(10 mẫu) Những bài giới thiệu sách hay ngắn

Giới thiệu những cuốn sách hay - Viết bài văn giới thiệu về một cuốn sách hay những lời giới thiệu sách hay nhất sẽ giúp các em truyền tải được những thông điệp về những cuốn sách hay bổ ích được chia sẻ, lan tỏa đến với mọi người.

Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ tổng hợp mẫu bài giới thiệu sách hay của học sinh tiểu học, bài giới thiệu sách của học sinh THCS, bài thi tuyên truyền giới thiệu sách hay nhất giúp các em có thêm ý tưởng khi viết bài văn giới thiệu một cuốn sách mà em yêu thích để chia sẻ cùng các bạn bè và thầy cô trong trường.

Viết một bài văn giới thiệu một cuốn sách mà em yêu thích

1. Lời giới thiệu sách hay

Dưới đây là tổng hợp một số mẫu bài giới thiệu về một cuốn sách, mẫu giới thiệu sách hay và ngắn gọn các em có thể tham khảo để có thêm ý tưởng cho bài viết của mình.

Mẫu 1

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, mỗi chúng ta lại không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ lại khoảnh khắc ngập tràn niềm vui chiến thắng của ngày 30 tháng 4. Đất nước ta sau bao năm chia cắt, nay non sông đã thu về một mối. Bài ca ra trận, bài ca chiến thắng được cất cao lên trong nắng Sài Gòn rực rỡ. Và trong niềm vui khôn xiết ấy, chúng ta không quên nhớ lại từng gương mặt những người chiến sĩ, những người mở đường cho xe ra tiền tuyến, những cung đường đã đi vào huyền thoại như một nhân chứng lịch sử đầy vẻ vang, hào hùng, oanh liệt và cũng thấm đẫm máu và nước mắt , thấm đẫm hồn dân tộc , nơi in dấu những bước chân và con tim luôn khắc sâu lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Một trong những nhà văn đã từng sống, từng chiến đấu trên mặt trận chiến trường miền nam, từng chứng kiến những giây phút sinh tử của đồng đội, đó là nhà văn Nguyễn Khắc Phê.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê sinh ra ở Hà Tĩnh, ông là hội viên hội Nhà văn Việt Nam. Trong cuộc đời sáng tác văn học của mình, ông đã dành nhiều tâm huyết cho mảng đề tài chiến tranh, trong đó phần lớn, các tác phẩm của ông viết đề tài những con đường giao thông vận tải, những cung đường đã đi vào huyền thoại gắn liền với hình ảnh những thanh niên xung phong, những quân nhân, những cô gái mở đường vừa tròn 18, đôi mươi, họ mang theo niềm tin và sức trẻ, tình yêu đất nước, không tiếc tuổi thanh xuân của mình để chiến đấu và hi sinh bảo vệ những con đường. Trong những tập truyện, tập kí sự của mình, nhà văn luôn khắc họa 1 cách chân thực và sinh động những gì diễn ra, nó tựa như thước phim lịch sử mang giá trị nhân văn sâu sắc. Trong các tác phẩm đó, phải kể đến tập kí sự mang tên “NHỮNG NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG NGÀY ẤY”

Cuốn sách :” NHỮNG NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG NGÀY ẤY” của tác giả Khắc Phê được Nxb Văn học xuất bản năm 2016. Cuốn sách có độ dày 400 trang, khổ cỡ 16x19 cm, bao gồm có 4 phần:

Phần 1: Những nhịp cầu dẫn lên con đường mới

Phần 2: Đường lên đỉnh cao

Phần 3: Giữ nhịp cầu nối 2 miền đất nước

Phần 4: Nghĩ trên con đường lớn

Cuốn sách là 1 tập kí sự đầy những kỉ niệm và hồi ức về một thời bom đạn của những nữ thanh niên xung phong, họ hát vang bai ca ra trận, họ như những ánh sao sáng lấp lánh tỏa rạng những cung đường lịch sử. Dù có khó khăn, hiểm nguy, gian khổ, nhưng họ vẫn hiên ngang bám trụ, quyết tâm nối nhịp những bờ vui, chờ đến ngày đất nước giải phóng, bắc nam sum họp một nhà. Đọc cuốn kí sự này, mỗi chúng ta, nhất là thế hệ trẻ hôm nay sẽ tự hào hơn về tấm gương những bậc cha anh đi trước, để từ đó cố gắng học tập, tu dương, rèn luyện để tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng, dựng xây quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp./

Mẫu 2

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Tổ tiên ta chẳng những đã để lại cho chúng ta một dải non song tươi đẹp mà còn cả một quá khứ lịch sử vẻ vang, với bao nhiêu truyền thống anh hùng và bao tấm gương sáng chói.

“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi song bờ cõi đã riêng
Phong tục Bắc –Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có”
(Nguyễn Trãi – Bình Ngô đại cáo)

Những truyền thống tốt đẹp ấy đã được cha ông ta gìn giữ muôn đời, đến nay Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trân trọng giữ gìn, phát huy truyền thống và lấy đó làm một trong những nguồn sức mạnh cổ vũ tinh thần nhân dân hang hái tiến bước trên con đường đấu tranh cách mạng. Giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc ta là việc Đảng ta rất coi trọng đồng thời cũng là yêu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quá khứ lịch sử anh hùng dân tộc từ ngàn xưa đã sống dậy mãnh liệt và đẹp hơn bao bao giờ hết trong sự nghiệp cách mạng nói chung cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Để góp phần vào việc tìm hiểu, học tập truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha ta nhà xuất bản Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu cuốn sách : “Kể chuyện mấy nghìn năm giữ nước – tập I” được ấn hành năm 2010 với 180 trang sách được biên soạn bởi Quốc Thiều, Chu Thanh Hải. Đến với cuốn sách các tác giả đã chọn lựa và sử dụng các truyền thuyết dân gian, các thần tích, thần phả…hiện còn lưu truyền ở nhiều địa phương để bổ sung cho nhiều tài liệu gốc vốn có trong chính sử. Mở từng trang sách lần theo những trang lịch sử chống giặc ngoại xâm oanh liệt, là những câu chuyện kể lại chuyện đánh giặc giữ nước thường được truyền tụng nhiều trong sách vở cũng như trong dân gian, nhằm mục đích gợi nên niềm tự hào chính đáng đối với quá khứ vẻ vang của dân tộc, bồi dưỡng tinh thần yêu nước và nâng cao ý chí chiến đấu quyết tâm hoàn thành sự nghiệp cách mạng, làm tròn nhiệm vụ giành và giữ lấy đất nước tươi đẹp mà tổ tiên để lại, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:

“ Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” hay

“ Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Hy vọng cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích gửi đến thầy cô và các em học sinh.

Mẫu 3

Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!

Trong muôn vàn những điều tốt đẹp mà cuộc sống mang lại cho mọi người thì Hòa bình là một món quà vô giá nhất. Để có được cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay, lớp lớp các thế hệ chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” đã và đang ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền đối với biển đảo thiêng liêng của dân tộc, quyết không để một tấc đất rơi vào tay kẻ thù, mang lại cuộc sống yên bình, ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người. Hôm nay, nhân kỉ niệm ... năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/1944 – 22/12/20...,em xin trân trọng gửi đến quý thầy cô cùng tất cả các bạn cuốn sách: “Đi qua Gạc Ma đến đảo Sinh Tồn” của tác giả Lê Hoài Nam, sách do nhà xuất bản Thanh niên thẩm định và xuất bản năm 2014, với độ dày 215 trang, khổ sách 13 x 20.5 cm.

Các bạn học sinh thân mến!

“Đi qua Gạc Ma đến đảo Sinh Tồn” là một trong 16 cuốn sách nằm trong bộ sách “Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”. Bộ sách được ra đời ngay sau sự kiện ngày 01/5/2014 khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam, xâm phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuốn sách tập hợp 14 bút ký và 3 truyện ngắn hay, đặc sắc, cảm động, … viết về biển đảo quê hương và người lính, qua đó cung cấp bạn đọc những kiến thức về lịch sử, về biển đảo của Việt Nam như đảo Hồi Sinh, đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết, đảo Họa Mi, đảo Sinh Tồn, Bến cảng Trường Sa lớn, … để càng thêm yêu, tự hào hơn với di sản cha ông để lại; đồng thời nhắc nhủ các thế hệ người Việt Nam bây giờ và mai sau phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước.

Các bạn học sinh thân mến!

Được lấy làm tiêu đề của cuốn sách, bút ký “Ngang qua Gạc Ma đến đảo Sinh Tồn” cho chúng mình như được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người lính Hải quân cũng như người dân tại đảo Sinh Tồn. Tuy lúc nào những người lính cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao, nhưng không khí nơi đây không hề căng thẳng, vẫn toát lên được vẻ yên ả, thanh bình. Vẻ yên ả, thanh bình được cảm nhận từ ngọn hải đăng cao vút, những cây quạt gió sản xuất ra điện như mơ màng trong cái nắng xế vàng chiều hoàng hôn; những cây bàng vuông đứng thành hàng lối như đội hình của người lính với những chùm hoa trắng duyên dáng, những cây phượng vĩ đang bung ra những chùm hoa đầu mùa đỏ rực ở trong sân trường Tiểu học Sinh Tồn…

Hay “Mùa xuân của người giữ đảo” kể về cuộc sống của những chiến sĩ hải quân, một năm có 365 ngày cũng là ngần ấy thời gian những người lính trên đảo phải đối mặt với gió biển, cái nắng “cháy da cháy thịt”, và các trận bão liên miên quanh năm. Cuộc sống thiếu thốn và khắc nghiệt không bao giờ lung lay được ý chí, nghị lực và tình yêu biển đảo của các chiến sĩ, họ vẫn luôn kiên cường bám biển, vững tay súng canh những cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Quần đảo Trường Sa trước đây chỉ đơn sơ với những bãi đá cát san hô trần trụi, những ngôi nhà tạm và những người canh giữ đảo thì nay khi xem trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng mình sẽ thấy những hòn đảo của Trường Sa có cây xanh mọc lên, có nhà xây, nhà cao tầng vững chắc, có trường học và những tiếng cười đùa vui vẻ của các bạn học sinh trên đảo, … Vậy ai là những người làm nên sự kì diệu ấy? Họ đã thiết kế và thi công những công trình ra sao trên những hòn đảo nổi, đảo chìm mà dưới nền đá san hô thì hoàn toàn là nước mặn ấy? “Những pháo đài Trường Sa” sẽ trả lời cho chúng mình các câu hỏi và thắc mắc trên nhé.

Các bạn học sinh thân mến!

Mỗi câu chuyện ngắn đều được viết bằng những ngôn từ và câu văn gần gũi, giản dị, dễ đọc và dễ cảm nhận. Bởi thế, cô tin mỗi chúng ta đều sẽ thấy thú vị và tìm được nhiều điều bổ ích từ cuốn sách. Để biết còn những câu chuyện thú vị, hấp dẫn và lôi cuốn nào nữa thì chúng mình hãy cùng tìm đọc cuốn “Đi qua Gạc Ma đến đảo Sinh Tồn” qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc qua tủ sách Lịch sử - Danh nhân trong thư viện trường nhé. Em hy vọng rằng các bạn ngày càng tìm được nhiều điều bổ ích từ những trang sách nhỏ.

Buổi tuyên truyền giới thiệu sách của thư viện về hưởng ứng .... năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đến đây xin được khép lại. Kính chúc thầy cô giáo và các bạn học sinh đón tuần học mới thật nhiều sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc!

Xin trân trọng cảm ơn các thầy cô giáo và các bạn học sinh đã chú ý lắng nghe!

2. Bài giới thiệu sách hay Tiểu học

Giới thiệu scuốn sách “Kim Đồng” - Tác giả: Tô Hoài

Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mảnh đất Việt Nam anh hùng đã sản sinh ra rất nhiều tấm gương thiếu niên tuổi nhỏ nhưng chí lớn đã anh dũng hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Họ đã hiến dâng cuộc đời mình để hóa thân vào hình hài đất nước, viết nên những trang lịch sử đau thương mà vô cùng vẻ vang của dân tộc.

Nhân dịp kỉ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thư viện trường ...... trân trọng giới thiệu tới quý thầy cô cùng các bạn học sinh cuốn sách “Kim Đồng” của nhà văn Tô Hoài được nhà xuất bản Kim Đồng tái bản vào năm 2019. Cuốn sách dày 32 trang được in trên khổ giấy 19x26cm.

Đầu tiên, ta nhìn thấy hai chữ “Kim Đồng” nổi bật trên trang bìa của cuốn sách với hình ảnh anh Kim Đồng nhỏ bé người đội trưởng đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc, nay là Đội TNTP Hồ Chí Minh. Nhìn vào đó, ta có thể cảm nhận được nét rắn rỏi, nhanh nhẹn, ý chí kiên cường trước bom đạn kẻ thù của người thiếu niên anh dũng.

Đến với nội dung của cuốn sách, tác giả giới thiệu tên thật của anh Kim Đồng là Nông Văn Dền quê ở Nà Mạ. Dền cũng như bao đứa trẻ khác có những hành động, lời nói rất hồn nhiên. Nhưng sống trong thời kì chiến tranh, khi mà kẻ thù tàn ác, tuổi thơ của Dền đã phải tận mắt chứng kiến cảnh bố mình và bao nhiêu người làng bị đánh đập, bị lính bắt đi phu. Rồi đến khi bố Dền đi phu “chẳng bao giò về nữa”, Dền đã chứng kiến sự mất mát, đau khổ của mẹ. Và Dền bắt đầu tập làm người lớn để giúp đỡ mẹ, là “người đàn ông” trong gia đình cùng “gánh vác” việc nhà. Đọc truyện, bạn đọc sẽ không khỏi bùi ngùi, xúc động, trước những lời nói, những việc làm vẫn đậm nét trẻ con nhưng lại toát lên sự ngoan ngoãn, hiếu thảo và đáng trân trọng của cậu bé Dền.

Cậu bé Dền đến với cách mạng cũng thật tự nhiên. Từ việc “rình anh trai làm súng” đến khi biết anh trai mình có trong đội tự vệ có tên là Cứu quốc thì Dền rất muốn làm cách mạng mặc dù biết rất nguy hiểm và gian nan. Rồi cái ngày Dền mong mỏi ấy cũng đến, Dền được cử làm tổ trưởng Hội Nhi đồng cứu quốc ở khu đó và có tên cách mạng là Kim Đồng. Kim Đồng rất nhanh trí và hay có sáng kiến. Cậu bé muốn được làm công tác giao thông liên lạc.

Trong một lần đi liên lạc về, Kim Đồng phát hiện bọn địch đang phục kích ngay bên cạnh nơi họp của Mặt trận Việt Minh. Ngay lập tức, Kim Đồng nhanh trí nghĩ cách đánh lừa để địch nổ súng về phía mình. Chính nhờ tiếng súng “báo động” ấy, mà các cán bộ của Mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng thoát khỏi vòng vây nguy hiểm của địch, anh chạy đến khu vực gần bờ suối Lênin thì anh dũng hi sinh.

Các bạn học sinh thân mến. Tinh thần yêu nước và sự hi sinh anh dũng của anh Kim Đồng mãi được sử sách lưu danh. Đó là tấm gương sáng để mỗi chúng ta ra sức rèn luyện, học tập tốt xứng đáng với sự hi sinh của các thế hệ cha anh. Các bạn hãy tìm đọc cuốn sách “Kim Đồng” hiện đang có trong tủ sách danh nhân tại thư viện trường ..... nhé!

Giới thiệu cuốn sách: “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”

Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!

Từ xa xưa, sách luôn được coi là kho tàng tri thức vô tận và quý giá của nhân loại. Việc đọc sách mang lại cho con người nhiều lợi ích, không chỉ giúp chúng ta tiếp nhận thêm kiến thức mới mà còn giúp phát triển và hoàn thiện nhân cách của con người. Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, thư viện nhà trường trân trọng giới thiệu tới quý thầy cô và các bạn học sinh một cuốn sách vô cùng ý nghĩa, thấm đẫm tính nhân văn mang tựa đề “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” của nhà văn Luis Sepúlveda.

Luis Sepúlveda sinh vào tháng 10 năm 1949 tại Chile. Ông mất vào ngày 16 tháng 4 năm 2020, tại Tây Ban Nha do đại dịch quái ác mang tên Covid-19. Luis Sepúlveda là nhà văn, nhà báo, đạo diễn, nhà cách mạng nổi tiếng của Chile. Với giọng văn giản dị nhưng truyền cảm, các tác phẩm của Luis Sepúlveda đều mang đến cho độc giả nhiều bài học sâu sắc. Vì lẽ đó , ông được mệnh danh là “người kể chuyện ngụ ngôn cho mọi lứa tuổi” và thu hút đông đảo bạn đọc trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, nhiều tác phẩm của ông đã được phát hành và được đông đảo bạn đọc yêu thích như: Lão già mê đọc truyện tình, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp, Chuyện con chó tên là Trung Thành, Hoa hồng sa mạc.

Tác phẩm “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” có lẽ là một trong những cuốn sách được thiếu nhi Việt Nam yêu thích nhất. Cuốn sách do nhà xuất bản Hội nhà văn phối hợp cùng Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phát hành với độ dày 144 trang, trên khổ giấy 14x20,5cm. Tác phẩm không chỉ là một câu chuyện ấm áp, dễ thương về loài vật mà còn truyền tải thông điệp về trách nhiệm với môi trường, về sự sẻ chia và yêu thương.

Mở đầu câu chuyện là hình ảnh đàn chim hải âu tiến về vịnh Biscay để tham dự đại hội dành cho chúng. Trong đó, có một cô hải âu xinh đẹp tên là Kengah với bộ lông màu bạc vô cùng quyến rũ; nhưng chỉ vì một chút sơ ý mà cô đã bị thụt lùi so với đồng đội của mình. Tuy nhiên, nguy hiểm chưa dừng lại ở đó, khi dang cánh định bay lên thì cô bị mắc vào lớp váng dầu được thải ra nhày nhụa trên biển tưởng chừng như không thể thoát ra được. Nhưng với một ý chí một quyết tâm nào đó đã khiến cô nàng hải âu của chúng ta dùng hết sức lực để bay đến một ban công nơi chú mèo Zorba đang tắm nắng. Với chút sức lực của mình Kengah đã hạ sinh ra một quả trứng và đưa ra ba lời hứa và yêu cầu chú mèo Zorba phải thực hiện. Đầu tiên là “không ăn quả trứng”; thứ hai là “sẽ chăm lo cho quả trứng đến khi chim non ra đời” và cuối cùng là “dạy cho nó biết bay”. Ba điều tưởng chừng như không thể với loài mèo và càng không thể hơn với một chú mèo lười vô cùng to béo như Zorba. Nhưng với lòng tự trọng và danh dự của một con mèo tại cảng Hamburg, chú ta đã bắt đầu thực hiện lời hứa của mình với đầy sự tận tâm và trách nhiệm. Cùng với sự giúp đỡ của những người bạn, Zorba đã thực hiện được tất cả các lời hứa của mình

Không chỉ dừng lại ở những ý nghĩa nhân văn trong cốt truyện, tác phẩm còn mang lại những bài học nhân văn vô cùng sâu sắc. Đầu tiên, là bài học về lời hứa. Trong cuộc sống, chúng ta phải luôn luôn tôn trọng lời hứa. Khi đã hứa là phải làm dù có khó khăn đến mấy. Thêm vào đó, Luis Sepúlveda đã cho ta thấy được sự cao cả của tình mẫu tử. Biết được mình sắp ra đi và bằng tất cả sự yêu thương, lo lắng cho đứa con sắp chào đời của mình, cô hải âu Kengah đã bay lên mặc dù đôi cánh vẫn còn dính dầu để đi tìm sự giúp đỡ dù cho đó có là tia hi vọng mỏng manh nhất. Và đó cũng là hình ảnh thấm đẫm nước mắt khắc sâu trong tâm trí của người đọc về vẻ đẹp cao quý của tình mẫu tử; càng làm cho chúng ta thêm căm phẫn tận cùng về hình ảnh ô nhiễm môi trường đang diễn ra.

“Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu… Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó. Con là chim hải âu, và con phải sống cuộc đời của một con hải âu. Con phải bay”. Chính những câu nói ấy đã khiến chúng ta nhận ra rằng tình yêu thương không chỉ tới cùng những con người có cùng chủng tộc mà tình yêu thương chính là một món quà được sinh ra từ những gì đẹp đẽ nhất. Ai trong chúng ta cũng có sự khác biệt kể cả loài vật cũng vậy. Chính vì điều ấy, tạo hóa đã ban cho chúng ta tình yêu thương như để dang rộng đôi tay một tình yêu không có giới hạn.

“Chuyện con mèo dạy hải âu bay” không chỉ là một câu chuyện nhẹ nhàng, trong sáng mà tác phẩm còn đề cao sự tự tin, quyết tâm cố gắng vượt qua mọi thử thách và điều quan trọng là luôn phấn đấu thay đổi bản thân để theo đuổi và thực hiện ước mơ của chính mình. Mặc dù nhà văn Luis Sepúlveda đã đi xa, nhưng chắc chắn rằng chú mèo Zorba cùng với bạn bè của mình sẽ viết tiếp những trang sách để đời in dấu những giá trị nhân văn cao cả.

3. Bài giới thiệu sách của học sinh THCS

Giới thiệu cuốn sách: “Thương nhớ mười hai” - Tác giả Vũ Bằng

Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!

Dòng thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Khi cái giá rét, lạnh lẽo của mùa đông đang dần tan biến nhường chỗ cho những tia nắng vàng ấm áp, những nụ hoa dần hé nở, cây cối lại được khoác lên mình chiếc áo xanh non quyến rũ. Nàng tiên mùa xuân đang gõ cửa mang theo bao háo hức, hân hoan đón chào một năm mới. Chắc hẳn năm 2022 vừa qua đã để lại cho các bạn nhiều ấn tượng, cảm xúc khó quên. Và trong những ngày cuối năm, chúng ta hãy cùng hoài niệm với tác giả Vũ Bằng về 12 tháng trong năm của miền Bắc xưa qua tác phẩm “Thương nhớ mười hai” nhé!

Nhắc đến Vũ Bằng là chúng ta nhắc đến một nhà báo, một nhà văn tài hoa, hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí và văn chương. Ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội sau đó, do hoàn cảnh lịch sử ông phải vào Miền Nam hoạt động từ năm 1954. Mỗi tác phẩm của ông đều mang phong thái nhẹ nhàng, ẩn chứa những tình cảm chân thật, mộc mạc về con người và cuộc sống. Tác phẩm “Thương nhớ mười hai” bắt đầu được sáng tác từ tháng giêng năm 1960 nhưng đến tận năm 1971 mới hoàn thành.

Cuốn hồi ký trở thành nỗi niềm chung của những người con xa xứ nhanh chóng chiếm được cảm tình của bạn đọc. Tác phẩm đã được tái bản nhiều lần, gần đây “Thương nhớ mười hai” được nhà xuất bản Hồng Đức tái bản năm 2013 với độ dày 332 trang, được in trên khổ giấy 13x19cm.

Nói về “Thương nhớ mười hai” là nói về 12 tháng trong năm của Hà Nội, có cảnh vật, ẩm thực, phong tục, tập quán của người Bắc Việt. Bên cạnh đó, thông qua các hình ảnh đẹp, tinh tế nhưng đượm buồn nhà văn còn bày tỏ nỗi nhớ, tình cảm của mình với người thân và quê hương. Mười hai tháng thương nhớ của Vũ Bằng là hình ảnh của Hà Nội xuân, hạ, thu, đông; là một Hà Nội đặc trưng với tháng giêng trăng non rét ngọt; của tháng hai tương tư hoa đào; hay của tháng chín, gạo mới, chim ngói; rồi của tháng chạp, nhớ ơi chợ Tết.

Mùa xuân Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng là mùa xuân “có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng …”. Những câu văn đầy chất thơ; từng câu, chữ ngân nga gợi hình làm bất kì ai đã từng sống và gắn bó với Hà Nội đều có thể hình dung và liên tưởng. Cái mùa xuân ấy của Hà Nội theo tác giả nó làm ông “muốn phát điên lên”, “tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá”.

Nhiều người sẽ không thích mùa hạ bởi sự oi bức, nóng nực của nó. Nhưng Vũ Bằng vẫn yêu, say đắm cái mùa hạ Bắc Việt, vì tình yêu tha thiết với mảnh đất, con người nơi đây và vì những cảnh đẹp đã xua tan đi sự oi ả đó. “Tháng tư của miền Bắc ngày xưa, tháng tư yêu dấu, có nóng, có oi, có dế kêu, có muỗi đốt nhưng tất cả có thấm vào đâu những buổi bình minh nạm vàng, mở mắt ra nhìn lên cao thì thấy mây bay thong thả như trời khảm bằng xà cừ, gió hây hây mát, mở cửa ra đường thì thấy cả trời đất như là pha lê mà cái thân mình nhẹ tênh tếnh như là có cánh”.

Mùa thu của Bắc Việt hiện lên, bắt đầu với chương bảy của “Thương nhớ mười hai”. Tiết trời của Bắc Việt qua góc nhìn của Vũ Bằng vào thời gian này gắn liền với những trận mưa, “mưa lai rai, mưa dầm dề, mưa lê thê, và tự nhiên thấy mưa ai cũng não nề là vì không ai bảo ai mà đều biết đó là mưa ngâu”.

Mùa đông đến, sự giá lạnh tràn về trên mọi nẻo. Đầu đông, bắt đầu với những cơn gió bấc, mưa phùn, trời bắt đầu trở rét. Cuối đông cũng là lúc Tết sắp về. Có lẽ không chỉ riêng Vũ Bằng, đối với bất kỳ người con xa xứ nào, tết vẫn là thời khắc thiêng liêng nhất trong tâm hồn mỗi con người, bởi đó là không gian đầm ấm, là thời khắc gia đình sum họp, dù ai đi đâu về đâu, tết là lúc hướng về cội nguồn, về tổ ấm gia đình, về tình thân…Vũ Bằng đã dành hai chương cuối cùng của “Thương nhớ mười hai” để viết về cái Tết của quê hương, của đất nước với bao tập tục, lễ hội, bao nghi thức thiêng liêng. Sở dĩ ông ưu ái cho cái Tết bởi nó gắn với không gian gia đình, quê hương, với người vợ hiền đã đi xa của ông.

Đặc biệt khi nói đến Tết, Vũ Bằng dành nhiều tình cảm cho chợ Tết. Nói đến chợ Tết là nói đến một nét văn hóa rất độc đáo trong Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, chợ Tết đã đi vào tâm thức của Vũ Bằng thật sinh động để rồi tạo nên những trang văn đẹp nhất, lung linh nhất trong Thương nhớ mười hai. “Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết” đã cho thấy chợ Tết trở thành một cảm hứng chủ đạo, để từ đó nhớ về những vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày Tết được thể hiện qua những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội dân gian… cùng với những lo toan, những buồn vui trong đời người mỗi khi Tết đến, xuân về. Có thể thấy, trong “Thương nhớ mười hai”, cùng với nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong ngày Tết cổ truyền dân tộc như: phong tục thờ cúng tổ tiên, phong tục đưa ông Táo chầu trời, phong tục kiêng kị và những lễ hội trong ngày Tết như hội Chọi trâu, hội Lim.. thì chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ. Đó là sức hấp dẫn của cái đẹp được hình thành từ những điều bình dị của cuộc sống. Và từ đó, ta càng thấy yêu hơn cái “bình dị”, “quê mùa” nhưng vô cùng ấm áp của những phiên chợ Tết truyền thống dân tộc “Thì ra chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ thật: nhìn vào cái gì cũng thấy đẹp, trông người nào mình cũng thấy tươi, thấy cái gì mình cũng muốn mua”.

Bài giới thiệu sách của học sinh THCS

Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến! Sống trong thời đại ngày nay, khi mà mọi giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một trước quá trình hội nhập và đô thị hóa, khi mà nhiều phong tục tập quán ngày Tết bị giản lược theo nhịp sống công nghiệp, khi mà những chiếc bánh chưng, lọ dưa hành, củ kiệu, câu đối… người ta có thể sản xuất hàng loạt và bày bán đầy rẫy trong các siêu thị thì việc hướng về không gian văn hóa của chợ Tết ngày xưa để nhìn lại những giá trị đã kết tinh thành những kí ức văn hóa, thành những hoài niệm trong mỗi người là việc vô cùng ý nghĩa. Bởi lẽ, đối với người Việt Nam ngày Tết không chỉ để vui chơi, giải trí mà đó còn là lúc trở về với nguồn cội, với tổ tiên, trở về với những giá trị văn hóa truyền thống, với những phong tục, tập quán “đã ăn sâu vào đời sống xã hội từ lâu đời”. Và đây cũng chính là sợi dây kết nối các thế hệ với nhau trong cộng đồng dân tộc. Nó trở thành một thứ sức mạnh của tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Cho nên dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì người Việt Nam vẫn luôn nhớ lũy tre làng, nhớ cây đa, bến nước, sân đình, nhớ chợ làng mà trong đó những phiên chợ Tết là những điều khiến lòng ta khắc khoải nhất.

Có thể nói hơn cả một cuốn tùy bút chứa đựng nỗi nhớ da diết, “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng còn là tác phẩm văn học mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn để mỗi một gia đình, mỗi người con khi tìm đến lại có cơ hội đi ngược miền kí ức, trở về với những giá trị văn hóa đáng tự hào của mảnh đất Kinh Kỳ tinh tế, tài hoa. Các bạn hãy tìm đọc cuốn sách này tại thư viện trường ..... nhé!

Nhân dịp năm mới 2023 đang đến gần, em xin kính chúc các thầy cô giáo và các bạn học sinh có một năm mới luôn mạnh khỏe, an khang thịnh vượng. Hẹn gặp lại các thầy cô và các bạn trong các buổi giới thiệu sách lần sau!

Giới thiệu cuốn sách Cổ tích và Thắng cảnh Hà Nội

Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!

Cách đây tròn 68 năm, ngày 10/10/1954, trong rừng cờ đỏ sao vàng, các cửa ô Hà Nội ngập tràn niềm vui chiến thắng đón chào đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô. Kể từ ngày đó đến nay, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.

Trong dòng chảy ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, kể từ “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đối mặt với biết bao kẻ thù, mảnh đất ấy không chỉ ghi lại những chiến công hào hùng làm nên những bản anh hùng ca bất diệt mà còn ghi lại nhiều công cuộc sáng tạo vĩ đại cần cù của cả một dân tộc.

Thăng Long Hà Nội đô thành
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ
Cố đô rồi lại tân đô
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây.

Nhân dịp kỉ niệm 68 năm ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954 -10/10/2022), thư viện trường THCS Chu Văn An, trân trọng giới thiệu tới thầy cô và các bạn cuốn sách “Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội” của nhà văn Doãn Kế Thiện. Đây là công trình đầu tiên biên soạn về những di tích lịch sử Thăng Long - Hà Nội, cung cấp nhiều tư liệu có giá trị.

Cuốn sách “Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội” do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành vào năm 2020, sách dày 200 trang, được in trên khổ giấy 14x22,5cm. Bìa sách được in bằng bìa cứng nổi bật là hình ảnh Hồ Gươm với Tháp Rùa - một trong những biểu tượng của thủ đô ngàn năm văn hiến. Nội dung cuốn sách gồm 2 phần:

Phần một - Dấu vết thành xưa ghi lại những thay đổi của Thủ đô qua các triều đại từ thời nhà Lý cho đến khi thành Thăng Long bị thực dân Pháp tàn phá, chiếm đóng. Hà Nội trở thành thủ đô của nước ta ngay từ đầu thời chấm dứt ách thống trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc hơn ngàn năm. Năm 1010, Lý Thái Tổ tức Lý Công Uẩn thay nhà Tiền Lê lên cầm quyền, đã dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Kể từ đó đến năm 1945 là thời kỳ nước ta bắt đầu xây dựng nên một quốc gia mới: Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì Hà Nội đã trải qua bảy triều đại và hai lần ngoại cuộc. Trong ngót ngàn năm ấy, bao nhiêu công trình kiến trúc đã được xây dựng, tôn tạo đã điểm xuyết góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của mảnh đất Hà Nội - địa linh nhân kiệt - nơi lắng hồn núi sông ngàn năm. Nhưng ngày lụi, tháng qua, sao dời, vật đổi, một số thắng cảnh đã bị xóa nhòa theo dĩ vãng, chỉ còn lại trong hoài niệm. Chính vì lẽ đó mà nữ thi sĩ bà Huyện Thanh Quan đã viết ra những dòng thơ chất chứa nỗi lòng:

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

Bên cạnh đó tác giả cũng kể cho bạn đọc những chuyện cũ quanh thành xưa về chợ phiên Bạch Mã, quán trạm Bồ Đề, đình Quảng Văn, …Lật mở những trang sách, các bạn sẽ được du lịch xuyên thời gian, trở về thủ đô những ngày tháng xa xưa, từ thời thành Đại La, cho tới Thăng Long, Hà Nội, hòa vào cảnh sắc, cổ tích và giai thoại của vùng đất vạn vật, các bạn sẽ bỏ túi cho mình một khối lượng kiến thức lịch sử phong phú.

Phần hai - Thắng cảnh Hà Nội. Trong phần này, tác giả đã mở ra một bức tranh sống động với những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp làm say mê lòng người cùng với những công trình kiến trúc thể hiện tài năng, sức sáng tạo, văn hóa của con người Thủ đô và cả nước. Với giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, tác giả đã dẫn dắt người đọc tìm hiểu, khám phá những thẳng cảnh nổi tiếng của thủ đô Hà Nội làm nên biểu tượng Thăng Long - Hà Nội - ngàn năm văn hiến. Đó là Hồ Hoàn Kiếm đẹp lung linh, huyền ảo gắn với truyền thuyết trả gươm của vua Lê Lợi và những công trình kiến trúc độc đáo. Đó là Hồ Tây nên thơ, hùng vĩ, mênh mông sóng nước: “Sương lam phủ đất chim chờ gió - Sóng bạc tung giời cá đớp mây”. Theo từng trang sách những bí ẩn, huyền thoại chìm trong làn nước mênh mông cũng dần được tác giả hé mở. Mỗi tên gọi của Hồ Tây gắn với một sự tích cội nguồn hay dấu ấn lịch sử.

Càng đọc càng say, cuốn sách như dắt ta vào một thế giới cổ tích vừa đẹp vừa cổ kính vừa mang tính lịch sử của mảnh đất Kinh Kì này như Văn Miếu Quốc Tử Giám - biểu tượng của truyền thống hiếu học, tôn sư trong đạo; chùa Một Cột - điểm đến tâm linh, biểu tượng văn hóa ngàn năm của Hà Nội với kiến trúc nghệ thuật độc đáo; Gò Đống Đa nơi ghi dấu chiến công hào hùng của dân tộc với chiến thắng oanh liệt, lẫy lừng của nghĩa quân Tây Sơn... Với cách viết tự nhiên, câu văn giàu hình ảnh, giàu cảm xúc cùng với những tư liệu lịch sử phong phú cuốn sách để lại trong em niềm tự hào và tình yêu tha thiết với thủ đô Hà Nội thân yêu.

Hy vọng qua cuốn sách này, các bạn sẽ thêm yêu quý mảnh đất Hà Nội linh thiêng – nơi lắng hồn núi sông ngàn năm; có ý thức bảo tồn các di tích lịch sử; đồng thời ra sức học tập, rèn luyện để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với tinh thần chiến đấu và sức sáng tạo của các bậc tiền nhân. Các bạn hãy tìm đọc cuốn sách “Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội” tại thư viện của nhà trường để khám phá các thắng cảnh và thả hồn mình vào dòng lịch sử mênh mang của thủ đô yêu dấu.

Xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo và các bạn học sinh đã chú ý lắng nghe. Chúc các thầy cô giáo và các bạn học sinh có một tuần làm việc, học tập vui vẻ và hiệu quả!

Giới thiệu truyện ngắn Dế mèn phiêu lưu ký

Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!

Nhà văn Maksim Gorky đã từng nói “Tôi càng đọc nhiều sách thì sách càng làm cho tôi gắn bó với thế giới, cuộc đời càng trở nên rực rỡ, có ý nghĩa đối với tôi.” Đúng vậy, sách là kho tàng kiến thức vô giá, đọc sách không chỉ giúp bạn mở mang kiến thức mà còn giúp bạn tích lũy được những kinh nghiệm sống quý giá cho bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn cao đẹp. Người xưa có câu “Đọc một cuốn sách, đi muôn dặm đường”. Cuốn sách “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài đã đưa em đến những dặm đường kì diệu đó.

Tô Hoài là một trong những cây bút xuất sắc nhất của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Suốt cuộc đời gần 80 năm sáng tạo bền bỉ của mình, Tô Hoài đã để lại một lượng tác phẩm đồ sộ với gần 200 đầu sách, trong đó nổi tiếng là tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Đây là tác phẩm đặc sắc và thành công nhất của Tô Hoài viết về loài vật dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
Nhắc đến “Dế Mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài là nhắc đến một thế giới đồng quê, nơi các loài vật, côn trùng tồn tại, sinh hoạt như thế giới loài người với đầy đủ các tập tục, nếp sống, văn hóa riêng, được tác giả miêu tả đầy sinh động, hấp dẫn. Thông qua đó, tác phẩm thể hiện cái nhìn nhân văn về con người, lồng ghép các giá trị, bài học giáo dục của tác giả gửi gắm đến độc giả thiếu nhi bằng một hình thức mới mẻ, lôi cuốn. Bằng ngòi bút tinh tế, nhà văn đã kể lại cuộc phiêu lưu sôi nổi, kì thú của chú Dế Mèn mới lớn, nông nổi mà ham học hỏi. Trải qua nhiều thập kỉ, tác phẩm đã được in đi in lại nhiều lần và được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích.
Theo bước chân của Dế Mèn, chúng ta sẽ được lạc vào thế giới loài vật gần gũi, thân thương, gắn chặt với đời sống thôn quê dân dã như: bác Xiến Tóc, Châu Chấu Voi, Võ sĩ bọ ngựa, Ếch Cốm, Chuồn Chuồn…Tô Hoài đã vẽ nên một thế giới với muôn vàn những tình cảm mới lạ, những ham thích thiết thực và đầy phiêu lưu, những rung động tinh tế trước vẻ đẹp cuộc đời và thiên nhiên.

Chú Dế Mèn mà tôi biết vốn là một chú dế cường tráng nhưng bướng bỉnh, kiêu ngạo và hung hăng hay đi bắt nạt người khác. Dưới con mắt Dế Mèn, Dế Choắt chỉ là một kẻ yếu ớt, xấu xí gầy lêu nghêu như một “gã nghiện thuốc phiện”. Dế Mèn luôn chê anh chàng này lười nhác, ngu dốt, hôi như cú mèo. Chính sự kiêu căng, xốc nổi của mình, Dế Mèn đã vô tình gây tai họa khiến người láng giềng tội nghiệp phải ra đi mãi mãi. Lời trăn trối của Dế Choắt, mãi là bài học dành cho Dế Mèn và mọi người: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn gì rồi cũng mang vạ vào mình đấy!”. Nhà văn Tô Hoài đã mượn lời nhắc nhở của Dế Choắt nhằm gửi tới các bạn đọc nhỏ tuổi lời khuyên không nên kiêu căng, tự mãn, không ngừng rèn luyện nhân cách để sau này trở thành người tử tế và hữu ích.Bài học đắt giá của Dế Mèn đã nhắc nhở chúng tôi sống biết mình, biết ta, có thái độ đúng mực. Đặc biệt khi phạm lỗi lầm, phải biết ăn năn hối cải về những khuyết điểm của mình trong cuộc sống.
Mang theo mình bài học đường đời đầu tiên, Dế Mèn quyết chí đi chu du thiên hạ, làm những việc có ý nghĩa. Trên chuyến hành trình của mình, Dế Mèn kết tình anh em cùng Dế Trũi - một người bạn tốt, giỏi võ, vui tính. Họ cũng nhau chu du khắp thế gian, sát cánh bên nhau cùng trải qua biết bao gian nan, thách thức. Tình bạn chân thành, cao đẹp của Dế Mèn và Dế Trũi đã gây xúc động lớn cho biết bao thế hệ bạn đọc. Đúng là phải qua khó khăn, thử thách mới hiểu hết được nhau, thêm yêu quý và tôn trọng nhau. Nếu cuộc sống này không có tình bạn, thì thật sự rất lẻ loi, cô độc.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có lúc là một chú Dế Mèn trẻ con, bồng bột, sai lầm, ích kỷ, vấp ngã,… nhưng rồi chúng ta sẽ thay đổi và trưởng thành theo thời gian và những trải nghiệm từ cuộc sống. Những đứa trẻ, chắc chắn trong đường đời của mình, sẽ có những vấp ngã rồi mới trưởng thành được. Nhưng em sẽ học tập Dế Mèn, học sự tự tin và những cố gắng sửa chữa lỗi lầm, học sự chia sẻ, tốt bụng của chú.

Đọc cuốn sách này, dường như mỗi chúng ta đang được phiêu lưu cùng chú Dế Mèn qua bao cuộc hành trình. Có những sai lầm, có những bài học đắt giá, có những ân hận và có cả những giọt nước mắt thấm đẫm qua mỗi bước chân đầu đời. Nhưng hơn hết, Dế Mèn lại giúp chúng ta học thêm bao bài học, dạy ta yêu thương, biết ước mơ và hành động vì ước mơ đó. Dế Mèn đã sống và trưởng thành như thế đấy!

Đến nay, “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã chu du đến gần 40 quốc gia và lập kỉ lục là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Chưa bao giờ vơi đi sức hấp dẫn, cuốn sách này đã đang và sẽ mãi là cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ bạn đọc. Và dù nhà văn Tô Hoài đã vĩnh viễn đi xa nhưng “Dế Mèn phiêu lưu ký” và các giá trị nhân văn trong các tác phẩm của ông sẽ còn mãi với thời gian.

4. Bài thi tuyên truyền giới thiệu sách hay nhất

Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đã từng đọc sách. Từ bác nông dân, các em nhỏ, đến học sinh, các thầy cô giáo hay cả các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học… Dù là ai đi nữa thì mỗi người sẽ dành riêng cho mình cuốn sách hay nhất. Có người chọn giữ riêng cho mình cuốn sách đó nhưng cũng có những người chọn giới thiệu cho mọi người cùng đọc, cùng yêu thích cuốn sách đó. Người ta nói: “ Nghề nhà giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” . Vì vậy, đến với cuộc thi “ Giới thiệu sách” em xin giới thiệu với mọi người cuốn sách “ Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Vằng vặc một tấm lòng”, cuốn sách đã để lại cho em những ấn tượng khó phai.

Cuốn sách “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Vằng vặc một tấm lòng” bìa mềm, có màu đỏ, chữ màu vàng và đen nổi bật đã cuốn hút em ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bìa sách ấn tượng với hình ảnh ba người đàn ông, một người trẻ với bộ quân phục màu xanh giống với hình ảnh người chiến sĩ công an, người thứ hai là một thanh niên gầy guộc và người còn lại là một người đàn ông đã già đeo mắt kính, vầng trán có nhiều nếp nhăn. Mặt sau cuốn sách giới thiệu về những cuốn sách nằm trong bộ “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam”, như: Hoa mẫu đơn, Bình minh trong ánh mắt, Khung cửa chữ, Nẻo khuất…

Cuốn sách này do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành tháng 7 năm 2007. Đây là tuyển tập những câu chuyện hay trong cuộc thi viết chuyện ngắn về Nhà giáo Việt nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, được Bộ giáo dục và đào tạo, Hội nhà văn Việt Nam, Công đoàn giáo dục Việt Nam và nhà xuất bản Giáo dục Việt nam phối hợp tổ chức.

Cuốn sách có khổ 13×20,5 cm cầm vừa tay, dày 252 trang với bốn phần rõ ràng. Phần đầu tiên là lời mở đầu nói về cuộc thi viết truyện ngắn về Nhà giáo Việt Nam và lời giới thiệu về bộ sách “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam”. Phần ba cũng chính là phần chính nhất của cuốn sách gồm 22 câu chuyện của 22 tác giả khác nhau với những thông điệp khác nhau; các câu chuyện đã phê phán cái xấu, cái ác, nâng niu, vun trồng cái tốt đẹp, cái cao thượng trong cuộc sống học đường, nhưng tất cả có chung một tấm lòng nhân hậu, một trái tim nhân ái, luôn thấu hiểu và cảm thông chia sẻ. Phần cuối là phần mục lục phần hầu như cuốn sách nào cũng có, phần này giúp cho người đọc theo dõi bố cục cuốn sách một cách tổng quát nhất.

Trong 22 câu chuyện có câu chuyện “Vằng vặc một tấm lòng” của tác giả Đỗ Hữu Minh nằm ở trang 103-112 của cuốn sách, tên câu chuyện được sử dụng làm tựa đề cho cuốn sách chắc hẳn đó là một ý đồ của nhà biên soạn sách. Truyện viết về sự kính trọng và tình cảm của Giang, một trong những học trò của thầy Tâm, một người thầy trong suốt quãng thời gian đứng trên bục giảng luôn tận tâm với nghề. Thầy Tâm đã nuôi nấng dạy bảo Giang khi cậu còn là cậu trẻ mồ côi cha mẹ. Và giờ đây, khi đã trở thành một chiến sĩ công an thực thụ, Giang vẫn không quên ngày Nhà giáo Việt Nam. Giang vẫn về thăm người thầy đã nuôi Giang khôn lớn. Còn Ninh, ngày nào còn là một cậu học trò nghịch ngợm, luôn khiến thầy Tâm phải phiền lòng giờ cũng đã trở thành người công an. Tất cả là nhờ tấm lòng cao cả của thầy Tâm, sự nhân ái của thầy đã khiến Nam cậu thanh niên đã từng sa đà vào con đường ma túy đã dám đứng ra chịu tội trước pháp luật. Một câu nói của thầy “ Cuộc đời ai cũng có những lúc sa ngã, nhất là tuổi thơ đã bị cơn sốt của cuộc đời. Biết lỗi con hối lỗi là tốt”. Điều đó cũng đủ để thấy được sự nhân ái bao dung của thầy Tâm, người thầy biết bao thế hệ yêu quý. “Tất cả cùng chuẩn bị để ngày mai nữa trở lại trong niềm vui đoàn tụ, hạnh phúc hơn”. Một câu kết rất ý nghĩa: “ Đúng, sự chia tay ngày hôm đó của Nam và thầy Tâm, rồi khi trở lại sẽ đứng vững hơn trên con đường của một người có tấm lòng và sự yêu thương nhân ái như thầy Tâm”.

Mỗi câu chuyện đưa ta đến một miền quê khác nhau, một gia đình, một tình huống, một mối quan hệ … ở đó có những điều bổ ích, những điều cần học hỏi, chia sẻ, cảm thông. Câu chuyện “Vằng vặc một tấm lòng” em kể đến với mọi người chỉ là một phần nhỏ của cuốn sách. Mọi người hãy tìm đọc cuốn sách “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Vằng vặc một tấm lòng” để biết được những hình ảnh thầy giáo, cô giáo, những người học sinh thân yêu, lúc ở hoàn cảnh này khi ở hoàn cảnh kia… Lúc còn là thầy giáo hay khi đã rời khỏi bục giảng nhà trường. Họ là ai, là người như thế nào? Cô giáo Dung đã nhiệt tình giúp Văn vượt qua khó khăn để tiếp tục đi học trong câu chuyện “Cô và quê hương” trang 143-153 của Trần Thị Kim Thoa; Cô Thơ yêu nghề tại vùng căn cứ cách mạng đã mang cái chữ đến cho người Mạ trong câu chuyện “Ba thế hệ thầy giáo” trang 185-197 của Nguyễn Thị Tuyết Sương; hay những câu chuyện nói về những con người yêu nghề giáo, một lòng vì học sinh, vì cuộc sống tươi sáng như: “Cái tâm Nhà giáo” trang 7- 22 của Nguyễn Văn Thanh, “Phía bên lề bục giảng” trang 48- 54 của Lê Minh Quốc, “Đắm đuối vì nghề” trang 224-234 của Đàm Quang Mây. Và rất nhiều câu chuyện khác với nhiều nội dung ý nghĩa khác nữa.

Đọc xong chúng ta thấu hiểu được những gì thầy giáo, cô giáo đã phải trải qua trong cuộc đời đi gieo cái chữ của mình. Họ đã chịu thiệt thòi như thế nào? Thầm lặng hy sinh ra sao? Tiếp cận với cuốn sách này chúng ta sẽ biết được rằng các thầy giáo, cô giáo là người viết lên những bản tình ca, những trang sử hào hùng của dân tộc. Sẽ là một thiếu sót nếu chúng ta không nhắc tới cách thể hiện nội dung nghệ thuật của bộ truyện chọn lọc này. Các tác giả đã viết bằng những câu văn khi dài khi ngắn, lúc trầm lắng vo tư khi dạt dào cảm xúc. Cách kể chuyện như lời thủ thỉ tâm tình, như tâm sự. Có thể nói cả cuốn sách là một mạch cảm xúc đằm thắm sâu lắng tình người, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Đọc một lần rồi nhớ mãi không thể quên. Cuốn sách giáo dục cho mọi người lòng yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, ý chí vươn lên không mệt mỏi trong học tập hay trong giảng dạy và rèn luyện. Chúng ta mãi mãi không bao giờ quên những tấm gương của những bậc tiền bối, những thầy giáo, cô giáo đã ghi lên những trang sử vẻ vang của dân tộc, ghi vào tượng đài lịch sử. Dù thời chiến hay thời bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bước chân của các thầy, các cô vẫn không bao giờ biết mỏi. Họ mãi mãi là niềm tin yêu của Tổ quốc và nhân dân. Là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Đọc thêm một cuốn sách, hiểu thêm một cuộc đời và góp phần nâng cao giáo dục toàn diện, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ của các cấp các ngành đề ra. Đọc những câu thơ này chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:

“Đọc đi em những cuốn sách trên tay

Lúa xanh mượt cánh cò bay lả

Tổ quốc vút lên tầm cao rực rỡ

Cũng bắt đầu từ trang sách em ơi”

Nếu dòng sông cứ mượt mà tuôn chảy, mang phù sa làm tươi tốt ruộng đồng thì một cuốn sách hay làm tươi thắm thêm vẻ đẹp tâm hồn ở mỗi người đọc.

“Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Vằng vặc một tấm lòng” là một cuốn sách hay mang đầy ý nghĩa. Em tin rằng mọi người sẽ không hối hận khi bỏ thời gian ra để đọc nó. Các bạn có thể tìm đọc cuốn sách “Truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam: Vằng vặc một tấm lòng” tại phòng đọc thư viện trường ...... Hi vọng các bạn và thầy cô cùng tìm đọc và giới thiệu cho người thân của mình để chúng ta cùng hiểu hơn về tấm lòng cao cả của những người làm nghề đưa đò./.

5. Bài thi tuyên truyền giới thiệu sách hay nhất

Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!

Kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ phải ý thức được rằng để có được cuộc sống hoà bình, độc lập ngày hôm nay, cha ông ta đã phải trải qua bao gian nan, bao đau thương, máu và nước mắt của bao người đã đổ xuống. Hướng tới kỉ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta hãy có những việc làm thiết thực thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của mình với những người có công với đất nước, ra sức học tập, rèn luyện đạo đức để góp phần xây đắp quê hương, Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp. Nhân kỷ niệm 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trong không khí của ngày lễ trọng đại này, em xin giới thiệu tới các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh cuốn sách có tựa đề: “Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954” do Phan Anh tuyển chọn, nhà xuất bản: Lao động xuất bản năm 2015. Cuốn sách có độ dày 64 trang in trên khổ giấy 20 x 20cm.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kì tích vẻ vang, một chiến dịch “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tạo tiền đề đưa nước ta tiến đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân Pháp trên đất nước ta. Bằng những thắng lợi to lớn đó Việt Nam đã nêu tấm gương sáng cho toàn thế giới về lòng dũng cảm tinh thần bất khuất, sức sáng tạo trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm vì độc lập dân tộc, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không những khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Bác Hồ mà còn khẳng định vai trò, vị thế của nước ta trên toàn thế giới. Nội dung cuốn sách là những mốc sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, đối ngoại, giáo dục, du lịch, thể thao… Những mốc sự kiện lịch sử được trình bày rõ ràng sẽ giúp bạn đọc thuận lợi hơn trong việc tiếp thu được một cách hệ thống những diễn biến của lịch sử Việt Nam giai đoạn cách mạng đầy hào hùng và giai đoạn xây dựng, kiến thiết, đổi mới đất nước.

Đọc cuốn sách “Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954” chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tự hào về Đảng về Tổ quốc ta trong sự nghiệp cách mạng của quân và dân ta. Đất nước ta có được hòa bình như ngày hôm nay thì mỗi chúng ta phải ra sức phấn đấu để xứng đáng với sự hi sinh của các thế hệ cha anh, xứng đáng với lòng mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.

Hi vọng cuốn sách sẽ đến với các thầy cô cùng toàn thể các bạn học sinh như một món quà đặc biệt nhân ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Em mong rằng tất cả chúng ta hãy ra sức học tập, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi noi gương các anh hùng dân tộc.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
25 27.310
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm