Hướng dẫn tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2020

Tải về

Hoatieu.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết mẫu hướng dẫn tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết chỉ rõ mục tiêu, yêu cầu của ngày hội, nội dung tổ chức, thời gian tổ chức... Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết và tải về mẫu hướng dẫn tại đây.

1. Mẫu hướng dẫn tổ chức ngày hội đại đoàn kết dân tộc 2020

UỶ BAN TRUNG ƯƠNG

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

BAN THƯỜNG TRỰC

Số: 35/HD-MTTW-BTT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2020

HƯỚNG DẪN

Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2020

Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019- 2024; Chương trình phối hợp thống nhất hành động năm 2020 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

Để thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2020) và trong bối cảnh cả nước vừa tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid -19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc để tập hợp, đoàn kết Nhân dân ở khu dân cư tạo thành sức mạnh to lớn góp phần xây dựng quê hương, đất nước vững mạnh. Ngày hội nhằm ghi nhận kết quả của cộng đồng dân cư, biểu dương tập thể, hộ gia đình, cá nhân có nhiều thành tích trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng.

- Việc tổ chức Ngày hội nhằm tạo khí thế thi đua sối nổi, động viên tinh thần cổ vũ Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, dịch bệnh, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

2. Yêu cầu

- Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức ở tất cả các cộng đồng dân cư trong cả nước.

- Ngày hội tổ chức vừa đảm bảo thiết thực và huy động được đông đảo tham gia của cả cộng đồng, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Phần Lễ tổ chức ngắn gọn, tập trung đổi mới nội dung phần Hội tạo khí thế vui tươi và thu hút sự tham gia của người dân.

- Việc tổ chức Ngày hội đảm bảo tiết kiệm, an toàn, tránh hình thức, lãng phí.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền

1.1. Nội dung tuyên truyền:

- Tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 90 năm qua; tuyên truyền về kết quả Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

- Tuyên truyền, giới thiệu các tập thể, hộ gia đình, cá nhân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, khu dân cư, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”…

(có đề cương tuyên truyền kèm theo).

1.2. Hình thức tuyên truyền:

- Tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình của địa phương.

- Tuyên truyền thông qua cuộc họp khu dân cư, sinh hoạt của các đoàn thể Nhân dân.

- Xây dựng các cụm thông tin, cổ động, panô, áp phích, khẩu hiệu ở các khu trung tâm, nơi tập trung đông người. Các cơ quan, công sở trang trí khẩu hiệu tuyên truyền cổ động trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Triển khai một số hoạt động trước khi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

2.1. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (theo Hướng dẫn số 23/HD-MTTW-BTT, ngày 24/3/2020 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

2.2. Tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi xây dựng cộng đồng dân cư ngày càng giàu đẹp thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; bàn biện pháp tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động và các mô hình tự quản tự quản tại cộng đồng.

2.3. Tổ chức thăm và tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ Mặt trận các thời kỳ, gia đình hộ nghèo, khó khăn tại địa phương…

2.4. Tổ chức xây dựng, khánh thành Nhà Đại đoàn kết, các công trình dân sinh ở cộng đồng nhân dịp Ngày hội.

2.5. Lựa chọn và đề xuất khen thưởng, biểu dương các tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong các phong trào gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

2.6. Vận động các hộ gia đình treo cờ Tổ quốc trong dịp tổ chức Ngày hội.

2.7. Vận động Nhân dân chỉnh trang nhà cửa và tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ phố, trồng và chăm sóc cây xanh; chỉnh trang khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp…

3. Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

3.1. Thành phần tham gia Ngày hội:

- Toàn thể Nhân dân hoặc đại diện gia đình ở khu dân cư, liên khu dân cư; người dân đi làm ăn xa quê hương; cán bộ, đảng viên công tác tại các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang các cấp đóng trên địa bàn.

- Mời các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động hỗ trợ, đóng góp cho cộng đồng dân cư.

- Mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp, đại biểu các cơ quan, đơn vị kết nghĩa của thôn, xã đến dự Ngày hội.

- Đối với các địa phương khu vực biên giới, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, có thể mời đại diện một số gia đình nước bạn láng giềng giao lưu, dự Ngày hội nhằm chia sẻ tình đoàn kết hữu nghị giữa các địa phương của các nước láng giềng với Việt Nam.

3.2. Về quy mô tổ chức Ngày hội và vai trò chủ trì tổ chức:

Tuỳ theo tình hình thực tế của địa phương, việc tổ chức Ngày hội được thực hiện quy mô sau và bảo đảm vai trò chủ trì tổ chức:

- Tổ chức Ngày hội ở 01 khu dân cư: do Ban Công tác Mặt trận chủ trì;

- Tổ chức Ngày hội từ 02 khu dân cư trở lên: do liên Ban Công tác Mặt trận các khu dân cư phối hợp chủ trì;

- Tổ chức Ngày hội trong phạm vi toàn xã: do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chủ trì, phối hợp với Ban Công tác Mặt trận khu dân cư.

3.3. Hình thức trang trí:

- Treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu trên địa bàn khu dân cư.

- Ma két trang trí nơi tổ chức phần Lễ của Ngày hội:

(Biểu trưng của Mặt trận)

NGÀY HỘI

ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC

Khu dân cư (hoặc liên khu dân cư)……. xã (phường, thị trấn)….

Ngày….. tháng…. năm 2020

3.4. Thời gian tổ chức:

Thời gian tổ chức Ngày hội 01 ngày, tập trung trong khoảng từ ngày 01/11/2020 đến hết ngày 18/11/2020.

3.5. Chương trình Ngày hội:

* Phần Lễ (tổ chức không quá 90 phút):

(1) Văn nghệ chào mừng.

(2) Chào cờ.

(3) Ôn lại 90 năm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam và tuyên bố lý do giới thiệu đại biểu.

(4) Báo cáo của Ban Công tác Mặt trận khu dân cư (tổ chức ở 01 khu dân cư) hoặc liên Ban Công tác Mặt trận khu dân cư (nếu tổ chức liên khu dân cư) hoặc Ủy ban MTTQ cấp xã (nếu tổ chức toàn xã, phường, thị trấn), gồm các nội dung chính:

- Tiêu đề báo cáo: Báo cáo kết quả nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới (đối với địa bàn nông thôn) hoặc xây dựng đô thị văn minh (đối với địa bàn đô thị);

- Khái quát lịch sử, truyền thống của cộng đồng dân cư;

- Tình hình đời sống Nhân dân trong cộng đồng dân cư hiện nay (có so sánh với năm trước);

- Kết quả thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (có nêu các tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp xây dựng cộng đồng dân cư); mục tiêu và cách thức thực hiện trong thời gian tới.

(5) Các đại biểu trao đổi, thảo luận.

(6) Chủ trì phát biểu tiếp thu và giải trình (nếu có).

(7) Biểu dương, khen thưởng những tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong xây dựng cộng đồng dân cư (theo Hướng dẫn số 83/HD-MTTW-BTT, ngày 8/8/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đánh giá kết quả và khen thưởng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”).

(8) Mời lãnh đạo cấp trên phát biểu, tặng quà (nếu có).

(9) Phát động Nhân dân ở cộng đồng dân cư hưởng ứng thi đua chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp và hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

(10) Phát biểu cảm ơn và kết thúc buổi Lễ.

* Phần Hội (có thể tổ chức trước hoặc sau phần Lễ):

- Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương, sinh hoạt văn hóa cộng đồng (chú trọng phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương tạo khí thế sôi nổi trong Ngày hội).

- Tùy từng điều kiện các khu dân cư có thể tổ chức “Bữa cơm đoàn kết” phù hợp.

- Đối với các khu dân cư đô thị nên tổ chức phần Hội tại các nơi công cộng theo hình thức sân khấu hóa nhằm tạo không khí sôi nổi và thu hút sự tham gia của bà con ở khu dân cư.

4. Về phối hợp mời các đồng chí lãnh đạo các cấp tham dự Ngày hội

Trung ương sẽ tổ chức các hoạt động mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự Ngày hội Đại đoàn kết gắn với hoạt động về nguồn tại một số địa bàn khu di tích lịch sử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại tỉnh Lai Châu, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Nam, Tây Ninh và một số địa phương khác.

- Đối với các đồng chí lãnh đạo Trung ương: Do Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp các cơ quan có liên quan và Mặt trận cấp tỉnh mời dự.

- Đối với các đồng chí lãnh đạo địa phương: Do Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp mời dự.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Xây dựng Kế hoạch tổ chức Ngày hội của tỉnh (thành phố); hướng dẫn Mặt trận cấp huyện, xã, khu dân cư tổ chức thực hiện, trong đó nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ các cấp với chính quyền, các ngành chức năng và các tổ chức thành viên trong chỉ đạo và tổ chức Ngày hội; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tham gia tổ chức Ngày hội; phát huy vai trò trách nhiệm của Bí thư chi bộ khu dân cư và sự phối hợp chặt chẽ giữa Trưởng Ban Công tác Mặt trận với Trưởng thôn và các đoàn thể trong tổ chức Ngày hội.

- Báo cáo và tham mưu văn bản chỉ đạo của Thường trực tỉnh ủy (thành ủy) phân công các đồng chí cấp ủy dự Ngày hội ở địa bàn phụ trách; nêu cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy của địa phương trong việc chỉ đạo và tham dự Ngày hội.

- Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để các khu dân cư tổ chức Ngày hội đạt hiệu quả.

- Phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao; hướng dẫn bình xét và công nhận các danh hiệu ở khu dân cư; khen thưởng các khu dân cư, gia đình tiêu biểu.

- Năm 2020, lấy chủ đề về bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sáng - xanh- sạch đẹp; phòng chống dịch bệnh ở khu dân cư để hướng dẫn tổ chức các nội dung trong Ngày hội (chọn nội dung, chủ đề phù hợp để khu dân cư thực hiện trong Ngày hội, trọng tâm là những vấn đề thiết thực gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương).

- Phối hợp cơ quan báo chí để tuyên truyền trước, trong và sau Ngày hội.

- Các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19 hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận các khu dân cư tổ chức các hoạt động phù hợp nhằm đánh giá, ghi nhận kết quả Nhân dân ở khu dân cư và động viên Nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch bệnh.

- Các tỉnh có đường biên giới với nước bạn, xin ý kiến cấp ủy về việc mời nhân dân địa phương giáp biên của nước bạn dự Ngày hội của địa phương khu vực biên giới.

- Riêng các địa phương có điểm di tích lịch sử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động xây dựng Kế hoạch, báo cáo tỉnh ủy, thành ủy, phối hợp với Ủy ban Nhân dân và các ban, ngành liên quan để chuẩn bị tổ chức Ngày hội gắn với hoạt động về nguồn tại các điểm di tích lịch sử (theo Kế hoạch số 155/KH-MTTW-BTT, ngày 22/7/2020 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương về phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày Thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hướng dẫn số 23/HD-MTTW-BTT, ngày 24/03/2020 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày Thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

2. Đề nghị các cơ quan Trung ương tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trước hết là các tổ chức chính trị - xã hội

- Hướng dẫn các cấp Đoàn, Hội phối hợp với Mặt trận cùng cấp tổ chức Ngày hội.

- Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự Ngày hội ở một số địa phương.

- Có kế hoạch và phối hợp tặng quà, động viên các địa phương khó khăn trong dịp tổ chức Ngày hội.

3. Về thông tin, báo cáo và đầu mối tiếp nhận thông tin, báo cáo

- Đề nghị cơ quan Trung ương các tổ chức thành viên thường xuyên cập nhật thông tin tham dự Ngày hội của các đồng chí lãnh đạo tại các địa phương gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

- Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình tổ chức Ngày hội, trước ngày 25/11/2020 có báo cáo nhanh tổng hợp tình hình tổ chức Ngày hội gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (theo mẫu báo cáo gửi kèm).

- Giao Ban Phong trào chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo tham mưu và giúp Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, tổng hợp thực hiện Hướng dẫn này (đầu mối tiếp nhận thông tin, báo cáo cáo: Ban Phong trào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, địa chỉ email: banphongtraomttqtw@gmail.com - ĐT: 0243.9287.402).

Căn cứ Hướng dẫn này và tình hình thực tế phòng, chống dịch bệnh Covid -19 ở địa phương, đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh triển khai tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cho phù hợp.

Nơi nhận:

- Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam (để b/c);

- PCT- TTK Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam (để b/c)

- Các đ/c Phó Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam;

- Ban Tuyên giáo Trung ương;

- Ban Dân vận Trung ương;

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Thường trực các tỉnh, thành ủy;

- Các tổ chức thành viên của Mặt trận;

- Ủy ban MTTQ VN các tỉnh, thành phố;

- Các ban, đơn vị trực thuộc Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam;

- Lưu VT, BPT.

TM. BAN THƯỜNG TRỰC

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã Ký)

Trương Thị Ngọc Ánh

2. Nội dung mẫu hướng dẫn tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 2019

UỶ BAN TRUNG ƯƠNG

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

BAN THƯỜNG TRỰC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------

Số: .................

........, ngày...tháng...năm...

HƯỚNG DẪN

Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019

Căn cứ Chương trình phối hợp thống nhất hành động năm 2019 của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2019), Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2018 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

- Thông qua tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Đại đoàn kết toàn dân tộc; về yêu cầu đại đoàn kết trong thời kỳ đổi mới đất nước; về lịch sử vẻ vang và sự đóng góp to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong lịch sử dân tộc Việt Nam; về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

- Đánh giá kết quả triển khai các mặt công tác của Mặt trận, nhất là việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở khu dân cư.

2. Yêu cầu

- Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019 được tổ chức ở khu dân cư hoặc liên khu dân cư đảm bảo chất lượng thiết thực.

- Tổ chức Ngày hội với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo khí thế thi đua, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; đồng thời đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí, hình thức.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền

1.1. Nội dung tuyên truyền:

- Tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn với những kết quả của nhiệm vụ xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập thế giới của đất nước và địa phương, cơ sở.

- Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Nghị quyết Trung ương IV khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa XII.

- Tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên và đồng bào các giới, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài “Hướng về biển, đảo Tổ quốc”, nâng cao ý thức, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; chăm lo thiết thực cho Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên địa bàn các tuyến biên phòng, biển, hải đảo.

- Tuyên truyền, động viên Nhân dân đề cao cảnh giác đấu tranh, phê phán, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- Tuyên truyền kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, kết quả Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Tuyên truyền việc tổ chức Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư, kịp thời phản ánh những hoạt động của các đồng chí lãnh đạo địa phương tham dự Ngày hội.

1.2. Hình thức tuyên truyền:

- Tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh, phát thanh, truyền hình.

- Tổ chức tuyên truyền miệng thông qua buổi sinh hoạt, hội họp của các đoàn thể, các tổ chức thành viên để tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân.

- Xây dựng các cụm thông tin, cổ động, panô, áp phích, khẩu hiệu ở các khu trung tâm, nơi tập trung đông người. Các cơ quan, công sở trang trí khẩu hiệu tuyên truyền cổ động trong dịp kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Giới thiệu các nhân tố mới, điển hình tốt trên Báo đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận, Website của MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên các cấp...

- Các hộ gia đình treo cờ Tổ quốc trong dịp kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2019).

2. Tổ chức một số hoạt động trước Ngày hội Đại đoàn kết

2.1. Tổ chức các diễn đàn lắng nghe ý kiến Nhân dân, đối thoại giữa Nhân dân với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

2.2. Đánh giá kết quả công tác Mặt trận, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2017; bàn biện pháp tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động và các mặt công tác khác của Mặt trận.

2.3. Đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của địa phương.

2.4. Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện: Thăm và tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ Mặt trận các thời kỳ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường; tổ chức văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương, sinh hoạt văn hóa cộng đồng…

2.5. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ở địa bàn dân cư, chú trọng phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương tạo khí thế sôi nổi trong Ngày hội. Tổ chức các hình thức tọa đàm, hiến công, hiến kế, phát huy sáng kiến của Nhân dân tham gia xây dựng quê hương.

3. Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

3.1. Thành phần tham gia Ngày hội:

- Nhân dân ở khu dân cư, liên khu dân cư; người dân đi làm ăn xa; cán bộ, đảng viên công tác tại các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang các cấp đóng trên địa bàn dân cư.

- Mời các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động hỗ trợ, đóng góp cho khu dân cư.

- Mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp, đại biểu các cơ quan, đơn vị… đóng trên địa bàn khu dân cư dự Ngày hội.

3.2. Hình thức trang trí:

- Treo có băng rôn, khẩu hiệu, cờ, phướn trên địa bàn khu dân cư.

- Ma két trang trí nơi tổ chức Ngày hội:

(Lô gô của Mặt trận)

NGÀY HỘI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC

KỶ NIỆM NGÀY TRUYỀN THỐNG MTTQ VIỆT NAM

Khu dân cư (hoặc liên khu dân cư)……. xã (phường, thị trấn)….

Ngày….. tháng…. năm 20....

3.3. Thời gian tổ chức:

Thời gian tổ chức Ngày hội diễn ra trong khoảng từ ngày 01/11 đến 18/11/20...., có thể tổ chức trong 01 ngày.

3.4. Chương trình Ngày hội:

* Phần lễ:

- Chào cờ.

- Giới thiệu thành phần đại biểu dự Ngày hội.

- Ôn lịch sử và truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 87 năm qua; vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.

- Báo cáo của Trưởng Ban Công tác Mặt trận gồm các nội dung: tình hình dư luận xã hội và đời sống Nhân dân; đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và xây dựng nông thôn mới (đô thị văn minh) của địa phương; ý kiến của Nhân dân tham gia với đội ngũ cán bộ, đảng viên về đạo đức, lối sống và mối quan hệ với quần chúng Nhân dân nơi cư trú; về kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phương hướng thực hiện năm 2020.

- Mời đại biểu đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương và đại diện đội ngũ cán bộ, đảng viên cư trú trên địa bàn tham gia đối thoại với Nhân dân.

- Biểu dương, khen thưởng những tập thể, gia đình và cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện các phong trào thi đua của địa phương và nội dung của Cuộc vận động.

- Phát động thi đua ở khu dân cư để vận động nhân dân thực hiện (theo chủ đề được lựa chọn triển khai của năm tới).

- Mời lãnh đạo cấp trên phát biểu (nếu có).

- Phát biểu cảm ơn và kết thúc buổi lễ.

* Phần hội: Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, hội trại; khuyến khích các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi đậm nét truyền thống văn hoá của địa phương, dân tộc. Tùy theo điều kiện của khu dân cư có thể tổ chức “bữa cơm đoàn kết” tạo không khí đoàn kết, ấm cúng tại khu dân cư.

- Tùy theo điều kiện của mỗi địa phương, phần hội có thể tổ chức trước và sau phần lễ cho phù hợp.

3.5. Trách nhiệm tổ chức Ngày hội:

Việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư do Ban công tác Mặt trận chủ trì; tổ chức liên khu dân cư (do MTTQ Việt Nam cấp xã hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận thực hiện) các khu dân cư phối hợp chủ trì; cần phát huy sự sáng tạo của mỗi khu dân cư, tuỳ theo đặc điểm của từng nơi để quy mô tổ chức cho phù hợp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Hướng dẫn Mặt trận cấp huyện, xã, khu dân cư tổ chức thực hiện.

- Xây dựng Kế hoạch tổ chức Ngày hội, báo cáo cáo cấp ủy và tham mưu văn bản cho chỉ đạo chính quyền, cấp ủy trực thuộc phối hợp với Mặt trận thực hiện.

- Phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ thể thao hướng dẫn bình xét và công nhận các danh hiệu ở khu dân cư; khen thưởng các khu dân cư, gia đình tiêu biểu.

- Chọn nội dung, chủ đề phù hợp để khu dân cư đăng ký thực hiện trong Ngày hội.

- Phối hợp cơ quan báo chí để tuyên truyền trước, trong và sau Ngày hội.

2. Đề nghị các cơ quan Trung ương, tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Hướng dẫn các cấp hội phối hợp với Mặt trận cùng cấp tổ chức Ngày hội.

- Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự Ngày hội ở một số địa phương.

- Có kế hoạch và phối hợp tặng quà, động viên các địa phương khó khăn trong dịp tổ chức Ngày hội.

Kết thúc thời gian tổ chức Ngày hội, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức rút kinh nghiệm và tổng hợp báo cáo về Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố gửi báo cáo về Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (qua Ban Phong trào) trước ngày 10/12/2019.

Trên đây là Hướng dẫn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam./.

Nơi nhận:

- Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam (để báo cáo);

- Các đ/c Phó Chủ tich Ủy ban TW MTTQ Việt Nam;

- Ban Tuyên giáo TW;

- Ban Dân vận TW;

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Bộ Thông tin và Truyền thông;

- BCĐ Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;

- Thường trực các tỉnh, thành ủy;

- Các tổ chức thành viên của Mặt trận;

- Ủy ban MTTQ VN các tỉnh, thành phố;

- Các ban, đơn vị trực thuộc Ủy ban TW MTTQ Việt Nam;

- Lưu VT, BPT.

TM. BAN THƯỜNG TRỰC

PHÓ CHỦ TỊCH

Đánh giá bài viết
5 24.727
Hướng dẫn tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2020
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm