Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi

Bộ luật lao động (sửa đổi) với 17 chương, 220 điều vừa được Quốc hội thông qua với 435 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 9 phiếu trắng. Với việc thông qua dự luật vào sáng nay 20-11, những tranh cãi về nới khung giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu, giờ làm việc bình thường… đã khép lại.

Bộ Luật lao động sửa đổi 2019 được thông qua với nhiều chính sách mới đối với người lao động như việc tăng tuổi nghỉ hưu, thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương cho người lao động... Sau đây là nội dung chi tiết các điểm mới về Luật lao động sửa đổi, mời các bạn cùng theo dõi.

1. Tăng tuổi nghỉ hưu: 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ

Bộ luật Lao động sửa đổi nêu rõ:

Trong điều kiện lao động bình thường, tuổi nghỉ hưu của người lao động được thực hiện theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Bắt đầu từ năm 2021, nam nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 03 tháng, nữ nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi 04 tháng; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ.

Riêng người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu trước không quá 05 tuổi so với độ tuổi tiêu chuẩn nêu trên.

2. Thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, số ngày nghỉ lễ tết của Việt Nam ít hơn rất nhiều so với khu vực và thế giới.

Sau nhiều ý kiến được đưa ra thảo luận trước đó, khi thông qua Bộ luật này, Quốc hội đã chính thức chốt bổ sung 01 ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh. Và như vậy, dịp lễ Quốc khánh (02/9 năm Dương lịch), người lao động sẽ được nghỉ 02 ngày, có thể thêm ngày 01/9 hoặc ngày 03/9.

Ngoài ra, Bộ luật còn bổ sung thêm trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương, đó là khi bố nuôi, mẹ nuôi qua đời. Số ngày nghỉ là 03 ngày.

3. Tăng thời gian làm thêm giờ tới 40 giờ/tháng

Về thời giờ làm việc bình thường, trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành và sẽ có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp.

Về thời giờ làm thêm, so với trước đây, số giờ làm thêm của người lao động không được quá 30 giờ/tháng thì nay, tại Bộ luật Lao động sửa đổi, số giờ làm thêm đã được tăng lên, không quá 40 giờ/tháng.

Đồng thời, một số ngành, nghề, công việc đặc biệt cũng được bổ sung, cho phép doanh nghiệp sử dụng lao động làm thêm giờ tới 300 giờ/năm, đơn cử như:

- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản;

- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

- Giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đủ, kịp thời;

- Giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước được (hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn; thiếu điện; thiếu nguyên liệu; sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất)…

Tham khảo thêm:

Đánh giá bài viết
1 960
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm