Cảm hứng nhân đạo trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

Giá trị nhân đạo trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều - Cảm hứng nhân đạo của tác giả trong đoạn thơ Chị em Thúy Kiều thể hiện ở chỗ nào? Đây là nội dung quan trọng các em học sinh cần nắm được sau khi học đoạn trích Chị em Thúy Kiều của tác giả Nguyễn Du. Sau đây là một số bài văn mẫu về tinh thần nhân đạo trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, cảm nhận về tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du thông qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” hay và chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Mời các bạn cùng tham gia group Bạn Đã Học Bài Chưa? để cập nhật các kiến thức mới bổ ích về học tập cùng với Hoatieu nhé.

cảm hứng nhân đạo trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

1. Cảm hứng nhân đạo của tác giả trong đoạn thơ này thể hiện ở chỗ nào?

Câu trả lời:Trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du được thểhiện qua sự ngưỡng mộ vẻ đẹp của hai người con gái đầu lòng họ Vương; đặc biệt là sựtrân trọng vẻ đẹp tinh thần, tài năng của Thúy Vân,Thúy Kiều. Tấm lòng nhân đạo ấy cònđược thể hiện trong dự cảm về số phận nàng Kiều qua bức chân dung được khắc họa

2. Dàn ý cảm hứng nhân đạo trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

I/ Mở bài

Nguyễn Du – đại thi hào dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, nhắc đến Nguyễn Du, người đọc không khỏi cảm thấy tự hào, kính phục trước tài năng và tấm lòng nhân đạo cao cả của ông. “Truyện Kiều” của ông được coi là kiệt tác ngàn đời trong kho tàng văn chương dân tộc. Một trong những yếu tố làm nên giá trị của tác phẩm chính là giá trị nhân đạo. Ở vị trí mở đầu của tác phẩm đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” đã thể hiện sâu sắc tấm lòng nhân đạo của đại thi hào Nguyễn Du.

II/ Thân bài

1/ Khái quát: Trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du được thể hiện qua sự ngưỡng mộ một vẻ đẹp của người con gái đầu lòng nhà họ Vương. Đặc biệt là sự trân trọng vẻ đẹp tinh thần, tài năng của Thúy Vân, Thúy Kiều. Tấm lòng nhân đạo ấy còn được thể hiện trong dự cảm với số phận nàng Kiều qua bức chân dung được khắc họa.

2. Phân tích

a/ Trước hết tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du được thể hiện ở sự ngợi ca vẻ đẹp tài năng của con người

Với bút pháp ước lệ tượng trưng tác giả đã gợi tả vẻ đẹp duyên dáng, thanh tao trong trắng của người thiếu nữ ở hai chị em Thúy Kiều: “ Mai cốt cách tuyết tinh thần”. Hai hình ảnh ước lệ “ Mai cốt cách” ( cốt cách của cây mai mảnh dẻ thanh cao), “ tuyết tinh thần” (tinh thần trắng và trong sạch như tuyết) đã gợi tả vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều. Hai chị em Thúy Kiều cốt cách duyên dáng, thanh cao như cây mai và tinh thần trong trắng như tuyết đó là vẻ đẹp hoàn hảo cả hình thức, lẫn tâm hồn. Hai chị em đều đẹp với vẻ đẹp “mười phân vẹn mười” xong mỗi người lại mang một nét đẹp riêng khác nhau “mỗi người một vẻ” đúng là cách nhìn đầy ngợi ca trân trọng của tác giả.

Gợi tả vẻ đẹp của Thúy Vân tác giả viết:

“ Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”

Chỉ hai chữ “trang trọng” đã gợi tả ở Thúy Vân một vẻ đẹp cao sang, quý phái vẻ đẹp ấy được so sánh với vẻ đẹp chuẩn mực của thiên nhiên như: “ trăng”, “ hoa”, “ mây”, “tuyết”, “ngọc”… dưới ngòi bút của thi nhân chân dung của Thúy Vân hiện ra từ khuôn mặt, nét ngài, làn da, mái tóc, đến nụ cười, giọng nói, khuôn mặt đầy đặn, tươi sáng như trăng đêm rằm, lông mày sắc nét như con ngài, Miệng cười tươi tắn như hoa, giọng nói trong trẻo thốt ra như hàm răng ngọc ngà là những lời đoan trang. Mái tóc của nàng đen mượt hơn mây, da trắng mịn màng hơn tuyết. Vân đẹp hơn những gì mỹ lệ của thiên nhiên, một vẻ đẹp của sự hòa hợp êm đều xung quanh. Từ thông điệp nghệ thuật này, ắt hẳn Vân sẽ có một cuộc đời bình yên không sóng gió.

Gợi tả vẻ đẹp của của Thúy Kiều: Tác giả khái quát

“Kiều càng sắc sảo mặn mà

so bề tài sắc lại là phần hơn”

Như vậy Nguyễn Du đã miêu tả Thuý Vân trước để làm nổi bật Thúy Kiều theo thủ pháp nghệ thuật đòn bẩy. Tả kỹ, tả đẹp để Vân trở thành tuyệt thế giai nhân để rồi khẳng định Kiều còn hơn hẳn. Từ “càng” đứng trước hai từ láy liên tiếp “sắc sảo, mặn mà” làm nổi bật vẻ đẹp của Thúy Kiều: sắc sảo của trí tuệ, mặn mà về tâm hồn. Vẫn là những hình tượng nghệ thuật ước lệ được nhà thơ sử dụng để ngợi ca nhan sắc của Thúy Kiều.

“ Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một tài đành họa”

Nguyễn Du không thiên về cụ thể như tả Thúy Vân, mà ở đây ông chỉ đặc tả đôi mắt theo lối “điểm nhãn” vẽ hồn của chân dung. Bởi đôi mắt là cửa sổ tâm hồn thể hiện phần tinh anh của trí tuệ, của tâm hồn. Cái sắc sảo của trí tuệ, cái mặn mà của tâm hồn đều liên quan đến đôi mắt.Hình ảnh ước lệ “Làn thu thủy” là làn nước của mùa thu gợn sóng gợi lên thật đẹp sinh động, vẻ đẹp của đôi mắt trong sáng long lanh, linh hoạt, thăm thẳm. Còn “nét xuân sơn” – núi mùa xuân, gợi lên đôi lông mày thanh tú như dáng núi mùa xuân, vẻ đẹp của Kiều khiến hoa phải ghen, liễu phải hờn, nước phải nghiêng, thành phải đổ. Thi nhân không tả trực tiếp vẻ đẹp mà miêu tả sự đố kị ghen ghét với vẻ đẹp hay sự ngưỡng mộ, mê say trước vẻ đẹp ấy “nghiêng nước nghiêng thành” là cách nói sáng tạo, điển cố để cực tả giai nhân. Rõ ràng cái đẹp của Thúy Kiều có chiều sâu, có sức quyến rũ làm mê mẩn lòng người.

Tạo hóa không chỉ ban cho nàng vẻ đẹp tuyệt vời, mà còn phú cho nàng trí tuệ thông minh tuyệt đối:

“ Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghệ thi họa đủ mùi cá ngâm

Cung Thương lầu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương

Khúc nhà tay lửa lên trương

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”

Tài năng của Thúy Kiều đã đạt tới mức lý tưởng theo quan niệm thẩm mỹ phong kiến, đủ cả cầm, kỳ, thi, họa, đặc biệt tài đàn của nàng còn vượt trội hơn cả “lầu bậc ngũ âm”. Nàng đã soạn riêng một khúc “bạc mệnh” mà ai nghe cũng phải não lòng. Đây chính là biểu hiện của con người có trái tim đã sầu, đa cảm. Tả sắc, tài của Thúy Kiều là Nguyễn Du muốn ngợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Vẻ đẹp của Thúy Kiều là sự kết hợp sắc, tài, tình đều đạt tới mức tuyệt vời Thúy Vân và Thúy Kiều ở dưới ngòi bút của Nguyễn Du không chỉ có nhan sắc tuyệt vời mà còn có đức hạnh khuôn phép. Dù đã đến tuổi cài trâm búi tóc nhưng hai chị em vẫn:

“Êm đềm trướng rủ màn che

Tường đông ong bướm đi về mặc ai”

Ngợi ca vẻ đẹp của chi emThúy Kiều Nguyễn Du đã trân trọng, đề cao giá trị phẩm giá của con người như nhan sắc, tài hoa, phẩm hạnh. Sự ngưỡng mộ, ngợi ca của người phụ nữ trong xã hội “ trọng nam khinh nữ” chính là biểu hiện sâu sắc của cảm hứng nhân đạo.

b/ Tấm lòng nhân đạo ấy còn được thể hiện trong dự cảm về số phận nhân vật Kiều qua bức chân dung được khắc họa. Dưới ngòi bút của đại thi hào Nguyễn Du, chân dung Thúy Kiều là bức chân dung mang tính cách số phận. Vẻ đẹp “chim sa cá lặn” của nàng khiến cho tạo hóa phải ghen ghét, các vẻ đẹp khác và đố kỵ. Tài năng, trí tuệ thiên bẩm và tâm hồn đa sầu, đa cảm khiến nàng khó tránh khỏi định mệnh nghiệt ngã. Thi nhân dự báo số phận của Thúy Kiều phải chịu nhiều đau khổ:

“Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thôi má hồng đánh ghen”

Nhất là cung đàn “bạc mệnh” đầy đau khổ, sầu não do Kiều soạn riêng cho mình, như dự báo cuộc đời hồng nhan bạc phận dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh, cũng là biểu hiện của tấm lòng thương cảm sâu sắc đối với con người, là biểu hiện của cảm hứng nhân đạo, nhân văn sâu sắc của Nguyễn Du dành cho nhân vật Thúy Kiều ngay từ những vần thơ mở đầu tác phẩm – đoạn trích Chị em Thúy Kiều.

III. Kết bài

Nguyễn Du – nhà thơ thiên tài của dân tộc ta đã dành toàn bộ tâm huyết, sức lực tài năng để sáng tạo bức chân dung chị em Thúy Kiều. Với sự kết hợp tại tình giữa bút pháp ước lệ tượng trưng, sử dụng sáng tạo nghệ thuật so sánh, nhân hóa và ngôn ngữ tinh tế tả ít gợi nhiều. Nguyễn Du đã vẽ nên bức chân dung toàn mĩ về “hai ả tố nga” bằng thơ sáng giá nhất cho nền văn học trung đại để biểu hiện sâu sắc cảm hứng nhân đạo của mình. Cảm hứng nhân đạo của “Chị em Thúy Kiều” đã góp phần đem đến những giá trị tư tưởng đặc sắc giá trị nhân bản của kiệt tác “Truyện Kiều”. Đọc đoạn trích, đọc tác phẩm chúng ta tự hào Nguyễn Du một trái tim chan chứa yêu thương, đồng cảm với số phận con người một tài năng về thi ca rực rỡ của văn học nước nhà.

3. Cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du trong đoạn Chị em Thúy Kiều

J. w. Goethe – nhà đại tư tưởng người Đức từng phát biểu một câu nói rất sâu sắc: “Chỉ những công cuộc nào vì cảnh ngộ mà làm nên mới lâu bền được”. Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du quả thật là một tác phẩm làm nên từ cảnh ngộ. Sống trong xã hội phong kiến đầy rẫy bất công, chứng kiến nhiều oan khuất của những người phụ nữ, Nguyễn Du đã viết nên kiệt tác bằng tất cả lòng ngưỡng mộ và cảm thương sâu sắc cho những bóng hồng tài sắc vẹn toàn mà bạc mệnh.

Nguyễn Du sinh ra trong thời kì loạn lạc, đất nước xảy ra nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc, nhà Thanh kéo quân xâm lược nước ta. Sinh thời, ông chứng kiến nhiều nỗi bất hạnh, oan khuất của nhân dân và cảm thương sâu sắc cho số phận của họ, đặc biệt đối với những người phụ nữ. Hoàn cảnh sống và tâm hồn đa cảm của Nguyễn Du đã cho ra đời danh tác Truyện Kiều lưu truyền muôn đời. Truyện Kiều kể về cuộc đời đầy trắc trở, nỗi đau đớn đoạn trường của nàng Kiều tài sắc, từ đó lên án hiện thực đau lòng của xã hội phong kiến đương thời. Tác phẩm đặc biệt thành công trong nghệ thuật miêu tả nhân vật, tiêu biểu là đoạn trích Chị em Thuý Kiều với bút pháp ước lệ – lấy cảnh tả người đặc sắc. Đoạn trích không những thành công khắc hoạ chân dung Thuý Vân, Thuý Kiều mà còn đưa ra dự cảm về số phận chìm nổi của nhân vật chính.

Hai câu thơ đầu đoạn trích đã giới thiệu sơ lược hai nhân vật được miêu tả: “Đầu lòng hai ả tố nga”. Tự ngàn xưa trăng đã xuất hiện nhiều trong thơ ca. Trăng mang một vẻ đẹp dịu dàng, thanh cao mà tràn đầy quyến rũ. “Tố nga” là từ Hán Việt có nghĩa đen là vầng trăng đẹp, trong Truyện Kiểu lại được dùng để giới thiệu hai tiểu thư xinh đẹp, thật là tinh tế! Ngay từ câu đầu tiên, Nguyễn Du đã giúp người đọc hình dung được Thuý Vân và Thuý Kiều có vẻ đẹp thanh cao của con nhà quyền quý. Nhắc đến “mai” và “tuyết”, ta liền nhớ đến dáng vẻ thanh thoát, uyển chuyển của cây mai và màu trắng tinh khiết, trong sạch của những bông hoa tuyết. Bút pháp ước lệ trong câu thơ “Mai cốt cách tuyết tinh thần” đã bộc lộ phẩm chất tốt đẹp của chị em Thuý Kiều: cốt cách thanh cao, tâm hồn trong sáng.

Câu thơ kế tiếp lại khẳng định Vân và Kiều mỗi người đều có một vẻ đẹp riêng và đều là vẻ đẹp hoàn mĩ “mười phân vẹn mười”, vẻ đẹp của nàng Vân là vẻ đẹp phúc hậu từ khuôn mặt đến cử chỉ. Hình ảnh trăng lại xuất hiện để tả khuôn mặt đầy đặn của nàng, hợp với “nét ngài nở nang” tạo nên nét đẹp thuần hậu. Nụ cười tươi như hoa và những lời ngọc ngà, đứng đắn, nghiêm trang của Vân đã nói lên phẩm chất tốt đẹp của nàng. Lại thêm mái tóc mềm mại như mây và làn da trắng hơn tuyết đã khẳng định Vân là một thiếu nữ xinh đẹp, đức độ. Bằng bút pháp ước lệ, Nguyễn Du đã ví vẻ đẹp của Thuý Vân với những gì cao đẹp nhất của thiên nhiên: trăng, con ngài, hoa, ngọc, mây và tuyết. Tuy nhiên, việc miêu tả nàng Vân của Nguyễn Du mang tính cụ thể hơn đối với Kiều. Cụ thể trong bút pháp liệt kê khuôn mặt, lông mày, tiếng cười, lời nói, mái tóc, làn da, trong cách dùng từ láy “trang trọng”, “đầy đặn”, “nở nang” khiến chân dung nàng trở nên thật rõ nét. Chân dung của Thuý Vân cũng mang tính dự báo số phận, vẻ phúc hậu, hoà hợp với thiên nhiên, được thiên nhiên chấp nhận “thua”, “nhường” đã nói trước một cuộc đời bình lặng, suôn sẻ. Quả đúng như vậy, sau này, khi viết về cuộc sống của Thuý Vân, Nguyễn Du đã viết:

Một nhà phúc, lộc gồm hai,
Nghìn năm dẳng dặc, quan giai lần lần.

Thừa gia chẳng hết nàng Vân.
Một cây cù mộc, một sân quế hoè.

Nhan sắc của Vân và Kiểu lại mang tính đối lập nhau. Nếu sắc đẹp của Vân nhẹ nhàng, hiền dịu thì Kiều sắc sảo, quyến rũ. Câu thơ đầu tả Kiều đã khái quát đặc điểm của nàng: sắc sảo về trí tuệ, mặn mà về tâm hồn. Nguyễn Du lại khẳng định nàng tài sắc hơn hẳn em, “so bề tài sắc lại là phần hơn”. Tác giả vẫn dùng bút pháp ước lệ quen thuộc, nhưng so với khi tả Vần thì nhan sắc của Kiều gợi nhiều hơn tả: “Làn thu thuỷ, nét xuân sơn”. Người đọc phải ngẫm nghĩ mới hiểu ra Tố Như ví đôi mắt Kiều như nước hồ mùa thu, lông mày thanh thoát như nét núi mùa xuân. Mùa thu, bầu trời xanh và cao hơn, mặt nước hồ phản chiếu bóng trời càng trở nên sâu hơn. Đôi mắt Kiểu cũng như làn thu thuỷ: trong vắt, long lanh, sâu lắng, phản chiếu cả tâm hồn nàng. Đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn, có sức quyến rũ lớn nhất, có lẽ vì vậy mà Nguyễn Du đã chọn mắt và lông mày để tả Thuý Kiều.

Vẻ đẹp của nàng có thể nghiêng nước nghiêng thành, làm thiên nhiên phải “ghen”, “hờn” chứ không chịu “thua”, “nhường” như Vân. Ta nhớ đến nàng Bao Tự, Đát Kỉ, Điêu Thuyền…, những mĩ nhân khiến hôn quân phải mất nước, đồng thời số phận của họ cũng không tốt đẹp gì. Quả thật, “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, Nguyễn Du đã dự cảm cho số phận đầy sóng gió, trắc trở của Kiều bởi sắc đẹp “không thuận lòng trời” của nàng – một số phận đoạn trường như bao mĩ nhân ngày xưa.

Không những là một tuyệt sắc giai nhân, Thuý Kiều còn có tài năng thiên phú khó ai sánh bằng. Theo quan niệm phong kiến, bốn môn: cầm, kì, thi, hoạ là tài năng nghệ thuật của con người. Trong bốn môn thì Kiểu đã giỏi được ba là cầm, thi, hoạ, đặc biệt tài đàn là sở trường hơn hẳn mọi người “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”. Nguyễn Du đã tả tiếng đàn của Kiều cho thấy tiếng đàn ấy đạt đến mức xuất thần nhập hoá, sánh với tiếng nhạc của thiên nhiên.

Đoạn trích chị em Thuý Kiều là một trong những đoạn miêu tả nhân vật đặc sắc nhất của Truyện Kiều. Bằng bút pháp ước lệ, Nguyễn Du đã làm nổi bật chân dung của chị em Thuý Kiều. Ca ngợi tài năng, vẻ đẹp con người và dự cảm cho kiếp người tài hoa, bạc mệnh là biểu hiện của cảm hứng nhân đạo ở Nguyễn Du.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
7 10.715
0 Bình luận
Sắp xếp theo