Chứng minh thư (CMND) không được dùng trong trường hợp nào?

Chứng minh thư (CMND) không được dùng trong trường hợp nào 2024? CMND là giấy tờ quan trọng được sử dụng để chứng minh nhân thân, lai lịch của một người. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, pháp luật quy định cá nhân không được sử dụng CMND. Vậy đó là trường hợp nào? Bài viết dưới đây của HoaTieu.vn xin cung cấp thông tin gửi đến bạn đọc.

Trường hợp cấm dùng CMND
Trường hợp cấm dùng CMND

1. Khi một người dùng hai hoặc nhiều CMND

Tại Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13) hướng dẫn Nghị định 05/1999/NĐ-CP về chứng minh nhân dân quy định về cấm một người sử dụng hai hoặc nhiều CMND. Cụ thể:

- Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng.

- Đối với trường hợp mất CMND đã được cấp lại CMND khác, nếu tìm thấy CMND đã mất thì phải nộp lại cho cơ quan công an nơi làm thủ tục cấp lại.

- Các trường hợp đổi CMND phải nộp lại giấy CMND theo Quyết định số 143/CP ngày 9-8-1976 của Hội đồng Chính phủ (nếu có), CMND đã hết hạn sử dụng, hư hỏng hoặc có thay đổi nội dung cho cơ quan công an ngay khi làm thủ tục đổi để lưu chung với hồ sơ.

Do đó, một người chỉ được sử dụng duy nhất 1 CMND và nếu có hai hay nhiều CMND do quá trình thất lạc, hư hỏng, cấp lại nếu tìm lại được CMND đã mất phải nộp lại cho cơ quan công an.

2. Khi thôi/bị tước quốc tịch Việt Nam

Hình ảnh minh họa CMND
Hình ảnh minh họa CMND

Căn cứ Điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định CMND sẽ bị thu hồi trong trường hợp:

1- Chứng minh nhân dân bị thu hồi trong các trường hợp sau :

a) Bị tước hoặc thôi quốc tịch Việt Nam;

Căn cứ Khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về người được cấp thẻ căn cước công dân như sau:

1. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.

Như vậy, người được cấp thẻ CMND phải đáp ứng điều kiện là công dân Việt Nam, và CMND cũng chỉ được cấp cho công dân Việt Nam sử dụng.

Do đó, khi một người bị tước hoặc từ bỏ quốc tịch Việt Nam, cá nhân đó sẽ không còn được giữ và sử dụng CMND nữa.

Công an cấp huyện có thẩm quyền thu hồi CMND nói trên.

3. Khi ra nước ngoài định cư

Theo điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 05/1999/NĐ-CP cũng quy định về trường hợp bị thu hồi CMND bao gồm công dân Việt Nam ra nước ngoài định cư.

Trong trường hợp này, dù chưa thôi quốc tịch Việt Nam nhưng công dân vẫn bị cấm sử dụng và bị thu hồi CMND. Bên có thẩm quyền thu hồi cũng tương tự trường hợp 2 là công an cấp quận/huyện.

4. Khi dùng CMND của người khác

Theo điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, việc chiếm đoạt, sử dụng CMND của người khác sẽ bị phạt từ 01 - 02 triệu đồng.

Hơn nữa, tại phần 1 bài viết cũng đề cập đến quy định tại Thông tư 04/1999/TT-BCA, theo đó, một người chỉ được sử dụng duy nhất một CMND và được cấp duy nhất một số CMND sử dụng suốt đời.

Do vậy, hành vi dùng CMND của người khác là hành vi vi phạm pháp luật và bị cấm.

5. Từ năm 2036 trở đi

Theo Thông tư 04/1999/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân, thời hạn sử dụng của Chứng minh nhân dân được quy định như sau:

CMND có giá trị sử dụng 15 năm. Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy CMND khác nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp.

Do đó, CMND có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp (dù là CMND 9 số hay 12 số).

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014:

Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

Từ ngày 1/1/2021, Bộ Công an đã triển khai cấp căn cước công dân gắn chíp thay cho chứng minh nhân dân. Những người được cấp chứng minh nhân dân từ cuối năm 2020 được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2035.

Từ năm 2036, chứng minh nhân dân chính thức bị “khai tử” và việc sử dụng chứng minh nhân dân sau thời điểm này sẽ bị cấm.

6. Trường hợp khác

Điều 5 của Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi CMND:

- CMND hết thời hạn sử dụng;

- CMND hư hỏng không sử dụng được;

- Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;

- Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Thay đổi đặc điểm nhận dạng.

Tuy nhiên, hiện nay cơ quan có thẩm quyền sẽ không tiến hành thủ tục cấp, làm lại CMND mà sẽ thay bằng thủ tục làm CCCD có gắn chip. Vì vậy, nếu rơi vào các trường hợp trên, công dân đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục xin cấp thẻ CCCD.

Trên đây là những trường hợp công dân không được sử dụng CMND. Mời bạn đọc tham khảo các bài viết liên quan tại mục Hỏi đáp pháp luậtPhổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 69
0 Bình luận
Sắp xếp theo