Top 6 bài Nghị luận về cho và nhận
Bài văn nghị luận xã hội về cho và nhận
- 1. Dàn ý nghị luận về Cho và Nhận trong cuộc sống
- 2. Nghị luận về cho và nhận trong cuộc sống
- 3. Nghị luận về Cho và Nhận trong cuộc sống - Mẫu 1
- 4. Nghị luận về Cho và Nhận trong cuộc sống - Mẫu 2
- 5. Nghị luận về Cho và Nhận trong cuộc sống - Mẫu 3
- 6. Nghị luận về Cho và Nhận trong cuộc sống - Mẫu 4
- 7. Viết đoạn văn ngắn về cho và nhận
Thông điệp cho và nhận trong cuộc sống nhắc nhở chúng ta phải biết trao đi tình cảm, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ những người khó khăn thì sẽ nhận lại được quả ngọt. Từ lâu cho và nhận đã trở thành truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ một số bài văn mẫu nghị luận về cho và nhận, đoạn văn 200 chữ về cho và nhận hay và sâu sắc. Mời các bạn cùng tham khảo.
1. Dàn ý nghị luận về Cho và Nhận trong cuộc sống
I. Mở bài
Giới thiệu về “cho” và “nhận” trong cuộc sống.
II. Thân bài
1. Giải thích
“Cho”: ban tặng, sẻ chia, chuyển những thứ thuộc quyền sở hữu của mình sang cho người khác mà không đổi lấy thứ gì.
“Nhận”: lấy về cái được cho, được ban tặng.
=> “Cho” và “nhận” là truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay.
=> “Cho” và “nhận” có mối quan hệ mật thiết với nhau.
2. Biểu hiện
Chúng ta có thể cho đi những thứ vật chất, tiền bạc thông qua các hành động từ thiện, quyên góp ủng hộ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.
Đó cũng có thể là những hành động giúp đỡ, chia sẻ nỗi buồn, nỗi mất mát với những người xung quanh mình.
“Cho” và “nhận” là hành động xuất phát từ tình yêu thương giữa con người với con người.
Đó là hành động hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi cá nhân.
Khi chúng ta cho đi cũng là lúc chúng ta được nhận lại. Điều chúng ta nhận lại có thể là một lời cảm ơn chân thành, một nụ cười, một cử chỉ ấm áp khiến chúng ta vui lòng.
3. Ý nghĩa của cho và nhận
“Cho” và “nhận” gắn kết con người lại với nhau nhiều hơn.
Giúp chúng ta biết yêu thương đồng loại, sống nhân ái, vị tha hơn.
Những người biết cho đi sẽ được mọi người quý mến.
4. Bài học
Không sống ích kỉ mà phải biết chia sẻ với người khác, biết cho đi.
Phê phán lối sống vị kỉ, chỉ biết nhận mà không biết cho đi.
III. Kết bài
Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của cho và nhận trong cuộc sống.
2. Nghị luận về cho và nhận trong cuộc sống
Con người muốn trở nên tốt đẹp cần phải rèn luyện rất nhiều phẩm chất, một trong số đó chính là học cách cho đi, yêu thương đồng loại để nhận về những điều tốt đẹp.
Cho đi là yêu thương mọi người, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cho đi tình cảm, tấm lòng, sẵn sàng vì người khác để xã hội này tốt hơn. Còn thứ ta nhận lại là sự thoải mái, thanh thản trong tâm hồn khi giúp đỡ, yêu thương người khác và được họ cảm kích, biết ơn, yêu thương. Cho và nhận là hai khái niệm tưởng chừng đối lập nhau nhưng lại song hành với nhau trở thành những bài học đắt giá cho con người, khuyên con người ta biết yêu thương, san sẻ với người khác. Cuộc sống của con người sẽ trở nên lạnh nhạt, vô cảm nếu mỗi người chỉ biết sống cho mình, không biết thương yêu, san sẻ, giúp đỡ đồng loại. Nếu mỗi cá nhân chỉ biết đến bản thân mình, tự tách mình khỏi xã hội, lâu dần ta sẽ chết mòn, tâm hồn ủ dột. Tình yêu thương, sự cho đi và nhận lại giúp con người xích lại gần nhau hơn, gắn kết với nhau hơn, từ đó khối sức mạnh sẽ lớn hơn. Khi biết cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại một cách xứng đáng: đó là sự thành thản, thoải mái khi nhìn người khác tốt đẹp hơn, được mọi người xung quanh tôn trọng và yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ lại chúng ta khi chúng ta gặp khó khăn,…
Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người ích kỉ, nhỏ nhen, lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau, nỗi bất hạnh của người khác, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, những người này nếu không sửa đổi sẽ tự tách mình khỏi xã hội và trở nên thất bại hơn.
Mỗi chúng ta được lựa chọn cho mình cách sống, hãy sống với tấm lòng chân thành, tình yêu thương, cho đi yêu thương để nhận về những điều tốt đẹp nhất.
Nghị luận xã hội Cho và nhận hay nhất
Cuộc sống luôn gửi gắm đến con người những nghĩa cử cao đẹp, mong muốn con người sống có ích và truyền tải những thông điệp văn minh đến các thế hệ. Từ xưa đến nay, ông cha ta đã để lại nhiều bài học sâu sắc về nghĩa cử cho đi và nhận lại vô cùng thấm thía.
Vậy thế nào là cho và nhận? Cho ở đây mang nghĩa bao quát; đó là khi chúng ta yêu thương mọi người, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cho đi tình cảm, tấm lòng, sẵn sàng vì người khác để khiến cho xã hội này tốt hơn. Còn nhận ở đây là sự thoải mái, thanh thản trong tâm hồn khi chúng ta cho đi, giúp đỡ, yêu thương người khác và được họ cảm kích, biết ơn, yêu thương, giúp đỡ lại khi mình rơi vào tình huống khó khăn. Cho và nhận là hai khái niệm tưởng chừng đối lập nhau nhưng lại song hành với nhau trở thành những bài học đắt giá cho con người, khuyên con người ta biết yêu thương, san sẻ với người khác để cộng đồng, xã hội ngày càng vững mạnh trên nền tảng tình cảm.
Làm thế nào để nhận biết được những người sẵn sàng cho đi? Sẵn sàng cho đi là khi chúng ta sẵn sàng giúp đỡ người khác dù là không thân thiết, quen biết khi họ gặp khó khăn cũng như không từ chối người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó là việc tuyên truyền, kêu gọi mọi người cùng giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Người sẵn sàng cho đi còn là người hết lòng vì người khác với mong muốn xã hội tốt hơn, mong cuộc sống của người bất hạnh tốt đẹp hơn mà không hề toan tính thiệt hơn hay mong được tư lợi.
Việc cho đi mang nhiều lợi ích, ý nghĩa lớn lao cho cuộc đời. Khi biết cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại những điều xứng đáng: đó là sự thanh thản, thoải mái khi nhìn cuộc sống của người khác tốt đẹp hơn, xã hội tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, những người sẵn sàng cho đi mà không toan tính sẽ được mọi người xung quanh tôn trọng và yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ lại khi chúng ta gặp khó khăn,…
Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải ai cũng sống với tình thương, sẵn sàng cho đi, giúp đỡ người khác. Ngoài kia vẫn còn có nhiều người ích kỉ, nhỏ nhen, lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau, nỗi bất hạnh của người khác, chỉ biết sống cho bản thân mình,… những người này đáng bị xã hội lên án.
Mỗi người chỉ được sống một lần, chúng ta hãy sống, cho đi và yêu thương để làm cho xã hội này ngày càng tốt hơn, con người được sống tình cảm hơn vì vốn dĩ: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
3. Nghị luận về Cho và Nhận trong cuộc sống - Mẫu 1
Đức phật đã từng dạy chúng ta rằng gieo nhân nào, gặt quả ấy. Người cho đi của báu tất sẽ nhận được về của báu; người cho đi nghiệp ác tất sẽ nhận lãnh lại nghiệp ác. Ai cho vật khả ý thì nhận được điều khả ý. Trên đời có cho đi thì tất sẽ có nhận lại. Cuộc sống là biết cho đi và nhận lại. Cho một cách thành tâm và nhận lại một cách trân trọng mới có thể tạo ra được phúc tốt duyên lành trong cuộc đời này.
Cho có nghĩa là trao cho người khác một cái gì đó có thể là vật chất tiền bạc, của cải,…) hoặc tinh thần (tình cảm, thái độ, …) nhằm thể hiện sự trân trọng, mến yêu, giao kết hoặc giúp đỡ họ. Cho đi là một hành động có tính tự chủ, tự nguyện và chủ động, phụ thuộc rất lớn vào người cho. Hành động cho đi thể hiện lối sống nhân đạo, nghĩa tình và ý thức trách nhiệm cao cả của con người trong mối quan hệ với xã hội.
Nhận có nghĩa là nhận lấy, tiếp nhận, chấp nhận một sự giúp đỡ của người khác có giá trị về vật chất (tiền bạc, của cải, hiện vật,….) hoặc tinh thần (tình cảm, thái độ,…). Hành động nhận cũng mang tính tự nguyện, tự giác. Việc nhận một cái gì đó từ người khác thể hiện sự chấp thuận, trân trọng và hàm ơn của con người.
Người xưa từng nói: “Tri túc tâm thường lạc. Vô cầu phẩm tự cao“. Nghĩa là biết bao nhiêu là đủ tâm sẽ được thanh tịnh, không cầu mong gì nhiều nhân cách tự tôn cao, sáng đẹp. Bởi thế, cuộc sống không nên có quá nhiều tham vọng bởi lòng tham vô đáy, không bao giờ ta chạm đến tận cùng giới hạn của nó. Càng tham vọng càng khổ đau hơn. Biết mình cần những gì cho cuộc đời thì tự nhiên ta sẽ hài lòng với những gì mình đang có. Chính việc cho và nhận có vai trò thúc đẩy các mối quan hệ xã hội được gắn kết và trở nên bền chặt.
Cuộc sống luôn có người giàu sang, kẻ nghèo khó. Và khi biết mình đã đủ thì hãy nên cho đi những gì mình không cần đến. Có thể điều đó sẽ mang lại niềm vui, giúp người khác vượt qua khó khăn, hoạn nạn thậm chí là làm tái sinh nhũng cuộc đời lầm than.
Nhưng không phải đợi đến khi ta có đủ, ta thỏa mãn với những gì mình có mới hào phóng cho đi mà hãy luôn dành một phần nào đó cho người khác còn khó khăn, vất vả, cần kíp hơn mình. Đối với ta, một phần giá trị nhỏ bé là phần dư thừa, hoặc chưa dùng đến thì có thể đối với người khác đó lại là tất cả nguồn sống, là món quà tặng quý giá, là phép màu giúp họ vượt lên nghịch cảnh.
Một bình nước giúp người ta vượt qua cơn khát, một bát cơm làm no lòng kẻ lang thang, một lời động viên giúp con người vượt qua cái chết, một sự hi sinh để cứu lấy vạn người. Hãy luôn biết cho đi những gì mình có thể bởi bất kì một giá trị bình thường nào trong cuộc sống này đều luôn có ý nghĩa với một ai đó cần đến nó.
Thế nhưng, không phải là cho đi tất cả những gì mình có để được nhận về lời khen ngợi vô nghĩa. Hãy cho đi những gì mình có thể để đảm bảo cuộc sống của mình và người thân trong gia đình được an toàn. Hãy cho đi với tấm lòng thành thật và không cầu mong nhận về sự đền đáp. Hãy cho đi một giá trị nào đó cho người cần có nó chứ không phải bất kì ai cũng nhận được. Cho đúng cách là một việc khó làm, cần có trí tuệ và lòng thương con người sâu sắc, cao thượng.
Cùng với việc cho đi có lúc ta cũng sẽ được nhận một giá trị nào đó từ người khác. Không phải lúc nào cuộc sống của chúng ta cũng đủ sung túc hay không gặp rủi ro. Những lúc như thế ta rất cần sự giúp đỡ của mọi người. Một sự giúp đỡ tốt đẹp của người khác sẽ là nguồn lực, là sức mạnh, là niềm tin tưởng giúp ta vượt qua khó khăn, chiến thắng nghịch cảnh.
Mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống vô cùng phong phú, bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Mối quan hệ giữa cho và nhận không phải bao giờ cũng ngang bằng nhau trong cuộc sống: Có khi ta cho nhiều nhưng nhận lại ít hơn và ngược lại. Cho đi không đồng nghĩa với việc ta sẽ nhận lại một giá trị tương xứng. Mối quan hệ giữa cho và nhận không phải bao giờ cũng là mình cho người đó và nhận của người đó, mà nhiều khi lại nhận được ở những người mà mình chưa hề cho. Đôi khi cuộc sống không phải vậy. Không phải luật nhân quả lúc nào cũng có hiệu lực, người làm việc tốt chưa chắc sẽ nhận lại được duyên tốt, kẻ gây điều ác chắc gì sẽ phải nhận lãnh điều ác. Và cái mình nhận có khi là sự bằng lòng với chính mình, là sự hoàn thiện hơn nhân cách làm người của mình trong cuộc sống. Nhưng hãy tin tưởng vào điều đó.
Nhận một điều tốt đẹp từ người khác thể hiện sự trân trọng, yêu thương và ghi ơn tấm lòng tốt đẹp của họ. Rất có thể giá trị đó ta chưa cần đến nhưng hãy nhận lấy một cách vui vẻ và trang trọng để người cho cảm thấy hài lòng, thấy hành động của mình có ý nghĩa mà vui sống trong cuộc đời.
Người biết cho đi nhiều hơn, không mong gì sự đáp trả và chỉ nhận những gì mình cần là những người vị tha, sống vì nghĩa cả, vì lí tưởng cao đẹp, có trách nhiệm với xã hội. Cho nhiều hơn nhận xã hội sẽ tốt đẹp hơn về cả vật chất lẫn mối quan hệ giữa người với người. Không có trường hợp chỉ cho mà không nhận, vì sống trong xã hội không thể tiếp nhận những giá trị sống do xã hội mang lại, ít nhất là nhận những giá trị văn hóa của cuộc sống.
Trước hết là phải ra sức học tập và rèn luyện tri thức. Có tri thức con người làm việc thành công mới tạo ra được nhiều của cải từ đó có cơ hội giúp đỡ người khác.
Liên tục rèn luyện nhân cách, bồi dưỡng nhân phẩm, xây dựng lối sống lành mạnh, nghĩa tình hướng đến người khác. Biết chia sẻ nỗi đau thương mất mát của người xung quanh. Biết động viên an ủi, cổ động, tạo động lực giúp người khác vượt qua khó khăn, hoạn nạn.
Tuyên truyền, biểu dương những tấm gương tốt đẹp về lòng vị tha, hào hiệp, mạnh thường quân, bố thí trong cuộc sống. Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tích cực các hoạt động cứu giúp người khác. Biết trân trọng những gì người khác dành cho mình, không được xem thường, phung phí hay hủy hoại nó.
Trong cuộc sống, có những người chỉ biết nhận lấy mà không cho đi điều gì. Họ tận hưởng các giá trị do người khác mang lại mà không làm nên điều gì tốt đẹp cho xã hội. Thậm chí là sống ích kỉ, chỉ biết dựa dẫm, ỷ lại vào người khác. Những người như thế thật đáng chê trách.
Ỷ lại người khác là một thói xấu. Là học sinh, cần phải biết tự giác trong công việc, tự lập trong cuộc sống, rèn luyện bản thân, làm những việc hữu ích để giúp đỡ mọi người.
Hãy luôn biết cho đi nhiều hơn và nhận lại ít hơn. Nhận nhiều hơn cho là người chỉ biết sống cho mình hoặc là người thiếu khả năng, bất hạnh cần sự bảo bọc của người khác. Đừng để lòng tham biến bạn thành người ích kỉ.
Chúng ta phải biết cho cuộc đời này những gì tốt đẹp nhất: Đó là sự yêu thương, trân trọng, cảm thông giúp đỡ lẫn nhau cả về vật chất lẫn tinh thần chứ không phải là sự cho – nhận vì mục đích vụ lợi. Con người cần phải biết cho nhiều hơn nhận lại. Phải biết cho mà không hi vọng sẽ được đáp đền. Để cho nhiều hơn, con người cần phải cố gắng phấn đấu rèn luyện và hoàn thiện mình, làm cho mình giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần để có thể yêu thương nhiều hơn cuộc đời này.
4. Nghị luận về Cho và Nhận trong cuộc sống - Mẫu 2
Thế giới chúng ta đang sống thật muôn màu muôn vẻ và luôn chuyển biến xoay vần – trong đó, chúng ta ví như một hạt bụi, luôn trăn trở, băn khoăn về số phận của mình. Chúng ta có thể cho đi nhiều, làm việc nhiều, mơ ước nhiều, gom góp nhiều để có được cuộc sống ấm êm. Nhưng rồi, khi tất cả lắng xuống, có bao giờ bạn tự hỏi “ta cần gì từ cuộc sống?”… Sẽ có nhiều ý kiến đưa ra. Chúng ta có thể cần cha, cần mẹ, cần bạn bè, cần vật chất, cần tình yêu thương… tuy nhiên, chúng ta thực sự cần gì từ cuộc sống này? Câu trả lời rất đơn giản, đơn giản đến mức bạn sẽ bàng hoàng khi nhận ra nó. Đó là: cuộc sống của bất cứ ai đều chỉ cần “cho” và “nhận”.
Cho có nghĩa là trao cho người khác cái mình đang có, tạo cho họ một cơ hội mà không đòi hỏi được đáp trả lại. Ngược lại với cho là nhận. Nhận là tiếp nhận từ người khác một giá trị vật chất hoặc tinh thần nào đó mà không phải đáp trả lại. Giữa cho và nhận có mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời.
Chúng ta thường nhìn nhận vấn đề bằng hai cách. Đối với cách nhìn bằng trực cảm, ta sẽ thấy cuộc sống có hai giai đoạn: thu nhận và cống hiến. Hai giai đoạn này chuyển biến giao thoa lẫn nhau. Như là, khi tiếp nhận đến một lúc nào đó sẽ thể hiện sự cống hiến. Khi cống hiến đến lúc nào đó sẽ thể hiện sự tiếp nhận trở lại. Đối với cách nhìn bằng biện chứng, chúng ta lại thấy hai cung cách “cho” và “nhận” này diễn ra song song với nhau. Nhưng cái này có thể nổi trội hơn cái kia, điều đó tuỳ thuộc vào bản thân mỗi người có dám đối diện và nhìn nhận hay không.
Quả thật, từ những giây phút chào đời đầu tiên, chúng ta đã cần sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, người thân, cần một nền giáo dục sơ sinh để rồi những gì chúng ta cho đi là niềm tin yêu, hy vọng lớn lao từ mọi người xung quanh. Lớn thêm nữa, bạn bắt đầu cần thêm trang phục, cần giáo dục học đường, giáo dục giới tính, nói cách khác, bạn cần tri thức. Bạn vẫn cần tình yêu, nó bao gồm tình cảm gia đình, tình cảm cộng đồng, tình bạn, tình yêu đôi lứa.
Bạn sẽ cho đi những gì? Bạn biết lo toan nhà cửa, biết tham gia hoạt động xã hội, biết thể hiện tình cảm của mình với mọi người. Tính chất đó nếu được giáo dục tốt sẽ có thể được phát huy theo chiều hướng tích cực. Con người đó có đủ khả năng tư lực, tự cường, tự chủ. Họ luôn mong muốn được cống hiến cho đến tận giây phút cuối đời và coi đó là lý tưởng, lẽ sống của mình. Và quan trọng hơn, họ cảm thấy nhận được nhiều hơn những gì họ mong đợi. Dân gian thường bảo: “Con tằm đến thác vẫn còn nhả tơ”.
Thử nghĩ xem, “cho” và “nhận” có phải là điều cần thiết nhất trong cuộc sống hay không, khi một người suốt đời chỉ muốn thu nhận thật nhiều, thật nhiều để vun đắp cho riêng mình. Có thể người ấy sẽ được như ý muốn đấy, nhưng dần dần, sự ích kỷ không chịu cống hiến sẽ đẩy họ đến chỗ cô đơn và nhàm chán. Vì sao? Quá đơn giản, không gieo nhân không thể gặt quả, không “cho đi” sẽ không thể “thu nhận”. Đến một lúc nào đó, nhận ra, họ sẽ xiết bao sợ hãi và chới với trong khoảng trống mà mình đã tự chọn.
“Cho” và “nhận” trong cuộc sống này bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Chúng ta nhận về chúng ta những phần vật chất, tinh thần mà chúng ta cần, hoặc chính chúng ta sẽ cho người khác điều ấy không biết chừng! Ví dụ như, những đoàn cứu trợ, tình nguyện đến vùng sâu vùng xa. Họ cho đi gạo, tiền, quần áo, sách vở, đồng nghĩa với cho đi tình thương, nụ cười, lòng nhân ái. Họ nhận lại những đoá hoa, những cái bắt tay, ôm hôn nồng nàn cũng là nhận sự cảm kích, lòng tin yêu, sự ủng hộ, và chúc phúc cho tương lai họ từ bà con đồng bào
Kinh Phật có dẫn: đức Ca-diếp trong một lần đi hành khất đã dừng chân tại một túp lều rách của bà lão ăn xin. Bà bệnh nặng sắp chết. Không có gì để bố thí trong khi đức Ca-diếp nhất định không đi chỗ khác, bà đành đổ phần nước cháo đã thiu cho ngài. Lập tức bà được siêu sinh về cõi cực lạc. Đức Ca-diếp, ông nhận bát nước cháo, và cho đi sự từ tâm và sự hồi hướng phước đức đối với bà lão nghèo.
Khi chưa là tỉ phú, một lần Billgate mua báo ở một quầy báo gần sân bay mà không có tiền, người bán báo vui vẻ tặng ông mà không đòi hỏi gì. Sau này, khi trở thành tỉ phú nước Mỹ, ông lại đến mua báo nhưng lại không có tiền lẻ, người bán báo vẫn vui vẻ tặng ông một tờ báo dù biết ông là tỉ phú. Điều đó làm Bill Gate vô cùng ngạc nhiên và rút ra một bài học quý giá: Hãy biết cho đi khi có thể và không đòi hỏi điều gì. Cho đi là mãi mãi.
Là học sinh, nhất định phải biết cho đi những gì có thể. Hãy giúp đỡ bạn bè, chia sẻ tình yêu thương; động viên, nâng đỡ, tương trợ bạn bè trong khó khăn, hoạn nạn. Hãy biết cho đi yêu thương để nhận về yêu thương. Cuộc sống là một hành trình. Đừng mong mỏi người khác sẽ đáp trả lại tương xứng mà hãy tin rằng khi bạn cho đi một cái gì đó ý nghĩa cuộc đời sẽ đáp trả lại cho bạn những gì bạn cần.
Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người sống ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình, không bao giờ biết cho ai, hoặc giúp đỡ ai điều gì. Những người như thế thật đáng chê trách.
Thế nhưng, cho đi không có nghĩa là cho hết những gì mình có. Phải đảm bảo mình vẫn còn có cái gì đó để tồn tại. Biết chia sẻ cho nhau trong mọi hoàn cảnh để vượt qua khó khăn. Chỉ cho những ai xứng đáng với giá trị mà họ được nhận lấy, không lấy của mình để tiếp tay cho kẻ ác, hãm hại người tốt.
Như vậy, sự “cho” và “nhận” trong cuộc sống này luôn là sự tồn tại tất yếu của con người. Do đó, khi chúng ta tháo gỡ được vấn đề này có nghĩa là chúng ta đã có ý thức tự nhìn lại mình và đã có thể tự trang bị cho mình tư thế sẵn sàng cho một cuộc sống đầy màu sắc “thu nhận” và “cống hiến”. Suy cho cùng, “cho” và “nhận” là những yếu tố quan trọng và đặc biệt cần thiết để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, đặt nền tảng cho tất cả mọi nhu cầu và quyết định sự thành bại cho tài năng, danh tiếng, gia tộc và nhân bản.
5. Nghị luận về Cho và Nhận trong cuộc sống - Mẫu 3
Trong cuộc sống, có một chân lý hiển nhiên không ai không thừa nhận: “Cho là nhận”. Nhưng không hẳn tất cả mọi người trong chúng ta đều hiểu rõ ý nghĩa chân lý ấy.
Nhắc đến “cho” và “nhận”, ta sẽ nghĩ đó là hai khái niệm trái ngược nhau. Nhưng nếu ngẫm lại thì “khi cho đi ta sẽ nhận lại rất nhiều”.
Chắc ai cũng nhớ câu chuyện hai biển hồ , một minh chứng cho chân lý: “Cho là nhận”. Biển Ga-li-lê đã cho dòng nước mát lạnh và nó đã được nhận lại sự trong xanh mát rượi, sự thân thiện từ vạn vật: Con người đến sinh sống quanh hồ, hai bên bờ luôn tràn ngập cỏ cây và muông thú. Một minh chứng nữa là, khi trái đất tác động lên mặt trăng một lực thì nó cũng nhận lại được một lực tương tự, nhờ vậy mà mặt trăng và trái đất mới không va chạm vào nhau. Trong cuộc sống cũng vậy, khi bạn giúp người khác, người đó sẽ rất vui và ngược lại, trong lòng bạn cũng vui vì đã làm được một việc có ích. Hơn nữa, bạn sẽ có thêm sự yêu mến từ mọi người xung quanh, bạn sẽ có thêm những người bạn thân thiết và những lúc bạn gặp khó khăn, chắc chắn mọi người sẽ không từ chối giúp đỡ. Vậy thì, khi cho đi, hãy yên tâm, bạn sẽ luôn nhận lại xứng đáng, ít ra là niềm vui và sự thanh thản. Còn những người không biết cho đi thì họ cũng giống như biển chết vậy: dòng nước như mặn chát, vạn vật đều cách xa và sự sống trong họ rồi cũng héo mòn dần. Giữ cho riêng mình để rồi phải chịu cô độc, như vậy đâu phải là hạnh phúc. Nhiều người trong chúng ta, ngay cả tôi, chắc cũng đã có lúc từng nghe “Hạnh phúc là khi có được tất cả”. Nhưng chúng ta đã lầm, hạnh phúc đích thực có một phần từ việc cho đi.
Cho đi là gốc rễ của hạnh phúc. Một trái tim rộng mở mới có thể đón nhận yêu thương. Có mỉm cười mới nhận được nụ cười. Có cho đi sự nỗ lực không ngừng ta mới mong nhận lại được thành công. Có mỉm cười mới nhận được nụ cười. Có cho đi sự nỗ lực không ngừng ta mới mong nhận được thành công. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã cho đi không ít thì nhiều, nhưng có ai đã từng nghĩ: Phải “cho” như thế nào? Nếu cho chỉ vì muốn nhận lại thì hành động đó chẳng có ý nghĩa gì. Nó đã trở thành sự trao đổi. Hãy cứ cho đi từ tấm lòng mình và đừng mong người ta trả lại đúng như thế. Tôi đã từng nghe một câu nói rất hay: “Thật hạnh phúc cho những ai biết mà cho mà không cần nhớ đến và biết nhận mà không hề quên”.
Vậy chúng ta hãy đừng ngần ngại nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ, quan tâm người khác. Vì đó là món quà mà họ luôn mong đợi khi cho đi tình yêu thương. Một lời cảm ơn sẽ là niềm hạnh phúc với người giúp đỡ ta. Lời cảm ơn sẽ thay cho lòng biết ơn của chúng ta. Những người cho luôn là người hạnh phúc nhất. Vậy thì tôi, bạn và tất cả chúng ta hãy cùng cho, để mỗi ngày nhận thêm niềm vui và cuộc sống thêm ý nghĩa nhất.
6. Nghị luận về Cho và Nhận trong cuộc sống - Mẫu 4
Cuộc sống vốn dĩ đã có nhiều những bộn bề lo âu, chúng ta cần biết chia ngọt sẻ bùi để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Trước hết, cần phải hiểu được thế nào là “cho” và “nhận”. “Cho” chính là sự san sẻ, giúp đỡ, yêu thương xuất phát từ tâm, từ tim của một người. Dù “cho” rất nhỏ, nhất đời thường nhưng đó là cả một tấm lòng đáng quý. Còn “nhận” chính là được đáp trả, được đền ơn. “Cho và nhận” là một mối quan hệ nhân quả nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều mối quan hệ tương trợ, bổ sung cho nhau.
Tuy rằng trong cuộc sống hiện đại nhiều bon chen, thế nhưng cũng có rất nhiều những nghĩa cử cao đẹp, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Hằng năm, mỗi khi mùa đông đến, các anh chị sinh viên tình nguyện lại gom áo ấm đem lên vùng cao tặng các em ở vùng núi khó khăn. Hay mỗi khi có lũ lụt thiên tai, cả nước lại cùng tay góp tiền để cứu giúp đồng bào chịu thiệt hại nặng nề. Tất nhiên, không phải khi nào sự sẻ chia cũng chỉ là những giá trị về vật chất. Tôi đã từng được nghe kể câu chuyện về một cô gái, khi đang đi trên đường, gặp một người ăn xin. Cô lục lọi khắp người mà không tìm thấy gì để có thể cho ông lão. Cô lại gần và cầm tay ông lão giữa ngày đông giá rét, xin lỗi ông vì không có gì cho ông. Nhưng ông cụ đã nói rằng: “Cháu đã cho ông rất nhiều rồi”. Và cái cô gái cho ông lão, có lẽ ai cũng hiểu, đó là hơi ấm của tình người. Mỗi người trong chúng ta nhiều khi không thể lựa chọn số phận cũng như cuộc sống của mình. Vì vậy, sự sẻ chia là vô cùng cần thiết. Nó làm cho chúng ta cảm thấy ấm áp hơn, làm cho người với người gần nhau hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nên biết quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh mình. Khi bạn bè có chuyện buồn, chúng ta nên hỏi thăm, động viên để bạn bớt buồn, cũng như cố gắng phấn đấu trong tương lai.
“Cho và nhận” phải luôn song hành với nhau trong cuộc sống, ta cho đi và ta cũng có quyền nhận lại. Cuộc sống luôn công bằng với tất cả chúng ta, ta cho đi tiền bạc ta nhận lại lòng kính trọng và biết ơn, ta cho đi nụ cười ta nhận lại nụ cười, ta cho đi lòng yêu thương ta nhận lại ấm áp. Cho đi không phải là khó nhưng cho đi phải thật lòng khi đó người nhận mới cảm thấy vui và thoải mái. Mọi người thường nói: cho đi là nhận lại gấp trăm lần bởi khi cho đi thì hạnh phúc và niềm vui của người ấy sẽ khiến mình vui lây và cảm thấy mọi thứ trở nên tươi đẹp hơn khi tạo ra sắc hồng cho cuộc sống.
Có thể kể đến các mạnh thường quân gửi tiền quyên góp nhưng không để lại tên tuổi, hay là những người ngã xuống hy sinh thầm lặng để bảo vệ tổ quốc… Tuy nhiên, cũng có rất nhiều sống theo một lối sống ích kỉ, chỉ biết nhận mà không muốn cho. Họ không quan tâm đến chuyện gì, cũng như không quan tâm đến những người xung quanh. Trong cuộc sống, nếu con người ta cạnh tranh để sống thì cho đi không được hiểu theo cái nghĩa đơn thuần nữa mà nó giống như một sự trao đổi. Cho đi thì ít nhưng muốn nhận lại thật nhiều. Vì danh lợi, vì tiền tài, vì những thứ vật chất tầm thường mà họ bóp méo hai chữ cho và nhận theo đúng nghĩa của nó. Mỗi chúng ta phải biết cho đi như chính cái nghĩa của chúng, luôn phải xuất phát từ tấm lòng, từ tình thương.
Trong cuộc sống này, không phải ai cũng may mắn, vì vậy mỗi người hãy biết cho đi, để nhận lại nhiều thêm. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi…”. Sống trong cuộc sống này, mỗi người chúng ta cần phải biết quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh.
7. Viết đoạn văn ngắn về cho và nhận
Giữa một cuộc sống có biết bao nhiêu bộn bề và lo lắng cho nên chúng ta ắt hẳn ai cũng rất cần những yêu thương và chia sẻ cho dù là bình dị nhất. Trao đi yêu thương để nhận lại vốn là một quy luật luôn có trong cuộc sống. Đó là mối quan hệ qua lại lẫn nhau. Cho và nhận vừa là vô hình vừa là hữu hình. Ý của câu nói này là nếu chúng ta cho đi những gì thì chúng ta sẽ được nhận lại xứng đáng với những gì mà mình cho đi. Đó là một mối quan hệ cần được giữ gìn và trân trọng. Có câu hát rằng “sống trên đời sống cần có một tấm lòng” đây là một câu hát, một triết lí mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một tấm lòng đáng kính và đang được ghi nhận. Biểu hiện của cho đi và nhận lại trong cuộc sống đó chính là trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta mà đôi lúc chúng ta cũng không thể nhận ra được. Đó chính là phép màu, là điều kì diệu mà tạo hóa ban tặng. Khi mỗi người chúng ta sống có ích, sống biết cho đi thì chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn bao giờ hết và ta sẽ cảm thấy yêu đời hơn, hạnh phúc hơn. Khi chúng ta trao đi cho người khác những điều yêu thương chúng ta mới cảm thấy rằng cuộc sống này thực sự rất tươi đẹp và đáng trân trọng. Có rất nhiều người đi làm từ thiện cả đời luôn luôn quan tâm đến những người nghèo khổ bần cùng, mang cho họ những miếng cơm manh áo”một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đấy là những tấm lòng thực và chân thành của họ dành cho những con người đói khổ bất hạnh của xã hội. họ trao đi cả đời mà chẳng mong nhận lại được điều gì nhưng những cái họ nhận được là hữu hình, là ý nghĩa của cuộc sống trong họ.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học - Tài liệu của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Tham khảo thêm
Top 11 bài nghị luận học đi đôi với hành siêu hay
Phân biệt khái niệm nghị luận và chính luận
Top 20 mẫu nghị luận về vấn đề bạo lực học đường hay nhất
Nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi
Top 11 bài nghị luận khuyên bạn học tập chăm chỉ hơn
Nghị luận về tuổi trẻ và tương lai đất nước siêu hay
Nghị luận về sống đơn giản (5 mẫu)
Gợi ý cho bạn
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2025 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2025
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2025
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2025
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Văn xuôi
Giải thích câu tục ngữ Học thầy không tày học bạn
Top 10 mẫu nghị luận xã hội về dịch Covid19 siêu hay
Nghị luận nói lời hay làm việc tốt ứng xử đẹp là những nét đẹp học đường cần có ở học sinh hiện nay
Giá trị hiện thực và nhân đạo của Vợ nhặt
Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng được viết theo thể loại nào?
(4 mẫu) Viết đoạn văn có sử dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội