Thể lệ Cuộc thi viết "Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh" năm 2019

Tải về

Thể lệ Cuộc thi viết "Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh" năm 2019 được tổ chức hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam.

Cuộc thi viết "Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh" năm 2019 được Báo Quân đội nhân dân giới thiệu vào ngày 19/3 nhằm hướng đến ngày kỷ niệm 30 ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ca ngợi những tấm gương sáng, việc tốt của các bộ đội Cụ Hồ.

I. Đối tượng dự thi

Các nhà báo chuyên nghiệp, thông tin viên, cộng tác viên, bạn đọc trong và ngoài quân đội.

II. Nội dung, yêu cầu, thể loại báo chí

1. Nội dung

- Ca ngợi, làm nổi bật những giá trị truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam; phát huy truyền thống và sức mạnh quân dân trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh và bảo vệ Tổ quốc; giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

- Phản ánh phong phú, sinh động và có chiều sâu kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; kết quả xây dựng LLVT, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; thành quả tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân.

- Phát hiện, cổ vũ, nhân rộng những kinh nghiệm và mô hình hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ trong xây dựng Quân đội, xây dựng LLVT, bảo vệ Tổ quốc; tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Phản ánh hoạt động của các đơn vị quân đội tham gia giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới".

- Biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân trong Quân đội nỗ lực vượt khó, có nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả trên mọi lĩnh vực công tác.

- Phê phán những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch nhằm "phi chính trị hóa quân đội", bôi nhọ, xuyên tạc truyền thống Quân đội và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, phủ nhận thành tựu xây dựng nền Quốc phòng toàn dân...

2. Yêu cầu tác phẩm dự thi

- Bảo đảm tính chính xác, tính thuyết phục.

- Các vấn đề nêu trong bài viết phải là người thật, việc thật, có địa chỉ rõ ràng; các tấm gương, điển hình, thành tích, kết quả của tập thể, cá nhân tính từ thời điểm 22-12-2014 đến nay.

- Các tác phẩm chuyên luận nếu có trích dẫn cần rõ nguồn, bảo đảm trung thực.

3. Thể loại báo chí

- Phản ánh, ghi chép, phóng sự, chuyên luận.

- Tác phẩm dự thi có thể là 01 bài, hoặc một loạt bài (không quá 5 bài) có chung đề tài, thể loại báo chí. Mỗi bài không quá 2.000 từ.

- Các tác phẩm thuộc thể loại phóng sự, ghi chép, phản ánh, chân dung điển hình, người tốt, việc tốt phải có ảnh minh họa.

III. Thời gian

1. Thời gian gửi bài dự thi: Từ tháng 3-2019 đến ngày 22-12-2019 (tính theo thời gian gửi email hoặc theo dấu bưu điện ngoài bì thư).

2. Thời gian tổng kết, trao giải

Tổng kết và trao giải vào dịp Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-2019).

IV. Cơ cấu giải thưởng

Cơ cấu giải thưởng với nhiều giải có giá trị, gồm 1 giải đặc biệt, 1 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba, 15 giải khuyến khích.

V. Phương thức dự thi

1. Mỗi tác giả có thể gửi bài dự thi với số lượng không giới hạn.

2. Cách thức gửi bài dự thi

- Gửi qua đường bưu điện: Theo địa chỉ Báo Quân đội nhân dân, số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội (trên tác phẩm dự thi và ngoài bì thư ghi rõ "Tác phẩm báo chí dự thi viết về chủ đề "Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh" năm 2019).

- Gửi thư điện tử vào một trong các địa chỉ sau:

+ vanhoaqdnd@gmail.com

+ tktshanoi@gmail.vn

+ dientubqd@gmail.com

3. Các tác phẩm dự thi có chất lượng sẽ được lựa chọn, đăng tải trên các ấn phẩm của Báo QĐND (Báo QĐND hằng ngày, Báo QĐND cuối tuần, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, Báo QĐND điện tử).

Các tác phẩm được đăng tải trên Báo QĐND được trả nhuận bút theo chế độ hiện hành.

Các tác phẩm dự thi không vi phạm Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ, không có tranh chấp bản quyền, chưa đăng tải trên các ấn phẩm của các cơ quan báo chí khác.

Thông tin về tác giả cần ghi rõ họ và tên, bút danh (nếu có), địa chỉ, nghề nghiệp, số điện thoại liên hệ.

Ban tổ chức không hoàn trả bản thảo dự thi của tác giả.

VI. Thông tin về cuộc thi

Thông tin chi tiết về cuộc thi, đề nghị tác giả liên hệ:

- Phòng biên tập Văn hóa - Thể thao, Báo QĐND, điện thoại: 02437.478.609 (dân sự); 069.554.742 (quân sự).

- Phòng Thư ký tòa soạn, Báo QĐND, điện thoại 0243.7471.029 (dân sự); 069.554774 (quân sự).

- Phòng biên tập Báo Điện tử, Báo QĐND, điện thoại: 02437.471.748 (dân sự); 069.552.186 (quân sự)./.

VII. Mẫu bài viết về Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh

Mô hình kinh tế giúp dân thoát nghèo bền vững

Cùng với nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 379, sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, đến nay gần 40 xã ở bốn huyện Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên và một phần của huyện Mường Tè (Lai Châu) hầu hết đều có mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi. Đó là điểm tựa vững chắc để người dân thoát nghèo bền vững.

Như một sự bảo đảm vững chắc cho những chủ trương đúng đắn của Bộ Quốc phòng, Quân Khu 2 và trực tiếp là cống hiến của những người lính Đoàn KT-QP 379 suốt hành trình giúp đồng bào dân tộc miền núi phát triển kinh tế, ổn định đời sống, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Thoát nghèo từ cặp lợn giống

Phải hẹn trước một ngày, tranh thủ lúc sáng sớm chúng tôi mới gặp được ông Lò Văn Phó ở bản Nà Hì 2, xã Nà Hì, huyện Nậm Pồ. Vì bây giờ tháng 6, vào đúng vụ mùa nên ông Phó cũng như hầu hết người dân trong bản đều ra ruộng sớm cấy lúa. Ở tuổi ngoài 70 nhưng lão nông Lò Văn Phó còn rất vâm váp. Chỉ có hai vợ chồng ông nhưng nuôi 6 con bò, gần 100 con ngan, vịt, đàn bồ câu hơn 80 con, ao cá gần 1000m2 với giàn mướp, bí sai trĩu trịt và cả vườn rau xanh. Thấy chúng tôi đến, quần vẫn xắn đến tận bẹn ông Phó cởi mở: “Lão vừa cho đàn vịt ăn. Cắt cỏ cho cá. Hẹn các chú đến nên cho ăn muộn rồi ra làm ruộng cấy lúa luôn”. Cách nhà gần 2km, ông Phó có dựng một lán trại vừa để chăn thả bò, đồng thời tiện chăm sóc mấy sào ruộng. Ông Phó bảo, với các loại vật nuôi, cây trồng hiện nay của gia đình, trừ chi phí mỗi năm ông bà để ra được 70-80 triệu đồng. Ông Phó tâm đắc: “Cuộc sống dân bản khấm khá như ngày hôm nay, trước tiên nhờ ơn Đảng, Quân đội đã quan tâm mở mang con đường liên thông với xã, huyện, ra thành phố. Đặc biệt là các chú bộ đội, không ngại khó, ngại khổ lặn lội từ dưới xuôi lên, dạy dân cách làm ăn, ở vệ sinh, mở mang văn hóa”.

Vườn rau xanh tốt của gia đình ông Lò Văn Phó, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ khi áp dụng kỹ thuật, giống mới do cán bộ Đoàn KT-QP 379 giúp đỡ.

Sau một hồi sôi nổi, ông Phó bùi ngùi nhớ lại chuyện cách đây hơn chục năm. Ông bà sinh được năm người con, đất khai hoang thì rộng nhưng chỉ biết đốt rừng chồng lúa nương. Chủ yếu bằng phương pháp chọc lỗ tra hạt, năng suất thấp một năm đói giáp hạt đến 5 tháng. Từ tháng 6 đến tháng 10. Ngoài trồng lúa nương, ông bà Phó cũng như người dân ở đây không biết làm gì thêm. Rảnh rỗi thì vào rừng hái rau, đào củ mài về ăn qua ngày.

Khi Đoàn KT-QP 379 thành lập Nông trường 1 (nay là Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 8) tại xã Nà Hì cuộc sống của người dân dần thay đổi. Cũng chính trên mảnh đất nghèo khó này, bộ đội đào ao thả cá, nuôi trâu, bò, gà lợn, trồng rau xanh tốt mùa nào rau củ đấy, chẳng khi nào đất nghỉ. Ban đầu người dân băn khoăn không biết bộ đội có “phép lạ” gì mà rau quả quanh năm tươi tốt, vật nuôi lớn nhanh như thổi. Người dân lên đơn vị xin rau, bộ đội hướng dẫn cách cải tạo đất, cách bón phân. Rồi chính bộ đội của Nông trường 1, tỏa về các bản hướng dẫn bà con làm phân xanh, lấy trấu (vỏ thóc) chăm bón cho đất trồng rau. Bộ đội cầm tay chỉ việc cho dân, dân tin làm theo.

Kể về mô hình kinh tế nhà mình ông Phó thật thà: “Mô hình chăn nuôi nhà tôi cũng được khởi đầu từ đôi lợn nái của Nông trường 1 cấp. Thấm thoát đã hơn chục năm, đôi lợn cho biết bao con giống. Kinh tế gia đình tôi cũng khấm khá lên từ đó. Đến nay, đôi lợn Nông trường cấp gia đình tôi vẫn nuôi như một kỷ niệm tri ân khi nghèo khó”. Nhận được giúp đỡ, vươn lên thoát nghèo, ông Phó cũng chia sẻ bát ăn, bát để với người dân trong bản. Hiện nay, ông đang cho hộ gia đình ông Thùng Văn Say nuôi rẽ một con bò. Bò mẹ do gia đình ông Phó cấp, hộ ông Say chăn thả. Khi bò mẹ đẻ, con bê nuôi trưởng thành hai hộ chia đôi.

Theo ông Thùng Văn Len, Bí thư Chi bộ bản Nà Hì 2: “Đến nay, bản đã nhận nhiều sự hỗ trợ của Đoàn KT-QP 379, trâu bò, lợn, ngan, vịt. Từ những con giống ban đầu bản đã phát triển được gần chục mô hình kinh tế. Sự giúp đỡ của bộ đội về vật chất không nhiều nhưng quan trọng nhất là giúp bà con thay đổi được nhận thức, đổi mới cách làm ăn, loại bỏ hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu. Đó là chiếc cần câu quý giá giúp dân thoát nghèo”.

Phát triển các mô hình kinh tế

Theo chị Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, giúp dân thoát nghèo không phải là cho người dân một vài tạ gạo, mấy con bò. Đối với người đồng bào dân tộc miền núi thì việc đó khó hơn nhiều, phải giúp dân thay đổi nhận thức. Để làm được điều đó bộ đội phải đằm mình cùng dân, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho dân. Ở xã Sín Thầu có 91% là người Hà Nhì. Trước đây hủ tục của người dân rất nặng nề. Công việc chủ yếu đặt lên đôi vai người phụ nữ. Đàn ông hay uống rượu, say khướt suốt ngày nên làm thì lười. Vì vậy, trong một thời gian dài, đồng bào ở ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc đói nghèo triền miên. Từ khi có các lực lượng bộ đội, đặc biệt là Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 7, Đoàn KT-QP 379 vận động giúp đỡ. Nhận thức của bà con thay đổi, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ông Lỳ Xuyến Phù bản A Pa Chải, xã Sín Thầu vui mừng bắt được con cá chép 8kg từ ao của gia đình.

Chúng tôi cùng chị Lế, Trung tá Ngô Quốc Hùng, Chính trị viên Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 7 xuống bản thăm các bản. Ở bản A Pa Chải ông Lù Lì Chừ, đang cho lợn ăn. Thấy chúng tôi đến, ông Chừ giới thiệu ngay: “Cái chuồng mới này được bộ đội Đội 7 hỗ trợ xi măng và giúp ngày công làm giúp mình”. Chuồng lợn không rộng nhưng đàn lợn 5 con nhà anh Lù từ nay không phải thả rông, đi ủi đất, vệ sinh lung tung khắp nhà nữa. Xúc động nắm tay anh Hùng, ông Lù líu ríu: “Cảm ơn các anh bộ đội nhiều lắm”. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, ông Lù dẫn chúng tôi ra thăm vườn rau ao cá. Ông Lù bảo, ao cá này cũng do bộ đội giúp đỡ một phần công múc đất. Lấy nắm cỏ ông Lù thả xuống mặt nước đàn cá lượn lờ đớp cỏ uồm uồm. Nhìn thích mắt chị Lế vui vẻ nói: “Tiếng cá đớp nước, vườn rau xanh tốt là tín hiệu của cuộc sống no ấm của dân bản”.

Rời nhà ông Lù chúng tôi đến thăm ông Lỳ Xuyến Phù, Bí thư Chi bộ bản A Pa Chải. Trước đây ông Phú cũng có hơn 20 năm công tác ở xã Sín Thầu, giờ về hưu, ông tham gia hoạt động của bản. Là đảng viên gương mẫu, nghỉ hưu nhưng nhà ông vẫn có trang trại, ao rộng gần 10.000m2, sâu 2, 3m. Nuôi gần 200 con vịt một chục con trâu. Ông Phù chia sẻ: “Ở xã Sín Thầu, mô hình trang trại như gia đình tôi có đến gần 20 hộ. Nhiều hộ quy mô còn lớn hơn. Có được như ngày hôm nay, là nhờ sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn KT-QP 379 và chính quyền địa phương. Ngày trước, người dân ở đây chỉ biết làm nương. Để vận động bà con trồng lúa nước phải vận động một số hộ làm điểm, trong đó có gia đình tôi. Bộ đội Đoàn KT-QP 379 hướng dẫn kỹ thuật, chọn giống năng suất cao, mấy vụ đầu tôi và các anh bộ đội phải thường xuyên túc trực ngoài ruộng. Đến khi năng suất cao người dân mới tin và làm theo. Người dân ở đây là vậy, phải thấy có kết quả, cầm tay hướng dẫn thì họ mới làm. Cuộc sống dân bản no ấm như ngày nay, cảm ơn các anh bộ đội rất nhiều”. Đến nay, 100% người dân ở xã Sín Thầu đã biết trồng lúa nước. Ngoài vụ lúa chính người dân còn biết trồng ngô, khoai gối vụ mùa. Theo chị Pờ Mỳ Lế, tỷ lệ hộ nghèo ở xã còn cao, 42,21% nhưng cái nghèo đã thoát hẳn với cái đói. Người dân trong xã không còn ai phải chịu đói do thiếu lương thực, thực phẩm.

Chúng tôi đến thăm nhiều mô hình kinh tế gia đình được các cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 379 giúp như ở huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ. Đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được tình cảm chân thành, thắm thiết giữa quân với dân. Mỗi vùng đất, thổ nhưỡng khác nhau, bộ đội Đoàn KT-QP 379 lại tìm cách làm, cây, con giống phù hợp để giúp dân thoát nghèo. Vẫn biết rằng, tỉ lệ nghèo đói ở các xã biên giới tỉnh Điện Biên còn rất cao. Tuy nhiên, với những phương pháp giúp đỡ tích cực như hiện nay của Đoàn KT-QP 379, phối hợp với các lực lượng vũ trang khác và chính quyền địa phương, chúng tôi tin tưởng rằng, số hộ nghèo sẽ giảm xuống nhanh chóng. Cuộc sống của người dân dần đầy đủ và tiện nghi là tường thành bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.

2. Trên quê hương thứ hai

Ngay từ khi nhận được quyết định lên miền cực Tây Tổ quốc, nhiều cán bộ chiến sĩ Đoàn KT-QP 379 đã nghĩ đến những khó khăn vất vả gặp phải. Khi đặt chân lên mảnh đất này, họ thấy cái khó gấp trăm lần so với tưởng tượng. Một cuộc sống hoàn toàn khác so với dưới miền xuôi.
Có những người mang theo cả gia đình. Hòa mình với cuộc sống của người đồng bào dân tộc, chịu thiếu thốn đủ đường, có lúc tưởng chừng lâm vào bế tắc. Vợ khóc, người thân khóc, nhưng với trái tim nhiệt huyết và phẩm chất được trui rèn trong môi trường quân ngũ của người lính, họ dần vượt qua khó khăn giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Bản là nhà

Đến Sở chỉ huy Đoàn KT-QP 379, chúng tôi đi tham quan một vòng. Điểm dừng chân là căn nhà cấp 4 lợp mái Bro -xi-măng cạnh khuôn viên của đơn vị. Điểm ấn tượng của ngôi nhà là xung quanh có mô hình VAC. Trên mặt ao rộng lớn có hàng trăm con ngan, vịt. Quanh ao dàn bầu bí, mướp quả trĩu trịt. Ngay cạnh có chuồng nuôi lợn vài chục con. Chúng tôi đứng cửa quan sát bên trong ngôi nhà khá đơn giản, với bộ bàn ghế và chiếc giường tất cả đã cũ, mấy bộ quần áo, quân phục treo gọn gàng. Bỗng có tiếng từ đằng xa vọng lại: “Anh hỏi ai đấy?”. Chúng tôi quay lại chào, “chủ nhà” tự giới thiệu là Đại úy QNCN Phạm Quang Chính, nhân viên Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1, Đoàn KT-QP 379. “Đây là tổ tăng gia làm mô hình kinh tế của Đội 1”. Quan sát anh Chính một lượt, tôi chợt ồ lên và hỏi: “Có phải vợ chồng anh là cặp vợ chồng duy nhất gắn bó với Đoàn KT-QP từ ngày đầu thành lập đến nay không?”. Một thoáng bất ngờ, anh Chính vội đáp: “Vâng. Vợ chồng tôi lên đây trước khi Đoàn KT-QP 379 chính thức được thành lập một năm?”. Bước vào trong căn nhà mờ mờ tối, rót chén nước nhân trần anh Chính kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vợ chồng anh gắn bó với mảnh đất này.

Năm 1998, vợ chồng anh Chính mới kết hôn được một tuần thì anh nhận nhiệm vụ lên Đoàn KT-QP Mường Chà (tiền thân của Đoàn KT-QP 379, ở huyện Mường Chà, tỉnh Lai Châu, nay là tỉnh Điện Biên) công tác. Vợ mới cưới. Nhận nhiệm vụ công tác tận khu vực miền núi Tây Bắc. Đi lại khó khăn, để vợ lại ở quê không đành. Nghĩ vậy, anh Chính bàn với vợ và gia đình nội ngoại hai bên. Anh vừa đề xuất ý kiến vợ anh đã bật khóc: “Đồng lương của anh vài chục nghìn đồng, sinh hoạt không đủ. Giờ kéo nhau lên núi ở. Anh em họ hàng không có, nhà cửa cũng không. Biết sống thế nào?”. Họ hàng hai bên bàn tính xôn xao. Giữa cơn bão lòng, anh Chính suy nghĩ, nhiệm vụ quân đội giao không thể thoái thác. Thôi đành cùng lo, xách ba lô lên và đi rồi tính. Ngày vợ chồng anh Chính dắt nhau lên nhận nhiệm vụ, bố mẹ hai bên người thì khóc thầm, người sụt sùi thương con cháu.

Vợ chồng anh Chính lên đến nơi, đơn vị nhà ở vẫn chưa có nhà kiên cố, phải ở tạm trong những chiếc nhà bạt. Gia đình anh được ưu tiên cho ở tạm trong cái nhà bạt cạnh đơn vị. Dân cư địa phương thưa thớt, mấy quả đồi mới có một hộ dân. Đi mấy chục km mới ra trung tâm xã nên cũng không làm ăn buôn bán được gì. Những ngày đầu vợ chồng anh cùng làm việc, tăng gia cùng bộ đội, chia sẻ bát cơm. Thấm thoát đã hơn 20 năm, vợ chồng anh Chính đã mua đất, xây nhà gắn bó với mảnh đất này.

Câu chuyện của Trung úy QNCN Lê Khắc Dũng, cùng Tổ công tác với anh Chính cũng có hoàn cảnh tương tự. Anh Dũng quê ở Thanh Hóa, về Đoàn KT-QP 379 công tác cũng gần 20 năm. Lấy vợ người địa phương, gắn bó lâu dài với mảnh đất này, trở thành quê hương thứ hai.

Chuyện những người lính lên vùng cực Tây Tổ quốc công tác, lập gia đình và ở hẳn trên này không phải là chuyện hiếm. Vì đường sá xa xôi, vì điều kiện, hoàn cảnh công tác. Và hơn hết, họ đã yêu mảnh đất và con người nơi đây. Họ cùng với người đồng bào chinh phục núi rừng, đất sỏi đá hóa thành lương thực thoát nghèo.

Giúp đồng bào thoát nghèo

Ở đây, bộ đội với người dân, bất kể dân tộc nào cũng đều coi là anh em, gần gũi như máu mủ ruột già. Giữa muôn vàn cái khó khăn thiếu thốn về vật chất, thì tình cảm chính là sợi dây liên kết vững chắc để bộ đội bám bản, bám dân. Trở lại câu chuyện của anh Chính, anh kể: “Lên đây thực sự là nhiều điều cơ cực, thiệt thòi. Cháu đầu nhà mình đã vào đại học năm thứ hai. Cháu nhỏ đang học mẫu giáo. Nhưng khi cả hai cháu lên 4 tuổi đều phải gửi về dưới xuôi nhờ ông bà nuôi, cho đi học. Vì điều kiện học hành trên này không đảm bảo tốt. Một năm, hai vợ chồng thay nhau về thăm con được 4,5 lần”. Chuyện con cái đã vậy, còn chuyện bố mẹ, anh em họ tộc là miền mong ngóng, nhớ thương, xa cách. Cảm xúc, tình cảm như vậy nhưng không hề làm những người lính như anh Chính yếu mềm. Anh chính nói ngay: “Mình là người lính, luôn trong tâm thế sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần. Và điều quan trọng, khi đến đâu thì coi nơi đó là quê hương, người dân là anh em. Yêu dân, được dân đùm bọc, giúp đỡ, đó chính là động lực để người lính và nhân dân vượt khó khăn”.

Nghe anh Chính nói, anh Dũng xúc động nhớ lại, năm 2006, anh Dũng được điều động về Đoàn KT-QP 379 công tác, xuống bản Vàng Lếch (nay là bản Nậm Tin) xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ cắm bản. Lúc đó dân bản Vàng Lếch nghèo lắm. Chủ yếu là người Mông, hay di cư tự do, họ không biết trồng rau, chỉ đốt rừng làm nương nên thiếu đói triền miên. Mua gói muối phải đi vài chục km. Có tiền mua thực phẩm người dân cũng không bán. Vậy là anh Dũng phải bắt đầu từ việc học tiếng đồng bào, xuống bản “xin việc” người dân. Giúp họ khai hoang, cấp rau giống, hướng dẫn kỹ thuật để bà con gieo. Gắn bó lâu dài với dân bản, tình cảm với mảnh đất, con người cũng nảy sinh. Khi anh Dũng lấy vợ trên địa bàn đóng quân, người dân địa phương càng thêm tin tưởng, coi như người con của bản. Họ nghe theo anh không đốt rừng làm nương, không di cư tự do, học anh trồng rau, chia sẻ gạo muối, lương thực thực phẩm.

Hiện nay, mô hình vườn ao chuồng anh Chính, anh Dũng đang được Đoàn KT-QP 379 giao phụ trách đang phát triển rất tốt. Các anh tin tưởng rằng, sẽ sớm giúp đỡ hộ dân một số bản vùng sâu, vùng xa nơi khó khăn ở huyện Nậm Pồ thoát nghèo. Và anh Chính cũng báo cho chúng tôi một tin vui, sau nhiều năm gắn bó, hiện nay, vợ anh đã được nhận vào làm việc chính thức tại Đoàn KT-QP 379.

Chuyện bộ đội gắn bó với dân nhiều người sẽ nghĩ ngay đó là vì nhiệm vụ. Nhưng khi bộ đội đi dân nhớ, ở dân thương chỉ có thể xuất phát từ tình cảm từ trái tim. Đến xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ nói chuyện với lão niên người Thái Lò Văn Phó, chúng tôi được biết, trong suy nghĩ của người già, các anh Bộ đội Cụ Hồ tiên phong lên mảnh đất này chính là “anh hùng” trong lòng dân. Đó là những người dũng cảm rời xa quê hương, giúp đồng bào dân tộc mở mang văn hóa mới. Kéo người dân bám dân, bám bản, bám biên giới. Theo ông Phó, trong số những cán bộ của Đoàn KT-QP 379 đến xã Nà Hỳ giúp dân, có một người khá đặc biệt, ai cũng quý, cũng thương đó là anh Nguyễn Đình Lương. Anh Lương lên Nà Hỳ từ ngày đầu Đoàn KT-QP 379, thành lập Nông trường 1 ở đây (Bây giờ Nông trường 1 đổi thành Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 8). Ngày đó, anh Lương đã lăn lộn vận động người dân không di, dịch cư tự do, hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt. Triển khai dự án kinh tế của Đoàn KT-QP 379, anh xuống từng hộ gia đình cấp bò, lợn, gà. Không chỉ giúp đỡ bà con vật chất, anh Lương còn là cầu nối giúp bà con biết nếp sống văn hóa. Công tác ở đơn vị, giúp dân, rồi anh lập gia đình với một cô giáo người Thái cũng dạy ở bản. Bây giờ vợ chồng anh Lương đã chuyển đi nơi khác nhưng trong trí nhớ của người dân thì họ vẫn dành cho anh nhiều tình cảm.

Cũng trong chuyến công tác, chúng tôi tới Xí nghiệp 79, Đoàn KT-QP 379 ở xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé gặp được Trung tá Nguyễn Đình Lương. Hiện nay, anh Lương đã là Phó giám đốc Xí nghiệp 79. Khi chúng tôi kể tình cảm của người dân bên xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ dành cho anh. Anh Lương rất xúc động. Anh kể, năm 1998 anh lên cắm địa bàn ở xã Nà Hỳ. Ngày ấy, bà con chủ yếu sống trên núi, trên rừng. Muối quý hơn vàng. Suốt thời gian gắn bó với bà con anh Lương triển khai các dự án kinh tế của Đoàn KT-QP 379, hỗ trợ bà con giống vật nuôi như trâu bò, lợn, gà, ngan, cây giống. Hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi trồng. Những việc làm của anh được bà con vô cùng yêu quý và tin tưởng. Theo như lời anh Lương “đất lành chim đậu” bà con yêu mến, nên anh cũng nảy sinh tình cảm kết hôn với gái bản, trở thành con em của bản.

Hơn 20 năm, lăn lộn với bà con miền biên giới anh chuyển công tác qua nhiều đơn vị của Đoàn KT-QP 379 ở huyện Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà. Đến đâu anh Lương cũng sâu sát với người dân, giúp dân phát triển kinh tế. Hiện nay, Xí nghiệp 61, nơi anh Lương công tác đang triển khai mô hình trồng ngô giống mới. Vụ tới thành công, Xí nghiệp sẽ triển khai áp dụng rộng rãi cho người dân.

Sự bền chí, nỗ lực cống hiến liên tục của hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ Đoàn KT-QP 379, đặc biệt là những con người gắn bó cả tuổi thanh xuân trên vùng đất này, đến nay, hầu hết 40 xã biên giới cực Tây Tổ quốc đều phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt hộ gia đình vừa và nhỏ. Những mô hình kinh tế là hướng đi, “chiếc cần câu” thoát nghèo bền vững của người dân.

3. Nghĩa tình còn mãi với Trung Lương

Ngày bộ đội Lữ đoàn Xe tăng 206 (Quân khu 4) hành quân về xóm Trung Lương, xã Tân Xuân, huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) giúp địa phương xây dựng nông thôn mới, chẳng ai bảo ai, từ người già cho đến trẻ nhỏ cứ ùn ùn kéo về chật kín cả sân nhà văn hóa...

Bộ đội Lữ đoàn Xe tăng 206 (Quân khu 4) cùng nhân dân xã Tân Xuân (Tân Kỳ, Nghệ An) xây dựng đường giao thông liên thôn.

Lâu lắm rồi mới có "bộ đội về làng", nên đồng bào vui mừng, phấn khởi, tíu tít chuyện trò, hỏi thăm sức khỏe, quê quán… Trong không khí ấm áp tình quân dân, ông Phan Xuân Kiểu, 68 tuổi, người dân xóm Trung Lương gặp chiến sĩ nào cũng tay bắt, mặt mừng. Rồi ông dừng lại bên Trung tá Phan Hồng Đức, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 206, khẩn khoản: “Bộ đội về gia đình tôi ở đi. Tuy nhà tôi không cao, cửa không rộng, nhưng có thể bố trí cho cả tiểu đội ở hàng tháng trời đấy”. Nhận thấy đồng chí chỉ huy đơn vị bày tỏ băn khoăn, ông Kiểu tuyên bố “xanh rờn”: “Tôi đã chuẩn bị hết cả rồi. Nếu bộ đội từ chối thì tôi không cần các anh giúp đỡ gì nữa cả”.

Hỏi chuyện mới biết, khi nghe tin có bộ đội xe tăng về Trung Lương tiến hành công tác dân vận, chẳng riêng nhà ông Kiểu mà hầu hết các gia đình trong xóm đều chủ động dọn dẹp nhà cửa, bố trí giường chiếu, chăn màn, đồ dùng sinh hoạt đầy đủ để đón bộ đội. Nhiều gia đình còn chuẩn bị sẵn cả đống củi to để bộ đội nấu ăn.

Chứng kiến tình cảm mộc mạc của bà con nhân dân dành cho bộ đội, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 206 xúc động chia sẻ: “Nhiều năm trở lại đây, chủ trương nhất quán của Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị là không gây phiền hà cho nhân dân trong quá trình làm công tác dân vận”. Vì thế, trước các đợt hành quân dã ngoại, giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới, đơn vị đều có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, từ lương thực, thực phẩm, nước uống đến đồ dùng sinh hoạt cá nhân, phương tiện đi lại… Theo anh Thắng, nhiều nơi đồng bào còn khó khăn, vất vả lắm, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Trung Lương này. Bộ đội không hỗ trợ được gì thêm cho dân thì thôi, chứ không để dân phải tốn kém, vất vả. Trước khi đến với Trung Lương, đơn vị dự kiến sẽ ở tập trung tại nhà văn hóa, nhưng nhận thấy tình cảm bà con chân thành quá nên không nỡ từ chối...

Bộ đội Lữ đoàn Xe tăng 206 (Quân khu 4) cùng nhân dân xã Tân Xuân (Tân Kỳ, Nghệ An) xây dựng đường giao thông liên thôn.

Những ngày sau đó, chúng tôi có dịp chứng kiến không khí lao động của “bộ đội xe tăng 206” và bà con nhân dân xóm Trung Lương trên các con đường, dưới những cánh đồng sôi nổi, hăng say chẳng khác nào ngày hội. Các bạn trẻ chia nhau đến từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn giúp vệ sinh môi trường, củng cố, sửa chữa nhà cửa. Cán bộ, chỉ huy đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đi thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình người có công, hộ nghèo, kết hợp với nắm bắt tình hình địa bàn, nguyện vọng nhân dân. Theo đồng chí Lê Hồng Văn, Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, những năm gần đây, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, nhất là Huyện ủy, UBND huyện Tân Kỳ, hệ thống cơ sở vật chất cũng như đời sống của bà con nhân dân trong xã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, do địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là kiến thức, kinh nghiệm, tập quán canh tác của đồng bào còn lạc hậu, nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của địa phương còn cao. Chính vì vậy, việc Lữ đoàn Xe tăng 206 huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ về giúp địa phương xây dựng nông thôn mới đúng thời điểm khó khăn như thế này là hết sức ý nghĩa. Chỉ trong 15 ngày với hơn 500 ngày công, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã giúp xóm Trung Lương vận chuyển hơn 250m3 đất đá, xây dựng con đường dài 1,2km; nạo vét 3,5km kênh mương nội đồng của xã; tu sửa, nâng cấp một sân bóng chuyền. Ý nghĩa hơn nữa là đơn vị phối hợp với cán bộ, đoàn viên, thanh niên địa phương tiến hành giúp đỡ 13 gia đình người có công, 6 hộ nghèo củng cố, sửa chữa, gia cố hệ thống nhà cửa ngay trước mùa mưa bão. Cùng với đó, đơn vị còn phối hợp tổ chức tốt chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 300 lượt người; triển khai hiệu quả các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hết sức sôi nổi giữa bộ đội và nhân dân, khiến không khí ở xã miền núi Tân Xuân lúc nào cũng như ngày hội.

Thời gian trôi đi thật nhanh, sau nửa tháng “3 cùng”-cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhân dân xã miền núi Tân Xuân, rồi cũng đến ngày các cán bộ, chiến sĩ phải chia tay đồng bào để trở về đơn vị. Trong không khí xúc động, bịn rịn, ông Nguyễn Văn Trung, trưởng xóm Trung Lương nắm chặt tay Trung tá Phan Hồng Đức bày tỏ: “Bộ đội về đơn vị, bà con sẽ nhớ lắm đấy. Mỗi khi đi trên con đường mới, làm ruộng trên cánh đồng hay ở trong những ngôi nhà sạch sẽ, kiên cố hơn trước, chúng tôi lại càng nhớ đến sự giúp đỡ của bộ đội. Chỉ về với bà con 15 ngày, nhưng nghĩa tình quân-dân sẽ còn đọng mãi ở mảnh đất Trung Lương này”.

Thông qua Cuộc thi viết "Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh", mọi người sẽ làm sáng rõ được vai trò, nhiệm vụ, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể tham gia Cuộc thi viết Cựu chiến binh trong tôi tại đây để biết thể lệ, ngày thi, giải thưởng của chương trình.

Đánh giá bài viết
1 328
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm