Thông tư 161/2014/TT-BTC

Tải về

Thông tư 161/2014/TT-BTC - Bảo vệ bí mật ngành tài chính

Thông tư 161/2014/TT-BTC quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước của ngành tài chính, áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân của ngành Tài chính. Nội dung chi tiết Thông tư 161/2014/TT-BTC mời các bạn tham khảo.

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 161/2014/TT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2014

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CÔNG TÁC BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC CỦA NGÀNH TÀI CHÍNH

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 12 năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 59/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật và tối mật của ngành Tài chính;

Căn cứ Thông tư số 56/2013/TT-BCA-A81 ngày 13/11/2013 của Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ mật của ngành Tài chính;

Căn cứ Thông tư số 07/2012/TT-BNV ngày 22/11/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan;

Căn cứ Thông tư số 12/2002/TT-BCA (A11) ngày 13/9/2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước của ngành Tài chính.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước của ngành Tài chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân của ngành Tài chính.

2. Ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại Thông tư này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân còn phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định tại Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước và Thông tư số 12/2002/TT-BCA (A11) ngày 13/9/2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 3. Bí mật nhà nước của ngành Tài chính

1. Tin, tài liệu, số liệu, vật mang bí mật nhà nước thuộc Danh mục bí mật nhà nước độ “Tuyệt mật”, “Tối mật” của ngành Tài chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành và Danh mục bí mật nhà nước độ “Mật” của ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành (sau đây gọi là tài liệu mật) và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Các khu vực cấm, địa điểm cấm của ngành Tài chính là nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước; được thiết lập để bảo vệ, quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của người, phương tiện nhằm duy trì trật tự, an ninh và phòng, chống các hành vi xâm phạm, phá hoại, thu thập bí mật nhà nước trong khu vực, địa điểm đó.

Điều 4. Người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước của ngành Tài chính

1. Người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước của ngành Tài chính phải có phẩm chất tốt, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức kỷ luật, ý thức cảnh giác giữ gìn bí mật nhà nước; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao và có cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Văn bản cam kết được lưu tại đơn vị.

2. Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm bố trí người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước tại đơn vị.

Điều 5. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tiêu hủy trái phép tài liệu mật.

2. Truyền thông tin mang nội dung bí mật nhà nước qua máy điện thoại, máy phát sóng, điện báo, máy Fax, mạng vi tính, Internet hoặc các phương tiện truyền tin khác khi chưa được mã hóa theo quy định.

3. Cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài liệu mật hoặc mang tài liệu mật ra nước ngoài, đi công tác khi chưa được phép hoặc không được phép của người có thẩm quyền.

4. Sao chụp tài liệu mật; ghi âm, ghi hình thông tin, hình ảnh mang nội dung bí mật nhà nước khi chưa được phép của người có thẩm quyền.

5. Lợi dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

6. Sử dụng máy tính (bao gồm cả máy tính xách tay) có kết nối mạng Internet để soạn thảo, đánh máy, lưu giữ các loại tài liệu mật; cắm thiết bị lưu giữ bí mật nhà nước vào máy tính có kết nối mạng Internet.

7. Các hành vi khác vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước của ngành Tài chính.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1: BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC SOẠN THẢO, LƯU HÀNH VÀ SỬ DỤNG TÀI LIỆU MẬT CỦA NGÀNH TÀI CHÍNH

Điều 6. Soạn thảo, lưu hành tài liệu mật thuộc danh mục bí mật nhà nước của ngành Tài chính

1. Căn cứ vào Danh mục bí mật nhà nước của ngành Tài chính, người soạn thảo tài liệu có nội dung bí mật nhà nước phải đề xuất độ mật, căn cứ đề xuất độ mật trình cấp có thẩm quyền duyệt ký tài liệu mật. Cấp có thẩm quyền duyệt ký tài liệu mật có trách nhiệm quyết định việc đóng dấu độ mật và phạm vi lưu hành tài liệu bí mật nhà nước. Đối với vật mang bí mật nhà nước (băng, đĩa đã ghi âm, ghi hình; phim đã chụp, ảnh và các vật lưu khác có bí mật nhà nước) phải có văn bản ghi rõ tên của vật lưu kèm theo và đóng dấu mức độ mật vào văn bản này.

2. Tài liệu có nội dung bí mật nhà nước phải ghi tên viết tắt của cán bộ, công chức được giao soạn thảo và số lượng bản phát hành tại phần nơi nhận (mục Lưu) của tài liệu (Ví dụ: “- Lưu: VT, Đơn vị soạn thảo (người soạn thảo - số lượng bản)”). Người được giao nhiệm vụ soạn thảo tài liệu mật phải đặt mã khóa bảo vệ bản mềm dự thảo tại máy tính hoặc các phương thức thích hợp khác để bảo vệ bí mật nhà nước theo đúng quy định.

3. Khi lấy ý kiến tham gia vào dự thảo tài liệu, cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo phải xác định cụ thể phạm vi, đối tượng (các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan) cần xin ý kiến; dự thảo tài liệu mật phải được đóng dấu xác định mức độ mật cần thiết trước khi gửi xin ý kiến. Cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận được dự thảo phải thực hiện việc quản lý, sử dụng theo đúng độ mật đã ghi trên dự thảo.

4. Việc soạn thảo, đánh máy các tài liệu có nội dung bí mật Nhà nước phải được tiến hành ở nơi đảm bảo bí mật an toàn do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài liệu mật quy định. Trường hợp đặc biệt, khi có yêu cầu phải được soạn thảo trên hệ thống trang thiết bị đã qua kiểm tra và đủ điều kiện về đảm bảo an toàn, bảo mật.

5. Tài liệu có nội dung bí mật nhà nước đã được người có thẩm quyền ký ban hành, khi lưu hành phải được đóng dấu mức độ mật theo đúng quy định. Đơn vị chủ trì soạn thảo phải chụp Tờ trình Bộ (hoặc Thủ trưởng đơn vị) hoặc phiếu đề xuất độ mật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt gửi kèm với tài liệu gốc để lưu tại bộ phận văn thư Bộ hoặc văn thư đơn vị theo đúng quy định.

Xem thêm:

Đánh giá bài viết
1 672
Thông tư 161/2014/TT-BTC
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm