Giải quyết như thế nào trường hợp ghi hình, ghi âm CSGT đang làm nhiệm vụ?

Giải quyết như thế nào trường hợp ghi hình, ghi âm CSGT đang làm nhiệm vụ? Việc ghi hình, ghi âm lại hoạt động của CSGT đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Hiện nay, pháp luật đã có những quy định cụ thể về vấn đề này, nhằm cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin của công dân với quyền thực thi công vụ của lực lượng chức năng. Hoa Tiêu mời các bạn cùng theo dõi chi tiết tại đây.

Quy định về việc cấm quay phim chụp ảnh CSGT

1. Quyền ghi âm, ghi hình của công dân đối với CSGT hiện nay

Tại Khoản 6 Điều 1 Thông tư 46/2024/TT-BCA (có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2024) đã sửa đổi Điều 11 Thông tư số 67/2019/TT-BCA về các hình thức giám sát của Nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Theo đó, tại điều này quy định nhân dân được giám sát thông qua các hình thức sau:

1. Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng;

2. Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật;

3. Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ;

4. Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

5. Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Như vậy, hiện nay hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình đã bị lược bỏ.

Do đó người dân không có quyền được sử dụng các thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình như: Điện thoại di động, máy quay phim,... để giám sát lực lượng Cảnh sát Giao thông.

2. Giải quyết như thế nào trường hợp ghi hình, ghi âm CSGT đang làm nhiệm vụ?

Tại Điều 22 Thông tư 69/2024/TT-BCA (có hiệu lực từ 1/1/2025) quy định về giải quyết một số trường hợp khác trong khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ như sau:

Điều 22. Giải quyết một số trường hợp khác

Người lái xe không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, bỏ chạy; người vi phạm không chấp hành yêu cầu kiểm soát, xúi giục lôi kéo người khác cản trở người thi hành công vụ; người vi phạm có hành vi lăng mạ, đe dọa, cản trở, xô đẩy người thi hành công vụ; người vi phạm không chấp hành việc kiểm soát, yêu cầu được xem kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xem thiết bị sử dụng để phát hiện vi phạm; ghi hình, ghi âm lại hoạt động của Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ;... thì Cảnh sát chỉ huy điều khiển giao thông thực hiện theo quy định tại Điều 73 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các quy định của Bộ Công an về công tác nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Dẫn chiếu tới quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 trừ khoản 3 Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026).

Theo đó, tại Điều 73 Luật này quy định về ngăn chặn hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, cản trở, chống người thi hành công vụ (trong đó có trường hợp ghi hình, ghi âm lại hoạt động của Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ) như sau:

Thứ nhất: Khi người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ thì người thi hành công vụ thực hiện các biện pháp sau đây:

+ Giải thích cho người vi phạm biết rõ về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ; quyền và trách nhiệm của người vi phạm; thuyết phục, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát;

+ Áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật trong trường hợp người vi phạm cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

+ Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì tùy theo tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.

Thứ hai: Trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 10
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm