Vai trò đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Vai trò đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện như thế nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là nguồn nuôi dưỡng, phát triển con người. Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định đạo đức là gốc, là nền tảng, là sức mạnh, là tiêu chuẩn hàng đầu của người cách mạng.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết hợp đạo đức truyền thống của dân tộc với tinh hoa đạo đức của nhân loại. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí rất quan trọng trong công cuộc xây dựng đời sống tinh thần của xã hội, góp phần quan trọng để điều chỉnh hành vi con người, xây dựng đạo đức mới, con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

1. Quan niệm Hồ Chí Minh về vị trí của đạo đức trong đời sống xã hội và của mỗi người

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng, muốn làm cách mạng phải lấy đạo đức làm gốc. Người viết: "Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang"

Hồ Chí Minh coi đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông, suối. Người viết: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"

Hồ Chí Minh quan niệm, đạo đức cách mạng là chỗ dựa giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách. Theo Người, có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.

2. Vai trò sức mạnh của đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Vai trò sức mạnh của đạo đức được Hồ Chí Minh nhìn nhận trên các phương diện sau:

- Có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Sự nghiệp cách mạng của chúng ta là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, làm cho con người Việt Nam từ nghèo đói trở lên đủ ăn, từ đủ ăn trở lên khá, từ khá trở lên giàu và giàu thì lại càng giàu thêm. Sự nghiệp đó rất cao cả và nhân văn, đòi hỏi phải có những phẩm chất tương ứng.

- Đạo đức là tiêu chí đánh giá sự văn minh, cao thượng của một xã hội, con người. Người có đạo đức là người cao thượng, một dân tộc, mặc dầu kinh tế còn lạc hậu, nhưng có được đạo đức cần, kiệm, liêm, chính thì vẫn xứng đáng là một dân tộc văn minh.

- Đạo đức giúp cho con người luôn giữ được nhân cách, bản lĩnh làm người trong mọi hoàn cảnh, không dễ bị thay đổi trước nhũng xoay vần biến thiên của thời cuộc: Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục.

- Đạo đức là gốc, là nguồn, là nền tảng, bởi lẽ, có tâm, có đức mới giữ vững được chủ nghĩa Mác – Lênin, đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào cuộc sống.

Vai trò đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Vai trò đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh

3. Vai trò đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Về vai trò của đạo đức, Hồ Chí Minh đã khẳng định, đạo đức cách mạng giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách. Theo quan điểm của Người, có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước, khi gặp thuận lợi và thành công cũng giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, lo hoàn thành nhiệm vụ thật tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Hồ Chí Minh còn chỉ rõ về việc tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng.

Trên cơ sở xác định vai trò to lớn của đạo đức cách mạng, Người yêu cầu mỗi cán bộ đảng viên phải không ngừng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức. Theo Người, yêu cầu đạo đức người cán bộ cần có là trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thương yêu con người, sống có tình nghĩa; tinh thần quốc tế trong sáng. Người đặc biệt nhấn mạnh Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân... Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội.

Đạo đức là một đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa, là sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, liên quan đến sự thành bại của cách mạng. Xác định được vai trò to lớn của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng ta đã chủ trương đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam
đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vai trò của đạo đức còn được thể hiện ngay ở tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần quan trọng đối với nhân dân ta và nhân loại tiến bộ đoàn kết đấu tranh vì mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Tổng kết ngắn gọn thì vai trò của đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh gồm những ý chính sau:

  • Đạo đức cách mạng giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách.
  • Đạo đức là sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
  • Đạo đức là tiêu chí đánh giá sự văn minh, cao thượng của một xã hội, con người.

Trên đây là Vai trò đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác trong mục Tài liệu: Văn hóa nhé.

Đánh giá bài viết
1 1.529
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm