Ưu điểm và nhược điểm của cơ chế thị trường

Ưu điểm và nhược điểm của cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường luôn tồn tại những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Những ưu điểm và nhược điểm được con người tìm hiểu và đưa ra những quyết định phù hợp khi tham gia thị trường. Vậy cơ chế thị trường có những ưu điểm và nhược điểm gì? Hãy cùng Hoatieu.vn tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Cơ chế thị trường là gì?

Cơ chế thị trường là hệ thống các quan hệ kinh tế mang tính tự điều chỉnh tuân theo yêu cầu của các quy luật thị trường như: quy luật cạnh tranh, cung cầu, giá cả, lợi nhuận và chi phối hoạt động của các chủ thể kinh tế, đóng vai trò như bàn tay vô hình điều tiết nền kinh tế.

Cơ chế thị trường là sự tự điều tiết của nền kinh tế do sự tác động qua lại nội tại trong nó tạo nên. Các yếu tố về giá cả, giá trị, cung cầu, cạnh tranh tự tác động lẫn nhau tạo ra những cơ chế thị trường và điều tiết thị trường.

Ví dụ về cơ chế thị trường

Nền kinh tế thị trường đã tạo ra mối quan hệ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải tập trung đẩy mạnh cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ, chăm sóc khách hàng và giá thành, hướng tới mở rộng tệp khách hàng. Ví dụ như:

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ làm đẹp (spa) tập trung đầu tư cơ sở vật chất, tang thiết bị, đào tạo nhân viên có tay nghề hướng đến thu hút khách hàng. Cơ sở nào có chất lượng dịch vụ tốt, nhân viên tư vấn, nhân viên chăm sóc sắc đẹp tốt sẽ dễ tạo thiện cảm với khách hơn.

- Với thị trường chứng khoán, khách hàng cần tìm hiểu thường xuyên, chú ý đến thông tin giá cả, sự biến động của thị trường chứng khoán và chứng khoán của công ty bản thân đã hoặc đang có ý định mua để đầu tư sinh lời. Mà để chứng khoán có giá tốt trên thị trường, doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cần kinh doanh tốt, không có thông tin xấu về sản phẩm đang bán trên thị trường, lượng khách hàng mua sản phẩm ổn định hoặc đang có chiều hướng gia tăng.

- Với thị trường lao động: nhân tố ảnh hưởng đến chế độ làm việc, mức lương doanh nghiệp chi trả cho người lao động, nhu cầu của doanh nghiệp bao gồm: trình độ của người lao động, sự ổn định của nền kinh tế, nhu cầu lao động của ngành nghề hiện tại... Ví dụ, với ngành thiết kế đồ họa 3D, nhiều nhân công đang bị các công ty cho thôi việc do nghề này hiện đã có sự hỗ trợ từ AI.

2. Ưu điểm và nhược điểm của cơ chế thị trường

Để hiểu rõ về cơ chế thị trường thì Hoatieu.vn sẽ đưa ra sơ đồ tư duy tóm tắt nội dung về ưu và nhược điểm của cơ chế thị trường ngắn gọn nhất.

Sơ đồ tư duy về ưu và nhược điểm của cơ chế thị trường
Sơ đồ tư duy về ưu và nhược điểm của cơ chế thị trường

Để giúp các bạn hình dụng rõ hơn về cơ chế thị trường, Hoa Tiêu xin đưa ra ví dụ về ưu điểm và nhược điểm của cơ chế thị trường cho các bạn cùng tham khảo.

2.1. Ví dụ về ưu điểm của cơ chế thị trường

Trong cơ chế thị trường có quy luật giá trị là quy luật cốt yếu tác động lên sự phân bổ nguồn lực sản xuất và cải tiến kỹ thuật. Như người sản xuất hàng hoá sẽ lựa chọn mặt hàng có giá cả tốt để sản xuất hơn nữa để đem lại được nhiều lợi nhuận thì người bán hàng sẽ đầu tư để cải tiến kỹ thuật nhằm tăng năng xuất lao động. Điều này ảnh hưởng tích cực đến thị trường.

Cụ thể là Người sản xuất nông sản khi thấy thị trường xuất hiện nhu cầu rau sạch thuỷ canh với giá cả cao hơn rau thông thường thì họ sẽ xem xét đầu tư thêm hệ thống trông rau thuỷ canh đáp ứng thị trường.

Cơ chế thị trường tạo nên sự đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng cũng như giá thành của cùng một dạng sản phẩm. Đơn cử như sản phẩm son môi cho phái đẹp, tùy phân khúc khách hàng, từ bình dân đến tầm trung đến hàng cao cấp, mỗi một nhãn hàng hằng năm, thậm chí hằng quý sẽ có chiến dịch tung ra thị trường dòng sản phẩm mới hợp thị hiếu người tiêu dùng.

- Mùa đông sẽ có dòng sản phẩm thiết kế bao bì bản giới hạn, với màu sắc đa số là tone đỏ trầm, chất son lì hợp với mùa đông.

- Mùa hè thu là các dòng sản phẩm với thiết kế tươi mát, tone màu tươi sáng, chất son bóng vừa đủ hợp mắt mùa hè...

Bên cạnh đó, cơ chế thị trường còn phát huy tiềm năng kinh tế vùng, thúc đẩy liên kết kinh tế trong và ngoài nước. Ví dụ ở vùng Lâm Đồng (Việt Nam), tập trung phát triển nông nghiệp trồng các loại cây rau và hoa do có khí hậu ôn đới phù hợp. Các loại rau màu của Lâm Đồng không chỉ được xuất bán cho các vùng khác trên cả nước, phục vụ nội tại phát triển du lịch Đà Lạt, mà còn được xuất khẩu đi các nước với giá thành tốt.

2.2. Ví dụ về nhược điểm của cơ chế thị trường

Nhược điểm dễ thấy nhất trong cơ chế thị trường là cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể là người kinh doanh sẽ dễ dùng những thủ đoạn bẩn như lừa dối khách hàng, cách làm mất uy tín của đối thủ để thu hút được khách hàng về cho mình. Như việc nói sai công dụng sản phẩm để khách hàng lầm tưởng và mua.

Đồng thời, cơ chế thị trường còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở nước nước đang phát triển và chậm phát triển. Do quá trình đẩy nhanh sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với các đối thủ, tiết kiệm chi phí sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã bỏ qua công đoạn xử lý chất thải trước khi xả ra môi trường, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của những người dân và sinh vật sinh sống xung quanh.

Bên cạnh đó, cơ chế thị trường gây ra tình trạng phân hóa giàu - nghèo ngày càng sâu sắc. Những người giàu sẽ càng giàu, những người nghèo lại càng nghèo. không chỉ vậy, chênh lệch giàu - nghèo đẩy đến đỉnh điểm sẽ dễ dẫn đến nguy cơ bất ổn chính trị khi người nghèo quá mức đấu tranh (bằng bạo loạn, lật đổ). Các nhà sản xuất, công ty nhỏ hơn sẽ bị các tập đoàn có tiềm lực mạnh hơn thâu tóm, nền kinh tế dễ bị các tập đoàn lớn thao túng.

3. Những mặt tích cực và tiêu cực của nền kinh tế thị trường

Nền kinh tế thị trường, với cơ chế tự do cạnh tranh và phân bổ tài nguyên thông qua cơ chế cung cầu, đã mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại những hạn chế nhất định.

Để phát huy tối đa những ưu điểm cũng như những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, cần có sự can thiệp phù hợp của nhà nước. Nhà nước cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp và môi trường, đồng thời có những chính sách xã hội để giảm thiểu bất bình đẳng.

3.1. Mặt tích cực của nền kinh tế thị trường

- Phân bổ tài nguyên tối ưu: Nền kinh tế thị trường được coi là một nền kinh tế mở, khi đó thị trường tự điều chỉnh cung và cầu, đảm bảo sản xuất những sản phẩm và dịch vụ mà người tiêu dùng cần.

- Động lực đổi mới: Thị trường với nhiều đối tượng tham gia đòi hỏi mỗi doanh nghiệp luôn phải cạnh tranh để tồn tại, thúc đẩy không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

- Tăng trưởng kinh tế: Sự cạnh tranh lành mạnh giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

- Đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ: Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn về sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng.

- Tạo cơ hội việc làm: Sự phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường sẽ đi kèm với việc tạo ra nhiều việc làm mới.

- Thúc đẩy hội nhập kinh tế: Thị trường mở cửa giúp các quốc gia trên khắp thế giới có thể giao thương, học hỏi kinh nghiệm và phát triển.

3.2. Mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường

- Sự bất bình đẳng: Nền kinh tế thị trường có thể làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các cá nhân và nhóm xã hội.

- Tập trung quyền lực: Không chỉ vậy, một số ít doanh nghiệp lớn có thể thống trị thị trường, dẫn đến tình trạng độc quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh.

- Ô nhiễm môi trường: Để tối đa hóa lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp có thể không chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường.

- Bất ổn kinh tế: Các cú sốc kinh tế, như khủng hoảng tài chính, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế thị trường.

- Mất cân bằng phát triển: Sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng sẽ dẫn đến tình trạng đô thị hóa quá nhanh và các vấn đề xã hội khác.

4. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là gì?

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành theo quy luật của thị trường đồng thời góp phần hướng tới từng bước xác lập một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh. Là một mô hình kinh tế được Việt Nam lựa chọn và áp dụng, có sự điều tiết của Nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chứa đựng nhiều thành phần khác nhau, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Các thành phần kinh tế tại Việt Nam gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa phải bao hàm đầy đủ các đặc trưng của nền kinh tế thị trường nói chung và vừa có những đặc trưng riêng của Việt Nam. Đây là kiểu mô hình kinh tế thị trường phù hợp với đặc trưng lịch sử, trình độ phát triển, hoàn cảnh chính trị - xã hội của Việt Nam.

5. Em hãy sưu tầm hình ảnh và viết bài nhận xét về các hành vi không đúng của các chủ thể kinh tế khi tham gia thị trường.

Những chủ thể tham gia thị trường luôn có những hành vi đúng và không đúng do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhưng đều nhằm mục đích chung nhất là lấy được lợi ích từ quá trình sản xuất, kinh doanh. Những hành vi sai trái gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thị trường gồm:

  • Hành vi của chủ thể sản xuất xả thải ra môi trường;
  • Hành vi đầu cơ tích trữ hàng hoá;
  • Hành vi ăn cắp mẫu mã của đơn vị khác;
  • Hành vi chơi xấu thương hiệu khác bằng cách so sánh giá, gây áp lực kinh tế;
  • Hành vi lôi kéo khách hàng của đơn vị khác một cách bất chính;
  • Hành vi sử dụng chất không phù hợp trong sản xuất;
  • Hành vi lừa dối khách hàng;
  • Hành vi trốn thuế, lách luật;
  • Hành vi cạnh tranh không lành mạnh, khiến các doanh nghiệp nhỏ hơn thiệt hại về kinh tế, từ đó bị các tập đoàn lớn hơn thâu tóm...

Những hành vi như trên là những hành vi không đúng của những chủ thể kinh tế tham gia thị trường.

Ví dụ hành vi đầu cơ tích trữ hàng hoá: Trong đại dịch covid vừa rồi, các trang thiết bị y tế là rất cần thiết, người người nhà nhà mua khẩu trang y tế, thuốc men, test để phục vụ cho việc phòng và điều trị covid - 19. Tuy nhiên cũng từ đây xuất hiện tình trạng đầu cơ tích trữ hàng hoá, những nhà đầu tư bỏ vốn để thu nguồn hàng hoá về và giữ lại trong một khoảng thời gian khiến mặt hàng đó khan hiếm và đẩy giá lên cao. Khi giá cao đến mức họ mong muốn thì sẽ thực hiện mở kho để chuyển hàng ra thị trường.

Ảnh minh hoạ hành vi đầu cơ tích trữ khẩu trang

Hành vi này khiến thị trường hàng hoá liên quan đến thiết bị y tế nhất là khẩu trang bị biến động mạnh, giá bị đẩy lên quá cao so với trước kia, người dân khó khăn trong việc mua sắm để sử dụng. Các chủ thể đầu cơ lại thu về lợi nhuận lớn từ hành vi xấu của mình.

Vì vậy nhà nước ta đã tăng cường rà soát và xử lý nghiêm minh với hành vi đầu cơ tích trữ hàng hoá như vậy. Để nhằm răng đe những hành vi thao túng thị trường gây lũng loạn thị trường.

Ví dụ về hành vi trốn thuế, lách luật:

- Quy định của pháp luật nêu rõ: Mức giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng thấp hơn mức giá trung bình mà bán giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố đề ra, thì giá sẽ được tính theo quy định của UBND. Tuy nhiên, thực chất giá mua bán nhà đất cao hơn rất nhiều so với bảng giá chung của tỉnh thành phố quy định. Do đó, 2 bên mua và bán vì muốn nộp tiền thuế đất ít hơn mà cùng đồng tình thỏa thuận ghi giá chuyển nhượng thấp hơn rất nhiều so với giá trị thị trường thực tế.

- Doanh nghiệp A  đã có hành vi mua hóa đơn giá trị gia tăng không có hàng hóa kèm theo (hóa đơn khống) để kê khai thuế GTGT đầu vào, nhằm khấu trừ thuế GTGT đầu ra để trốn thuế.

Trên đây là những phân tích của Hoa Tiêu về vấn đề Ưu điểm và nhược điểm của cơ chế thị trường. Mời các bạn tham khảo thêm những thông tin hữu ích trên chuyên mục Hỏi đáp pháp luật.

Đánh giá bài viết
3 15.467
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm