Bài tuyên truyền ngày hội đọc sách 2024 mới nhất

Ngày hội đọc sách diễn ra vào tháng 4 là hoạt động vô cùng có ý nghĩa đối với chúng ta nhất là đối với các em học sinh. Bài tuyên truyền ngày hội đọc sách là giúp con người nâng cao hiểu biết, tiếp thu tri thức từ những cuốn sách. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung Bài tuyên truyền ngày sách Việt Nam tại đây.

Ngày nay với sự phát triển của công nghệ, thì việc đọc sách hiện đã và đang bị mai một dần, bởi nhiều thế hệ trẻ yêu thích việc sử dụng internet. Việc học hỏi kiến thức mới, công nghệ mới khá quan trọng nhưng việc gìn giữ lại những văn hóa truyền thống xưa cũng rất cần thiết. Bởi những kiến thức được thế hệ trước đúc kết và truyền lại qua những trang sách, vì thế sách vẫn là nguồn tài nguyên quý báu của con người.

1. Bài tuyên truyền về ngày hội sách và văn hóa đọc

Trong đời sống của mỗi chúng ta, sách là kho tàng tri thức, là sản phẩm văn hóa tinh thần đóng vai trò rất quan trọng. Có thể nói sách là người thầy dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả; Sách là người bạn gần gũi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của mỗi chúng ta. Vì thế, từ lâu đọc sách đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Không ai có thể phủ nhận được giá trị của sách và thế giới kì diệu mà mỗi trang sách mang đến. Việc phát triển văn hoá đọc, nhất là đối với trẻ em là điều vô cùng cần thiết.

Hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất nhằm tôn vinh giá trị ý nghĩa và tầm quan trọng của sách và “ Văn hóa đọc” trong đời sống tinh thần của con người. Khuyến khích đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô. Chính vì vậy, thực hiện Kế hoạch năm học của trường Tiểu học Kiến Hưng và Kế hoạch hoạt động của thư viện nhà trường năm học 20... - 20..., Thư viện trường Tiểu học Kiến Hưng xây dựng Kế hoạch tổ chức "Ngày hội đọc sách lần thứ nhất năm học 20... - 20...".

“Ngày hội đọc sách” sẽ góp phần đưa văn hóa đọc trở thành thói quen cho các con học sinh, rèn cho các con biết chọn những loại sách báo có nội dung tốt, tính giáo dục cao phù hợp với lứa tuổi, đồng thời giúp các con học tập những gương tốt việc tốt, các nhân vật sự kiện lịch sử, thế giới tự nhiên khoa học,... để phục vụ tốt trong việc học tập nâng cao kiến thức hình thành nhân cách của các con. Qua đó, góp phần tuyên truyền giáo dục cho các con về việc đọc sách cũng như trân trọng, giữ gìn và bảo vệ sách. Ngày hội đọc sách sẽ không chỉ thấm sâu trong tiềm thức mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường mà còn lan tỏa tới các bậc phụ huynh, tới những người yêu sách.

Thầy cô và các em học sinh thân mến!

Đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Đây là biến cố nổi bật và bao trùm nhất, làm đảo lộn cuộc sống của toàn nhân loại, tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên toàn cầu. Kể từ khi COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 12 năm 2019 đến nay, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) (gọi tắt là Đại dịch COVID-19) đã tạo ra một bước ngoặt và sự thay đổi lớn trong đời sống kinh tế - xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Giáo dục được xem là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất, dẫn đến việc đóng cửa hàng loạt các trường học trên hầu hết cả nước, các em học sinh phải dừng việc học trực tiếp tại trường chuyển sang hình thức học online tại nhà để phòng, chống dịch bệnh.

Trong thời gian học online tại nhà các em không được đọc sách tại thư viện nhà trường, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tích cực đọc sách và tham gia phong trào “đọc sách trong những ngày nghỉ phòng, chống dịch Covid -19” cô hy vọng rằng các em vẫn giữ được thói quen đọc sách hàng ngày để trau dồi kiến thức cho bản thân và giải trí sau những giờ học online căng thẳng thông qua sàn giao dịch điện tử Book365.vn, mạng xã hội facebook, youtube, Internet, qua những cuốn sách cha mẹ mua cho các bạn tại nhà sách…

2. Bài tuyên truyền Lợi ích của việc đọc sách

Trong chúng ta không ai biết được trên thế giới có bao nhiêu cuốn sách, bao nhiêu cuốn sách đã được xuất bản về những nội dung gì. Đây chính là sự vô tận của kiến thức mà sách đem lại với mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Những kiến thức ấy đã được đúc kết, viết lại, truyền lại cho chúng ta ngày nay.

Các cuốn sách về kinh tế, lịch sử, văn hóa cho ta kiến thức về kinh doanh và thực tế xã hội, về sự phát triển qua từng thời kỳ nhân loại.

Các cuốn sách, tiểu thuyết dày cộp không hề vô bổ, chúng cho ta biết được cuộc đời, các sự kiện hay biến cố của một nhân vật, đây có thể là một bài học quý giá cho chúng ta trong thực tế cuộc sống.

Thời gian để đọc hết một cuốn sách này chắc chắn sẽ ít hơn rất nhiều so với thời gian để sống và trải nghiệm thực tế giống như nhân vật trong sách. Bài học họ phải trải qua cả đời mới rút ra được thì bạn có thể tiếp thu qua những lần lật từng trang sách. Vậy có xứng đáng không? Chưa kể đến các cuốn sách viết về khoa học, các cuốn văn học trong nước, nước ngoài, các cuốn sách viết về gia đình, tình cảm,…

Tất cả đều chứa đựng nguồn kiến thức xúc tích, tinh hoa văn hóa nhân loại. Đọc sách rồi bạn sẽ biết vì sao khi cháy xăng thì không nên dập lửa bằng nước, hay không nên lên tiếng, xen vào chuyện của người ta dù bản thân có ý tốt muốn giúp đỡ,….

Sách được coi như là một người thầy lớn của việc học tập, mà học tập chính là con đường đúng đắn nhất đưa con người phát triển trí tuệ tư duy, phát triển đời sống, tinh thần. Người thấy lớn có vô vàn kiến thức đang chờ đợi chúng ta học tập mỗi ngày.

Đọc sách thì dù ít hay nhiều, hay về bất cứ lĩnh vực gì thì chắc chắn bạn sẽ thấy được những trải nghiệm, dù không dám chắc đọc sách sẽ đem đến cho bạn những thành công lớn nhưng những người thành công đều thường xuyên đọc sách. Có thêm kiến thức, kỹ năng mới là lợi ích chính của việc đọc sách đem lại.

Ngày hội đọc sách hôm nay là một ngày vô cùng có ý nghĩa, đây không chỉ là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. mà bên cạnh đó, còn là một ngày để mọi người ngồi lại với nhau, cùng nhau khám phá những giá trị tốt đẹp từ nhiều lĩnh vực.

Sách là kho tàng tri thức của con người, cung cấp cho chúng ta không chỉ kiến thức, mà còn các bài học cuộc sống, kinh nghiệm sống, đồng thời cũng là phương tiện giải trí khá hiệu quả. Vậy nên đọc sách luôn là việc mà ai cũng khuyến khích thực hiện. Bạn hãy thử thay đổi thói quen bằng việc đọc sách ngay vào dịp 21/4 đặc biệt hôm nay và cảm nhận nhé!

 Bài tuyên truyền về ngày hội đọc sách
Bài tuyên truyền về ngày hội đọc sách

3. Bài tuyên truyền hưởng ứng ngày hội đọc sách

Bài viết dưới đây nói về ngày kỉ niệm 30/4 với bao chiến tích vẻ vang của dân tộc, qua đó tuyên truyền các em học sinh đến khám phá, tìm tòi những câu chuyện, những trang sách lịch sử ghi lại chiến công của cha anh qua những quyển sách. Đây cũng là một cách dẫn dắt tuyên truyền ngày hội đọc sách rất hay, mời các bạn tham khảo.

Tháng 4 có một ngày lễ kỷ niệm, với người dân Việt Nam và nhiều người trên khắp thế giới chắc vẫn còn ghi nhớ- Đó là ngày Việt Nam hoàn toàn giải phóng dưới chế độ Thực dân Đế quốc. Và cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta đã kết thúc, đi vào dĩ vãng, nhưng những chiến công chói lọi và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ cách mạng, những trận đánh oanh liệt thì vẫn còn vang mãi không thể nào quên. Để kỷ niệm 48 năm ngày chiến thắng, giải phóng miền nam (30/4/1975 - 30/4/2023). Hôm nay chúng ta cùng ôn lại những bài ca “ hát mãi khúc quân hành”

Vâng! Thưa các bạn, năm tháng đã đi qua, nhưng chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã để lại mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc ta, kết thúc 21 năm chia rẽ Bắc -Nam, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài trên 100 năm của chủ nghĩa đế quốc, thực dân trên đất nước ta, nước nhà độc lập, non sông thu về một mối, mở ra một trang sử mới của dân tộc.
Chiến thắng mùa xuân 1975 đã thể hiện tinh thần đồng tâm nhất trí một lòng của Đảng và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta; là sự thắng lợi của nước ta trên vòng đàm phán quốc tế. Để hiểu rõ hơn về chiến thắng lịch sử này, chúng ta sẽ quay trở lại với bối cảnh và diễn biến của chiến dịch này.
Vào cuối năm 1974 – đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng ta, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Nhưng Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”.

Sau khi họp quyết định kế hoạch, ta đã mở cuộc tổng và nổi dậy Xuân 1975, cuộc tiến công diễn ra trong gần hai tháng (từ ngày 4/3 đến ngày 2/5) qua ba cuộc chiến lớn : chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn.

17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức Tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Vâng! Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh!

Cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc và đi vào dĩ vãng – nhưng cuộc đấu tranh chống dịch bệnh CORONA vẫn còn tiếp diễn, toàn Đảng, toàn dân ta( nhất là nhân dân Hà Nội) vẫn phải gồng mình để đẩy lùi dịch bệnh, đem lại sự yên bình một thủ đô yêu dấu, vì vậy chúng ta cần cố gắng để chiến thắng loại kẻ thù vô hình đó, đem lại sự hòa hoa và tráng lệ của thủ đô “ ngàn năn văn hiến”.

Nhưng để có được nền văn hóa và con người tràng an ngày hôm nay, là biết bao tấm gương chiến đấu dũng cảm và sự hy sinh của “ Người Hà Nội” để bảo vệ “ Thủ đô yêu dấu của chúng ta” sự hy sinh đó vẫn được sử sách ghi nhận và vinh danh, để biết được những tấm gương quả cảm của các chiến sĩ Thủ Đô, của nhân dân Hà Nội, những thành quả về Văn hóa, Xã hội, đặc biệt là con người Hà Nội - thư viện chúng ta có rất nhiều cuốn sách viết về những tấm gương quả cảm và những cuốn sách viết Thủ đô Hà Nội của chúng ta. Cả những điều bạn chưa biết? những thông tin mới bạn chưa cập nhật sẽ có trong triển lãm sách “ Hà Nội những điều bạn muốn biết”.

Để nhớ lại những chiến công chói lọi của“ Bộ đội cụ Hồ” Để biết được “ Hà Nội thân yêu”- Giúp các đồng chí giáo viên và các em học sinh hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh vĩ đại, những vùng đất thuộc Thủ Đô Hà Nội. Thư viện đã lựa chọn một số cuốn sách viết về các anh bộ đội và những tấm gương chiến đấu dũng cảm của tuổi trẻ Việt Nam ta, những cuốn viết về Thủ Đô Hà Nội “ Xưa và nay” - giới thiệu tới các thầy cô giáo và các bạn học sinh qua “Ngày hội đọc sách”. Để cùng nhớ lại “Bài ca không quên” nhìn lại những năm tháng hào hùng đã qua của dân tộc ta, chào mừng ngày giải phóng miền Nam 30/4/2023 và tìm hiểu thêm Thủ Đô Hà Nội “ Như ta đã biết- cần được rõ hơn” - Xin mời các Thầy cô giáo và các em học sinh hãy đến với ngày hội đọc sách từ ngày 01/4 đến 08 tháng 4/2023 .

Thay mặt Ban tổ chức – Xin trân trọng cảm ơn quí thầy cô và các bạn học sinh.

4. Bài tuyên truyền ngày hội đọc sách hay

Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức đóng vai trò rất quan trọng, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận. Dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Có thể nói sách là những người bạn gần gũi chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của mỗi người.

Và đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết không thể thiếu của mỗi con người. Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học, và đọc sách là một trong những phương cách để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Cha ông ta đã coi việc đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp. Từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện là một phần của việc hình thành văn hóa đọc. Văn hóa đọc là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây thật sự là niềm vui lớn cho những người yêu sách.

Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.

Khẳng định giá trị, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc trong mọi tầng lớp xã hội. Ngày 23/3/20..., UBND xã Cẩm Tâm đã ban hành kế hoạch số 25/KH-UBND về việc tổ chức ngày sách Việt Nam lần thứ 8 năm 20.... Phối hợp với MTTQ, các ban ngành đoàn thể xã, các thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về Ngày Sách Việt Nam; triển khai tuyên truyền trên các Trang thông tin điện tử của xã. Thực hiện kết nối giới thiệu về Hội sách online chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8 năm 20... tại sàn ....... của Bộ Thông tin và Truyền thông. tổ chức các hoạt động Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8 trong hệ thống trường học với các phong trào, chương trình thu gom sách, ủng hộ sách vở hỗ trợ cho các vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn. Duy trì, phát huy hiệu quả phong trào đọc sách và hoạt động của các câu lạc bộ về sách trong các nhà trường.

Đề nghị Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên xã tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8 trong hệ thống tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Cẩm Tâm. Lồng ghép vào hoạt động của đoàn, đội, hội để huy động giới trẻ hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam với những hoạt động phục vụ lợi ích cộng đồng như: đem sách phục vụ người cao tuổi, người khuyết tật..

Đài truyền thanh xã: Xây dựng các tin bài, tăng cường đưa tin, bài tuyên truyền về Ngày Sách Việt Nam; giới thiệu, biểu dương các mô hình và tổ chức, cá nhân điển hình trong việc phát triển văn hóa đọc trên địa bàn xã, nhằm tạo sự hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng của các tầng lớp Nhân dân đối với Ngày Sách, góp phần đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Duy trì, phát huy hiệu quả phong trào đọc sách và hoạt động của các câu lạc bộ về sách trong các nhà trường.

Để góp phần chung tay vào việc hưởng ứng ngày sách Việt Nam lần thứ ...năm ..., UBND xã kêu gọi nhằm tạo sự hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng của các tầng lớp Nhân dân, học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với Ngày sách; xây dựng phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư.

5. Bài tuyên truyền ngày sách hội đọc sách và phát triển văn hóa đọc

Kính thưa quý thầy giáo, cô giáo! Các em học sinh thân mến!

Hôm nay hòa cùng không khí vui tươi phẩn khởi chào mừng ngày sách Việt Nam 21/4, tôi muốn gửi tới quý thầy cô cùng toàn thể các em học sinh một thông điệp về sách…

Như chúng ta đã biết trong đời sống tinh thần của mỗi người, sách đóng vai trò rất quan trọng: là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta, nguồn tri thức vô biên dạy chúng ta biết sống và biết hi sinh. Có thể nó, sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn sâu kín của mỗi con người và đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên toàn thế giới. Đồng thời sách là một loại hình có khả năng lưu trữ lâu dài được giữ gìn cẩn thận trong hệ thống thư viện trường học.

Ngày nay văn hóa đọc còn có vai trò to lớn vì sách rất cần cho người cao tuổi, nơi vùng sâu, vùng xa, sách càng cần cho cán bộ, giáo viên và các em học sinh học tập, nghiên cứu…

Ngày sách Việt Nam 21/4: ngày tôn vinh sách và văn hoá đọc. Trong dòng chảy của lịch sử văn minh nhân loại từ bao thế kỷ nay ở nhiều nước đã xuất hiện thư viện và việc tổ chức đọc sách, báo cho các tầng lớp nhân dân: lịch sử của “ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha vào ngày lễ thánh Giooc-giơ 23/4. Người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và những ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hàng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi,… được diễn ra dưới nhiều hình thức như: tuần lễ đọc sách, ngày sách, tuần lễ thư viện. Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học và đọc sách là một trong những phương cách để hoàn thiện nhân cách, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Cha ông ta đã coi việc đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp. Từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện là một phần của việc hình thành văn hóa đọc. Văn hóa đọc là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.

Với mục đích cao cả không chỉ tôn vinh sách, giá trị của văn hóa đọc, đã khẳng định vị thế xã hội và tầm quan trọng của sách - một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần, truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam.

Ngày hội đọc sách và văn hóa đọc ở Việt Nam còn mang một ý nghĩa nhân văn, đó là: bên cạnh tổ chức các hoạt động: triển lãm, trưng bày sách báo, triển lãm thư pháp, giao lưu giữa các nhà văn với bạn đọc, tọa đàm, nói chuyện chuyên văn học; tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách, kể chuyện theo sách,…

Ngày hội sách và văn hóa đọc đã huy động được sự đóng góp, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần cho các thư viện – nơi nuôi dưỡng văn hóa đọc. Công tác xã hội hóa thư viện có ý nghĩa này đã và đang thu được nhiều kết quả to lớn. Điều hết sức vui mừng là mong mỏi và nỗ lực đề nghị của các cơ quan ban ngành về việc lấy một ngày trong năm là ngày sách và văn hóa đọc đã được đáp ứng: ngày 24/2/2014 Thủ Tướng Chính Phủ đã ký ban hành quyết định số 284/QĐ – TT lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. Quyết định nêu ra: Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Bên cạnh đó nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Qua bài tuyên truyền "Ngày Sách Việt Nam” này tôi mong các quý thầy giáo, cô giáo, quý bạn đọc gần xa cùng toàn thể các em học sinh hãy chung tay góp sức biến “Ngày sách Việt Nam” thành “Ngày Hội Đọc Sách”, góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng phát triển tư duy .

Một lần nữa tôi mong muốn quý bạn đọc hãy đến thư viện trường Tiểu học Vạn Thắng 3 để đọc sách hàng giờ, hàng ngày và hàng tuần theo lịch đọc của các khối lớp, đã được quy định cụ thể trên lịch đọc sách tại thư viện. Và cuối cùng tôi mong rằng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh hãy hưởng ứng và thực hiện “ Ngày sách Việt Nam 21/4” bằng hành động cụ thể như: quyên góp Sách giáo khoa, sách tham khảo, sách thiếu nhi, … để ủng hộ cho Thư viện nhà trường.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trên đây là các mẫu Bài tuyên truyền ngày hội đọc sách 2024 mới nhất. Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục Giáo dục - Đào tạo trong mục biểu mẫu nhé.

Đánh giá bài viết
9 19.528
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm