CSGT phạt sai, người vi phạm khiếu nại thế nào?

Quyền khiếu nại khi xử phạt vi phạm hành chính không đúng

Khi không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm giao thông của cảnh sát giao thông, người vi phạm có quyền khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại. Để nắm rõ hơn về trình tự và quy trình khiếu nại, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Hỏi:

Tháng trước, tôi tham gia giao thông trên đường thì bị cảnh sát dừng xe. Tôi biết mình vi phạm nên đồng ý để cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, khi ký vào quyết định xử phạt, tôi phát hiện ra lỗi và mức phạt không đúng với lỗi tôi đã mắc phải. Tôi đã làm việc trực tiếp với chiến sĩ đó mà không được giải quyết. Sau đó, tôi vẫn ký và ghi chú vào quyết định xử phạt là nội dung vụ việc và không đồng ý với quyết định đó. Trong trường hợp tôi có quyền khiếu nại về việc này không, tôi phải làm như thế nào? Và tôi có phải đi nộp phạt luôn không khi đang chuẩn bị thực hiện khiếu nại?

Trả lời:

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 15 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

“Điều 15, Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong xử lý vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, nếu bạn thấy biên bản vi phạm giao thông của cảnh sát giao thông là trái luật thì bạn có thể thực hiện khiếu nại về vấn đề này. Việc khiếu nại có thể đúng hoặc không đúng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại. Nếu việc khiếu nại không thành công thì bạn cũng không bị xử phạt thêm về lỗi nào khác.

Về trình tự khiếu nại

Căn cứ tại Điều 7 Luật khiếu nại 2011 quy định:

“Điều 7. Trình tự khiếu nại

1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.”

Như vậy, bạn có thể thực hiện khiếu nại trực tiếp tới cơ quan nơi người lập biên bản vi phạm. Cụ thể, bạn có thể tới trụ sở Đội, Trạm cảnh sát giao thông nơi người lập biên bản công tác để khiếu nại.

Về việc nộp phạt vi phạm

Căn cứ theo Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

“Điều 73. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

2. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, mặc dù bạn không đồng ý với biên bản vi phạm giao thông đã lập và đang tiến hành thủ tục khiếu nại, bạn vẫn phải thực hiện đóng phạt. Nếu sau đó xác định biên bản vi phạm là trái luật, bạn sẽ được hoàn lại tiền nộp phạt.

Kết luận

Bạn vẫn phải nộp phạt theo đúng lịch hẹn dù đang tiến hành khiếu nại.

Đánh giá bài viết
1 2.744
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm