Tiền lương tạm ứng có phải tính thuế TNCN không?

Người lao động tạm ứng trước tiền lương có chịu thuế thu nhập cá nhân không? Công ty chi tạm ứng lương thì người lao động có bị trừ thuế TNCN không? là vấn đề được nhiều người quan tâm. Hoatieu.vn sẽ giải đáp chi tiết nội dung này trong bài viết sau đây.

Tạm ứng trước tiền lương là việc người lao động nhận trước một phần hoặc toàn bộ tiền lương trước thời hạn doanh nghiệp, đơn vị phải thanh toán theo thỏa thuận hợp đồng do có việc cần sử dụng đến tiền. Khi nhận lương tạm ứng, nhiều người thắc mắc không biết khoản tạm ứng này có bị tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật hiện hành hay không. Hoatieu xin giải đáp đến các bạn như sau:

1. Tiền lương tạm ứng bị có bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân không?

Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ Khấu trừ thuế là gì? Điều 28 Nghị định 65/2013/NĐ-CP giải thích nội dung "khấu trừ thuế" như sau:

1. Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập.
...

Trong khi đó, các khoản thu nhập người lao động chịu thuế thu nhập cá nhân được quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC gồm thu nhập từ tiền lương, tiền công, cụ thể:

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp (khoản b.1 đến b.11);

c) Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật…;

d) Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát…;

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức;

e) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán (trừ các khoản e.1 đến e.4).

=> Theo đó, thu nhập từ tiền lương, tiền công là khoản tiền người lao động nhận được từ người sử dụng lao động bằng hình thức tiền mặt hoặc chuyển khoản. Thu nhập từ tiền lương, tiền công là một trong những khoản phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC cũng quy định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của người lao động được tính như sau:

2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công

a) Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này.

b) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế.

Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.

Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy theo hướng dẫn tại điểm đ.2, khoản 2, Điều 2 Thông tư này là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.

=> Như vậy, việc người lao động tạm ứng trước một phần hoặc toàn bộ tiền lương trước thời hạn thanh toán bản chất vẫn là khoản thù lao người lao động sẽ được nhận. Khoản tiền công, tiền lương này phải chịu thuế thu nhập cá nhân nên doanh nghiệp sẽ phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi tạm ứng lương cho người lao động. Nói cách khác, tiền lương tạm ứng của người lao động sẽ bị khấu trừ thuế TNCN.

2. Tạm ứng tiền lương có bị tính lãi không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 90 Bộ Luật lao động 2019 quy định như sau:

"Điều 90. Tiền lương

1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau."

=> Vậy tiền lương của người lao động là khoản tiền người sử dụng lao động chi trả cho người lao động theo hợp đồng đã thỏa thuận dựa trên khối lượng, hiệu quả công việc, chức danh, phụ cấp, hỗ trợ cho người lao động.

Tuy nhiên, nhiều người lao động thắc mắc, khi tạm ứng lương trước ngày chi trả theo thỏa thuận hợp đồng có bị người sử dụng lao động tính lãi hay không?

Trả lời cho câu hỏi này, theo Điều 101 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về tạm ứng tiền lương đã thể hiện rõ: Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

- Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

- Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

- Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

- Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này.

- Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

=> Tóm lại, người lao động có nhu cầu tạm ứng trước tiền công, tiền lương thì không bị người sử dụng lao động tính lãi.

3. Cách tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công

Người nộp thuế gồm hai đối tượng là cá nhân không cư trú và cá nhân cư trú. Với mỗi đối tượng khác nhau, công thức tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương sẽ được áp dụng khác nhau. Chi tiết như sau:

Với cá nhân cư trú

Căn cứ khoản 3 Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, công thức tính thuế thu nhập cá nhân với cá nhân người lao động cư trú gồm:

Trường hợp 1: Người ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên

Thuế TNCN = (Tổng thu nhập - các khoản được miễn - các khoản giảm trừ) x thuế suất

Trong đó:

+ Tổng thu nhập: Tổng các khoản từ tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp, trợ cấp nêu trên mà người lao động được nhận trong tháng thuộc thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

+ Các khoản được miễn: Thu nhập từ việc làm ban đêm, làm thêm giờ trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm ban ngày, làm trong giờ, được xác định theo công thức:

+ Tiền lương, tiền công trả cao hơn khi làm ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế = Tiền lương, tiền công thực trả làm ban đêm, làm thêm giờ - mức tiền lương, tiền công tính ngày làm việc bình thường

+ Các khoản giảm trừ:

  • Giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng tương đương 132 triệu đồng/năm; giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 4,4, triệu đồng/tháng.
  • Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học…
  • Các khoản đóng bảo hiểm xã hội…

+ Thuế suất: là căn cứ mức thuế phải nộp trên một đơn vị xác định giá trị của mức thuế phải đóng đối với một loại đối tượng chịu thuế, thuế suất được thể hiện qua tỷ lệ %, tùy vào từng loại chủ thể và điều kiện liên quan, mức thuế suất áp dụng sẽ khác nhau. Các bạn có thể tham khảo phương pháp tính thuế suất để tính thuế thu nhập cá nhân như sau:

BậcThu nhập tính thuế (triệu đồng - trđ)/thángThuế suấtTính số thuế phải nộp
Cách 1Cách 2
1

Đến 5 triệu đồng

5%0 trđ + 5% TNTT (thu nhập tính thuế)5% TNTT
2

Trên 5 đến 10 triệu đồng

10%0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ10% TNTT - 0,25 trđ
3

Trên 10 đến 18 triệu đồng

15%0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ15% TNTT - 0,75 trđ
4

Trên 18 đến 32 triệu đồng

20%1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ20% TNTT - 1,65 trđ
5

Trên 32 đến 52 triệu đồng

25%4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ25% TNTT - 3,25 trđ
6

Trên 52 đến 80 triệu đồng

30%9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ30 % TNTT - 5,85 trđ
7

Trên 80 triệu đồng

35%18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ35% TNTT - 9,85 trđ

Ví dụ: Lương của nhân viên A là 35 triệu đồng/tháng. Trong tháng 12, nhân viên A nhận thưởng Tết 90 triệu đồng và lương tháng 12 là 35 triệu đồng. Nhân viên A nuôi 1 con nhỏ dưới 18 tuổi và 1 mẹ đẻ không có lương hưu, trong tháng nhân viên A không đóng từ thiện, nhân đạo... Các khoản bảo hiểm của nhân viên A nộp hàng tháng là 8% BHXH, 1,5% BHYT, 1% BHTN.

Vậy tổng thu nhập chịu thuế của nhân viên A là 125 triệu đồng. Trong đó, nhân viên A được giảm trừ các khoản gồm:

+ Giảm trừ gia cảnh cho 1 con nhỏ và 1 mẹ (1 người): 4,4 triệu đồng x 2 = 8,8 triệu đồng.

+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: 35 triệu tiền lương × (8% + 1,5% + 1%) = 2.870.420 đồng

+ Giảm trừ gia cảnh cho bản thân: 11 triệu đồng

=> Các khoản được trừ tổng = 22.670.420 đồng

Do đó, thu nhập tính thuế TNCN của nhân viên A là: 125 triệu đồng - 22.670.420 đồng = 102.329.580 đồng. (thuộc bậc 7)

=> Số thuế TNCN nhân viên A phải nộp

= 102.329.580 đồng x 35% - 9,85 triệu đồng = 25.965.353 đồng

Trường hợp 2: Người ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở xuống

Theo điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, đối tượng này sẽ phải nộp thuế TNCN ở mức 10% trên tổng thu nhập nếu có thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên trừ trường hợp làm cam kết.

Đặc biệt, đối tượng này sẽ bị trừ thuế ngay trước khi được trả thu nhập, tiền công, tiền lương.

Theo đó, công thức tính thuế thu nhập cá nhân của người lao động ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng như sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả

Ví dụ: Chị H làm việc cho công ty A với hợp đồng 3 tháng và mức lương 7 triệu đồng/tháng. Vậy hàng tháng chị H phải nộp 10% thuế TNCN là 700.000 đồng. 

=> Khoản tiền này là khoản chị H bị tạm khấu trừ tại thời điểm chi trả, tới thời điểm quyết toán thuế TNCN, số tiền thuế TNCN sẽ được tính lại cho nguyên một năm. Trường hợp trong năm thu nhập của chị H chưa đến mức phải nộp thuế (dưới 132 triệu đồng/năm) thì chị H sẽ được hoàn thuế TNCN.

Với cá nhân không cư trú

Cách tính thuế thu nhập cá nhân với cá nhân không cư trú được quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 20% x Thu nhập chịu thuế

Trong đó, thu nhập chịu thuế là thu nhập từ tiền công, tiền lương, tiền thù lao, các khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công khác.

Trên đây là câu trả lời của Hoatieu cho câu hỏi Tiền lương tạm ứng có phải tính thuế TNCN không? Mời các bạn đón xem các bài viết hữu ích khác tại chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của Hoatieu.vn nhé.

Đánh giá bài viết
1 82
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm