Viết đoạn văn về nhân vật mà em yêu thích lớp 8

Viết đoạn văn về nhân vật mà em yêu thích lớp 8 hay viết đoạn văn nêu cảm nhân về một nhân vật văn học mà em yêu thích là một đề thường gặp trong chương trình Ngữ văn. Trong chương trình văn học các em học sinh đã được làm quen với rất nhiều nhân vật trong các tác phẩm văn học. Với dạng bài viết này các em sẽ dễ dàng thể hiện quan điểm, cảm xúc của mình về các nhân vật văn học được gợi ra trong tác phẩm. Sau đây là mẫu đoạn văn nêu cảm nhận về một nhân vật mà em yêu thích, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Đoạn văn nêu cảm nhân về một nhân vật văn học mà em yêu thích - mẫu 1

Đoạn văn nêu cảm nhân về một nhân vật văn học mà em yêu thích

Nhân vật cô bé bán diêm trong truyện cổ tích "Cô bé bán diêm" của An-đéc-xen là một cô bé để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Cô là một cô bé có tuổi thơ đầy bất hạnh. Từ nhỏ cô đã mồ côi mẹ và bà, phải sống trong sự ghẻ lạnh của cha. Cha chưa bao giờ yêu thương, quan tâm, chăm sóc cô cả. Hai cha con cô phải sống trên căn gác xép tồi tàn. cửa sổ hỏng hết phải nhét giẻ vào nhưng vẫn không bớt đi cái lạnh. Mặc dù chỉ là một cô bé nhỏ nhắn nhưng cô lại không được đi học mà phải đi bán diêm kiếm tiền phụ cha. Đêm 30 tết cô không dám trở về nhà vì không bán được bao diêm nào nên sợ cha đánh mắng. Vì quá rét buốt nên cô đã đốt những que diêm lên để sưởi ấm. Qua những lần đốt diêm ta thấy những ảo ảnh hiện ra. Phải chăng đó chính là những gì à cô bé đang khát khao muốn có được. Lần đốt diêm thứ 4 cô bé đã gặp lại người bà kính yêu. Vì muốn đi theo bà lên thiên đàng nên cô bé đã quẹt que diêm lần thứ 5. Vâng, đúng như ước muốn của cô, bà cũng xuất hiện và mang cô bé đi theo bà. Sáng sớm hôm sau người ta thấy cô bé chết cóng trên đường bên cạnh những que diêm. Chao ôi! Thế là cô gái ấy đã từ giã cõi trần gian đau khổ mà đến với một thế giới tốt đẹp hơn. Có lẽ đó chính là một cái kết có hậu dành cho cô bé tội nghiệp.

2. Đoạn văn nêu cảm nhân về một nhân vật văn học mà em yêu thích - mẫu 2

Nhân vật lão Hạc trích trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao là một ông lão nông dân giàu lòng nhân hậu. Vợ mất sớm, lão chỉ còn lại 1 người con trai, một con chó vàng và một mảnh vườn nhỏ. Do không đủ tiền cưới vợ cho con, người con trai lão phẫn chí, bỏ đi làm đồn điền cao su, còn lão Hạc sống thui thủi một mình với con chó, ông Lão yêu thương chăm sóc nó như một thành viên trong gia đình (âu yếm gọi nó là "cậu Vàng"; cho nó ăn trong bát như của nhà giàu. Lão Hạc cứ ăn một miếng thì lại gắp cho nó một miếng; rồi tắm rửa, bắt rận cho nó; mắng yêu nó...). Khi hoàn cảnh quá khó khăn, lão bị ốm một trận dài làm sức khỏe giảm sút, bao nhiêu tiền bạc đổ hết vào thuốc men, lão không kiếm được việc làm, bao nhiêu việc nhẹ đàn bà con gái trong làng tranh nhau làm hết, đắn đo mãi, Lão Hã buộc lòng phải bán cậu Vàng mặc dù vô cùng đau khổ, thương xót nó vì lão đã quá nặng lòng yêu thương nó, nhất là lão đã tự dằn vặt, tự trách mình, day dứt, ấn hận tự cho là mình đã lừa một con chó và lão  vô cùng đau khổ. Nói tóm lại, lão Hạc tuy chỉ là một lão nông dân nghèo khổ, hiền lành chất phác song ở lão có một tấm lòng nhân hậu đáng quý. Tình cảm của lão dành cho con chó Vàng khiến cho người đọc phải xúc động tận đáy lòng.

3. Viết đoạn văn về nhân vật văn học mà em yêu thích

Kiều Phương trong truyện ngắn "Bức Tranh Của Em Gái Tôi " là 1 cô bé vô tư, hồn nhiên và rất say mê hội họa. Cô bé cũng rất hiếu động, thường xuyên hay mày mò pha màu, vẽ tranh và làm bẩn của chính mình trong khi vẽ, vì thế được người anh trai đặt cho biệt danh là "Mèo ". Tài năng hội hoạ của Kiều Phương nhanh chóng được phát hiện, nó làm người anh trai không khỏi ghen tỵ nhưng ngược lại, tình cảm của cô bé dành cho anh mình không hề thay đổi. TRONG MẮT MỌI NGƯỜI KIỀU PHƯƠNG LÀ 1 HỌA SĨ ĐÍCH THỰC NHƯNG VỚI NGƯỜI ANH THÌ NGƯỢC LẠI. Và điều ấy được chứng minh khi Kiều Phương quyết định quan sát tỉ mỉ người anh trai và vẽ lại chân dung anh của mình. Khi bức tranh được đoạt giải, cô bé rất vui mừng, ôm choàng lấy cổ người anh trai  Còn người anh xấu hổ khi nhận ra điều ấy, song, nó cũng làm người anh nhận ra rằng, em gái mình - Kiều Phương là 1 cô bé nhân hậu, trong sáng, luôn yêu thương và tin tưởng vào phẩm chất tốt đẹp của anh trai mình.

4. Viết đoạn văn về nhân vật văn học mà em yêu thích - Chị Dậu

Nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ là một người phụ nữ hết lòng yêu thương chồng con. Hình ảnh của chị đã gợi lên trong lòng ta niềm thương xót ngậm ngùi về số phận bi thảm của chị cũng như của bao người nông dân lương thiện. Từ đó ta lại càng căm phẫn chế độ thực dân phong kiến, căm phẫn xã hội mục nát đầy bóng tối đã đưa đẩy con người đến bước đường cùng. Chị Dậu là nhân vật chính diện trong đoạn trích. Trước những hành động hung bạo, độc ác, đểu cáng của bọn hào lý tham lam hống hách chị Dậu đã vùng dậy đứng lên đấu tranh để bảo vệ mạng sống cho chồng. Chị Dậu chính là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp phụ nữ nông dân Việt Nam xưa thật giàu sức sống dưới ách áp bức của chế độ nửa thực dân nửa phong kiến khi chưa bắt gặp ánh sáng Đảng.

5. Viết đoạn văn về nhân vật văn học mà em yêu thích - Lão Hạc

Một trong những nhân vật để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất trong tiến trình văn học Việt Nam đó chính là nhân vật Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Ông là một người nông dân nghèo, vợ mất sớm, con bỏ đi làm đồn điền cao su, lão sống lủi thủi với con chó và chỉ có nó bầu bạn với lão hằng ngày, cái nghèo đói khiến lão rau cháo qua ngày cuối cùng bần quá nên đã bán chó; vì quá ăn năn hối hận nên lão đã tìm đến cách ăn bả chó để tự tử. Thật đáng thương cho một kiếp người. Một con người hiền lành, chất phác, giàu tình yêu thương lại có một cái kết vô cùng đáng thương. Nhân vật đã mang đến cho chúng ta nhiều cảm xúc vô cùng đặc biệt: sự cảm thông với một người nghèo khổ, tình yêu thương dành cho một người bất hạnh, sự nể phục dành cho một người cha yêu con, một người chủ yêu chó. Hình ảnh lão Hạc là đại diện cho người nông dân ở giai đoạn đó bị xã hội đẩy vào bước đường cùng, để giữ lại phẩm giá của mình họ đã phải tìm đến cái chết kết thúc một kiếp người đầy tội nghiệp. Không chỉ lão Hạc mà những nhân vật khác trong giai đoạn này cũng xứng đáng nhận được tình yêu thương của độc giả mọi thời kì. Nhân vật lão Hạc nói riêng và người nông dân nói chung là một đề tài quen thuộc đã và đang là chủ đề được khai thác nhận được sự quan tâm đặc biệt từ bạn đọc. Nhiều năm qua đi nhưng lão Hạc vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.

6. Viết đoạn văn về nhân vật văn học mà em yêu thích - hình tượng người nông dân qua Lão Hạc và chị Dậu

Con người là một trong những nội dung chính và quan trọng nhất của một tác phẩm văn học. Nhân vật văn học là khái niệm dùng dùng để chỉ những hình tượng cá nhân trong tác phẩm văn học, được tác giả xây dựng lên bằng ngôn từ nghệ thuật. Thông qua việc xây dựng hình tượng nhân vật, đặt nhân vật trong hoàn cảnh cụ thể để gửi gắn những thông điệp, tư tưởng, tình cảm đến bạn đọc. Để người đọc sau này chỉ cần tìm hiểu nhân vật đã có thể hình dung ra bức tranh xã hội được miêu tả qua truyện và nỗi niềm của nhà văn tại thời điểm ấy. Trong bài viết này, em muốn nhắc đến hình tượng người nông dân qua nhân vật Lão Hạc được xây dựng bởi nhà văn Nam Cao và nhân vật chị Dậu trong truyện ngắn "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố.

Trong nhiều tác phẩm văn học, hình tượng người nông dân là một trong những đề tài lớn, là mảnh đất màu mỡ của nền văn học Việt Nam trước cách mạng tháng Tám và sau năm 1975, khi xây dựng đất nước thời bình. Giai đoạn trước cách mạng tháng Tám năm 1945, tác phẩm và nhân vật nổi tiếng phải kể đến là Lão Hạc và chị Dậu. Cùng là người nông dân, cùng có số phận bi thảm, cơ cực dưới chế độ cũ, nhưng mỗi nhân vật lại mang đến cho người đọc sắc thái cảm xúc, cách hình dung khác nhau. Với Lão Hạc, em cảm nhận được hình ảnh một ông lão khắc khổ, một người cha mòn mỏi chờ con trai trở về từ đồn điền cao su, phận đời cùng cực nghèo khó của một người nông dân có tấm lòng lương thiện. Còn với nhân vật chị Dậu trong tác phẩm "Tức nước vỡ bờ", một đoạn trích của "Tắt đèn", em hình dung ra hình ảnh người phụ nữ nông dân tần tảo trong chế độ cũ, bị các thế lực đè nén đến khổ sở, đến mức phải bán chó, bán con.

Với em, một học sinh được sinh ra ở thời bình, được hưởng ấm no hạnh phúc, em nghĩ rằng mình rất khó để cảm nhận được những nỗi khổ sở, đau thương của người nông dân "một cổ hai tròng" trong chế độ cũ. Nhưng điều khiến em ấn tượng sâu sắc, đó chính là nhân phẩm, đức tính tốt đẹp của họ không hề bị hoàn cảnh sống lu mờ, mà nó càng ngày càng tỏa sáng trong màn đêm u tối.

Lão Hạc của Nam Cao cũng sống trong hoàn cảnh cơ cực, bần hàn như bao người nông dân khác trước cách mạng Tháng Tám. Nhưng Lão bất hạnh hơn nhiều người vì vợ lão chết sớm, để lại mình lão tần tảo nuôi con trai. Ấy vậy mà sau khi con trai lớn lại bỏ Lão mà đi làm ở đồn điền cao su, cái nơi dễ vào khó ra. Lão cũng không rõ con trai sống chết ra sao, mình Lão còm cõi ở nhà làm bạn với Cậu Vàng, chú chó nhỏ của Lão. Trớ trêu, ở cái thời người còn chả đủ ăn thì lấy đâu nuôi chó, Lão già cả ốm đau, bị cái đói cái nghèo bủa vây, Lão đến bước đường cùng không thể cố được nữa, Lão đành phải bán cậu Vàng - người bạn của Lão với nỗi xót xa. "Lão hu hu khóc", "những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra", Lão khóc như một đứa con nít không chỉ vì bán đi cậu Vàng, mà còn là nỗi tủi hờn, cám cảnh cho số phận của mình. Hỡi ôi cái số phận đau khổ, bán xong cậu Vàng, lão cũng quyết định ăn bả chó tìm cái chết. Cái chết đau đớn, tức tưởi của Lão khiến ai cũng bàng hoàng, đau đớn. Chỉ bằng ấy chi tiết, chúng ta đã thấy rõ số phận bất hạnh cũng như tấm lòng của Lão Hạc là một con người hiền lành, lương thiện, chất phác, giàu tình yêu thương. Lão chấp nhận cái chết để giữ trọn nhân phẩm của mình.

Còn với chị Dậu của tác giả Ngô Tất Tố, ông cũng đặt chị trong hoàn cảnh vô cùng éo le. Chồng đau ốm, chị một thân phụ nữ phải gồng gánh, cáng đáng việc nhà việc cửa. Sưu cao thuế nặng vô lí dồn ép lên đôi vai bé nhỏ của người phụ nữ nghèo khổ. Chị bán hết mọi thứ trong nhà để có tiền đóng sưu thuế mà vẫn không đủ, vì còn phải đóng cả thuế cho người em chồng đã chết từ năm ngoài. Trong khi đó, bọn cường hào ác bá vẫn không chịu tha cho người chồng ốm đau của chị, chúng muốn bắt trói anh lại lôi ra đình. Trong cơn uất nghẹn, "tức nước vỡ bờ", chị không chịu đựng được nữa mà chống lại đám lính. Chỉ qua một đoạn văn ngắn, tác giả đã cho chúng ta thấy tình cảnh bị áp bức, bóc lột nặng nề của người nông dân thời bấy giờ, sưu thuế vô lí đã giết chết bao con người, khiến người nông dân đã vất vả càng thêm túng quẫn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ấy, chúng ta vẫn thấy rõ chị Dậu là người phụ nữ điển hình của người phụ nữ Việt Nam xưa. Trước hết, chị Dậu hiện lên là một người vợ, người mẹ hết lòng yêu thương chồng con. Nhưng không chỉ vậy, chị Dậu còn là người phụ nữ với sức phản kháng tiềm tàng, chị sẵn sàng đáp trả lại bọn cai lệ để bảo vệ chồng, cho thấy sức phản kháng tiềm ẩn của người nông dân nghèo khổ, một khi bị áp bức đến bức đường cùng, họ sẽ vùng lên đấu tranh. Sự thành công của cách mạng Tháng Tám 1945 sau này chính là minh chứng rõ nét cho điều này.

Có thể thấy, cả Nam Cao và Ngô Tất Tố đã xây dựng rất thành công hình ảnh và cuộc sống của người nông dân ở xã hội cũ. Dù nghèo đói, bần cùng, cơ cực, họ vẫn giữ cho mình những phẩm chất đáng trân trọng, tiêu biểu cho nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, những phẩm chất còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đây chính là lý do mà em cảm thấy ấn tượng sâu sắc với hình tượng người nông dân do nhà văn Nam Cao và Ngô Tất Tố xây dựng. Với 2 tác phẩm, em đã có cách nhìn toàn diện, sâu sắc về người nông dân  Việt Nam trước cách mạng Tháng Tám, cũng như học hỏi được rất nhiều từ tính cách, phẩm chất tốt đẹp của các nhân vật.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
30 16.073
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm