6 quy định mới có hiệu lực tháng 10/2020 giáo viên cần biết

Tháng 10/2020, nhiều quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực, đặc biệt kể đến Thông tư 24/2020, Thông tư 27/2020 và Thông tư 28/2020. Ba Thông tư này sẽ được đưa vào thực hiện trong tháng 10/2020 với nhiều điểm mới đáng chú ý mà giáo viên cần biết.

1/ Giáo viên chưa đạt chuẩn có thể bị thôi việc

Kể từ ngày 10/10, khi Thông tư 24/2020/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực, việc sử dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo thực hiện theo Điều 3 như sau:

- Được tiếp tục tiếp tục bố trí công tác giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu theo quy định nếu trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm 2020 có:
  • Kết quả đánh giá, xếp loại đạt chuẩn nghề nghiệp trở lên hoặc được xếp loại chất lượng viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
  • Đủ sức khỏe.

- Không bố trí giảng dạy và sắp xếp làm việc khác tại cơ sở giáo dục sau khi đã tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nếu trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm 2020 có:

  • Kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp;
  • 01 năm được xếp loại chất lượng viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
- Được nghỉ hưu nếu:
  • Không đủ sức khỏe;
  • Có nguyện vọng nghỉ hưu;
  • Đủ các điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Đặc biệt, giáo viên tùy từng trường hợp có thể bị áp dụng các quy định về thôi việc và tinh giản biên chế nếu chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo các quy định trên.

2/ Được phép cho điểm 0 với bài kiểm tra của học sinh

Trên cơ sở kế thừa các quy định của Thông tư 30/2014, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT được thực thi từ ngày 20/10, quy định giáo viên tiểu học sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân đối với bài kiểm tra và trả lại cho học sinh.

Đối với điểm của bài kiểm tra định kì, giáo viên không được dùng để so sánh các học sinh với nhau. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường, giáo viên có thể đề xuất với nhà trường cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả.

Thêm vào đó, Thông tư 27 đã bãi bỏ quy định về việc không cho điểm 0 đối với bài kiểm tra. Bởi vậy, giáo viên có thể chấm điểm 0 với bài kiểm tra của học sinh nếu bài làm không đạt yêu cầu.

3/ Thiết kế đề kiểm tra, đánh giá kết quả theo các mức cụ thể

Khác với Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT, Điều 6 của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27/2020 đã điều chỉnh việc thiết kế đề kiểm tra định kỳ cho học sinh tiểu học còn 03 mức độ (quy định cũ là 04 mức độ) như sau:

- Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập;

- Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự;

- Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc đánh giá kết quả học sinh vào cuối năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng 04 mức đánh giá kết quả giáo dục đối với học sinh như sau:

Mức đánh giá

Điều kiện

Hoàn thành xuất sắc

- Có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt;
- Các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt;
- Bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên.

Hoàn thành tốt

- Chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt;
- Các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt;
- Bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên.

Hoàn thành

- Chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành;
- Các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt;
- Bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên.

Chưa hoàn thành

- Không thuộc các đối tượng trên.

4/ Giáo viên chủ nhiệm được cho phép nghỉ 3 ngày liên tục

Cùng thực hiện với Thông tư 27 từ ngày 20/10, Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT đã bổ sung thêm các quyền với giáo viên chủ nhiệm như: Được dự các giờ học khác của học sinh lớp mình chủ nhiệm; dự các cuộc họp hội đồng khi giải quyết các vấn đề liên quan đến học sinh lớp mình; được dự các lớp bồi dưỡng về công tác chủ nhiệm; được giảm giờ lên lớp hàng tuần…

Đặc biệt, theo quy định mới, giáo viên chủ nhiệm được quyền cho phép học sinh tiểu học nghỉ học không quá 03 ngày liên tục.

5/ Được sử dụng điện thoại di động khi giảng dạy

Giống với Thông tư 41/2010, Thông tư 28 cũng quy định giáo viên tiểu học không được thực hiện một số hành vi sau: Xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức; gian lận trong kiểm tra đánh giá, cố ý đánh giá sai kết quả giáo dục của học sinh; ép buộc học sinh học thêm vì mục đích vật chất;…

Đáng chú ý, Thông tư 28 đã bỏ quy định giáo viên tiểu học không được sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp. Điều này đồng nghĩa với việc từ ngày 20/10, giáo viên tiểu học có thể sử dụng điện thoại di động khi giảng dạy trên lớp.

6/ Không được phê bình học sinh trước lớp

Cũng theo Thông tư 28, học sinh tiểu học vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và thi đua thì tùy vào mức độ vi phạm mà giáo viên sử dụng các biện pháp kỷ luật như: Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp; thông báo với cha mẹ học sinh.

Không những vậy, Thông tư 28 cũng nhấn mạnh việc giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Trên đây là những quy định mới mà giáo viên cần chú ý kể từ tháng 10/2020.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 257
0 Bình luận
Sắp xếp theo