Tảo hôn là gì 2024?

Tảo hôn là gì 2024? Độ tuổi kết hôn của mọi người được pháp luật quy định rất chi tiết, tuy nhiên vấn nạn tảo hôn vẫn diễn ra rất nhiều ở nước ta. Vậy tảo hôn là gì và được pháp luật quy định như thế nào. Bài viết này của HoaTieu.vn sẽ giải đáp thắc mắc về vấn đề trên, mời bạn đọc tham khảo.

Tảo hôn luôn là vấn nạn nhức nhối
Tảo hôn luôn là vấn nạn nhức nhối

1. Tảo hôn là gì?

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 giải thích tảo hôn như sau: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định.

Tình trạng tảo hôn diễn ra ở nhiều khu vực trên cả nước nhưng tập trung nhất là ở những vùng đồi núi, vùng dân tộc thiểu số có truyền thống kết hôn sớm. Từ xa xưa thì ông cha ta cũng kết hôn khá sớm vì khi ấy con người chỉ lo lắng về cơm ăn và áo mặc. Nhưng hiện nay cuộc sống có nhu cầu cao hơn thì việc phát triển và học hỏi bản thân là điều cần thiết hơn cả.

Như vậy, tảo hôn là hành vi thuộc một trong 03 trường hợp sau:

  • Nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi.
  • Nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi.
  • Nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.

(khoản 8 Điều 3, điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

2. Nguyên nhân tảo hôn

Tảo hôn gây nên những hậu quả nghiêm trọng về cả thể chất, tinh thần.
Tảo hôn gây nên những hậu quả nghiêm trọng về cả thể chất, tinh thần.

Tảo hôn là vi phạm pháp luật, đi ngược lại chuẩn mực đạo đức xã hội, trái với mục đích mà hôn nhân hướng tới là là xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc...

Vậy nguyên nhân của tảo hôn là gì?

HoaTieu.vn xin kể ra 7 nguyên nhân chính dẫn đến tảo hôn, mời bạn đọc tham khảo:

Thứ nhất, là do những vấn đề về sinh kế.

Theo Báo cáo thu thập kết quả điều tra kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 thì : khoảng 72,3% người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, đồng nghĩa địa bàn cư trú của họ chủ yếu là ở nông thôn. Chỉ có nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, lại bấp bênh nên nhu cầu lao động trong gia đình người DTTS thường rất lớn. Do vậy, thanh, thiếu niên sớm tham gia làm việc cùng cha mẹ để đảm bảo cuộc sống cũng là điều cần thiết và bình thường. Vấn đề trở nên tiêu cực khi cha mẹ thúc đẩy việc tảo hôn cho con với suy nghĩ có thêm nhân lực tham gia hỗ trợ, gánh vác việc nhà cho người lớn, hoặc tham gia các hoạt động kinh tế cho nhà chồng để đảm bảo sinh kế.

Hai là, những vấn đề về gia đình và xã hội.

Định kiến xã hội ở những vùng khó khăn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vẫn còn có suy nghĩ cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, hay không kết hôn sẽ trở thành bà cô già, ế. Kết hôn khiến họ cảm thấy yên tâm. Áp lực và các mối quan hệ xã hội có thể tác động tới quyết định kết hôn của một bé gái. Dưới áp lực danh dự và sự đảm bảo về mặt kinh tế, cha mẹ trẻ em thường đồng ý gả con.

Ba là, những vấn đề về giáo dục.

Năm 2019, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường học của 53 DTTS hiện vẫn cao hơn gấp 2 lần tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường học của cả nước và cao hơn gần gấp 3 lần tỷ lệ này ở dân tộc Kinh. Việc trẻ em trong độ tuổi đi học nhưng không đi học là một nguyên nhân và hệ quả của tảo hôn.

Bốn là, mang thai ở tuổi chưa thành niên.

Ở lứa tuổi dậy thì, thanh thiếu niên có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, bản năng yêu, tình dục bắt đầu trỗi dậy, xuất hiện nhu cầu tình dục với người khác giới. Tuy nhiên về giáo dục giới tính trong trương học của nước ta còn hạn chế, các bậc phụ huynh cũng ngại thảo luận vấn đề này với con cái...vì thế dẫn đến nhiều trường hợp mang thai sớm. Trong trường hợp này, việc kết hôn để đảm bảo danh dự cho bé gái và cho gia đình khỏi bị kỳ thị, chê bai của xã hội.

Năm là, ảnh hưởng của mạng internet và truyền thông xã hội.

Sự ra đời của điện thoại di động và các công nghệ viễn thông đã thay đổi thói quen hẹn hò, cho phép người chưa thành niên “tìm vợ nhanh hơn” và làm gia tăng xu hướng mang thai trước hôn nhân - yếu tố dẫn đến tảo hôn.

Sáu là, pháp luật hôn nhân và gia đình chưa được thực thi đầy đủ hoặc không phát huy tác dụng.

Hầu như trên thực tế tảo hôn chỉ bị phạt hành chính (phạt tiền) và với nhiều gia đình đây chỉ là mức phạt nhẹ nhàng, họ sẵn sàng chi trả. Đối với gia đình nghèo khó, DTTS thì số tiền quá lớn họ không thể trả được và chế tài nộp tiền phạt rất khó thực hiện ở vùng DTTS. Các gia đình tổ chức cưới tảo hôn cho con đa số là hộ nghèo nên không có tiền nộp phạt. Chính quyền địa phương cũng khó mà cưỡng chế. Các gia đình còn tìm đủ mọi cách “cưới chui”. Chỉ đến khi cặp vợ chồng tảo hôn sinh con mới đi làm đăng ký khai sinh, đặt UBND xã vào tình thế phải “hợp thức hóa” để bảo vệ quyền lợi cho đứa trẻ.

Ở một số nơi, ngay cả gia đình cán bộ, đảng viên là lãnh đạo xã cũng để xảy ra tình trạng tảo hôn. Những phản ứng từ cộng đồng địa phương cũng rất yếu, hầu hết coi đây là việc riêng của từng gia đình, thậm chí cộng đồng không những không phản đối mà còn đồng tình ủng hộ.

Bảy là, hạn chế của công tác tuyên truyền, vận động.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nạn tảo hôn còn gặp nhiều rào cản ngôn ngữ ở vùng DTTS, nhiều người dân không biết nói tiếng phổ thông và không biết chữ, trình độ dân trí thấp, vì thế dẫn đến hiệu quả tuyên truyền không được như mong muốn.

Sau khi tảo hôn, khoảng thời gian lao động của thanh, thiếu niên có thể lên tới 10 - 12 giờ đồng hồ/ngày khi các em vừa phải lao động sản xuất, vừa phải chăm lo cho bản thân, chồng, vợ, con, người già, người khuyết tật… trong gia đình. Lao động kéo dài nhiều giờ trong ngày khiến các em không còn thời gian học tập, vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, tinh thần, mà đáng lẽ ra như trong điều kiện bình thường các em đáng được hưởng.

Như vậy, tảo hôn là vấn nạn vi phạm quy định về độ tuổi kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình; vi phạm quyền được vui chơi, học tập của trẻ em; cũng như quyền được tự do mưu cầu hạnh phúc, tự do kết hôn theo Hiến pháp nước ta. Nhiều quyền chính đáng của công dân mà các em được hưởng đã bị cướp đi bởi nạn tảo hôn, gây nên những hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tinh thần theo suốt cuộc đời của những đứa trẻ đã kết hôn quá sớm khi còn ngây thơ, thiếu hiểu biết.

3. Tảo hôn phạt bao nhiêu tiền?

3.1. Mức phạt hành chính tảo hôn

Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

3.2. Trách nhiệm hình sự với hành vi tảo hôn

Người có hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức tảo hôn được quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự, cụ thể:

Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

Tuy nhiên, như đã nói tại phần 2, thì việc xử phạt vi phạm hành chính sẽ được thực thi nhiều hơn trên thực tế, vì hầu hết ở các địa phương, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, nhiều đồng bào DTTS sinh sống, việc tảo hôn sẽ được coi là việc riêng của gia đình, nhiều chính quyền cũng ngại can thiệp. Điều kiện kinh tế khó khăn khiến việc nộp phạt cũng khó cưỡng chế thi hành.

4. Hậu quả của Tảo hôn

Hậu quả của tảo hôn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến con người và xã hội. Cụ thể là:

  • Người kết hôn sớm sẽ mất đi nhiều cơ hội học hành và phát triển, do cơ thể của họ chưa phát triển hoàn chỉnh về tâm sinh lý và chưa có những suy nghĩ đúng đắn về việc kết hôn. Con cái cũng có thể bị ảnh hưởng do người mẹ chưa phát triển đầy đủ khi sinh con.
  • Ngoài ra với một gia đình trẻ thì chắc chắn điều kiện kinh tế chưa vững vàng, nên những người con cũng không được chăm sóc chu đáo và điều kiện cơ bản.
  • Khi con cái chưa phát triển và suy nghĩ đúng đắn thì thường có suy nghĩ sai lầm và bố mẹ chính là người phải gánh chịu, chăm sóc. Không những vậy chính gia đình của cặp vợ chồng trẻ cũng ly hôn và không còn hoàn chỉnh.
  • Đối với xã hội thì chúng ta sẽ dễ thấy nhất đó là những người tảo hôn đã vi phạm pháp luật về hôn nhân. Vì theo quy định thì nam từ đủ 20 tuổi mới được phép kết hôn, nữ từ đủ 19 tuổi mới được phép kết hôn. Điều này hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu về y học về con người, độ tuổi này thì cả nam và nữ đều phát triển hoàn thiện về thể chất và suy nghĩ để lo lắng cho tương lai.

Thực tế cũng cho thấy việc kết hôn quá sớm sẽ gây ra tình trạng ly hôn cao bởi độ tuổi kết hôn vẫn suy nghĩ chưa chín chắn về chuyện hôn nhân. Tình trạng này đang ngày càng phổ biến ở xã hội hiện nay.

Bài viết này đã giải đáp thắc mắc về vấn nạn tảo hôn và quy định về hình phạt đối với tảo hôn, mời bạn đọc tham khảo các bài viết có liên quan tại mục Hôn nhân, Dân sự, Là gì? mảng Hỏi đáp pháp luậtPhổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 209
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm