Dự thảo Thông tư quy định về đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học

Tải về

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Dự thảo này được xây dựng trong bối cảnh từ năm học 2020-2021Việt Nam sẽ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018), bắt đầu từ lớp 1 cấp tiểu học.

1. Những điểm kế thừa từ Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT

Dự thảo Thông tư quy định Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học áp dụng cho chương trình GDPT mới kế thừa quan điểm "đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh" của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT. Theo đó, công tác đánh giá cần coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. "Không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh", dự thảo Thông tư quy định.

Việc đánh giá học sinh ở dự thảo Thông tư mới, tiếp tục được thực hiện theo quá trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ và tổng hợp đánh giá. Trong đó, đánh giá thường xuyên được thể hiện bằng lời hoặc viết nhận xét; đánh giá định kì thể hiện bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Cùng với giáo viên, các học sinh và phụ huynh đều được tham gia vào đánh giá học sinh tiểu học.

2. Dự thảo Thông tư quy định Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học

Dự thảo Thông tư quy định Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học cập nhật hệ thống văn bản làm căn cứ pháp lý, gồm: Luật Giáo dục 2019; Nghị quyết số 88/2014/QH13; Nghị quyết số 51/2017/NQ14; Nghị định số 69/2017/NĐ-CP.

Để thống nhất với quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, dự thảo điều chỉnh hệ thống tên các môn học/hoạt động giáo dục và nội dung từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi. Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực thông qua những phẩm chất chủ yếu là: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; những năng lực cốt lõi là: (1) năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo và (2) năng lực đặc thù: ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mĩ, thể chất.

Dự thảo bổ sung quy định về "Nội dung và Phương pháp đánh giá", đảm bảo đúng thành phần theo lý thuyết khoa học về đánh giá, gồm: Phạm vi, đối tượng, nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp, kỹ thuật quá trình đánh giá. Quy định này giúp định hướng cho giáo viên các phương pháp, cách thức tiến hành trong quá trình đánh giá học sinh, phù hợp với lứa tuổi tiểu học và cụ thể hoá Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Quy định về "tổng hợp đánh giá và xếp loại chất lượng giáo dục", quy định về "hồ sơ đánh giá", cũng những điểm mới của Dự thảo Thông tư. Điều này nhằm tường minh hoá quá trình đánh giá, đồng thời đảm bảo kết cấu chặt chẽ, hợp logic về mặt hình thức, tạo thành quy trình hoàn chỉnh trong đánh giá gồm đủ các hình thức: Đánh giá thường xuyên; đánh giá định kỳ; tổng hợp đánh giá; xếp loại chất lượng giáo dục; sử dụng kết quả đánh giá. Trong đó, lưu tâm đến quy định học bạ điện tử được sử dụng tại mỗi cơ sở giáo dục phổ thông.

3. Dự thảo không làm tăng khối lượng công việc của giáo viên và học sinh.

Thay vì thể hiện bằng 4 mức độ đối với các câu hỏi/bài tập trong bài kiểm tra định kì, dự thảo Thông tư mới chỉ sử dụng 3 mức độ là "Hoàn thành tốt", "Hoàn thành" và "Chưa hoàn thành". Điều này nhằm đảm bảo thống nhất với cấp học trên, phù hợp với cách tiếp cận của các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình biên soạn các câu hỏi/bài tập để xây dựng đề kiểm tra định kì.

Trong quy định về khen thưởng học sinh, Dự thảo có đề cập đến hình thức "thư khen". Cụ thể, cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt. Điều này nhằm động viên kịp thời học sinh, giúp các em có thêm động lực cùng nhau rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ.

"Các quy định trong Dự thảo không làm tăng khối lượng công việc của giáo viên và học sinh. Đồng thời với các nội dung quy định tường minh về phương pháp, kỹ thuật, quy trình đánh giá, sẽ giúp giáo viên tiếp cận, triển khai hệ thống, bài bản, khoa học và giảm được thời lượng dành cho việc đánh giá, để tập trung vào quá trình giảng dạy", Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Ts. Thái Văn Tài nói.

Dự thảo Thông tư quy định Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học có thời gian góp ý là 2 tháng, tính từ ngày 9/4/2020. Nơi nhận ý kiến góp ý là: Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Email nhận góp ý: ndmanh.gdth@moet.gov.vn.

Nội dung Dự thảo Thông tư quy định Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Số: /2020/TT-BGDĐT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Nội, ngày tháng năm 2020

THÔNG TƯ

Ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nghị quyết số 51/2017/NQ14 ngày 21 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học.

Điều 2. Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học được thực hiện theo lộ trình như sau:

1. Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

2. Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 1 và lớp 2.

3. Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 1 đến lớp 3.

4. Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 1 đến lớp 4.

5. Từ năm học 2024-2025 đối với cấp tiểu học.

Điều 3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2020. Thông tư này thay thế Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của

quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT- BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 4. Việc đánh giá học sinh tiểu học tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT- BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến khi các quy định tại Điều 2 của Thông tư này được thực hiện.

Điều 5. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Nơi nhận:

- Ban Tuyên giáo TƯ;

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chính phủ;

- Văn phòng Hội đồng Quốc gia GD và PTNL;

- Kiểm toán nhà nước;

- Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp);

- Công báo;

- Như Điều 3 (để thực hiện);

- Website Chính phủ;

- Website Bộ GDĐT;

- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDTH.

KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Hữu Độ

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

QUY ĐỊNH

Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học

(Ban hành kèm theo Thông tư số /2020/TT-BGDĐT ngày tháng năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học bao gồm: tổ chức đánh giá và xếp loại; sử dụng kết quả đánh giá và xếp loại; tổ chức thực hiện.

2. Văn bản này áp dụng đối với trường tiểu học; lớp tiểu học trong trường phổ thông có nhiều cấp học và trường chuyên biệt; cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục tiểu học.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Đánh giá học sinh tiểu học là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực của học sinh tiểu học.

2. Đánh giá thường xuyên là đánh giá bằng nhận xét trong quá trình học tập, rèn luyện theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và một số biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh, được thực hiện theo tiến trình nội dung của các môn học, hoạt động giáo dục. Đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên và học sinh nhằm hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.

3. Đánh giá định kỳ là đánh giá kết quả giáo dục học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và sự hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

4. Tổng hợp đánh giá và xếp loại chất lượng giáo dục là việc tổng hợp và ghi kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng giáo dục của học sinh vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp và Học bạ vào các thời điểm theo quy định.

Điều 3. Mục đích đánh giá và xếp loại

1. Giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học trong quá trình dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh nhằm động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học.

2. Giúp học sinh có khả năng tự nhận xét, tham gia nhận xét; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ.

3. Giúp cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) tham gia đánh giá quá trình và kết quả học tập, rèn luyện, quá trình hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục học sinh.

4. Giúp cán bộ quản lý giáo dục các cấp kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục.

5. Giúp các tổ chức xã hội nắm thông tin chính xác, khách quan, phát huy nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục.

Điều 4. Nguyên tắc đánh giá và xếp loại

1. Đánh giá và xếp loại học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt được theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.

2. Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kì bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.

3. Đánh giá sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Chương II

TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ VÀ XẾP LOẠI

Điều 5. Nội dung và phương pháp đánh giá

1. Nội dung đánh giá

a) Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

b) Đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi như sau:

- Những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm;

- Những năng lực cốt lõi:

+) Những năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo;

+) Những năng lực đặc thù: ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mĩ, thể chất.

2. Phương pháp đánh giá

Một số phương pháp đánh giá thường được sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh gồm:

a) Phương pháp quan sát: Giáo viên theo dõi, lắng nghe học sinh trong quá trình giảng dạy trên lớp, sử dụng phiếu quan sát, bảng kiểm tra, nhật ký ghi chép lại các biểu hiện của học sinh để sử dụng làm minh chứng đánh giá quá trình học tập của học sinh.

b) Phương pháp đánh giá qua các sản phẩm, hoạt động của học sinh: Giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, hoạt động của học sinh, từ đó đánh giá học sinh theo từng nội dung đánh giá có liên quan.

c) Phương pháp vấn đáp: Giáo viên trao đổi với học sinh thông qua việc hỏi-đáp để thu thập thông tin nhằm đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời.

d) Phương pháp kiểm tra viết: Giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo thang đo năng lực và dưới hình thức trắc nghiệm hoặc tự luận để đánh giá mức đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá.

Điều 6. Đánh giá thường xuyên

1. Đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục

a) Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá, nhưng chủ yếu thông qua lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời.

b) Học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn, nhóm bạn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập để học và làm tốt hơn.

c) Cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.

2. Đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực

a) Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá; căn cứ vào những biểu hiện về nhận thức, hành vi, thái độ của học sinh; đối chiếu với yêu cầu cần đạt của từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học để nhận xét và có biện pháp giúp đỡ kịp thời.

b) Học sinh được tự nhận xét và được tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn về những biểu hiện của từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi để hoàn thiện bản thân.

c) Cha mẹ học sinh trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi.

Điều 7. Đánh giá định kì

1. Đánh giá định kì về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục

a) Vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức sau:

- Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

- Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập và có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

- Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập hoặc chưa có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

b) Vào cuối học kì I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Ngoại ngữ 1, Tin học và Công nghệ có bài kiểm tra định kì;

Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kì môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kì I và giữa học kì II.

c) Đề kiểm tra định kì phù hợp với yêu cầu cần đạt và các biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học, hoạt động giáo dục, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức như sau:

- Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập.

- Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề

có nội dung tương tự.

- Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.

d) Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kì không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.

2. Đánh giá định kỳ về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực Vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên chủ

nhiệm phối hợp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua các nhận xét, các biểu

hiện trong quá trình đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của mỗi học sinh, đánh giá theo các mức sau:

a) Tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên.

b) Đạt: Đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên.

c) Cần cố gắng: Chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ.

Điều 8. Đánh giá và xếp loại học sinh ở trường, lớp dành cho người khuyết tật

1. Học sinh khuyết tật học theo phương thức giáo dục hoà nhập được đánh giá, xếp loại như đối với học sinh không khuyết tật có điều chỉnh yêu cầu hoặc theo yêu cầu của kế hoạch giáo dục cá nhân.

2. Học sinh khuyết tật học theo phương thức giáo dục chuyên biệt được đánh giá, xếp loại theo quy định dành cho giáo dục chuyên biệt hoặc theo yêu cầu của kế hoạch giáo dục cá nhân.

3. Đối với học sinh học ở các lớp dành cho người khuyết tật: giáo viên đánh giá, xếp loại học sinh căn cứ vào nhận xét, đánh giá thường xuyên qua các buổi học tại lớp dành cho người khuyết tật và kết quả đánh giá định kì môn Toán, môn Tiếng Việt được thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quy định này.

Điều 9. Tổng hợp đánh giá và xếp loại chất lượng giáo dục

1. Vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học:

a) Giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và các mức đạt được từ đánh giá định kỳ về môn học, hoạt động giáo dục để tổng hợp và ghi kết quả đánh giá giáo dục của từng học sinh vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

b) Giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào kết quả đánh giá thường xuyên và các mức đạt được từ đánh giá định kỳ về từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của mỗi học sinh để tổng hợp và ghi kết quả đánh giá giáo dục của học sinh vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

2. Vào cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm thực hiện:

a) Xếp loại chất lượng giáo dục học sinh theo ba mức:

- Xếp loại Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên.

- Xếp loại Hoàn thành: Những học sinh chưa được xếp loại Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên.

- Xếp loại Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.

b) Ghi nhận xét, kết quả tổng hợp đánh giá, xếp loại chất lượng giáo dục và các thành tích khác của học sinh được khen thưởng trong năm học vào Học bạ.

Điều 10. Hồ sơ đánh giá

1. Hồ sơ đánh giá là minh chứng cho quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của học sinh; là thông tin để tăng cường sự phối hợp giáo dục học sinh giữa giáo viên, nhà trường với cha mẹ học sinh.

2. Hồ sơ đánh giá từng năm học của mỗi học sinh gồm Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

a) Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của các lớp được lưu giữ tại nhà trường theo quy định.

b) Học bạ được nhà trường lưu giữ trong suốt thời gian học sinh học tại trường, được giao cho học sinh khi hoàn thành chương trình tiểu học hoặc chuyển trường.

Chương III

SỬ DỤNG KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ VÀ XẾP LOẠI

Điều 11. Xét hoàn thành chương trình lớp học, hoàn thành chương trình tiểu học

1. Xét hoàn thành chương trình lớp học:

a) Học sinh được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học phải đạt các

điều kiện sau:

- Đánh giá định kì về học tập cuối năm học của từng môn học và hoạt động giáo dục đạt mức: Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành;

- Đánh giá định kì về từng phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cuối năm học đạt mức: Tốt hoặc Đạt;

- Bài kiểm tra định kì cuối năm học của các môn học đạt điểm 5 trở lên;

b) Đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên lập kế hoạch, hướng dẫn, giúp đỡ; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học.

c) Đối với học sinh đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, mức độ hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng xem xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp.

2. Xét hoàn thành chương trình tiểu học:

Học sinh hoàn thành chương trình lớp 5 (năm) được xác nhận và ghi vào học bạ: Hoàn thành chương trình tiểu học.

Điều 12. Nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh

1. Nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh nhằm đảm bảo tính khách quan và trách nhiệm của giáo viên về kết quả đánh giá học sinh; giúp giáo viên nhận học sinh vào năm học tiếp theo có đủ thông tin cần thiết để có kế hoạch, biện pháp giáo dục hiệu quả.

2. Hiệu trưởng chỉ đạo nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh:

a) Đối với học sinh lớp 1 (một), lớp 2 (hai), lớp 3 (ba), lớp 4 (bốn): giáo viên chủ nhiệm trao đổi với giáo viên sẽ nhận học sinh vào năm học tiếp theo về những nét nổi bật hoặc hạn chế của học sinh, bàn giao hồ sơ đánh giá học sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Quy định này.

b) Đối với học sinh lớp 5 (năm): tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kì cuối năm học cho cả khối; tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn; giáo viên chủ nhiệm hoàn thiện hồ sơ đánh giá học sinh, bàn giao cho nhà trường.

3. Trưởng phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo các nhà trường trên cùng địa bàn tổ chức nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh hoàn thành chương trình tiểu học lên lớp 6 (sáu) phù hợp với điều kiện của các nhà trường và địa phương.

Điều 13. Khen thưởng

1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh:

a) Khen thưởng cuối năm học:

- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh xếp loại Hoàn thành xuất sắc;

- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Thành tích vượt trội - Tiến bộ vượt bậc cho những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một phẩm chất, năng lực được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

b) Khen thưởng đột xuất: học sinh có thành tích đột xuất trong năm học.

2. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

3. Cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo

1. Sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm:

a) Chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo tổ chức việc thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học trên địa bàn.

b) Hướng dẫn việc sử dụng Học bạ của học sinh trong trường hợp triển khai Học bạ điện tử.

c) Định kỳ mỗi năm một lần, tại thời điểm kết thúc năm học, báo cáo kết quả tổ chức thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo hiệu trưởng tổ chức việc thực hiện đánh giá, nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh tiểu học trên địa bàn; báo cáo kết quả thực hiện về sở giáo dục và đào tạo.

3. Sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư này tại địa phương.

Điều 15. Trách nhiệm của hiệu trưởng

1. Chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức, tuyên truyền thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định tại Thông tư này; đảm bảo chất lượng đánh giá; báo cáo kết quả thực hiện về phòng giáo dục và đào tạo.

2. Tôn trọng quyền tự chủ của giáo viên trong việc thực hiện quy định đánh giá và xếp loại học sinh.

3. Chỉ đạo việc ra đề kiểm tra định kì; xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ học sinh; nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh; xác nhận kết quả đánh giá và xếp loại học sinh cuối năm học; xét lên lớp; quản lý hồ sơ đánh giá học sinh.

4. Giải trình, giải quyết thắc mắc, kiến nghị về đánh giá, xếp loại học sinh trong phạm vi và quyền hạn của hiệu trưởng.

Điều 16. Trách nhiệm của giáo viên

1. Giáo viên chủ nhiệm:

a) Chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá, xếp loại học sinh, kết quả giáo dục học sinh trong lớp; hoàn thành hồ sơ đánh giá học sinh theo quy định; nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh.

b) Thông báo riêng cho cha mẹ học sinh về kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và xếp loại chất lượng giáo dục của mỗi học sinh.

c) Hướng dẫn học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn. Tuyên truyền cho cha mẹ học sinh về nội dung và cách thức đánh giá theo quy định tại Thông tư này; phối hợp và hướng dẫn cha mẹ học sinh tham gia vào quá trình đánh giá.

2. Giáo viên không làm công tác chủ nhiệm:

a) Chịu trách nhiệm đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của học sinh đối với môn học, hoạt động giáo dục theo quy định.

b) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên cùng lớp, cha mẹ học sinh thực hiện việc đánh giá học sinh; hoàn thành hồ sơ đánh giá học sinh; nghiệm thu chất lượng giáo dục học sinh.

c) Hướng dẫn học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn.

3. Giáo viên theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội.

Điều 17. Quyền và trách nhiệm của học sinh

1. Được nêu ý kiến và nhận sự hướng dẫn, giải thích của giáo viên, hiệu trưởng về kết quả đánh giá, xếp loại.

2. Tích cực tự nhận xét và tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn theo hướng dẫn của giáo viên.

3. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quy định trong Điều lệ trường tiểu học; chấp hành nội quy, quy chế của nhà trường; tiếp thu sự giáo dục của nhà trường và thường xuyên rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để luôn tiến bộ.

KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Hữu Độ

Phụ lục 1. Mẫu học bạ tiểu học

HƯỚNG DẪN GHI HỌC BẠ

Học bạ dùng để ghi kết quả tổng hợp đánh giá cuối năm học của học sinh. Khi ghi Học bạ, giáo viên cần nghiên cứu kĩ Thông tư số …../2020/TT-BGDĐT ngày … tháng … năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học.

1. Trang 3, thông tin ghi theo giấy khai sinh của học sinh.

2. Mục "1. Các Môn học và hoạt động giáo dục"

- Trong cột "Mức đạt được": Ghi kí hiệu T nếu học sinh đạt mức "Hoàn thành tốt"; H nếu học sinh đạt mức "Hoàn thành" hoặc C nếu học sinh ở mức "Chưa hoàn thành".

- Trong cột "Điểm KTĐK" đối với các môn có Bài kiểm tra định kì: ghi điểm số của bài kiểm tra; đối với học sinh được kiểm tra lại, ghi điểm số của bài kiểm tra lần cuối.

- Trong cột "Nhận xét": Ghi những điểm nổi bật về sự tiến bộ, năng khiếu, hứng thú học tập đối với các môn học, hoạt động giáo dục của học sinh; nội dung, kĩ năng chưa hoàn thành trong từng môn học, hoạt động giáo dục cần được khắc phục, giúp đỡ (nếu có).

3. Mục "2. Những phẩm chất chủ yếu" và mục "3. Những năng lực cốt lõi"

- Trong cột "Mức đạt được" tương ứng với từng nội dung đánh giá về phẩm chất, năng lực: ghi kí hiệu T nếu học sinh đạt mức “Tốt”, Đ nếu học sinh đạt mức “Đạt” hoặc C nếu học sinh ở mức “Cần cố gắng”.

- Trong cột "Nhận xét" tương ứng với nội dung đánh giá về phẩm chất: ghi các biểu hiện, sự tiến bộ, ưu điểm, hạn chế hoặc khuyến nghị (nếu có) về sự hình thành và phát triển một số phẩm chất chủ yếu của học sinh.

Ví dụ: Đi học đầy đủ, đúng giờ; mạnh dạn trình bày ý kiến cá nhân; biết giữ lời hứa; tôn trọng và biết giúp đỡ mọi người;...

- Trong cột "Nhận xét" tương ứng với nội dung đánh giá về năng lực: ghi các biểu hiện, sự tiến bộ, ưu điểm, hạn chế hoặc khuyến nghị (nếu có) về sự hình thành và phát triển một số năng lực chung, năng lực đặc thù của học sinh.

Ví dụ: Biết vệ sinh thân thể, ăn mặc gọn gàng; chủ động, phối hợp trong học tập; có khả năng tự học; …; sử dụng ngôn ngữ lưu loát trong cuộc sống và học tập, biết tư duy, lập luận và giải quyết được một số vấn đề toán học quen thuộc;…

4. Mục "4. Xếp loại chất lượng giáo dục"

Ghi một trong ba mức: “Hoàn thành xuất sắc”; “Hoàn thành” hoặc “Chưa hoàn thành”.

5. Mục "5. Khen thưởng"

Ghi những thành tích mà học sinh được khen thưởng trong năm học.

Ví dụ: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện; Có tiến bộ vượt bậc về tự phục vụ và tự quản; Đạt giải Nhì hội giao lưu An toàn giao thông cấp huyện;…

6. Mục "6. Hoàn thành chương trình lớp học/chương trình tiểu học"

Ghi Hoàn thành chương trình lớp….../chương trình tiểu học hoặc Chưa hoàn thành chương trình lớp… /chương trình tiểu học; Được lên lớp hoặc Chưa được lên lớp.

Ví dụ:

- Hoàn thành chương trình lớp 2; Được lên lớp 3.

- Hoàn thành chương trình tiểu học.

Học bạ được nhà trường bảo quản và trả lại cho học sinh khi học sinh chuyển trường, học xong chương trình tiểu học.

Phụ lục 2. Bảng ghi tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp

HƯỚNG DẪN

GHI BẢNG TỔNG HỢP KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ GIÁO DỤC CỦA LỚP

Điền đủ thông tin vào chỗ chấm, trong đó đối với mẫu 1, 4 và 7 cần ghi thời điểm đánh giá giữa học kì I hay giữa học kì II.

1. Phần "Môn học và hoạt động giáo dục"

- Đối với mẫu 1 và 4: Trong cột tương ứng với từng môn học hoặc hoạt động giáo dục: ghi kí hiệu T nếu học sinh đạt mức "Hoàn thành tốt", H nếu học sinh đạt mức "Hoàn thành" hoặc C nếu học sinh ở mức "Chưa hoàn thành".

- Đối với các mẫu 2-9 :

+) Trong cột “Mức đạt được” tương ứng với từng môn học hoặc hoạt động giáo dục: ghi kí hiệu T nếu học sinh đạt mức "Hoàn thành tốt", H nếu học sinh đạt mức "Hoàn thành" hoặc C nếu học sinh ở mức "Chưa hoàn thành".

+) Trong cột "Điểm KTĐK" đối với các môn có bài kiểm tra định kì: ghi điểm số của bài kiểm tra; đối với học sinh được kiểm tra lại, ghi điểm số của bài kiểm tra lần cuối.

2. Phần "Phẩm chất chủ yếu" và "năng lực cốt lõi"

Trong cột tương ứng với từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi (năng lực chung và năng lực đặc thù ): ghi kí hiệu T nếu học sinh đạt mức "Tốt", Đ nếu học sinh đạt mức "Đạt" hoặc C nếu học sinh ở mức "Cần cố gắng".

3. Phần "Xếp loại chất lượng giáo dục", "Khen thưởng", "Hoàn thành chương trình lớp học", "Lên lớp" (trong mẫu 3, 6 và 9 )

Đánh dấu "X" vào các ô tương ứng với mức xếp loại của từng học sinh và đối với mỗi học sinh được khen thưởng, hoàn thành chương trình lớp học, lên lớp.

4. Phần "Ghi chú"

Ghi những lưu ý đặc biệt (nếu có). Chẳng hạn như: học sinh thuộc diện ưu tiên; học sinh khuyết tật;…

Mời các bạn sử dụng file tải về để xem chi tiết các mẫu phụ lục ban hành kèm theo Thông tư.

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Giáo dục đào tạo được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 4.609
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm