ sống cả đời.

Cuộc sống người em thay đổi. vẫn lao động chăm chỉ, thêm của cải trời cho, chẳng bao lâu, người em trở nên giàu có nhất vùng. Người anh hay tin tìm đến để rõ ngọn nguồn.

Sau khi nghe em kể đầu đuôi câu chuyện, người anh đề nghị đổi cả gia tài để lấy mảnh đất nhỏ có cây khế. Người anh cũng gặp và được Chim Thần hứa trả vàng sau khi ngồi khóc than, kể lể. Vốn tính tham lam, thêm nghe lời vợ xúi, người anh đã may ba bao, mỗi bao dài bảy gang, trái hẳn với lời dặn của Chim Thần. Dọc đường bay về, vì số của cải quá nặng, Chim Thần kêu người anh bỏ bớt nhưng vì tham lam, tiếc của, hắn không nghe. Kết quả, chim đuối sức, chao cánh và kẻ tham lam bị rơi xuống biển cùng số của cải.

Kẻ tham lam và tàn nhẫn với máu mủ ruột thịt có một kết cục bi đát. Một câu chuyện thật hay, để lại cho chúng ta một bài học quý giá trong cuộc đời, đó là “Tham thì thâm”.

10. Kể chuyện Thạch Sanh bằng lời văn của em (6 mẫu)

Câu tục ngữ Ở hiền gặp lành có giá trị nhân văn cao đẹp, là bài học về đạo lý làm người được ông cha ta truyền dạy cho con cháu tự ngàn đời nay. Đạo lý ấy cũng thấm đượm trong những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích mà mẹ và bà vẫn thường kể cho em nghe. Trong đó tiêu biểu câu chuyện Thạch Sanh đã để lại cho em nhiều bài học hay.

Thạch Sanh là truyện kể về người anh hùng mang sức mạnh phi thường, có tấm lòng nhân hậu, chiến đấu chống cái ác, bảo vệ bình yên cho người dân.

Câu chuyện bắt đầu từ thời xa xưa, trong một ngôi làng tại quận Cao Bình có đôi vợ chồng nghèo khó sống qua ngày bằng công việc lên rừng đốn củi đổi lấy gạo. Với tính cách hiền lành, thật thà luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người xung quanh, nhưng lạ thay mãi mà họ vẫn chưa có một đứa con. Thấy thế Ngọc Hoàng thương cảm bèn sai thái tử xuống đầu thai làm con cho gia đình đó. Người vợ mang thai không được bao lâu thì người chồng qua đời, rồi người vợ cũng theo chồng mình từ giã cõi đời chỉ sau một thời gian ngắn sinh con. Cậu bé sống trong một túp lều cũ bên gốc đa, mồ côi cha mẹ nên mọi người gọi là Thạch Sanh. Mỗi ngày cậu bé đều dùng chiếc lưỡi búa của cha để lại lên rừng đốn củi kiếm sống.

Một ngày nọ, Lý Thông – chàng trai con nhà cất rượu đã ghé qua gốc đa nghỉ mát thì gặp Thạch Sanh, thấy chàng khỏe mạnh, chăm chỉ nên Lý Thông đã nảy sinh mưu đồ lợi dụng. Hắn muốn kết nghĩa anh em và Thạch Sanh cảm động vì được quan tâm nên đã đồng ý theo hắn ta về nhà. Một con Chằn tinh hung ác ăn thịt người, có phép lạ lúc bấy giờ xuất hiện trong làng khiến ai cũng khiếp sợ. Mỗi năm đều đặn phải khấn cho nó một mạng để có thể sống yên ổn qua ngày. Lần này đến lượt Lý Thông nạp mình, hai mẹ con hắn đã mưu kế lừa Thạch Sanh đến thay mình. Tuy nhiên con Chằn tinh đã bị hạ gục, hiện hình là một con trăn lớn nhờ vào sức mạnh của chàng cùng vũ khí là chiếc búa. Thạch Sanh trở về đem theo bộ cung bằng vàng của con yêu quái đó. Không dừng lại ở đây, Lý Thông tiếp tục lừa gạt Thạch Sanh rồi đến tâu vua mình đã hạ thủ Chằn Tinh nên đã được phong làm đô đốc.

Dù đã đến tuổi lấy chồng mà công chúa mãi chưa tìm thấy chàng trai vừa ý. Thế là nhà vua bèn tổ chức một ngày hội lớn, cơ hội cho các hoàng tử nước láng giềng và con trai trong thiên hạ đến, công chúa sẽ từ trên lầu cao ném quả cầu may, ai nhặt được thì vua sẽ gả công chúa cho người đó. Con Đại bàng – một con yêu tinh trên núi tình cờ bay qua và mang theo công chúa đi. Ngồi dưới gốc đa Thạch Sanh đã nhìn thấy lần theo được tới chỗ ở của quái vật qua vết máu khi chàng bắn vào con quái vật.

Nhà vua sai Lý Thông đi tìm công chúa, hứa sẽ gả cho hắn và truyền ngôi. Thế là hắn bèn tìm đến Thạch Sanh nhờ giúp đỡ. Khi công chúa được Thạch Sanh giải cứu an toàn thì Lý Thông dở trò, nhốt luôn chàng ở trong hang. Con Đại bàng cũng bị tiêu diệt sau một trận đánh kịch liệt, cùng lúc đó chàng đã tìm thấy và cứu thoát con trai của Vua Thủy. Thạch Sanh được vua ban ơn cho rất nhiều vàng ngọc nhưng chàng chỉ xin lấy cây đàn thần rồi trở lại gốc đa. Vì oán hận nên hôn của chằng tinh và đại bàng đã quay lại trả thù khiến Thạch Sanh bị bắt vào ngục.

Từ khi được cứu trở về thì công chúa không nói cũng chẳng cười khiến nhà vua lo lắng. Khi tiếng đàn của Thạch Sanh cất lên đã hóa giải, giúp công chúa trở lại bình thường. Nhà vua lúc này đã biết được hết sự thật về công lao của Thạch Sanh và bộ mặt tàn ác của mẹ con Lý Thông. Vua cho chàng xử tội nhưng chàng đã tha cho hai mẹ con nhà Lý Thông quay về làm ăn. Quả nhiên trên đường trở về họ đã bị sét đánh chết. Về sau vì không có con nên vua đã truyền lại ngôi cho Thạch Sanh.

11. Kể lại truyện Tấm Cám bằng lời văn của em

Mỗi tối, những câu chuyện kể thú vị của bà, của mẹ đưa em vào giấc ngủ ngọt lành. Và trong đó em thích nhất là truyện cổ tích Tấm Cám với bà tiên, phép thuật cùng những bài học ý nghĩa, sâu xa.

Tấm và Cám là hai chị em nhưng là cùng cha khác mẹ. Mẹ Cám chỉ biết quan tâm, lo lắng và chiều chuộng con gái mình, ngược lại luôn hành hạ, sai khiến và chửi mắng Tấm, bắt Tấm làm mọi việc trong nhà. Cả buổi chiều Tấm hì hụi lội bùn bắt được một giỏ đầy tép lại bị Cám cướp trắng chỉ còn lại một chú cá bống nhỏ. Đó là con cá bống mà bụt ban cho Tấm, Tấm đem cá về nuôi dưới giếng, hàng ngày cho cá ăn.

Một hôm hai mẹ con Cám đã lừa tấm làm thịt cá bống vứt tro vào bếp. Nhờ có Bụt mà Tấm tìm được đống xương cá trong tro bếp sau đó bỏ vào bốn cái lọ chôn dưới chân giường. Ngày nọ, vua cho mở hội linh đình, ai nấy đều sắm sửa đi trẩy hội, Tấm cũng muốn đi nhưng lại bị mụ dì ghẻ bắt ở nhà. Khi ấy bụt lại hiện lên, khiến đàn chim sẻ nhặt thóc và gạo thành hai đống khác nhau lại còn biến hóa đống xương cá thành áo lụa, giày thêu, ngựa và yên cương đẹp đẽ.

Tấm trên đường đi trẩy hội đã làm rơi chiếc giày. Nhà vua khi đi vi hành đã vô tình nhặt được, bèn ra lệnh nếu ai đi vừa chiếc giày này sẽ làm vợ vua. Thế là Tấm được trở thành hoàng hậu, sống hạnh phúc bên nhà vua anh tuấn. Tuy nhiên ngay sau đó mẹ con Cám đã hãm hại, lừa Tấm trèo lên cây cau cao rồi chặt cây khiến Tấm chết. Về sau Tấm hóa thân thành nhiều thứ khác nhau để luôn được bên cạnh vua lại có thể trừng phạt mẹ con Cám. Lúc thì hóa thân thành con chim vàng anh hót bên cạnh nhà vua, lúc lại là hai cây xoan đào che mát, lúc là khung cửi và cuối cùng là quả thị.

Quả thị được bà lão hàng nước đem về để trong nhà. Hàng ngày Tấm bước ra từ quả thị dọn dẹp nhà cửa nấu cơm cho bà lão. Bà lão khi phát hiện ra Tấm liền không cho Tấm trở lại vào quả thị nữa. Nhờ miếng trầu têm của Tấm mà nhà vua phát hiện ra vợ mình sau đó đón Tấm trở về cung. Lần này Tấm về, Cám bèn xin cách làm sao lại càng trẻ đẹp ra như thế. Tấm liền chỉ cách tắm nước sôi, thế là Cám chết. Sau đó Tấm gửi lọ mắm về cho mụ dì ghẻ, mụ ta khi biết hũ mắm được làm từ con gái liền lăn ra chết.

Kết thúc chuyện chúng ta thấy được chân lý "ở hiền gặp lành, ác giả ác báo" không bao giờ sai. Làm người phải luôn nhớ gieo nhân nào sẽ gặp quả đó.

12. Kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của em: Bánh chưng, bánh giầy

Bánh chưng, bánh giầy là hai loại bánh truyền thống của Việt Nam, tượng trưng cho lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà tổ tiên và quê hương xứ sở. Vậy bạn có biết nguồn gốc của Bánh chưng, bánh giầy không? Hãy cùng tôi ngược dòng thời gian, trở về quá khứ nơi truyền thuyết về Bánh chưng, bánh giầy bắt đầu!

Ngày xửa ngày xưa, ở đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho".

Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng. Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào.

Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: "Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành"

Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Giầy. Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.

Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có Bánh Giầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Giầy Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.

Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì người dân Việt Nam đều làm bánh Chưng và bánh Giầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.

13. Kể lại truyện Con Rồng cháu Tiên bằng lời văn của em lớp 6

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao người Việt Nam lại tự gọi mình là Con Rồng cháu Tiên, con cháu Vua Hùng? Mái tóc đen, màu da vàng, dòng máu đỏ ấm nóng của chúng ta được thừa hưởng từ ai? Và truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên sẽ giải đáp cho chúng ta xuất thân của chính bản thân mình.

Chuyện kể rằng ngày xưa ở miền đất Lạc Việt, cứ như bây giờ là Bắc Bộ nước ta, có vị thần thuộc nòi rồng, con trai thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân. Thần mình rồng, sức khoẻ vô địch và có nhiều phép lạ. Thần thường sống dưới nước, thỉnh thoảng lên cạn diệt trừ yêu quái giúp dân và dạy dân chăn nuôi trồng trọt…

Bấy giờ ở vùng núi cao phương Bắc có nàng Âu Cơ thuộc dòng dõi Thần Nông. Biết vùng Lạc Việt nhiều hoa thơm cỏ lạ nên nàng đến thăm. Tại đây, nàng gặp Lạc Long Quân. Họ yêu nhau, kết duyên đôi lứa, sống tại cung điện Long Trang trên cạn.

Không lâu sau, Âu Cơ có mang. Mọi người mừng rỡ chờ ngày nàng nở nhụy khai hoa. Nhưng thật kì lạ, đến kì sinh nở, nàng sinh ra một bọc trăm trứng, sau trăm trứng lại nở ra trăm người con hồng hào bụ bẫm. Đàn con chẳng cần bú mớm, lớn nhanh như thổi, đứa nào đứa nấy mặt mũi khôi ngô, sức khoẻ vô địch.

Một ngày nọ, Lạc Long Quân bỗng nhớ biển cồn cào, chàng bèn về thuỷ cung, để lại Âu Cơ và đàn con đêm ngày nhớ mong buồn tủi. Mãi rồi một hôm, Âu Cơ đành phải gọi Lạc Long Quân lên, nàng than thở:

- Sao chàng lại bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi các con?

Lạc Long Quân ngậm ngùi:

- Ta thuộc nòi rồng, quen sống dưới vùng nước thẳm, nàng là tiên nữ, quen sống chốn non cao. Kẻ trên cạn, người dưới nước, tính tình tập quán khác nhau, khó mà ăn ở với nhau lâu dài được. Nay ta đem năm mươi người con xuống biển, nàng đem năm mươi người con lên núi, chia nhau cai quản đất đai, khi có việc cần thì giúp đỡ nhau.

Âu Cơ ưng thuận. Trước khi đưa năm mươi con lên núi, nàng nói với chồng:

- Thiếp xin nghe lời chàng. Vợ chồng ta đã sống với nhau thắm thiết, nay phải chia hai, lòng thiếp thật là đau xót.

Lạc Long Quân cũng cố nén nỗi buồn trong buổi chia li, chàng khuyên giải vợ:

- Tuy xa nhau nhưng tình cảm đôi ta không hề phai nhạt, khi nào cần chúng ta lại gặp nhau.

Âu Cơ vẫn quyến luyến, rồi buồn bã nói:

- Thiếp rất nhớ chàng và thương các con, biết đến khi nào chúng ta mới gặp nhau.

Lạc Long Quân nắm chặt tay vợ, an ủi:

- Nàng đừng làm mủi lòng ta. Xa nàng và các con lòng ta cũng đau lắm! Âu cũng là mệnh trời, mong nàng hiểu và cảm thông cùng ta.

Âu Cơ mang năm mươi người con lên rừng. Người con trưởng của Âu Cơ lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Triều đình có đủ tướng văn tướng võ. Con trai được gọi là Lang, con gái gọi là Mị Nương. Khi cha chết, ngôi báu được truyền cho con trưởng. Cứ thế, mười mấy đời vua Hùng đã thay nhau trị vì đất nước, không hể thay đổi hiệu Hùng Vương.

Cũng bởi sự tích này mà người Việt Nam ta đều luôn tự hào mình là dòng dõi con Rồng cháu Tiên, coi tổ tiên mình là vua Hùng.

14. Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích: Sự tích dưa hấu

Có bao giờ bạn nghĩ những thứ xung quanh chúng ta từ đâu mà có chưa? Tại sao các đồ vât lại có tên gọi như thế? Thực ra có rất nhiều lí giải khác nhau. Ví như câu chuyện Mai An Tiêm sau đây đã lí giải nguồn gốc xuất hiện xưa hấu.

Chuyện kể rằng, vào thời Vua Hùng Vương thứ 18, có một chàng trai tên là Mai An Tiêm. Mai An Tiêm nhanh nhẹn, tháo vát, lại chăm chỉ nên được nhà vua rất mực yêu mến và còn gả cả con gái nuôi cho chàng nữa. Vua rất yêu quý An Tiêm nên thường ban cho chàng nhiều của ngon vật lạ.

Tất thẩy mọi người ai được nhận lộc vua ban đều nâng niu ca tụng, riêng An Tiêm lại bảo rằng:

– Của mình làm ra mới quý, còn của biếu là của lo, của cho là của nợ!

Chàng vẫn chăm chỉ làm lụng, không hề có ý trông chờ vào bổng lộc vua ban.

Tất cả chỉ chờ có thế, bon quan ninh thần bèn đem câu nói của Mai An Tiêm tâu lên nhà vua. Nhà vua vô cùng tức giận và cho rằng chàng là một kẻ kiêu bạc vô ơn. Nhà vua giận lắm: “Đã thế để xem, nếu chỉ trông vào sức mình thì hắn có sống nổi không?”. Ngài sai quân lính bắt giữ Mai An Tiêm rồi đuổi cả gia đình chàng ra đảo hoang.

Cả gia đình Mai An Tiêm lênh đênh trên biển hết ngày này đến ngày khác. Cuối cùng, họ cũng cập bến lên một hòn đảo lạ. Vợ Mai An Tiêm khóc lóc kêu lên:

– Sao tôi khổ thế này? Biết vậy thì chúng ta không nên làm nhà vua tức giận!

– Trời đã sinh ra ta, sống chết là ở Trời và ở ta. Chỉ cần có đôi bàn tay này thì chúng ta sẽ không sợ chết đói đâu. – Mai An Tiêm an ủi vợ.

Tình cờ một hôm, Mai An Tiêm phát hiện ra có một đàn chim từ phương Tây tới, chúng đậu trên bờ và đang ăn một loại hạt gì đó có màu đen láy. Mai An Tiêm nghĩ thầm:“Hạt này chim ăn được thì chắc người cũng ăn được!”. Nghĩ vậy, Mai An Tiêm liền thu gom hết số hạt lại và đem gieo trồng dưới đất. Ngày ngày, Mai An Tiêm ra sức chăm bón cho ruộng vườn của mình. Chẳng bao lâu sau, ruộng vườn của chàng trở nên xanh tốt, um tùm. Cây nở hoa, kết thành trái to. Đến mùa thu hoạch, Mai An Tiêm cùng với vợ con đem hết số quả đã chín về nhà. Quả nào quả nấy đều có màu xanh thẫm, khi bổ quả ra, thì bên trong ruột lại có màu đỏ tươi, mọng nước và có cả hạt màu đen nữa. Khi ăn quả, thì lại thấy quả có vị ngon, ngọt, thơm mát. Một ngày kia, có một chiếc tàu gặp bão, bèn cập bến vào đảo để tránh bão. Mõi nười lên bãi cát, thấy có rất nhiều quả lạ, ngon. Họ đua nhau đổi thực phẩm cho gia đình An Tiêm. Rồi từ đó, tiếng đồn vang xa rằng có một giống quả rất ngon trên hòn đảo ấy. Các tàu buôn tấp nập ghé đến đổi lương thực, thực phẩm cho gia đình An Tiêm để được nếm vị ngon của quả lạ. Nhờ đó mà gia đình bé nhỏ của An Tiêm trở nên đầy đủ, cuộc sống đã sung túc đầy đủ hơn.

Vì chim đã mang hạt quả từ phương Tây tới nên An Tiêm đặt tên cho thứ quả này là Tây Qua. Các thương lái Trung Quốc ăn thấy ngon, khen là “hẩu”, nên sau người ta gọi lái đi là trái Dưa Hấu. Đó chính là nguồn gốc của những trái dưa hấu thơm ngon mát lành ngày nay.

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên nhóm Ngữ văn 6 CTST thuộc chuyên mục Lớp 6: Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
428 91.962
0 Bình luận
Sắp xếp theo