Dàn ý hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua bài thơ Tự tình và Thương vợ

Dàn ý hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua bài thơ Tự tình và Thương vợ - Qua 2 tác phẩm Tự tình 2 và Thương vợ, người đọc có thể cảm nhận được những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội xưa. Sau đây là mẫu lập dàn ý hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài Tự tình 2 và Thương vợ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo khi làm bài viết về hình ảnh người phụ nữ thời phong kiến qua 2 bài Tự tình 2 và Thương vợ.

1. Dàn ý chi tiết phân tích hình ảnh người phụ nữ qua bài thơ Tự tình 2 và Thương vợ ngắn gọn

 Dàn ý chi tiết phân tích hình ảnh người phụ nữ qua bài thơ Tự tình 2 và Thương vợ

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương

+ Hồ Xuân Hương (? - ?), là nhà thơ nữ sống vào khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX.

+ Trần Tế Xương (1870 - 1907), là nhà thơ trào phúng sống vào khoảng cuối thế kỉ XIX.

- Giới thiệu hai bài thơ Tự tình II và bài thơ Thương vợ

+ Tự tình II nằm trong chùm thơ Tự tình gồm có ba bài, bài thơ là nỗi sầu oán, đau đớn của người phụ nữ truân chuyên.

+ Thương vợ là bài thơ hay và cảm động mà Tú Xương viết về vợ mình. Bài thơ thể hiện tình cảm yêu thương, quý trọng của Tú Xương dành cho người vợ tào khang của mình.

- Dẫn dắt vấn đề

+ Giới thiệu về hình ảnh người phụ nữ trong văn học nói chung

+ Cảm hứng về người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương

2. Thân bài

* Hoàn cảnh lịch sử khi ra đời và nội dung cơ bản của hai bài thơ

* Vẻ đẹp của người phụ nữa xưa chịu nhiều khổ cực

- Trong “Thương vợ”: bà Tú hằng ngày vất vả ngược xuôi buôn bán nuôi chồng, nuôi con, một nắng hai sương vì miếng cơm cho cả nhà.

- Trong “Tự tình II”: một người phụ nữ “hồng nhan bạc phận”, chịu nhiều tổn thương, thiệt thòi, cuộc đời cô độc, tình duyên lận đận.

* Người phụ nữ với khao khát được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc cùng nhiều phẩm chất tốt đẹp

- Trong “Tự tình II”: người phụ nữ có niềm khao khát mạnh mẽ là được yêu thương

- Trong “Thương vợ”: người phụ nữ - một người vợ, người mẹ tần tảo, nhân hậu và chịu thương chịu khó, không ngải khó khăn hi sinh vất vả vì chồng vì con

3. Kết bài

- Hai bài thơ là những hình ảnh của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến: luôn chịu những bất công, gian khổ.

- Niềm cảm thông của người viết với người phụ nữ xưa

Gợi mở vấn đề: Mọi người nên yêu thương những người mẹ, người vợ của mình và cảm thấy may mắn cùng yêu thương cuộc sống này hơn.

2. Dàn ý chi tiết phân tích hình ảnh người phụ nữ qua bài thơ Tự tình 2 và Thương vợ chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu hình ảnh người phụ nữ trong văn chương.

Giới thiệu hình ảnh người phụ nữ trong hai bài thơ.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã xuất hiện trên bao trang giấy câu văn. Đó là người phụ nữ trong câu nói dân gian "Thân em như củ ấu gai / Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen / Ai ơi nếm thử mà xem / Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi", là nàng Kiều trong thơ Nguyễn Du và cũng là người phụ nữ trong “Tự tình II” của Hồ Xuân Hương và người mẹ, người vợ trong “Thương vợ” của Tú Xương. Hình ảnh người phụ nữ trong hai bài thơ đều mang nét đẹp chung của người phụ nữ Việt Nam.

2. Thân bài

a. Người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, vất vả, gian nan

- “Thương vợ”: hình ảnh người phụ nữ chịu khó, lặn lội sớm khuya, vất vả quanh năm để lo cơm áo gạo tiền.

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.”

Buôn bán không lớn. Công việc diễn ra quanh năm, ngày đến ngày, tháng đến tháng, liên tục không có sự nghỉ ngơi diễn ra theo vòng tuần tự khép kín. Ngay cả người nông dân còn có lúc nông nhàn, nhưng với người làm nghề như bà Tú thì không có phút nào được nghỉ ngơi.

“Ở mom sông”: chênh vênh, ba phía bốn mặt giáp sông và nước. Bà Tú bươn chải bán mua ở nơi nguy hiểm suốt năm suốt tháng, công việc ấy thật vất vả, gian nan.

“Nuôi đủ năm con với một chồng”: gánh nặng bị đặt lên trên đôi vai của người phụ nữ mảnh mai yếu đuối. Người đàn bà làng chài còn có chồng chèo chống, còn bà Tú chỉ có một mình.

Chồng đáng lẽ là trụ cột gia đình nay lại thành gánh nặng mưu sinh.

“Đủ” hàm chứa bao nhiêu ý nghĩa: đủ ánh nặng chồng con: lo ăn lo học cho con, lo cho nhu cầu của chồng, của một ông Tú sĩ diện.

- “Tự tình II”: là nỗi buồn về thân phận, về chuyện tình duyên, về hạnh phúc lứa đôi.

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

Thời gian: “đêm khuya”, thời gian của những nỗi niềm sâu kín, lúc con người được sống thực với mình nhất.

Không gian: yên tĩnh vắng lặng, quặng quẽ được gợi ra qua âm thanh của tiếng trống canh “văng vẳng”.

Con người xuất hiện đậm nét: “trơ”

Khi cảnh vật chìm vào giấc ngủ thì chỉ có mình Xuân Hương cô đơn, trăn trở. Thao thức giữa đêm khuya, cái cô đơn của phận hồng nhan, của kiếp người nhỏ bé trước cái dài rộng của không gian thời gian.

Từ “cái” thể hiện sự tầm thường, bình thường. Qua đó thấy được cảm giác chua xót, đau đớn cho thân phận của chính mình.

Từ “trơ” không chỉ là nỗi cô đơn mà còn như là thách thức với cuộc đời. Đó là tâm sự của Xuân Hương, bên cạnh nỗi đau bao giờ cũng là sự trỗi dậy của cảm xúc.

“Chén rượu hương đưa say lại tình

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

“Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”: vầng trăng sắp tàn, vầng trăng hao khuyết, gợi lên liên tưởng về sự lụi tàn mơ hồ. Ở đây có sự đồng nhất giữa trăng và người, giữa ngoại cảnh và tâm cảnh.

Hình ảnh vầng trăng gợi liên tưởng đến cuộc đời người phụ nữ đã ở bên kia dốc mà hạnh phúc vẫn chưa một lần trọn vẹn, duyên phận vẫn lỡ làng.

Vầng trăng cuộc đời, vầng trăng tâm trạng nói lên sự dở dang, muộn màng của cuộc đời người.

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con”

Từ ‘ngán” đứng đầu câu cùng hai thanh trắc cuối câu “lại lại” làm câu thơ như nặng trĩu xuống.

Hai từ “lại” thể hiện tâm trạng, nỗi niềm của chủ thể trữ tình. Mùa xuân của đất trời đi qua rồi lại trở lại, sự sống cứ thế tuần tự, tuần hoàn nhưng con người nhạy cảm trong Xuân Hương lại phát hiện ra một nghịch lý: xuân đất trời đi qua sẽ trở lại nhưng xuân của người một đi không trở lại.

Trớ trêu hơn là người phụ nữ khao khát vẫn tràn đầy mà lại nhận ra hạnh phúc dến với mình quá ít ỏi: “mảnh tình” chỉ còn lại “tí con con”.

Phép tăng tiến và cụm từ “tí con con” đã tô đậm những thua thiệt trong duyên phận của nữ sĩ.

b. Người phụ nữ với nhiều nét đẹp tâm hồn

- “Thương vợ”: vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam: nhân hậu, đảm đang, giàu đức hi sinh.

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”

“Lặn lội”: nhấn mạnh nỗi chuân chuyên của bà Tú.

“Thân cò”: nỗi vất vả của bà Tú trong kiếp mưu sinh.

Hai câu thơ gợi lên dáng hình gầy guộc mong manh và số phận nhọc nhằn của bà Tú: sinh ra là kiếp con cò nên phải lặn lội, tần tảo, mưu sinh.

“Quãng vắng”: hiu quạnh, càng làm tăng thêm sự tội nghiệp, cái đáng thương.

“Eo sèo mặt nước buổi đò đông”: không khí cạnh tranh, bấp bênh nơi bến nước.

Công việc nơi bến nước hiểm nguy bon chen vậy nhưng bà Tú vẫn ngày qua ngày, tháng qua tháng làm lụng để nuôi chồng nuôi con. Đó là đức hi sinh của người mẹ với con, người vợ với chồng.

“Một duyên, hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không!”

Ngay cả khi ý thức được nỗi vất vả, nhọc nhằn, nhận thức được người chồng “sĩ diện” của mình thì bà vẫn âm thầm lặng lẽ, chấp nhận tất cả nhọc nhằn về phía mình. Đó là sự hi sinh quên mình, là tấm lòng vị tha hết mực của bà Tú dành cho ông Tú và những đứa con.
- “Tự tình II”: không cam chịu phận hẩm hiu, khao khát được yêu thương

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đã mấy hòn”

Đám rêu mềm yếu, những hòn đá bé nhỏ vô tri: bình thường, tầm thường, bị vùi dập dưới bước chân của người đi đường.

Nhưng trong cái nhìn của nhà thơ thì người nữ sĩ thì rêu mềm yếu mà “xiên ngang mặt đất”, đá vô tri mà “đâm toạc chân mây”.

Phép đảo ngữ, động từ mạnh gợi cảm giác dữ dội của bức tranh thiên nhiên, tràn đầy sức sống mãnh liệt ngay cả trong bi thương.

Tả cảnh thiên nhiên nhưng là để nói tâm trạng con người. Xuân Hương không cam chịu, chấp nhận phận hẩm hiu mà luôn muốn bứt phá, phản kháng, chống lại hoàn cảnh trớ trêu một cách mạnh mẽ với nghịch cảnh, tự tìn và đầy khát vọng.

Ở hai câu luận ta không còn thấy cái bi lụy như bốn câu đầu nữa mà chỉ thấy những động thái đầy mạng mẽ của thiên nhiên cũng như là trong chính lòng người.

Nỗi chán chường dù phận hẩm duyên hiu cũng là một biểu hiện của khao khát được yêu thương, khát vọng tình yêu của người phụ nữ.

c. Đánh giá

Hai bài thơ đặt điểm nhìn khác nhau về người phụ nữ, nhưng cả hai tác phẩm đều là những bài ca ca ngợ vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Hồ Xuân Hương đem đến cho người đọc về hình ảnh người phụ nữ tài sắc, thủy chung, nhưng lại chịu nhiều bất hạnh trong tình duyên thì Tú Xương mang đến cho chúng ta hình ảnh về đức hi sinh, chịu thương chịu khó của người phụ nữ. “Tự tình II” là người phụ nữ thì “Thương vợ” lại là một người mẹ, một người vợ.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung về hình tượng người phụ nữ trong hai bài thơ.

“Thương vợ” và “Tự tình II” đã cho người đọc những cái nhìn khác nhau về người phụ nữ, xong có một điểm chung là hình tượng người phụ nữ dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời, số phận nhưng vẫn giữ được những nét đẹp tâm hồn. Đó đều là những phẩm chất truyền thống và có sự phát triển của người phụ nữ Việt Nam.

3. Dàn ý phân tích hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua Tự tình II và Thương vợ

1. Mở bài

- Thân phận người phụ nữ Việt Nam trong chế độ phong kiến.

- Hình tượng người phụ nữ Việt Nam thể hiện rõ nét qua hai tác phẩm Tự tình II và Thương vợ.

2. Thân bài

a. Tự tình II của Hồ Xuân Hương:

- Cuộc đời bất hạnh, tài sắc vẹn toàn nhưng không được hưởng hạnh phúc của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, 2 lần lấy chồng đều phải làm thân phận thiếp thất, thấm đượm nỗi khổ ghen chồng.
- Nhân vật trữ tình ngồi vò võ giữa đêm khuya thanh vắng, nghe tiếng trống canh dồn

=> Thức tỉnh trước nỗi sầu đơn độc, nhận thức rõ ràng cái thân phận bẽ bàng của mình. Nhận thức được cả thân phận rẻ rúng, chán chường của một kiếp hồng nhan bị xã hội coi thường, chèn ép.

- “Chén rượu hương đưa say lại tỉnh”, vòng lặp “say lại tỉnh” không chỉ khiến người ta ý thức rõ hơn về nỗi tủi hờn, buồn bã của mình mà nó còn gợi ra một cái vòng lặp không lối thoát.

- “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”, gợi nhắc về một cuộc đời hồng nhan phí hoài trong những đêm dài đằng đẵng chờ chồng, nay đã gần hết, hồng nhan già, già từ tâm hồn cho đến ngoại hình. Thế nhưng cái mà họ mơ ước thì mãi còn ở ngoài tầm với, mãi vẫn “khuyết chưa tròn”.

- “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám/Đâm toạc chân mây đá mấy hòn” đó là nỗi khát khao được vượt lên trên những định kiến của xã hội, phá tan lớp rào ngăn cản người phụ nữ tự do chạm tay vào hạnh phúc của mình.

- “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại/Mảnh tình san sẻ tí con con”, nỗi sầu não vì tuổi xuân hoài phí, nỗi đớn đau vì kiếp chồng chung, một chút tình cảm cũng bị xé nhỏ thành từng mảnh chẳng đáng là bao so với nỗi trống trải trong trái tim người phụ nữ.

b. Thương vợ của Trần Tế Xương:

- Nỗi vất vả của người phụ nữ tiêu biểu là bà Tú trong công việc lao động mưu sinh, cả đời quanh quẩn bên việc kiếm sống, bươn chải nuôi gia đình, không biết nghỉ ngơi là gì. Thể hiện sự tần tảo, khéo léo vun vén gia đình của bà Tú, đồng thời cũng thể hiện cái sự chịu khó, đảm đang, tháo vát trong lao động của bà.

- Trong bài thơ Tú Xương có lấy hình ảnh con cò để ẩn dụ cho hình ảnh của bà Tú “Lặn lội thân cò nơi quãng vắng”, đại diện cho sự khổ cực, lầm lũi, cô đơn và vô cùng tội nghiệp của người lao động, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội cũ.

- Thái độ của bà khi đối diện với những điều ấy lại khiến người ta thêm thương và thêm quý trọng bà hơn. Bà chưa bao giờ than vãn, nề hà gì mà vẫn vui vẻ chấp nhận “âu đành phận”, xem như đó đã là cái phận trời định. Đặc biệt là dù có khổ cực, vất vả đến mức nào “năm nắng, mười mưa” bà cũng chưa từng “dám quản công”.

=> Bà Tú là người phụ nữ có tấm lòng vị tha và đức hy sinh cao cả, điều ấy xuất phát từ tấm lòng yêu thương chồng con sâu sắc, một lòng vì gia đình. Bà Tú chính là hình mẫu đại diện cho người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ cũ, chịu thương chịu khó, nhẫn nhịn, chịu đựng, nhân hậu, bao dung và vô cùng yêu thương gia đình.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung.

4. Hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ qua bài Tự tình II và Thương vợ

Việt Nam là một trong những quốc gia có chế độ phong kiến kéo dài hàng ngàn năm lịch sử. Không chỉ vậy do chịu sự đô hộ triền miên của các quốc gia phương Bắc mà nền văn hóa của nước ta cũng chịu nhiều ảnh hưởng, trong đó thấy rõ nhất ấy là sự du nhập của nền Nho học vốn đề cao vai trò của người đàn ông. Đặc biệt là tư tưởng trọng nam khinh nữ, cùng với những quy tắc hà khắc viết trong các cuốn kinh văn như Nữ Giới đã khiến người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi và bất hạnh. Trong văn học trung đại Việt Nam hình tượng người phụ nữ đi vào các tác phẩm không nhiều, nổi bật nhất có Truyện Kiều của Nguyễn Du, là tác phẩm kinh điển, không chỉ phản ánh số phận của người phụ nữ mà phản ánh chung cả số phận của những con người thấp cổ bé họng dưới chế độ phong kiến hà khắc, với những tư tưởng nhân đạo lớn. Ngoài ra, không thể không nhắc đến Hồ Xuân Hương với chùm thơ Tự Tình nổi tiếng, nhà thơ chuyên viết về phụ nữ, bởi chính bản thân bà cũng trải qua nhiều nỗi bất hạnh trong tình yêu, hôn nhân, vì tư tưởng đi trước thời đại. Và một Trần Tế Xương với Thương vợ, bất mãn trước thời cuộc, bất đắc chí trong đường công danh, khi nhìn người vợ nắng mưa tảo tần nuôi cả gia đình, ông lại cũng có những cái nhìn thấu hiểu, trân trọng và thông cảm cho người vợ kết tóc. Chung quy lại nhìn thấu suốt Tự tình II và Thương vợ ta nhận ra rằng cuộc đời người phụ nữ trong chế độ phong kiến chỉ đi vòng quanh một chữ “khổ” và ở trong hai bài thơ ta lại nhìn ra những cái bất hạnh khác nhau của họ.

Trước hết nói về hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong Tự tình II của Hồ Xuân Hương. “Tự tình” tức là tự nói về những tâm tư tình cảm của bản thân, có thể nói rằng từng câu chữ mà nữ sĩ viết trong thơ đều là để nói về cái cuộc đời bất hạnh, hồng nhan bạc phận của mình. Hồ Xuân Hương là người phụ nữ có nhan sắc, lại thông minh, rất giỏi thơ từ ca phú, giao thiệp rộng, cũng từng rất trông đợi vào cuộc sống hôn nhân mỹ mãn. Thế nhưng có vẻ tư tưởng của Hồ Xuân Hương và những con người ở thời đại ấy không hề ăn khớp với nhau, bà lấy người chồng thứ nhất là ông Tổng Cóc, dẫu ông cũng là người có học, văn nhã, thế nhưng chỉ riêng có một việc ấy là ông cũng là người nổi tiếng đào hoa. Hồ Xuân Hương về làm thiếp, thế nhưng cũng chẳng thể chịu nổi cảnh chồng tam thê tứ thiếp bảy cô hầu, còn mình thì cứ vò võ trông đợi chút tình cảm của đấng phu quân. Lần thứ hai kết hôn, cũng chẳng mấy khá khẩm, lấy ông phủ Vĩnh Trường, dẫu được chiều chuộng yêu thương, nhưng cũng lại là phận thứ thiếp, sao tránh khỏi cảnh ghen tuông. Không biết được rằng nữ sĩ viết Tự tình II khi nào, nhưng cũng chỉ tóm gọn mấy chữ về cuộc đời bất hạnh của bà ấy là nỗi khổ chồng chung.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.447
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi