Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài Tràng Giang

Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài Tràng Giang - Tràng giang là một tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Huy Cận được trích từ tập Lửa thiêng. Bài thơ là một bức tranh tranh thiên nhiên trời rộng sông dài mang một nét buồn mênh mang bất tận. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài Tràng Giang kèm theo bài văn mẫu cảm nhận vẻ đẹp hai khổ thơ cuối bài Tràng giang hay và ngắn gọn, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Dàn ý cảm nhận 2 khổ cuối bài Tràng giang

Dàn ý cảm nhận 2 khổ cuối bài Tràng giang

2. Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài Tràng giang ngắn gọn

Độc giả biết đến hồn thơ của Huy Cận trước cách mạng là một hồn thơ sầu, buồn trước nỗi sầu nhân thế. Đến với bài thơ “Tràng giang”, ta lại bắt gặp một nỗi buồn, cô đơn sâu sắc của tác giả trước cuộc đời. Đặc biệt, nỗi sầu buồn ấy được làm nổi bật trong hai khổ thơ cuối của bài thơ.

Khổ thơ thứ 3 đã gợi ra hình ảnh một kiếp người nhỏ bé, vô định, chênh vênh trước dòng đời mang nét cổ kính:

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”

Hình ảnh “bèo dạt” như gợi bão tố của cuộc đời đang xô đẩy số phận một con người nhỏ bé như hình ảnh bèo cô độc, bị xô đẩy. Con người như cùng bơ vơ trước cuộc đời. Điệp từ “không” nhấn mạnh sự trống vắng, thiếu hụt, mất mát. Nó góp phần phủ định hiệu quả. Dòng sông là bức tường ngăn cách, phương tiện đi qua nó là “đò”, “cầu”, là cái khiến con người xóa bớt sự cô đơn. Nhưng ở đầy, đã có sự phủ định tuyệt đối “không cầu”, “không đò”, đó lại là sự khẳng định không có bất kì tín hiệu, mối liên hệ nào để con người gần gũi nhau, giá trị sống của con người đang bị hoàn toàn tiêu diệt. Nếu bị tước đoạt những thứ giúp con người đến với nhau thì không cuộc sống không có giá trị. Phương tiện giúp con người xóa đi sự xa cách mà ở hoàn cảnh này lại hoàn toàn không có. Sự sống của con người dường như bị tiêu diệt, vì sống giữa cuộc đời mà không có sự liên hệ, cảm thông hay chia sẻ. Hình ảnh “bờ xanh’, “bãi vàng” là hai sự vật vốn dĩ đứng cạnh nhau mà lại không có một mối liên hệ ràng buộc nào. “Lặng lẽ” chỉ hoạt động âm thầm, kín đáo, riêng lẻ. Tác giả đã gợi ra bức tranh cảnh vật hoang vắng, thiếu hơi ấm tình người.

Khổ thơ thứ 4 gợi ra cả một bầu tâm sự của tác giả:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vờn con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Hình ảnh “mây cao”, “núi bạc” mang hình ảnh kì vĩ, mang tầm vóc lớn. Nhà thơ đã lựa chọn sử dụng những hình ảnh lớn lao, kì vĩ, mượn từ “đùn” của nhà thơ Đường, đó là sự chuyển động từ bên trong đẩy ra bên ngoài: từng lớp mây trắng cứ bung nở, tỏa ra thành một núi bạc. “Lớp lớp” là nhiều, chồng lên nhau, không có điểm kết thúc. Hình ảnh mây trắng hết lớp này đến lớp khác như một cây bút bông nở lên trên trời cao. Mây trông như những ngọn núi bạc, mây là núi, núi tựa mây. Hình ảnh “cánh chim” là một công thức ước lệ trong thơ cổ, lấy cánh chim để gọi buổi chiều, nói hộ tâm trạng con người. Hình ảnh “cánh chim” gợi sự sống cho cảnh vật, nhưng cánh chim nhỏ lại nghiêng đi, không chịu được sức nặng của bóng chiều đang xa xuống, tạo sự đối lập giữa cảnh bầu trời cao rộng hùng vĩ ở câu trên và cánh chim nhỏ bé ở câu dưới. Câu thơ cuối cùng “không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” chính là tâm sự nhớ quê hương mà tác giả gửi gắm. Cách thể hiện nỗi nhớ nhà: không cần có yếu tố gợi nhớ mà vẫn nhớ vì nỗi nhớ luôn thường trực ở trong tâm hồn thi sĩ. Huy Cận đứng trước dòng sông của đất nước, thể hiện tâm sự của nhà thơ đối với đất nước. Người đọc nhận ra được sự cô độc của tác giả do mất quê hương, đây là một tâm trạng thầm kín, thể hiện tình yêu nước của nhà thơ.

“Tràng giang” là một bức tranh thiên nhiên đẹp nhưng buồn, đặc biệt hai khổ thơ cuối thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của nhà thơ. Tình yêu ấy mang tâm sự thầm kín của tác giả. Trong đó còn có sự kết hợp giữa hiện đại và cổ điển, xứng đáng là bài thơ hay nhất của tập “Lửa thiêng”.

3. Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài Tràng giang của Huy Cận

Chẳng phải là ánh dương rực rỡ, cũng chẳng phải sắc tử quang chiều tà nhưng mỗi người nghệ sĩ luôn là người lái tàu siêu phàm, nâng cả con thuyền đời đến với những miền đất hứa xa xôi rồi lại trở về với đất mẹ dấu yêu. Phải chăng vì thế mà đã có những vần thơ "lên tiên" cùng Thế Lữ, "phiêu lưu với tình trường" của Lưu Trọng Lư, "điên cuồng với Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên", "đắm say cùng Xuân Diệu".. (Hoài Thanh). Thế nhưng, đời vẫn mãi là đời và khi "động tiên khép lại", "ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận" Cuộc đời và thơ ca là những cung đàn ảo não và khi ta trở về cùng nỗi sầu "không gì ngoài nghĩa khổ đau" thì Huy Cận chính là người bạn đồng hành, đồng cảm với ta trên khắp mọi nẻo đường cảm xúc. Phải vậy chăng mà những tác phẩm của ông, đặc biệt là bài thơ Tràng giang mới thấm đẫm ánh buồn. Điều đó được thể hiện ở hai khổ thơ cuối bài:

"Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: Bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."​

Nếu như Xuân Diệu được mệnh danh là Chủ soái dòng Tây, Nguyễn Bính được coi là Chủ soái dòng quê thì danh vị Chủ soái dòng Đường đích xác thuộc về nhà thơ Huy Cận. Sinh thời, một trong những gương mặt suất sắc của phong trào thơ mới, còn được mệnh danh là "hồn thơ ảo não" ấy cũng đã tự nhận mình có ảnh hưởng không nhỏ của thơ ca cổ điển, đặc biệt là thơ Đường. Bởi vậy, sáng tác của ông luôn có sự kết hợp nhuần huyễn giữa 2 yếu tố hiện đại và cổ điển. Bài thơ "Tràng giang" ra đời năm 1939 và được in trong tập "Lửa thiêng" đã xuất sắc thể hiện cái tôi đa sầu, đa cảm qua màu sắc nghệ thuật hết sức đặc trưng ấy.

Cảm hứng chủ đạo và tình thơ da diết, tình đời đằm thắm của Huy Cận trong "Tràng giang" được gửi gắm và bộc lộ trước hết là qua lời đề từ:

"Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài"​

Câu thơ thất ngôn mang màu sắc cổ điển đã thâu tóm khá chính xác và đầy đủ cả tình "bâng khuâng, nhớ" và cảnh "trời rộng, sông dài" của thi phẩm. Đồng thời, gợi nhạc điệu, bâng khuâng da diết, thấm đẫm nỗi buồn của một cái tôi lãng mạn trước cảnh sông nước mênh mông hiu quạnh và gợi nỗi tàn tạ, lẻ loi, chia lìa của tình quê da diết khôn nguôi.

Có nhà phê bình nào đó tinh tế nhận xét rằng: Thơ Huy Cận không phải rượu rót vào chén (tức là không say nồng) mà là men đang lên, không phải hoa trên cành (tức không khoe sắc nhất thời) mà là nhựa đang chuyển. Đúng thế! Cái hồn thơ bề ngoài như lặng lẽ mà hóa ra lại rất cao, rất rộng của Huy Cận quả là khó nắm bắt. Càng đọc, càng ngẫm thơ Huy Cận, ta càng thấy nhận định trên thật đúng đắn. Bởi chỉ với hai khổ thơ đầu bài Tràng giang, Huy Cận vừa gợi tả nỗi sầu không gian mà lại vừa gửi gắm và làm lắng đọng lại bao xúc cảm bồi hồi, ảo não của nhân vật trữ tình trước cảnh thiên nhiên dài rộng. Không gian càng được mở rộng ra bao nhiêu thì nỗi buồn trong trái tim thổn thức cũng nở rộng ra bấy nhiêu, choáng lấy bộ não khiến cho người thi sĩ bủn rủn đến tê dại. Thiên nhiên càng đẹp, càng hùng vĩ bao nhiêu thì chính là bấy nhiêu con dao cùn đang cắt xẻo tim gan người con tài hoa sinh nhầm thời.

Để rồi đến với khổ thơ thứ ba của bài, nỗi sầu vạn kỉ ấy càng được bộc lộ nhiều hơn và rõ hơn, trước hết là ở câu thơ đầu tiên:

"Bèo dạt về đâu hàng nối hàng"​

Hình ảnh cánh bèo đã xuất hiện vô số lần trong thơ ca Việt Nam. Cánh bèo dập dìu, vô định trôi giữa lòng sông mênh mông đã đem đến cho Huy Cận những liên tưởng sâu sắc. Cánh bèo không còn là chốn cư ngụ của những chú cá nhỏ trong làn ao thu, là nơi dừng chân cho những suy tư miên man sầu nặng của vị ẩn sĩ Nguyễn Khuyến: "Cá đâu đớp độn dưới chân bèo" (Thu điếu) nữa mà đã trở thành nỗi băn khoăn, trăn trở như nỗi lòng của người phụ nữ trong muôn lời ca dao mà bà và mẹ vẫn hằng nhắc đến:

"Thân em như cánh bèo trôi

Sóng dập, gió dồi biết tấp vào đâu"​

Hay:

"Chàng ơi thương thiếp mồ côi

Như bèo cạn nước biết trôi đằng nào"​

Cánh bèo giờ đây tượng trưng cho những kiếp người bé nhỏ, nổi trôi mà chẳng thể nương ai, ngóng ai. Hay phải chăng chính Huy Cận cũng hóa thân làm một cánh bèo mà bâng khuâng, sầu muộn. Bởi trong khoảng thời gian ấy, người nghệ sĩ đã đỗ tú tài toàn phần tại Huế, lựa chọn rời xa quê hương yêu dấu mà ra Hà Nội học. Đứng trước bước ngoặt của cuộc đời, phải chăng ông cũng rất lo âu, vô định khi không biết tương lai của mình sẽ trôi dạt về đâu. Một câu hỏi tu từ "về đâu" không có lời đáp như xào nấu thêm cho nỗi đau khắc khoải, hoài nghi về kiếp người, kiếp mình trôi dạt mất phương hướng. Câu thơ hoàn toàn không có âm thanh và điệp từ "hàng nối hàng" như một công cụ đánh sâu vào thị giác, cảm xúc của con người. "Hàng nối hàng" - chắc chắn là nhiều chứ không phải một, nhiều "cánh bèo" cũng tức là nhiều kiếp người cơ cực, nổi trôi. Những cánh bèo ấy cứ nối đuôi nhau mà đến trong sự im lặng đến đáng sợ của thiên nhiên và lòng người. Người thi sĩ Huy Cận lo lắng cho bản thân, cho những cánh bèo bởi ông không thể tiên đoán được rằng liệu những cánh bèo ấy sẽ tiếp tục bám trụ giữa lòng sông hay sẽ nhanh chóng bị xô đẩy đến tan tác, điêu tàn.

Cánh bèo phải chăng chỉ mang ý nghĩa như vậy? Soi chiếu vào lòng thơ Huy Cận, tôi thiết nghĩ không phải vậy. Cánh bèo có lẽ mang một tầng nghĩa ẩn tàng ít ai để ý tới, như "cánh bèo" trong câu ca dao:

"Tiếc thay cái giếng nước trong

Để cho bèo tấm, bèo ong lọt vào"​

Cánh bèo không còn là hiện thân cho những kiếp người cùng khổ nữa mà là đại diện cho những thế lực xâm lăng tàn bạo không đáng có. "Bèo" cứ "hàng nối hàng" mà đến, lặng yên không tiếng động mà vấy bẩn tấm lụa tinh khôi, gây ra bao nỗi oán than, cơ hàn cho muôn vàn sinh linh nhỏ bé. Phải chăng, Huy Cận đang rùng mình ghê sợ trước viễn cảnh một ngày kia đất nước sẽ bị "bèo" chiếm cứ và những con người yêu bầu trời như Huy Cận sẽ chẳng có nổi một khe hở để mà xông pha.

Dời mắt khỏi cánh bèo nhỏ bé, đập vào mắt Huy Cận là những sự vật hết sức quen thuộc mà nay lại như bị phủ một lớp bụi mờ không thể nào trông thấy được nữa:

"Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật"​

Với những con người xa quê, "đò" và "cầu", "thuyền" và "bến" đã trở thành một biểu tượng khắc cốt ghi tâm của quê hương xứ sở. Hình bóng con đò với chiếc cầu độc mộc đã phần nào gửi gắm khát khao giao hòa, giao cảm trong tình người, tình đời của con người đi tìm chữ. Giữa khung cảnh bát ngát mênh mông của bến sông Hồng, nhà thơ khát khao được nhìn thấy bóng hình của con đò, của cây cầu như là minh chứng cho sự tồn tại và sinh hoạt của con người. "Mênh mông" nhưng lại thật hoang vắng, không có lấy "một" sự kết nối nào khiến người thi sĩ bẽ bàng nhận ra sự cô đơn, vắng lặng của con người trước thiên nhiên, tạo vật. Cấu trúc phủ định: ".. không.. không.." được sử dụng như nhấn mạnh thêm những kết nối của con người với thiên nhiên. Chẳng có một chuyến đò nào đi ngang sang bờ bên kia, cũng chẳng có chuyến đò nào níu kéo hai đầu con nước như ca dao tình tứ:

"Anh về xẻ ván cho dày

Bắc cầu sông cái cho thầy mẹ sang

Thầy mẹ sang em cũng sang theo

Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo."​

Nỗi cô đơn, tĩnh lặng cứ ngày một tràn lên, bủa vây, giam hãm con người như xiềng xích nhưng chẳng ai có thể cứu lấy nhà thơ. Phương tiện giao liên duy nhất là "đò" và "cầu" đã mất, giờ đây chỉ còn mình Huy Cận trên mỏm đá trơ trọi, dõi mắt nhìn theo bóng hình hư hư, ảo ảo của quê hương bên kia cây cầu trời. Ông như một người lữ hành trên sa mạc, vì quá khát khao, nhớ mong nên "nguồn nước" mới như xa như gần, tưởng đâu đã chạm tới nhưng khi mở bàn tay ra lại chỉ là một nắm cát chảy xuôi giữa các ngón. Sự "thân mật" tác giả hằng mong chẳng thể đến cho kịp lúc để rồi Huy Cận trầm ngâm mà chết lặng thưởng thức:

"Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng"​

Màu xanh mà cây bút có thần này muốn nói tới là gì? Là làn nước, là bầu trời, là hy vọng và rồi khi "bờ xanh tiếp bãi vàng", con thuyền vô hình đã cập bến thì màu xanh tươi mơn mởn đã trở thành sắc vàng héo úa, tàn phai. Sự nỗi tiếp, sự trải dài miên man không ngừng của bờ bãi được liệt kê như càng mở rộng thêm nỗi sầu bén nhọn. Cảnh vật tuy có thêm màu sắc nhưng lại hết sức nhạt nhòa, rời rạc, không một tia gắn kết. Đây cũng là một chi tiết tả thực trong "Tràng giang". Bởi khi nhà sáng tạo con chữ Huy Cận hạ bút biết lên bài thơ này, thời tiết đã ngả về thu. Dưới con mắt của Huy Cận, bầu trời không hề:

"Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu"​

Nữa mà thay vào đó là "bờ xanh" và "bãi vàng". Nếu như Hữu Thỉnh nhìn thấy một làn mây chứa đựng cả hai mùa thì nay Huy Cận lại thấy các mùa như chia lìa, phân tách rõ rệt và sòng phẳng. Từ láy "lặng lẽ" được đảo lên đầu tựa như một đầu mối và khi ta lần theo dấu vết, ở một góc nào đó, Huy Cận hoàn toàn chìm đắm vào trạng thái "lặng lẽ" mà chẳng còn hứng thú với sự chuyển mình của thiên nhiên đất trời. Sự tĩnh lặng gần như là tuyệt đối và lòng người càng thấm thía hơn sự cô đơn, lạnh lùng của chính bản thân và vạn vật xung quanh.

"Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm

Gió trăng ơi! Nay còn nhớ chàng chăng?"​

Không biết tự lúc nào, nỗi sầu của Huy Cận đã thấm vào gió, vào trăng, để hình tượng của tâm hồn ảo não cứ thế khắc ghi sâu mãi. Để rồi ngay tại đây, ở khổ thơ cuối bài. Huy Cận lại một lần nữa chuyển giao nỗi buồn của thiên nhiên từ lòng mình về lại thiên nhiên:

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cách nhỏ: Bóng chiều sa."​

"Thiên nhiên tạo vật buồn nhưng đôi lúc bộc lộ vẻ đẹp kì vĩ, lạ lùng." Đó là lời tự bạch của chính Huy Cận về hai câu thơ này. Thật vậy, không có gì vui mừng và rạo rực hơn là lúc bình minh, cũng chẳng có gì buồn tan tác bằng khi chiều tà, khi "bóng chiều sa". Động từ "đùn" cho thấy được sự vận động đầy mạnh mẽ của cảnh vật, những đám mây như đang "lớp lớp" chất chồng lên nhau, đùn đẩy, nô đùa nhau tạo nên một khung cảnh phi thường. "Núi bạc" – một sự liên tưởng độc đáo đến không ngờ. Dưới "bóng chiều sa" nhưng những dãy núi lại khoác lên mình chiếc áo màu bạc. Những dãy núi ấy liệu chăng là những dãy núi vừa hứng cơn mưa, giọt mưa vẫn còn đọng lại trên kẽ lá và khi ánh chiều náo nức đùa nô chạy đến, những giọt "lệ trời" mới lấp lánh ánh bạc. Hay phải chăng, Huy Cận nói "núi" nhưng thực chất lại tả sông. Con người ảo não ấy liệu có đang lấy độ cao của núi để nói về lòng sông sâu cạn như cụm từ "sâu chót vót" ở khổ thơ trên:

"Nắng xuống trời lên, sâu chót vót."​

Phải chăng, thể xác Huy Cận đang đứng ở bến Chèm, bến Vẽ nhưng hồn ông lại đang phiêu lưu cùng áng mây tại một thế giới đảo ngược song song nào khác. Ta tưởng như Huy Cận đang ngồi vắt vẻo trên những tầng mây, nhoài người nhìn xuống và khi bắt gặp một tràng giang mênh mang sóng nước, ông như vừa mê vừa tỉnh đến chẳng phân biệt nổi là lòng sông "sâu" hay "cao".

Động từ "đùn" được Huy Cận tài tình đặt ở giữa câu thơ khiến cảnh không tĩnh mà rất động. Sức sống bền bỉ, dồn nén trong tạo vật như bật tung ra. Nếu như trong thơ Đường, nhà thơ Đỗ Phủ viết:

"Mặt đất mây đùn cửa ải xa."​

Để thể hiện sức mạnh tiềm tàng của sự vật tưởng chừng như bé nhỏ như mây thì nay cũng một từ "đùn", cũng một cảnh mây nhưng mây của Huy Cận không phải được quan sát từ xa, mây cũng không sà xuống bao trọn mặt đất mà như đang đẩy nhau nổ bung trên nền trời. Giữa khung cảnh tráng lệ ngây ngất và dịu êm ấy có sự xuất hiện của một cánh chim nhỏ bé – loài chim. Trên bầu trời cao lồng lộng, cánh chim nhỏ hiện lên có chút cô liêu đến não nề. Nếu như Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã vẽ ra một cánh bằng đội trời đạp đất, xé nát trời mây – Từ Hải:

"Quyết lời dứt áo ra đi

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi."

(Chí khí anh hùng)​

Thì nay cánh chim của Huy Cận lại thật đáng thương. Hình ảnh chú chim nhỏ bé, mệt mỏi chao nghiêng như đối lập hoàn toàn với cảnh hoàng hôn hùng vĩ ấy. Giờ phút ấy, dưới con mắt đầy âu sầu khắc khoải của người thi sĩ, chiều buông vốn là sự tuần hoàn của thiên nhiên, vô hình vô dạng lại biết "sa". Thế nhưng, sự cô liêu trong cảnh vật và tâm tình đã níu Huy Cận lại chỉ kịp để ông nhìn thấy một "bóng chiều sa" chứ không thể nhìn thấy và chiêm ngưỡng hoàn toàn vẻ đẹp của vị thần "chiều". Vậy mà, chỉ là "bóng" thôi nhưng cũng chứa đựng sức nặng của cả ngàn cân khiến cánh chim nhỏ bé phải chao nghiêng. Dấu hai chấm thần tình đặt ở giữa câu như đang gợi nhớ về mối quan hệ của cánh chim và bóng chiều: Chim nghiêng cánh để kéo bóng chiều cùng sa xuống hay bóng chiều làm nghiêng lệch, chếnh choáng đôi cánh con chim. Tôi thiết nghĩ là ý sau và lúc này đây, cánh chim cũng tựa như hình thể của tâm hồn người nghệ sĩ lạc lõng cô liêu giữa thế trận ầm ầm hổ ngồi rồng cuộn mà chẳng biết kiếp "chim trời" của mình sẽ tới được đến đâu. Khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ nhưng lòng người cứ ngây ngẩn với men sầu.

Những nhà thơ mới – họ là những con người đi tìm câu từ mới, chất liệu mới, thi iệu mới và ở ngay tại đây, trong khổ thơ kết tinh toàn bộ bài thơ Tràng giang, Huy Cận đã để cho ta chiêm ngưỡng trọn vẹn hồn thơ "càng đi sâu càng thấy lạnh" (Hoài Thanh) của mình:

"Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."​

Thi nhân xưa tức cảnh mới sinh tình, nỗi buồn được khơi gợi từ ngoại cảnh nhưng các nhà thơ lãng mạn lại khác. Nỗi buồn của họ là cố hữu, nó đã ăn sâu, bén rễ trong tâm trí để rồi bất cứ khi nào cũng có thể trào dâng mãnh liệt. Trong suốt hành trình "Tràng giang", ta luôn bắt gặp những từ láy: "Điệp điệp", "song song", "đìu hiu", "lớp lớp".. tựa như một bản hợp ca buồn và kết thúc bởi từ láy "dợn dợn" như gợi lên những nhịp sóng nước, sóng lòng. "Dợn dợn" diễn tả hết sức tinh tế sự trống trải, rợn ngợp của nhà thơ trong khoảnh khắc "cơn nghiện lại lên" và tình quê lại càng căng đầy sung mãn.

Có một nhận xét rằng: "Trong nền văn học mới, Huy Cận đã làm một việc táo bạo: Tìm về cảnh xưa, nơi bao người đã sa lầy – tôi muốn nói là sa vào khuôn sáo. Người nói cùng ta nỗi buồn nơi quán chật, đèo cao, nỗi buồn của sông dài trời rộng, nỗi buồn của người thứ lữ." Tôi thấy thật đúng. Bởi Huy Cận cũng buồn và không ai hiểu nổi lòng của "những sầu nhân" hơn là một "sầu nhân". Đứng trước sông dài, trời rộng, "tình quê" đã hóa thành "lòng quê" dập dìu và trào lên mãnh liệt. Tấm lòng quê được toát lên trong một câu thơ vừa cổ điển, vừa hiện đại. Cổ điển ở cảnh xưa, khói sóng, ở kết cấu thơ Đường, còn hiện đại lại ở cách nói trái ngược với ý của Thôi Hiệu – một sự cách tân mới mẻ, độc đáo của một hồn thơ lãng mạn:

"Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu"​

Dịch là:

"Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai."

(Hoàng Hạc lâu)​

Xưa kia đứng trên lầu Hoàng Hạc, Thôi Hiệu nhìn thấy khói sương phủ mờ trên sông mà thổn thức tình quê. Nhưng nay, Huy Cận không cần cái mở ảo của khói sóng tác động vào thị giác, cảm giác, cũng không cần cái se lạnh thấm vào da thịt nhưng "lòng quê" vẫn trào dâng. Rõ ràng, tâm tình Huy Cận sâu lắng hơn, thường trực hơn và luôn sẵn sàng tỏa ra, thấm vào sự vật, sự việc xung quanh. Tuy nhiên, "nhớ nhà" ở đây không chỉ là nhớ mảnh đất Hà Tĩnh chôn rau cắt rốn mà còn mang nghĩa rộng hơn là nhớ cả quê hương, cả đất nước Việt Nam. Khi phát xít Đức xâm chiếm nước Pháp, chiếm đóng Pa-ri, nhà thơ Aragon cảm thấy lạc loài ngay trên chính quê hương của mình. Tới nay, trước cảnh nhân dân lầm than cơ cực, sống cuộc đời nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp, Huy Cận cũng mang nỗi niềm, tâm trạng như thế, thậm chí còn hơn thế. Chính bởi vậy, Huy Cận mới tâm sự: "Lúc đó, tôi buồn hơn Thôi Hiệu đời nhà Đường." Nhà thơ băn khoăn và lạc lõng trước thời thế suy tàn của đất nước và vô tình, ta nhìn thấy sự trùng lặp nhân ảnh và tâm tình Huy Cận và vị ẩn sĩ Nguyễn Khuyến:

"Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái

Một tiếng trên không ngỗng nước nào."

(Thu Vịnh)​

Cũng như Nguyễn Khuyến chẳng phân nổi đang đứng trên nước mình hay nước người, Huy Cận cũng đang mênh mang vô định. Ông cất lên hai tiếng "nhớ nhà" đâu chỉ là nhớ quê hương tha thiết mà còn nhớ tới một thuở huy hoàng trước khi bị xâm lăng của đất nước. Một nỗi lòng hoài cổ, nhớ nhung day dứt càng làm sâu nặng thêm ân tình thi sĩ Huy Cận dành cho quê hương, đất nước. Nỗi buồn của Huy Cận không chỉ là nỗi buồn của người lữ khách xa quê mà còn là nỗi buồn của một người con yêu nước, bất lực không thể làm được gì trước số phận nô lệ, cơ cực, bế tắc của đất nước. Đó cũng là nỗi niềm chung của cả một dân tộc, cả một thời đại.

Bài thơ khép lại về tứ thơ nhưng tình thơ, tình quê da diết, sâu lắng thì cứ kéo dài mãi, dập dềnh mãi theo cái âm điệu "dập dềnh như sóng nước Tràng giang". "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" – Cảm hứng ở lời đề từ ấy dàn trải ba khổ thơ đầu và hội tụ, kết tinh ở khổ thơ cuối, sâu thẳm và mãnh liệt:

"Một chiếc linh hồn nhỏ

Mang mang thiên cổ sầu"​

Ai đó đã nói rằng: "Thơ đích thực nâng đỡ lòng người, khơi gợi những gì đẹp đẽ nhất tiềm ẩn nơi đáy sâu tâm hồn để vươn tới điều cao cả." Đặc biệt là với "Tràng Giang", cái đẹp đẽ, tiềm tàng nơi thẳm sâu tâm hồn đã được hồn thơ ảo não Huy Cận gợi lên một cách tinh tế, nhẹ nhàng nhất. Với cách lựa chọn ngôn từ sắc sảo, các biện pháp nghệ thuật tu từ, tiểu đối cùng lối thơ vừa cổ điển vừa hiện đại, hai khổ thơ cuối bài nói riêng và "Tràng giang" nói chung đã gợi lên trong tâm hồn bạn đọc một tình yêu thiên nhiên, đất nước cao quý, tràn trề, mãnh liệt và đáng được tôn vinh.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.064
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm