Bài viết về cựu chiến binh 2023

Tải về

Bài viết về tấm gương cựu chiến binh

Nhân kỷ niệm 34 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam (6-12-1989 / 6-12-2023) và hưởng ứng phong trào phát động viết về Cựu chiến binh trong tôi, hoatieu.vn xin được gửi tới các bạn độc giả một số bài viết hay về cựu chiến binh. Đây là những bài viết hay và chân thật về các tấm gương cựu chiến binh, mời các bạn cùng tham khảo.

Mẫu bài viết Cựu chiến binh trong tôi

Năm 1997, ông Vũ Văn Mừng nghỉ hưu ở công ty thủ công mỹ nghệ Thái Bình nhưng ông vẫn tiếp tục gắn bó, phát triển nghề làm mặt ghế cói, tạo việc làm cho nhân dân trong thôn. Tuổi cao, sức khỏe có hạn, nhưng suy nghĩ để nhân dân có công ăn việc làm, có thu nhập cải thiện đời sống khiến ông Mừng thêm cố gắng liên kết công ty nhận việc về cho bà con. Cao điểm, lao động từ tổ nghề của ông có 150 người, hiện nay tham gia sản xuất là 50 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 1.800.000 đồng/ 1 người/ 1 tháng.

Cùng với làm kinh tế, ông Mừng cũng tích cực tham gia công tác ở thôn với cương vị là Bí thư chi bộ thôn Nam Cao, chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh. Công việc luôn bận, chẳng lúc nào được thảnh thơi, song ông luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan. Ông tâm sự :" Công việc nhiều nhưng tôi luôn ưu tiên công tác đảng, việc đoàn hội. Việc gì cũng có kế hoạch chủ động để tiết kiệm thời gian. Việc gì mình nghĩ là có lợi cho nhân dân thì tìm mọi cách, quyết tâm làm"

Đúng như vậy, với các mục tiêu, nhiệm vụ của thôn, ông luôn trăn trở, bàn bạc cách thức thực hiện với ban lãnh đạo thôn, tìm tòi học hỏi, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn từ các nguồn thông tin, anh em bạn bè, rồi đưa ra trước chi bộ bàn thảo, công khai lấy ý kiến của nhân dân để thống nhất tổ chức làm. Nơi nào, hộ nào còn chần chừ do dự, ông tận tình giải thích, làm công tác dân vận, tạo sự đồng thuận. Thôn Nam Cao có địa hình phức tạp với 4 trại lẻ, cách xa trung tâm của xã. Trong thôn chỉ có 150 hộ gia đình. Ông Mừng đề xướng việc thăm hỏi động viên tất cả thành viên trong thôn khi có đau ốm, đi điều trị tại các bệnh viện. Đối với ông Mừng, việc tâm đắc nhất đã làm được trong những năm qua là: vận động thành công hội viên cựu chiến binh trong thôn gieo sạ lúa 2 vụ mang lại hiệu quả.

Theo đó, 3 năm nay, nhân dân thôn Nam Cao cũng đồng loạt gieo sạ 100% diện tích, không chỉ mang lại hiệu quả về thay đổi phương thức canh tác lúa truyền thống mà còn góp phần giảm bớt ngày công lao động của nhân dân. Trong năm 2015, dưới sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của ông Mừng, thôn Nam Cao đã huy động được trên 500 triệu đồng, trong đó 360 triệu đồng tiền con em xa quê ủng hộ để làm 2.200m đường trục thôn và đường nhánh theo tiêu chí nông thôn mới. Những việc làm của ông Mừng đã tạo được uy tín trước đảng, trước nhân dân.

Từ những việc làm đó, đã kết nối tình cảm, trách nhiệm của người dân trong thôn với nhau, tạo sự đoàn kết trong nhân dân và đoàn kết gắn bó giữa cán bộ trong thôn với quần chúng. Thôn Nam Cao nhiều năm nay ổn định về trật tự, không có tai tệ nạn xã hội. Nói về người hội viên của mình, ông Nguyễn Ngọc Bao, Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Hòa Bình nhận xét" Đồng chí Vũ Văn Mừng đứng trên cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tình cảm và nhiệt tình. Đây là tấm gương sáng mà hội cựu chiến binh chúng tôi luôn trân trọng".

Đằng sau sự thuận lợi trong công việc xã hội, đoàn thể của cựu chiến binh Vũ Văn Mừng luôn có bóng dáng của người vợ tận tụy, thầm lặng, ủng hộ chồng, giúp ông yên tâm thêm hăng hái nhiệt tình với công việc giúp dân, giúp làng. Ông cũng có ba người con trưởng thành, công tác tại các cơ quan của nhà nước. Đối với ông Mừng, trăn trở duy nhất chính là việc thôn, làng vẫn luôn đau đáu. " Tôi mong muốn năm tới tiếp tục huy động được kinh phí để xây mới hội trường thôn theo tiêu chí nông thôn mới để nhân dân có chỗ sinh hoạt hội họp khang trang và tu sửa lại một số công trình phục vụ dân sinh tốt hơn".

Từ việc nhà, việc thôn làng, việc đoàn hội đã mang lại cho ông Vũ Văn Mừng thêm niềm vui - khỏe tuổi già, bởi với ông, người cựu chiến binh gần 70 tuổi đời với 35 năm tuổi Đảng được góp sức mình đem lại lợi ích cho nhân dân là niềm vui.

Mời các bạn tham khảo thêm một số mẫu bài viết hay khác:

Bài viết hay về tấm gương cựu chiến binh

Người bộ đội anh dũng

Tháng 8-1972, vào giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khốc liệt nhất, người thanh niên Nguyễn Văn Ngọ (xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) lên đường nhập ngũ. Cuối năm 1972, đơn vị anh vào Tây Ninh, Sông Bé trực tiếp chiến đấu. Xác định: Có thể không có ngày về, nhưng với tinh thần “xanh cỏ, đỏ ngực”, anh vượt lên tất cả để sẵn sàng hy sinh chiến đấu. Dấu chân người lính đặt trên khắp những chiến trường từ Đồng Xoài, Phước Vĩnh đến Phú Thứ, Bàu Vàn, Tống Lê Chân, Bình Long,... với bao chiến tích góp phần vào chiến thắng của quân đội ta.

Bài viết về cựu chiến binh

Nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình, gương mặt người chiến sĩ vẫn giữ nguyên vẻ cương nghị nhưng nặng nét trầm tư. Ông kể: “Khi đó, Đại đội tôi chỉ có gần 40 người đánh vào chốt chặn của địch với lực lượng trấn giữ đông đảo, lúc về còn có 6 người. Trong trận đánh mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, bản thân tôi bị thương ở lưng và bụng. Trận đánh núi Bà Đen – Tây Ninh trở thành trận đánh quan trọng và ác liệt nhất vì đã mở toang cánh cửa chiến thắng cho quân ta tiến vào Sài Gòn. Sư đoàn 7 của tôi được 2 lần phong anh hùng còn bản thân tôi cũng nhận bằng khen trong trận đánh ấy”.

Dù là thương binh, nhưng anh tiếp tục gắn bó với cuộc đời người lính, cống hiến cho quân đội và nhân dân. Tổ quốc ghi nhận những chiến tích của người lính Nguyễn Văn Ngọ với nhiều bằng khen, giấy khen, đặc biệt là Huy chương Chiến công hạng Nhì.

Người cha, người ông mẫu mực

Đi qua chiến tranh với những mảnh đạn vẫn còn trong phổi và lưng, người thương binh bậc 2/4 lại đối diện, chiến đấu với những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng với nghị lực bản thân “tàn nhưng không phế”, cựu chiến binh – thương binh Nguyễn Văn Ngọ quyết tâm vươn lên chiến thắng đói nghèo, bệnh tật bằng chính đôi tay và khối óc của mình.

Ông bươn chải với mọi công việc để giúp gia đình phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho con cái ăn học, từ làm nông, bảo vệ đến chèo đò. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn, cộng với vết thương tái phát mỗi khi trái nắng trở trời, thậm chí có lúc đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và sinh mạng nhưng với những phẩm chất nhanh nhẹn, tháo vát, chịu thương, chịu khó,… đã giúp ông và gia đình xây dựng được một ngôi nhà cấp 4 rộng rãi, hơn một mẫu ruộng vườn, kinh tế gia đình ổn định và 6 người con thành đạt.

Nói về ông, nhân dân và đồng đội đều nhắc đến một anh Bộ đội Cụ Hồ gần gũi, đáng quý, không ngại vất vả, hy sinh. Ông Cao Văn Chạ - một cựu chiến binh, vừa là hàng xóm, vừa là bạn lâu năm của ông Nguyễn Văn Ngọ cho hay: “Ông Ngọ luôn xứng đáng là anh Bộ đội Cụ Hồ. Trong đời thường, ông là một người nông dân giản dị, chất phác, được bà con quý mến. Tuy ban đầu gia đình đầu rất khó khăn, lại là thương binh nặng, nhưng với sự chăm chỉ, nỗ lực, ông Ngọ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.”

Hiện tại, dù tuổi đã cao, bên cạnh tích cực công tác xã hội, ông vẫn hăng lao động sản xuất theo mô hình VAC, chăm cá, nuôi gà, lợn... Hình ảnh lão nông tri điền Nguyễn Văn Ngọ thực sự là biểu tượng, là tấm gương mẫu mực cho con cháu trong gia đình.

Nhưng đó chưa phải là điều đặc biệt nhất về người cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngọ.

Tấm gương sáng của một trưởng thôn

Mang những chiến công “đỏ ngực” về với quê hương đã là một hình ảnh đẹp, nhưng với cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngọ, ông luôn cháy bỏng khát khao, mong muốn sau những tháng năm cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, được đóng góp sức mình cho sự phát triển của quê hương - nơi mà ông chôn rau, cắt rốn. Nhờ đức tính cương trực, tinh thần tiến công của người lính và lối sống giản dị, nghĩa tình, ông được bà con quý mến, tín nhiệm. Từ năm 2005 đến nay, ông Nguyễn Văn Ngọ được nhân dân bầu làm trưởng thôn, đại biểu HĐND 4 khóa liên tiếp với số phiếu bầu gần như tuyệt đối.

Ông “nhậm chức” trưởng thôn vào thời kỳ kinh tế của thôn còn khó khăn, tư tưởng nhân dân còn nhiều điểm băn khoăn vào đường lối, chính sách; cũng trong giai đoạn này, cả nước bắt đầu chung tay xây dựng nông thôn mới. Với quan điểm rõ ràng: Cán bộ là đầy tớ của dân; phải tiên phong, gương mẫu; phải trực tiếp đi vận động nhân dân, được sự ủng hộ của chi bộ, đảng ủy, chính quyền xã, ông tích cực xung kích trên “mặt trận mới”.

Tiêu biểu như trong làm đường ngang sang đường nhựa, được sự ủy quyền của xã, ông trực tiếp, dùng tiền riêng làm lộ phí, đi xin trực tiếp 80 tấn xi măng và cả trăm khối đá để đổ. Đó là con đường đầu tiên của thôn mở ra theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo đà nông thôn mới phát triển.

Những con đường nông thôn mới ngày hôm nay đều ghi dấu công sức không nhỏ của người lính năm nào. Không chỉ vận động nhân dân hưởng ứng tích cực, tự nguyện góp công, góp kinh phí, hiến đất, bản thân ông trực tiếp đóng góp sức người, sức của trong xây dựng nông thôn mới, mở ra những con đường mới cho quê hương đi lên. Trong 2 năm 2015-2016, ông cùng bà con góp phần mở 4 tuyến đường nông thôn mới (2 giao thông nông thôn và 2 giao thông nội đồng). Năm 2015, thôn đứng đầu trong xã về xây dựng nông thôn mới.

Những nỗ lực của người lính Nguyễn Văn Ngọ đã góp phần thay da đổi thịt quê hương từng ngày. Bản thân ông cũng nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen ghi nhận công lao. Chia sẻ với chúng tôi, ông cho rằng kinh nghiệm lớn nhất là phải có sự tin tưởng của nhân dân, nói là làm, chí công vô tư, giữ sự trong sạch, gương mẫu; chỉ khi nào nhân dân tin tưởng thì mới làm theo.

Đồng chí Bùi Văn Đáng – Phó Chủ tịch UBND xã Lại Xuân khẳng định: “Trưởng thôn Nguyễn Văn Ngọ tuy là thương binh, tuổi cũng đã cao nhưng luôn được bà con tín nhiệm bầu nhiều khóa trưởng thôn, trưởng làng. Đời thường đồng chí rất gương mẫu, là người cha, người ông mẫu mực, sống tình làng nghĩa xóm. Trong công tác thì nhiệt tình trong mọi lĩnh vực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, nhiều năm được xã khen thưởng”.

Khi tiếp xúc với ông, chúng tôi luôn cảm nhận được sự rắn rỏi, ngời sáng tự hào, vững tin vào sự nghiệp cách mạng cả trong thời chiến hay thời bình; luôn giữ vững lập trường cách mạng và phấn đấu noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với người cựu chiến binh này, ngày nào còn sống, ngày đó ông còn cống hiến. Bởi trong tâm niệm của ông, mình còn sống đã là may mắn, vậy phải sống sao cho không hổ với những người đồng đội đã hy sinh, sống sao cho sự hy sinh đó không phải là vô nghĩa.

Điều tâm huyết nhất của ông muốn gửi tới các thế hệ cháu con là: Cần giữ gìn lòng nhiệt huyết, phát huy truyền thống lịch sử của ông cha, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. Đến nay, người cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngọ đã có thể mỉm cười toại nguyện vì cả cuộc đời ông đã dành trọn cho gia đình, làng xóm và Tổ quốc linh thiêng./

Cùng với bài viết về những tấm gương cựu chiến binh tiêu biểu, các bạn có thể xem thêm bài viết về các tấm gương nhà giáo thủ đô tiêu biểu để tham khảo làm tư liệu viết bài cho cuộc thi Tấm gương nhà giáo thủ đô tiêu biểu 2023.

Đánh giá bài viết
27 17.031
Bài viết về cựu chiến binh 2023
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm