Đọc hiểu Giàn bầu trước ngõ có đáp án (2 đề)

Giàn bầu trước ngõ là một truyện ngắn của tác giả Nguyễn Ngọc Tư. Đây là một câu chuyện hay và cảm động về chủ đề gia đình. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu đề đọc hiểu Giàn bầu trước ngõ có đáp án sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Giàn bầu trước ngõ.

Đọc hiểu văn bản Giàn bầu trước ngõ - đề 1

I. ĐỌC - HIỂU 

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

Giàn bầu vẫn trước ngõ. Cha tôi đã thôi khó chịu, hay bực dọc riết rồi chai đi, chẳng biết bực là gì nữa. Nhưng khách đến nhà, ai cũng khen: "Anh Ba có giàn bầu đẹp thiệt". Họ săm soi, từng mảng lá cuống hoa. Khách nước ngoài còn kề má bên trái bầu xanh lún phún lông tơ mà chụp hình kỷ niệm. Mấy anh chị sinh viên đạp xe ngang dừng lại nhìn đau đáu qua rào rồi kháo nhau "Nhớ nhà quá, tụi mày ơi" […]. Bà nội tôi yếu hơn trước, mùa mưa bắt đầu lướt sướt đi qua. Ông chủ tịch đến chơi nhà, ôm chầm lấy nội, lắc lắc "Lúc này má khoẻ không?". Nội cười xoà mà nghe nghẹn nghẹn "Khoẻ, má khỏe". Cha tôi sai chị Bếp mang rượu thịt ra, ông chủ tịch khóa tay:

- Thôi, chú bảo chị ấy nấu canh bầu ăn. Cha hẩng mặt. Chị Bếp lúi húi gọt bầu, mùi nước canh xông vào mũi thơm lừng […]. Hôm ấy cả nhà tôi ăn lại bát canh ngày xưa, nghe ngọt lìm lịm lưỡi. Chị Bếp ngó nội, khoái chí cười đầy hàm ý. Hình như nội tôi vui. Giàn bầu thưa hẳn đi. Cái giống lạ thật. Nắng bao lâu vẫn xanh tốt, mới mưa dầm lại héo dây. Tôi đập vỡ trái bầu khô, lấy hạt ra ươm. Mùa mưa dữ dội, nội tôi bệnh, bà bị chứng tai biến não. Nội lơ ngơ, đã cười đã khóc thì không sao dừng được, tay run rẩy cầm ca nước, bát cơm cũng khó. Trời đổ mưa, sấm giật ầm ầm, nội thều thào nhắc:

- Sắp nhỏ đừng hứng nước mưa đầu mùa, hỏng tốt. Chà, mưa vầy ngập đồng rồi, ngâm giống gieo mạ đi thôi. Bà nội lẩn thơ lẩn thẩn rồi, mà hình như bà chỉ nhớ về quá khứ. Nội hay ra ngoài hiên, chăm chăm nhìn giàn bầu đang run rẩy trong gió. Bà ngồi đấy lặng lẽ, thẫn thờ, như chờ một tiếng vạc sành, một tiếng ếch kêu. Tay bà lạnh ngắt, tôi chạy vào phòng lấy lọ dầu thoa, vẫn thấy mảnh bầu trái tim màu vàng trong ngăn kéo, cái màu vàng như của rạ, của lúa, như của mái nhà lá nhỏ lơ phơ dưới nắng chiều. Giàn bầu vẫn trước ngõ, có kẻ đi qua kêu lên: "Tôi nhớ nhà". Cha tôi bảo: "Có thể bứt người ta ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi trái tim con người." Và cha tôi lại nói đúng.

(Giàn bầu trước ngõ – Nguyễn Ngọc Tư)

Câu 1. (0,50đ) Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy? Dấu hiệu để nhận biết ngôi kể đó?

Câu 2. (0,50đ) Xác định lời dẫn trực tiếp trong đoạn văn sau và chuyển lời dẫn trực tiếp ấy thành gián tiếp. Trời đổ mưa, sấm giật ầm ầm, nội thều thào nhắc:

- Sắp nhỏ đừng hứng nước mưa đầu mùa, hỏng tốt. Chà, mưa vầy ngập đồng rồi, ngâm giống gieo mạ đi thôi.

Câu 3. (0,50đ) Giàn bầu được nói đến trong đoạn trích trên có ý nghĩa tượng trưng cho điều gì?

Câu 4. (0,50đ) Theo em, vì sao cả nhà “ăn lại bát canh ngày xưa, nghe ngọt lìm lịm lưỡi. Chị Bếp ngó nội, khoái chí cười đầy hàm ý”?

Câu 5. (1,00đ) Cha tôi bảo: "Có thể bứt người ta ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi trái tim con người.". Em có đồng ý với suy nghĩ của người cha không? Vì sao?

Gợi ý

Câu 1

- Ngôi kể: thứ nhất.

- Dấu hiệu: người kể xưng tôi.

Câu 2.

- Lời dẫn trực tiếp: “Sắp nhỏ đừng hứng nước mưa đầu mùa, hỏng tốt. Chà, mưa vầy ngập đồng rồi, ngâm giống gieo mạ đi thôi.”

Chuyển sang gián tiếp:

(HS linh hoạt sử dụng từ ngữ khác để chuyển đổi. Nếu hợp lí GV vẫn cho điểm tối đa)

*Gợi ý: Trời đổ mưa, sấm giật ầm ầm, nội thều thào nhắc rằng (là) sắp nhỏ đừng hứng nước mưa đầu mùa, hỏng tốt. Mưa ngập đồng, ngâm giống gieo mạ.

Câu 3. Giàn bầu được nói đến trong đoạn trích trên có ý nghĩa tượng trưng cho: quê hương với những điều giản dị, thân thiết.

Câu 4

Vì: là món ăn mà trước đây mà mọi người đều thích nay mới được thưởng thức lại làm sống dậy bao cảm xúc đẹp đẽ của quá khứ.

Câu 5.

Định hướng:

- Đồng ý

- Giải thích lí do:

+ Con người có thể rời xa quê hương vì nhiều lí do (làm ăn, sinh sống, học tập…)

+ Không thể tách quê hương ra khỏi con người bởi quê hương đã gắn bó máu thịt với con người; luôn hiện diện trong tâm tư, nỗi nhớ của con người.

+ Tất cả những hình ảnh của quê hương, những tháng ngày gắn bó sẽ trở thành những hồi ức sống mãi trong lòng mỗi người…

Đọc hiểu văn bản Giàn bầu trước ngõ - đề 2

GIÀN BẦU TRƯỚC NGÕ - Nguyễn Ngọc Tư

Tôi không thích khi cưỡi xe vào tận thềm nhà lại phải rạp mình dưới giàn bầu ấy. Chị và mẹ tôi lại ngại tóc rối. Cha tôi khó chịu khi phải dắt quan khách len lỏi bên mấy trái bầu để vào căn nhà sang trọng. Nhưng không ai dám chặt phá giàn bầu bởi nó của bà nội tôi. Bà trông nó từ hồi trong quê ra. Thoạt đầu, chị em chúng tôi thích lắm, chiều chiều lon ton xách thùng ra tưới. Chúng tôi tưới như tưới hoa. Nội cười- “Bay tưới như thằn lằn đái”. Rồi bà đổ nước soàn soạt, chúng tôi nghe theo, đổ nước soàn soạt. Dây bầu lớn. Trong cái nách mập mạp lú ra mấy trái con xanh xanh. Trái bằng đầu đũa, bằng ngón tay, cườm tay rồi to to mãi. Bữa canh đầu tiên cả nhà háo hức, nuốt tuồn tuột từng miếng bầu trong veo, ngọt lịm. Ba gật gật khen ngon, day sang trách mẹ “sao trước giờ không mua bầu mà nấu ăn bà ta?”

Một lần, hai lần rồi ba lần, chúng tôi ngán tận cổ. Mà, chết thật, nội tôi cứ trồng mãi, trồng mãi, giàn bầu ngày càng rộng ra choán hết khoảng sân kiểng của cha xanh rầm rì. Trái già đến vàng khô, không ai ăn, bà mang cho hàng xóm. Hàng xóm chúng tôi cũng giàu có, họ chê nhưng cũng nhận bởi họ nể cha tôi. Nhiều quá, sớm sớm, chiều chiều, nội mang ra ngõ, này cho chị xôi chè một quả: "ăn lấy thảo”, này cho bác xích lo trái bầu “về nấu cho sắp nhỏ”. Rồi bà lại trồng. Chị Lan nhăn nhó:

- Nội ơi, trồng chi nhiều vậy?

Bà nội cười, buồn buồn.

- Nội làm lặt vặt quen rồi. Trồng trọt để đỡ nhớ quê.

Ôi cái quê của nội. Cái quê heo hút muốn về phải đỉ mấy chặng xe, tàu. Cái quê mà mỗi lần về, vào cuối mùa mưa, đất bùn quến vào móng chân tôi, ém chặt thối đen. Cái quê đèn cầy, đèn cóc, đêm nhóc nhen kêu buồn nẫu ruột, mùa lũ, lơ phơ chỉ thấy mấy nóc nhà. Ba tôi nói “làm người đừng suy nghĩ hẹp hòi, đừng tưởng nơi mình sinh ra, nơi có mồ mả ông cha là quê hương, khắp đất nước này chỗ nào cũng là quê cả”. Cha tôi nói đúng và ông rước bà nội lên thành phố. Trước, ông chủ tịch đến nhà chơi, uống bia khà khà rồi nhắc: “- Lâu quá không gặp má, hôm nào chú mầy rước má lên, tội nghiệp bà già…” Cha bưng bát hương ông đi trước, bà nội lúi húi bưng bát hương chú Út theo sau. Ở nhà tôi, công việc nhàn đến mức bà thơ thẩn vào rồi lại thơ thẩn ra. Nhà cao cửa rộng, khéo đi, cả ngày chẳng ai gặp mặt ai. Chị tôi đi học cả ngày, mẹ tôi đến sở. Bà ra cửa trước, tôi vào cửa sau, bà lên lầu, cha đi xuống, gặp nhau ở lối ngõ cầu thang, nội ngó cha, nhắc “Lúc này bay bận rộn, đến không không ăn cơm ở nhà, khéo ngã bệnh nghen con”. Cha cười “má khỏi lo”. Rồi mỗi người mỗi ngả. Bà năng xuống bếp, quấn quít ở đấy. Chị bếp khoe:

- Bác ơi, con làm bánh tổ nè, bác cháu mình cùng ăn nghen.

Bà tôi gật gù khen ngon. Tôi tò mò nhón lấy một miếng ăn thử, nó ngòn ngọt dai dai. Thứ bánh nhà quê này xem ra có khác với Sandwich, chocolate. Bà làm nhiều thứ bánh lắm, không kể hết được, nào là bánh ngọt, bánh ú....toàn là bánh nhà quê, mà hình như chỉ tôi ăn, ba mẹ, chị Lan đều tránh xa xa hỏi " Bánh đó ăn ra làm sao? " Tôi khoe "Sáng này nội làm bánh khọt ngọt ngon lắm."Chị Lan tròn mắt" bánh gì tên ngộ vậy?

Ừ, ngộ, ngộ chứ. Nội mua về cái lò đất khói tù mù. Cha tôi chê. Nội mang ra ngoài hè để đỡ ám khói tường nhà. Bà bảo: "Làm bánh khọt thì phải đốt bằng lò đất, nó mới ngon". Bà đốt lửa, mắt già tèm nhem nước mắt mùi khói thơm thơm, cay nồng. Mùa này nhiều trái bầu khô, nội hái vào móc ruột ra, lấy cái vỏ mằn mì gọt. Lâu lâu nội đưa lên nhìn, nheo nheo mắt. Tôi hỏi, nội gọt gì. Nội cười, đưa cho tôi mảnh vỏ dầy hình trái tim nỏ xíu.

- Mặt dây chuyền cho tụi nhỏ đeo.

Tôi không nén được xuỳ một tiếng.

- Thời này ai đeo mấy thứ này, nội làm chỉ mất công.

Trong đôi mắt đùng đục của bà, tôi thấy có một nỗi buồn sâu kín. Con chị bếp dưới quê lên, bà gói dúi vào tay nó mấy mảnh bầu. Con nhỏ hớn hở, vui thiệt là vui. Cũng niềm vui ấy, con bé bán vé số lỏn lẻn cười "Bà đẽo đẹp ghê ha". Hôm sau tôi thấy nó xúng xính xỏ cọng chỉ vào, đeo tòn ten trước cổ lạ lắm. Hình như tôi ngắm vàng ròng, cẩm thạch quen rồi. Tôi xin, bà móm mém cười "Bà để dành cho bay cái đẹp nhất nè".

Tôi gói trái tim xíu xíu kia bỏ vào ngăn tủ, chị Lan trông thấy giành "cho chị đi". Tôi lắc đầu. Chị giận bảo "chị cóc cần, ở chợ bán hàng khối". Nhưng rồi chị quay về nài nỉ tôi . Lần đầu tiền, tôi thấy món quà của nội dễ thường đến thế.

Giàn bầu vẫn trước ngõ. Cha tôi đã thôi khó chịu, hay bực dọc riết rồi chai đi, chẳng biết bực là gì nữa. Nhưng khách đến nhà, ai cũng khen "anh ba có giàn bầu đẹp thiệt". Họ săm soi, từng mảng lá cuống hoa. Khách nước ngoài còn kề má bên trái bầu xanh lún phún lông tơ mà chụp hình kỷ niệm. Mấy anh chị sinh viên đạp xe ngang dừng lại nhìn đau dấu qua rào rồi kháo nhau "Nhớ nhà quá, tụi mày ơi". Chiều chiều, tôi ra giàn bầu xanh rượi, mơ màng nghe con ong vò vẽ trên từng phiến lá, chớp mắt nhìn chim sâu lích rích chuyển cành, chuồn chuồn rồi bướm rồi hoa thi nhau nở chấp chới. Bà nội tôi yếu hơn trước, mùa mưa bắt đầu lướt sướt đi qua. Ông chủ tịch đến chơi nhà, ôm chầm lấy nội, lắc lắc "lúc này má khoẻ không?" Nội cười xoà mà nghe nghẹn nghẹn "khoẻ, má khỏe". Cha tôi sai chị bếp mang rượu thịt ra ông chủ tịch khóa tay:

- Thôi, chú bảo chị ấy nấu canh bầu ăn.

Cha hẩng mặt. Chị bếp lúi húi gọt bầu, mùi nước canh xông vào mũi thơm lừng. Ông chủ tịch day qua bà nội khoe "lâu quá không ăn canh bầu rồi, má!" nội cười: "má nhớ bay thích nhất là ăn bầu nấu tép bạc". Cha dôi dợm mình "để con đi mua tôm". Ông chủ tịch ấn vai, bảo "thôi, chú cứ ngồì xuống, anh thèm lắm rồi, không chờ chú được đâu". Hôm ấy cả nhà tôi ăn lại bát canh ngày xưa, nghe ngọt lìm lịm lưỡi. Chị bếp ngó nội, khoái chí cười đầy hàm ý. Hình như nội tôi vui.

Giàn bầu thưa hẳn đi. Cái giống lạ thật. Nắng bao lâu vẫn xanh tốt, mới mưa dầm lại héo dây. Tôi đập vỡ trái bầu khô, lấy hạt ra ươm. Mùa mưa dữ dội, nội tôi bệnh, bà bị chứng tai biến não. Nội lơ ngơ, đã cười đã khóc thì không sao dừng được, tay run rẩy cầm ca nước, bát cơm cũng khó. Trời đổ mưa, sấm giật ầm ầm, nội thều thào nhắc:

- Sắp nhỏ đừng hứng nước mưa đầu mùa, hổng tốt. Chà, mưa vầy ngập đồng rồi, ngâm giống gieo mạ đi thôi.

Bà nội lẩn thơ lẩn thẩn rồi, mà hình như bà chỉ nhớ về quá khứ. Nội hay ra ngoài hiên, chăm chăm nhìn giàn bầu đang run rẩy trong gió. Bà ngồi đấy lặng lẽ, thẫn thờ, như chờ một tiếng vạc sành, một tiếng ếch kêu. Tay bà lạnh ngắt, tôi chạy vào phòng lấy lọ dầu thoa, vẫn thấy mảnh bầu trái tim màu vàng trong ngăn kéo, cái màu vàng như của rạ, của lúa, như của mái nhà lá nhỏ lơ phơ dưới nắng chiều. Giàn bầu vẫn trước ngõ, có kẻ đi qua kêu lên, "tôi nhớ nhà". Cha tôi bảo: "có thể bứt người ta ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi chúng trái tim con người." Và cha tôi lại nói đúng.

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)

Câu 1. Xác định ngôi kể được tác giả sử dụng trong truyện. (0,5 điểm)

Câu 2. Tìm những từ ngữ, hình ảnh miêu tả giàn bầu trong truyện. (0,5 điểm)

Câu 3. Thái độ của mọi người trong gia đình nhân vật "tôi" đối với giàn bầu trước ngõ ra sao? Tại sao họ lại có thái độ như vậy? (1,0 điểm)

Câu 4. Nhân vật người bà là con người của chốn thôn quê hay của phố phường? Lí giải vì sao em khẳng định như vậy. (1,0 điểm)

Câu 5. Chỉ ra sự khác biệt về giá trị của giàn bầu đối với những thành viên trong gia đình nhân vật "tôi" và đối với những sinh viên, ông chủ tịch.

PHẦN II. VIẾT

Câu 1. Viết đoạn văn theo cấu trúc diễn dịch khoảng 12-15 câu trình bày những cảm nhận của anh/chị về nhân vật người bà trong truyện ngắn "Giàn bầu trước ngõ" của Nguyễn Ngọc Tư.

Câu 2. Trong cuộc sống vẫn luôn có sự chênh lệch, khác biệt về quan điểm, tư tưởng, thói quen giữa các thế hệ.

Theo anh/chị có cách nào, giải pháp nào để "xóa nhòa" sự chênh lệch khác biệt đó? Hãy trả lời câu hỏi trên bằng một bài văn nghị luận xã hội.

Đáp án

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)

Câu 1. Xác định ngôi kể được tác giả sử dụng trong truyện. (0,5 điểm)

Trả lời:

- Ngôi kể thứ nhất (vì người kể chuyện ở đây xưng "tôi", là người trực tiếp xuất hiện trong truyện).

Câu 2. Tìm những từ ngữ, hình ảnh miêu tả giàn bầu trong truyện. (0,5 điểm)

Trả lời:

Giàn bầu xanh rượi, mơ màng nghe con ong vò vẽ trên từng phiến lá, chớp mắt nhìn chim sâu lích rích chuyển cành, chuồn chuồn rồi bướm rồi hoa thi nhau nở chấp chới. (Gợi ý: đối với dạng câu hỏi nhận biết này, người viết chỉ cần đọc kĩ văn bản, tìm các chi tiết ứng vơi câu hỏi là được) => Ở dạng này người ta có 3 cách hỏi: Tìm từ ngữ/tìm hình ảnh/tìm từ ngữ và hình ảnh => 3 cách hỏi khác nhau nên trả lời cũng không giống nhau.

Câu 3. Thái độ của mọi người trong gia đình nhân vật "tôi" đối với giàn bầu trước ngõ ra sao? Tại sao họ lại có thái độ như vậy? (1,0 điểm)

Trả lời: Thái độ của mọi người trong gia đình nhân vật tôi đối với giàn bầu:

+ Bà: yêu thương thiết thiết giàn bầu, chăm sóc rất kĩ càng => giàn bầy xanh rượi, quả rất sai. Sở dĩ bà có thái độ như vậy vì bà đã từng sống ở quê, hình ảnh giàn bầu giúp bà vơi đi nỗi nhớ quê. Hơn nữa, nhờ có giàn bầu bà có việc để làm, để vui, để khuây khỏa chân tay.

+ Các thành viên còn lại trong gia đình: Cảm thấy phiền phức, khó chịu khi xuất hiện giàn bầu "Tôi không thích khi cưỡi xe vào tận thềm nhà lại phải rạp mình dưới giàn bầu ấy. Chị và mẹ tôi lại ngại tóc rối. Cha tôi khó chịu khi phải dắt quan khách len lỏi bên mấy trái bầu để vào căn nhà sang trọng".

- Sở dĩ mọi người có thái độ như vậy, bởi đối với bà, giàn bầu mang giá trị về mặt tinh thần, là hình ảnh biểu tượng cho hình bóng quê hương. Còn đối với các thành viên, đa số sinh sống lớn lên ở thành phố, nên không thể hiểu được hết giá trị của giàn bầu, với họ, giàn bầu chỉ có giá trị về mặt vật chất (giá trị rất thấp: ăn ba bữa chán, cho hàng xóm cũng không thiết tha)

(Gợi ý: Kiểu dạng câu hỏi thái độ và tại sao? Đối với dạng câu hỏi này, chúng ta cần căn cứ vào sở thích, tính cách, hoàn cảnh của mỗi người đối với một hình ảnh/một sự vật, một sự việc nào đó để đi lí giải vì sao họ lại có thái độ như vậy? Khi lí giải, cần chú ý, hình ảnh/sự vật đó có gắn bó với họ không? Đối với họ hình ảnh/ sự vật ấy biểu tượng cho điều gì? Mang giá trị gì?)

Câu 4. Nhân vật người bà là con người của chốn thôn quê hay của phố phường? Lí giải vì sao em khẳng định như vậy. (1,0 điểm)

- Trả lời: Ở dạng câu hỏi này, HS có quyền lựa chọn một trong hai đáp án. Quan trọng nhất phải lí giải thuyết phục. Dạng câu hỏi này, cần căn cứ vào cốt truyện và những chi tiết trong truyện để lập luận, lí giải.

- Gợi ý: Câu này HS nên chọn bà là con người của chốn thôn quê vì: bà sinh ra lớn lên và lập nghiệp ở chốn thôn quê trong khoảng thời gian dài; hình bóng quê hương luôn ngập tràn trong trái tim bà (từ giàn bầu, cách làm bánh, cách nấu canh, làm đồ chơi từ vỏ quả bầu khô => đều mang đậm tư duy, cách làm, cách nghĩ của người ở chốn thôn quê); hình ảnh giàn bầu mang đậm hồn quê => bà đã mang quê hương lên thành phố, gửi tình yêu và nỗi nhớ quê hương vào giàn bầu => đã ra quê những lòng vẫn nặng lòng với quê "dẫu lìa ngõ ý, còn vương tơ lòng".

Câu 5. Chỉ ra sự khác biệt về giá trị của giàn bầu đối với những thành viên trong gia đình nhân vật "tôi" và đối với những sinh viên, ông chủ tịch.

Trả lời:

Đối với các thành viên trong gia đình

Đối với ông chủ tịch và những sinh viên

- Giàn bầu mang giá trị về vật chất rất nhỏ (ăn vài bữa là chán, cho hàng xóm cũng không đặt; giàn bầu chỉ mang lại những phiền phức.

- Giàn bầu rất có giá trị về mặt tinh thần, đối với họ giàn bầu, canh bầu là hình dáng, là biểu tượng của hồn quê. Vì thế, sinh viên nhìn thấy giàn bầu thấy nhớ nhà; ông chủ tịch ăn canh bầu bằng cả tâm hồn và trái tim

(Gợi ý: Đối với kiểu bài so sánh này, điều quan trọng nhất HS chỉ ra sự khác biết của sự vật/sự việc...Mỗi sự vật sẽ có ý nghĩa về giá trị vật chất, giá trị tinh thần/ yếu tố kỉ niệm...Nên khi chỉ ra sự khác biệt, HS cần huy động những kiến thức này để lí giải thấu đáo)

PHẦN II. VIẾT

Câu 1. Viết đoạn văn theo cấu trúc diễn dịch khoảng 12-15 câu trình bày những cảm nhận của anh/chị về nhân vật người bà trong truyện ngắn "Giàn bầu trước ngõ" của Nguyễn Ngọc Tư.

Gợi ý:

* Về hình thức:

- Đoạn diễn dịch: Câu chủ đề nằm ở đầu đoạn

- Dung lượng: 12-15 câu

* Về nội dung: Vẻ đẹp của bà

- Bà là người yêu quê hương tha thiết (trồng bầu, làm bánh, làm "đồ trang sức" từ vỏ bầu...)

- Bà là người mẹ thương con (lo cho con ăn uống không đều dễ bị bệnh); thương yêu các cháu (muốn làm cho các cháu nhiều thứ hay và ngon.

- Bà là một người phụ nữ rất khéo léo: làm bánh, làm "đồ trang sức" từ vỏ quả bầu khô.

=> Thái độ của tác giả: tình yêu thương, quý trọng và chút buồn man mác về cuộc đời bà cô đơn trong chính ngôi nhà giàu đẹp giữa thành phố mặc dù bà sống cùng con cùng cháu.

* Lưu ý: Trong quá trình làm bài, HS tránh tóm tắt lại câu chuyện; cần biết chọn lọc chi tiết biểu để phân tích, lí giải làm rõ vẻ đẹp của bà; làm rõ sự cô đơn, nỗi buồn man mác của người bà khi bị tách khỏi quê hương. Khi phân tích phải trả lời câu hỏi tại sao, như thế nào? Giữa các luận cứ cần có sự lập luận, chuyển ý linh hoạt phù hợp.

Câu 2. Trong cuộc sống vẫn luôn có sự chênh lệch, khác biệt về quan điểm, tư tưởng, thói quen giữa các thế hệ trong gia đình.

Theo anh/chị có cách nào, giải pháp nào để "xóa nhòa" sự chênh lệch khác biệt đó? Hãy trả lời câu hỏi trên bằng một bài văn nghị luận xã hội.

* Gợi ý:

- HS cần xác định đúng kiểu bài: bàn về giải pháp (muốn đưa ra giải pháp đúng, người viết cần hiểu rất rõ vấn đề, thực trạng và đặc biệt là nguyên nhân).

- VĐNL: Cách xóa nhòa sự chênh lệch, khác biệt về quan điểm, tư tưởng, thói quen giữa các thế hệ. Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn luôn tồn tại trong gia đình nhiều đời nay, vẫn chưa có cách giải pháp nào hữu hiệu.

- Ở bài viết này, HS phải rất quan tâm thương yêu gia đình; có khả năng quan sát, trải nghiệm, cần có sự tinh tế, lập luận tốt thì mới đưa ra những giải pháp có tính thiết thực, hiệu quả cao.

* Dàn ý:

- MB:

+ Dẫn dắt

+ Nêu vấn đề nghị luận: Khoảng cách giữa, chênh lệch về quan điểm, tư tưởng, thói quen giữa các thế hệ trong gia đình => giải pháp hữu hiệu.

- TB:

1. Giải thích khái niệm và nêu thực trạng:

- Gia đình là một tế bào của xã hội; các thành viên trong gia đình được xây dựng, gắn kết thông qua mối quan hệ hôn nhân và huyết thống => mối quan hệ ruột tình, nghĩa tình, trách nhiệm. Đây là mối quan hệ gần gũi, thân thiết, thiêng liêng và bền chặt nhất trong các mỗi quan hệ.

- Các thành viên trong gia đình thường khoảng 2-3 thế hệ sinh sống. Mỗi thế hệ cách biết với nhau về tuổi tác, thời đại, hệ tư tưởng và nhân sinh quan. Chính vì thế, khoảng cách sự chênh lệch về quan điểm, tư tưởng, thói quen giữa các thành viên, giữa các thế hệ ngày càng lớn.

- Tuy nhiên, có một thực trạng

2. Nguyên nhân:

- Thời đại, lứa tuổi: Xã hội ngày càng phát triển, mỗi ngày sự thay đổi đó là diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ; những giá trị, thành tựu của ngày hôm qua đã nhanh chóng trở nên cũ kĩ, lạc hậu so với ngày hôm nay.

- Thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, vì thế, giới trẻ có xu hướng sống nhanh, sống vội lượt tiktok với những đoạn video cực ngắn => hình thành lối sống, cách sống mì ăn liền. Họ luôn bắt trend cập nhật những trend mới, thậm chí là cả các dòng văn hóa ngoại lai.

- Trong khi đó, thế hệ đi trước, nhất là các ông, bà, các cụ là con người của lớp cũ, những con người đã rút ra những sợi dây kinh nghiệm dài dằng dặc; đã trải qua bao lần vấp ngã để đứng dậy vươn lên trưởng thành. Họ đem những kinh nghiệm đó truyền lại, chia sẻ cho thế hệ sau. Các bạn trẻ, khi nghe những điều đó lại cảm thấy rườm rà phiền phức, thấy các cụ cổ hổ, lỗi thời, quan điểm đó, kinh nghiệm đó, cách nghĩ đó không còn phù hợp. Họ nghe nhưng bỏ ngoài tai, thậm chí có một số kẻ phản ứng tức thời, không nghe, phản ứng lại gay gắt.

=> Đây chính là nguyên nhân, khiến cho các thành viên trong gia đình ngày càng cách xa, khó hòa hợp, thường xảy ra bất đồng về quan điểm.

- Hơn nữa, những thế hệ đi trước cậy mình có quyền nên áp đặt, bắt con, cháu phải theo những gì mình đưa ra....

3. Hậu quả:

- Sự bất đồng, chênh lệch về quan điểm vô tình đã bào mòn sợi dây liên kết, gắn kết các thành viên trong gia đình giữa các thế hệ trở nên mỏng mảnh hơn bao giờ hết.

- Sự bất đồng nếu không được giải quyết có khi còn căng thẳng, quyết liệt dẫn đến sự xung đột.

- Một số thành viên trở nên cô đơn, buồn chán chính ngôi nhà của mình...

4. Cách giải quyết để "xóa nhòa" sự chênh lệch:

- Thứ nhất, các thành viên cần phải nắm chắc tâm lí xã hội, những quy luật cơ bản của cuộc sống; biết đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu bản thân, hiểu các thành viên trong gia đình hơn. Bởi chỉ có khi hiểu được tâm lí xã hội (người già thường ra sao? trẻ em thường có tâm lí như thế nào? Thời đại này đang sống và nghĩ như thế nào?); nắm được những quy luật bất di bất dịch của cuộc sống, con người ta mới biết mình ứng xử như thế, giữ gìn quan điểm đó là đúng hay sai.

- Thứ hai, cần bỏ tư tưởng bảo thủ, duy ý chí...

- Thứ ba, người lớn cần bỏ tư duy áp đặt lên cuộc đời trẻ, hãy cho chúng được sống chính cuộc đời của chúng, để chúng lập trình đúng cuộc đời bằng đam mê, khát vọng với tất cả năng lực, sở trường được phát huy.

- Thứ tư, trẻ em cần được uốn năn, giáo dục từ bé về hệ tư tưởng cơ bản cốt lõi như kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo, đạo hiếu, cách học ăn học nói học gói học mở...=> để từ đó, giữa người lớn và trẻ em, giữa thế hệ đi trước và thế hệ đi sau đã có hệ tư tưởng chung cốt lõi.

- Thứ năm, trẻ cần biết lắng nghe, biết phân biệt được thật-giả, phải -trái.

- Thứ sáu, các thành viên trong gia đình cần tiết chế cảm xúc khi trao đổi, trò chuyện hoặc bày tỏ quan điểm, ý kiến.

- Thứ bảy, các thành viên thuộc thế hệ đi trước cũng cần luôn cập nhật cái mới để sống phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của cuộc sống hiện đại.

=> Chỉ có xóa nhòa khoảng cách về mặt tư tưởng, con người ta mới cảm thấy hạnh phúc, ấm áp ngay trên chính ngôi nhà của mình.

- KB: Không có khoảng cách nào là vô hình mà lại hiện hữu xung quanh các thành viên trong gia đình, giữa thế hệ đi trước với thế hệ đi sau lại khủng khiếp như thế khi những mâu thuẫn bắt nguồn từ tư tưởng, quan điểm. Vì thế, rút ngắn, xóa nhòa khoảng cách vô hình, khoảng ồn ào nóng rực và khoảng lặng lạnh lẽo giữa các thành viên trong gia đình là một việc làm thiết thực và nhân văn.

Trên đây là một số nội dung kiến thức về phần đọc hiểu văn bản Giàn bầu trước ngõ, mời các bạn cùng tham khảo một số nội dung khác của Hoatieu:

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
21 48.237
0 Bình luận
Sắp xếp theo