Quy định đặt họ cho con 2025

Quy định đặt họ cho con 2025. Từ xưa thì truyền thống về tên con cái luôn phải theo họ cha. Nhưng thời nay, pháp luật được đưa ra là để công bằng cho mọi người cùng được phát triển. Vậy con theo họ mẹ, con theo họ cha dượng có được pháp luật công nhân hay không? Hãy cùng hoatieu.vn tìm hiểu cụ thể hơn nhé.

1. Quy định đặt họ cho con

Theo Bộ luật dân sự 2015 quy định tại điều 26 về quyền có họ tên của một người:

2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Và căn cứ vào điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về nội dung khai sinh:

1. Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

2. Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.

Như vậy với một đưa trẻ khi sinh ra luôn có quyền được đặt họ, tên riêng của mình. Không một ai là không có tên, họ và chữ đệm. Đối với tuỳ từng trường hợp thì họ của con sẽ được đặt theo họ của cha, mẹ hoặc theo họ của cả hai. Nhưng việc đặt họ tên cho con phải tuân thủ theo quy định về gìn giữ bản sắc dân tộc Việt Nam, không được đặt tên con quá dài.

Hơn nữa khi đặt tên cho con đẻ của mình mà hai vợ chồng không thể thoả thuận thì phải xác định theo tập quán và phải đảm bảo theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.

2. Con mang họ mẹ được không?

Quy định đặt họ cho con
Quy định đặt họ cho con

Như quy định trên thì pháp luật hoàn toàn công nhận việc con cái theo họ mẹ. Vì con cái là do mẹ và cha sinh thành nên việc đặt tên con hoàn toàn bình đẳng giữa hai bên không gò ép là phải theo họ ai.

Trường hợp mong muốn con theo họ của mình thì người mẹ có thể thoả thuận với cha đứa bé về việc đặt tên cho con theo họ của mẹ. Nếu đứa con không xác định được cha thì đương nhiên đứa trẻ đó sẽ theo họ mẹ.

Mời các bạn tham khảo thêm bài viết: Con khai sinh theo họ mẹ được không?

3. Chưa ly hôn con mang họ mẹ được không?

Việc con theo họ mẹ thì pháp luật không ngăn cấm. Hiện nay cũng không quy định cụ thể về việc chưa ly hôn thì con theo họ mẹ được hay không? Nhưng nếu người cha cũng mong muốn con được theo họ của mình thì hai vợ chồng hoàn toàn có thể thoả thuận và đặt tên con có cả họ cha và mẹ, cần đảm bảo là tên không quá dài.

Còn nếu người cha không muốn con theo họ mình trong giấy khai sinh thì người mẹ có thể đặt tên con theo họ của mình. Bởi vì pháp luật bình đẳng về quyền của cha và mẹ trong khai sinh con của mình nên nếu người cha từ chối quyền đó thì có thể đặt tên theo họ của mẹ.

Mời các bạn tham khảo thêm bài viết: Khi nào được thay đổi họ tên trong giấy khai sinh?

4. Ly thân con mang họ mẹ được không?

Với trường hợp này thì bạn đang ly thân nên được coi là trong quá trình hôn nhân, khi khai sinh cho con thì vẫn phải có cả cha và mẹ trong khai sinh. Còn quyền con theo họ cha hay mẹ là do hai bên thoả thuận cùng nhau vì cả hai đều có quyền đặt tên con theo họ của mình.

Nếu trường hợp cha từ chối trách nhiệm của mình thì con được hoàn toàn theo họ của mẹ khi khai sinh và bỏ trống phần cha. Nhưng khi đi làm giấy khai sinh cho bé, có thể sẽ phải chuẩn bị thêm giấy tờ, bằng chứng chứng minh rằng người cha đồng thuận việc con theo họ mẹ. Nên ai trong trường hợp này, cần lưu ý chuẩn bị giấy tờ cần thiết, để việc làm giấy khai sinh cho con theo họ mẹ được suôn sẻ và đúng quy định pháp luật.

Mời các bạn tham khảo thêm: Sau khi ly hôn có được đổi họ cho con?

5. Đổi họ con theo họ cha dượng được không?

Căn cứ vào điều 27 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thay đổi họ của con nuôi theo cha nuôi:

"Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;"

Và căn cứ theo điều 8 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định về độ tuổi nhận nuôi con nuôi là:

1. Trẻ em dưới 16 tuổi.

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Vậy con có thể được đặt tên theo cha dượng trong trường hợp con đủ độ tuổi từ 16-18 tuổi được cha dượng nhận nuôi. Hơn nữa việc nhận nuôi con của cha dượng cần sự đồng ý của cha, mẹ đẻ của người được nhận nuôi.

Như vậy việc con đổi tên theo họ của cha dượng là được phép khi cha dượng đã nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật.

Trên đây là những tìm hiểu của Hoa Tiêu về Quy định đặt họ cho con 2025. Mời các bạn tham khảo thêm những thông tin hữu ích tại mục Hỏi đáp pháp luật sau đây:

Đánh giá bài viết
1 159
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm