Truyện ngắn 20-11 về thầy cô hay nhất

Hoatieu xin chia sẻ các mẩu chuyện ngắn, chuyện cười về thầy cô ngày 20-11 hay nhất. Sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam, các bạn có thể chuẩn bị những câu chuyện 20/11 về thầy cô đầy ý nghĩa dưới đây để viết vào báo tường, viết thư gửi tặng thầy cô hoặc tham gia các cuộc thi kể chuyện vê thầy cô trước lớp. Mời các bạn tham khảo dưới đây.

1. Truyện ngắn về thầy cô 20/11

1. Truyện ngắn về thầy cô cảm động ngày 20/11

Truyện ngắn về thầy cô ngày 20/11
Truyện ngắn về thầy cô ngày 20/11

Thầy dạy rằng trái tim không biết thứ tha là một trái tim đã chết, con người không biết tha thứ vẫn chỉ là gỗ đá mà thôi.

Gửi những người chèo đò mải miết giữa sông xưa.

Gửi thầy con, người mải miết chèo lái những dòng đời xuôi ngược...

Con còn nhớ rõ hình bóng thầy trên bục giảng năm ấy. Mái tóc pha hơi sương, chiếc cặp sách cũ, nụ cười hằn những vết chân chim đượm màu thời gian đã theo chúng con đi hết những năm tháng cuối của thuở học trò có lớn mà không có khôn...
Bụi phấn rơi rơi theo từng dòng thầy viết, rơi vào cả tâm hồn non nớt của chúng con những bài học về cuộc đời.

Thuở ấy, chúng con nào biết làm người phải có lấy một ước mơ, dù giản dị, nhỏ nhoi hay cao sang to lớn. Chiếc bảng đen, từng trang giấy trắng, những lời giảng dạy của Thầy chính là đoạn đường dài dẫn chúng con với những ước mơ đầu tiên ấy!

Thưở ấy, chúng con nào biết cuộc đời chỉ có những bà tiên và ông bụt, rằng Lý Thông, mụ gì ghẻ, hay quỷ dữ chỉ có trong truyện mà thôi... Cuộc đời này vẫn luôn là bài một bài toán khó, mà đi hết cả quãng đường dài chúng ta mới nhận ra chẳng có lời giải nào tốt hơn ngoài hai từ "trải nghiệm".

Thầy dạy rằng bước vào đời chúng con cần có một đôi mắt sáng và một trái tim biết yêu thương, để đối tốt với những người ngay và tránh xa những toan tính, bon chen của những kẻ độc ác.

Thưở ấy, chúng con nào biết "tha thứ" là một động từ đẹp nhất chỉ sau "yêu". Thầy dạy chúng con đừng quay lưng với những người đã nhận lỗi, đừng mang ngõ cụt đến cho những người đã biết mình sai, đừng nhẫn tâm với những người đã biết quay lại... Thầy dạy rằng trái tim không biết thứ tha là một trái tim đã chết, con người không biết tha thứ vẫn chỉ là gỗ đá mà thôi.

Thưở ấy, chúng con nào biết cậu bạn kia lấm lem bùn đất chỉ vì giúp ba cày thêm ruộng lúa, đâu biết cô bạn thỉnh thoảng ngủ gật trong lớp kia tối qua thức khuya trông em cho mẹ ốm, đâu biết cậu bạn bên cạnh mình có người thân bệnh nặng nên bỏ học thường xuyên...

Chúng con vẫn chỉ là những đứa trẻ ngây thơ nhìn cuộc đời bằng một ánh nhìn như vốn dĩ, mà vô tình lãng quên đi đằng sau nó có thể là cả một câu chuyện dài.

Thầy dạy chúng con hãy biết để ý và chăm sóc đến những người xung quanh, hãy biết trân trọng những điều tưởng như rất bình thường nhưng vô cùng quý giá. Bởi có một ngày, yêu thương cũng có thể là quá muộn... khi mà hợt hời và vô tâm đã bỏ xa khoảng cách giữa những con người.

Thưở ấy, chúng con nào biết cuộc đời luôn là những vòng quay. Những khúc gập, những quanh co, những thác ghềnh luôn là một phần không thể thiếu. Đừng mơ tưởng về cuộc đời là một đường thẳng... Nếu cuộc đời con không có những khúc ngoặt, hiển nhiên nó đã vô nghĩa đi rất nhiều rồi.

Thầy còn dạy chúng con phải biết ngẩng đầu trước thất bại, đừng dừng lại khi phía trước còn nhiều lắm những chông gai... Quá nửa cuộc đời con đã sống như lời thầy dạy, con lớn thêm một chút rồi, thầy ơi...

Dẫu đông dài, hạ trắng, nắng gắt hay mưa giông...

Những người chèo đò vẫn mải miết qua sông đưa khách...

Dẫu gió lạnh, đèn khuya, lưng áo mỏng...

Thầy tôi trăng hắt những đêm kia, vẫn mải miết chèo đời...

Con vẫn nhớ lời thầy dạy năm xưa.

1.2. Truyện ngắn về thầy cô ý nghĩa

Dù thầy không phải là cha.

Hồi đó tôi chỉ là cậu bé 6 tuổi sống cùng cha mẹ ở Los Angeles. Cha tôi là thầy giáo, ông dạy môn văn tại một trường trung học.

Một buổi chiều cha trở về, mặt đầy phiền muộn. Ngồi vào bàn ăn ông chẳng nói lấy một câu, mẹ lựa lời hỏi: “Ở trường xảy ra chuyện à?”. Trầm ngâm một lúc, ông khẽ trả lời: “Cậu David ở lớp anh bị bắt vì mang cocain vào trường… Trước kia nó là một đứa ngoan, tại sao nay lại đổ đốn như vậy…”.

Ghen tị vì bị người khác chia sẻ tình cảm nên tôi đã thốt ra một câu mà bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn hổ thẹn: “Anh ấy đâu phải là con của bố mà bố rầu rĩ thế?”. Ông quay sang nhìn tôi, ánh mắt thật nghiêm khắc: “Con không được nói như vậy… Bố thấy bất lực vì không làm tốt vai trò của mình, những điều tốt lành từ chữ nghĩa văn chương bố truyền thụ cho học sinh đã không có tác dụng…”.

Rồi giọng ông trầm xuống như tự nói với bản thân: “David không còn mẹ, bố nó làm việc ở nước ngoài nên thỉnh thoảng mới ghé thăm con, nó thiếu tình thương… Năm nay là năm học cuối, không ai bảo lãnh, nó nguy mất…”. Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy ông đã đi rồi. Mẹ bảo: “Bố đến đồn cảnh sát”.

1.3. Truyện ngắn về thầy cô đăng báo tường

Trò yêu Thầy bởi những bài học mà Thầy đã truyền tải trong mỗi giờ học. Qua những áng văn, những vần thơ, thầy đã cho trò biết hiểu đời, hiểu người, hiểu chính mình và biết sống đẹp hơn. Giọng Thầy ấm áp, nồng đượm, cách giảng bài rất duyên của thầy đã khiến mỗi giờ văn bỗng trở nên thú vị hơn. Tất cả các trò dường như bị lôi cuốn, hút mình vào bể kiến thức vô tận của Thầy. Trò thực sự ngưỡng mộ Thầy và mong sao mình có thể lĩnh hội, tiếp nhận hết những gì mà Thầy đã truyền đạt.

Trò yêu Thầy bởi những tính cách rất đặc biệt của Thầy. Các bạn ai cũng bảo: “Thầy mình rất thích khoe”. Thầy khoe nhiều lắm, nhưng trò nhớ nhất là thầy hay khoe về những chị học trò cũ của Thầy vừa xinh, vừa giỏi, lại rất thành đạt. Ban đầu trò luôn khó chịu và thấy sao Thầy kiêu thế. Rồi trò chợt nhận ra, trong lời khoe đó ẩn chứa biết bao niềm vui, niềm tự hào về những thành quả mà Thầy đã vun đắp. Và trò biết rằng, Thầy muốn chính lời khoe đó sẽ trở thành nguồn động lực thôi thúc các trò cố gắng.

Trò yêu thầy bởi vóc dáng mang đầy chất nghệ sĩ của Thầy. Các chị khóa trước của thầy vẫn bảo Thầy rất có duyên, trò cũng thấy thế. Đến bây giờ trò vẫn không quên được ngày đầu tiên thầy bước vào lớp với mái tóc hơi dài, trên đầu đội một chiếc mũ nồi, trông thầy thật nghệ sĩ. Và cả cặp kính thầy vẫn thường mang theo nữa. Trò thích được nhìn Thầy đeo cặp kích đó ngồi đọc sách, ánh mắt của thầy xa xăm và đăm chiêu đến khó tả. Có lẽ hình ảnh ấy của Thầy sẽ mãi đậm in và tươi nguyên trong ký ức của trò.

1.4. Truyện ngắn điều thầy cô dạy

Ông giáo và tách cafe

Một nhóm sinh viên giờ đã thành đạt trong công việc cùng nhau về thăm thầy giáo cũ. Cuộc nói chuyện nhanh chóng được chuyển sang những vấn đề trong cuộc sống và công việc…

Muốn mời những học trò cũ uống cà phê, ông giáo vào bếp và quay lại với rất nhiều cà phê đựng trong những chiếc cốc khác nhau: cái bằng sứ, cái bằng nhựa, cái bằng thuỷ tinh, cái bằng pha lê, một số trông rất đơn giản, số khác lại có vẻ đắt tiền, vài cái được chế tác rất tinh xảo…

Khi tất cả mọi người đều đã cầm cốc cà phê trong tay, ông giáo nhẹ nhàng lên tiếng: “Không biết các trò có chú ý không, nhưng những chiếc cốc trông đẹp đẽ, đắt tiền luôn được lựa chọn trước, để lại những cái trông đơn giản và rẻ tiền.

Mặc dù rất đơn giản và dễ hiểu khi các trò muốn điều tốt đẹp nhất cho bản thân nhưng đó cũng là nguồn gốc, nguyên nhân của mọi vấn đề căng thẳng của các trò.

Một điều chắc chắn rằng cái cốc không phải là thứ quyết định chất lượng của cà phê đựng bên trong. Một số trường hợp, nó chỉ đơn giản là cái vỏ đắt tiền hơn và một số khác thậm chí che giấu cái mà nó đang chứa đựng.

Điều các trò thực sự muốn là cà phê chứ không phải cái cốc, nhưng các trò vẫn có ý thức lựa chọn cái cốc tốt nhất. Sau đó các trò mới để mắt đến những cái cốc khác.

Cũng như vậy, cuộc sống của chúng ta là cà phê, công việc, tiền bạc và vị trí xã hội là những cái cốc. Chúng chẳng qua chỉ bao bọc lấy cuộc sống. Và loại cốc mà trò có không làm nên cũng như không thay đổi cuộc đời mà trò đang sống…”.

Đôi khi, chúng ta chỉ quan tâm đến cốc mà quên thưởng thức thứ cà phê ông trời đã ban tặng cho chúng ta. Người hạnh phúc nhất không phải là người có những thứ tốt nhất mà là người biết biến những thứ mình đang có thành thứ tốt nhất.

1.5. Truyện ngắn về thầy cô xúc động

Truyện ngắn về thầy cô xúc động
Truyện ngắn về thầy cô xúc động

Tôi là cậu học sinh cá biệt. Tất cả các thầy cô giáo đều nói không thể dạy nổi tôi với ba mẹ tôi. Chưa có lớp học nào chịu thu nhận tôi quá một tháng. Mẹ tôi khóc. Bố thở dài: thằng này vậy là coi như xong...

Chuyển qua trường mới. Nhìn sơ qua học bạ, thầy hiệu trưởng đã muốn đuổi tôi đi nhưng nể tiếng ông bà làm trong ngành giáo dục, thầy đành nhận. "Tôi sẽ xếp em vào lớp thầy Tiến".

Thầy Tiến dạy lớp tập hợp toàn học sinh cá biệt của trường. Ngày đầu tiên vào lớp, bố đích thân dẫn tôi đến "trao tận tay thầy". Tôi lén quan sát "đối thủ" của mình. Thầy gầy gò, mang cặp kính gọng đen nặng trịch, mắt nhướng lên nhìn sát mặt tôi "A, con trai, để xem thầy làm được gì cho con không, khá đây". Thầy xếp tôi ngồi với một con nhóc tóc tém mặt mũi lanh lẹ. Nó khẽ hích vào vai tôi giành chỗ ngồi rộng hơn. Tôi đành chịu vậy, chưa bao giờ tôi đánh con gái cả. Thầy thắng tôi 1-0 rồi.

"Thầy biết tại sao em dây mực vào áo bạn", thầy nói với tôi khi Tú còm mếu máo mách chuyện. Sao ông ấy lại biết nhỉ? Mình đã khai gì đâu. Trước đây, mỗi lần tôi dây mực vào hầu hết các trò trong lớp các cô đều hỏi tại sao, các thầy thì ngay lập tức thi hành hình phạt. Bao giờ tôi cũng bịa ra một chuyện mà mình là nạn nhân. Tôi mặc sức bịa dù chẳng ai tin. Tôi cũng chẳng quan tâm hình phạt là gì và có ai tin hay không. Vậy mà hôm nay thầy bảo là thầy biết. Ngạc nhiên hơn là thầy chẳng phạt tôi gì cả. Thầy chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi: "Lần sau em nhớ cẩn thận hơn". Mấy hôm sau nữa tôi lại vẩy mực lên áo 3 nạn nhân nữa. Thầy vẫn bảo biết rồi và không phạt. Tôi đâm chán trò vẩy mực cũ rích chẳng ấn tượng này.

Thời ấy chúng tôi đứa nào cũng mang kè kè tấm bảng và mấy mẩu phấn. Ra chơi, tôi gom hết phấn ném vào lũ con gái nhảy dây trước sân. Hết buổi học tôi xô lũ bạn ngã dúi dụi, chạy ngay ra cổng trước. Đứa nào xấu số đi qua chỗ tôi đều bị tịch thu hết phấn thừa. Hôm sau thầy gọi tôi lên phòng họp. Thầy mở tủ ra, ấn vào tay tôi hộp phấn to đùng mà không nói gì. Tôi xấu hổ quay mặt đi tránh ánh nhìn của thầy. Tôi nhớ mình đã lì mặt ra như thế nào khi cô giáo cũ mắng tôi, hôm sau tôi càng lấy phấn nhiều hơn nữa. Vậy mà khi cầm hộp phấn thầy cho trong tay, tôi thấy xấu hổ quá chừng. Ôm hộp phấn lên trả cho thầy, tôi lí nhí: "Lần sau em không làm thế nữa". Thầy mỉm cười bảo: "Em ngoan lắm!".

Lần đầu tiên tôi được người lớn khen ngoan. Tôi nằm nghĩ cả đêm. Từ nay mình sẽ ngoan mãi, để không ai mắng mình nữa.

Nhưng ngoan chưa chắc đã giỏi. Quả thật tôi đúng với trường hợp ấy. Tôi có thể bắn bi, chơi bắn bàng cả ngày không chán. Nhưng hễ cứ ngồi vào bàn học là tôi chán ngay. Ba mẹ có đánh, có mắng thế nào cũng chịu. Môn toán còn đỡ, có tí gì dính đến văn chương là tôi mù tịt.

Vào học được một tháng, tôi thấy thầy đạp xe qua nhà. Chiếc xe của thầy chẳng biết trước đây sơn màu gì, giờ chỉ còn trơ ra màu gỉ sét xấu xí. Thầy vào nhà, ba mẹ tôi đều đi vắng cả. Ngó qua căn nhà tồi tàn của tôi, thầy hẹn ngày mai quay lại. Tôi lo hết cả một ngày. Chẳng biết mình làm gì sai. Hôm sau thầy đến. Thầy đứng luôn ngoài sân "bàn chuyện" với ba tôi.

Thầy bảo cần một người đọc và ghi chép lại tài liệu giúp thầy. Nhất thiết phải là chữ trẻ con. Thầy đang nghiên cứu gì đó. Ba mẹ tôi mừng rỡ vì không phải khản cổ quản tôi nửa ngày không đến trường. Tôi vùng vằng mãi mới chịu đến nhà thầy. Thầy ở một mình. Ngoài giá sách ra cũng chẳng có gì đáng giá. Mỗi ngày một buổi, tôi gò lưng ghi chép lại những gì đọc được.

Thầy bắt tôi viết những dòng cảm nhận ngắn sau mỗi tác phẩm. Sau đó tôi đọc to lên và thầy chỉnh sửa những điều tôi nghĩ lệch lạc, thêm vào một số ý. Thỉnh thoảng thầy bảo tôi dừng ghi, chuyển qua tính toán giúp thầy vài việc. Tôi về nhà cố luyện cách tính toán sao cho nhanh nhất để không bị mất mặt trước thầy. Dần dần, kiến thức "tự nhiên" đến với tôi lúc nào không biết. Lần đầu tiên cầm tờ giấy khen của tôi trên tay, mẹ tôi đã khóc, khóc to hơn lúc tôi bị đuổi học. Ba tôi thì chẳng nói gì, chỉ gật gù cười.

Năm học qua đi nhanh chóng. Tôi nghỉ hè vẫn không quên đọc và ghi chép lại một chồng sách cao ngất ngưởng thầy giao trước khi nghỉ học. Ngày khai trường, tôi tìm mãi vẫn không thấy thầy đâu. Linh tính điều không hay, tôi bỏ cả buổi lễ chạy đến nhà thầy. Căn nhà trống hoác. Bác hàng xóm nghe chó sủa ran chạy sang xem xét. "Cậu là Phong hử?". "Dạ". "Thầy Tiến gửi cái này cho cậu. Thầy ấy bảo chuyển vào Nam ở với con trai". Tôi vội vàng mở ra, bức thư rất ngắn. "Thầy mong em cố gắng học thật tốt. Em luôn là học trò ngoan của thầy".

Mười năm qua đi, tôi mới hiểu hết những gì thầy muốn nhắn. Có những điều không hay nhưng không thể thay đổi bằng sự giận dữ. Tình yêu thương và sự sáng tạo mới là thứ giúp bạn thay đổi mình, thay đổi mọi người.

Cảm ơn thầy với phương pháp dạy đặc biệt đã giúp em trưởng thành. Cám ơn Thầy của em!

2. Truyện cười ngày 20/11 về thầy cô

Truyện cười hài hước ngày 20/11
Truyện cười hài hước ngày 20/11

1. Cách vào bài học cực hay của thầy

Đầu giờ toán, thầy giáo ra câu đố dành cho cả lớp.

- Thầy hỏi các em, ăn cắp nhạc thì gọi là gì?

- Thưa thầy là đạo nhạc ạ!

- Thế ăn cắp ý tưởng là gì?

- Là đạo ý tưởng ạ!

- Ăn cắp thơ gọi là gì?

- Là đạo thơ ạ!

- Vậy còn ăn cắp răng?

Cả lớp ngơ ngác nhìn nhau...

- Các em mở sách, hôm nay chúng ta sẽ học... ''đạo hàm''.

2. Truyện cười ngày 20/11:

Trong giờ thực hành môn hoá học thầy giáo nói về các tính chất của vàng:

- Ngoài các tính chất dễ thấy của vàng như: có vẻ ngoài sáng bóng, kéo nhiệt tốt, điện tốt. Em nào cho tôi biết vàng còn có tính chất hoá học nào nữa?

Thấy Tít đã gà gật thầy gọi lên bảng hỏi:

- Tít, em hãy cho biết vàng còn có tính chất nào nữa hả?

- Thưa thầy vàng còn có thuộc tính dễ bay hơi nữa ạ.

- Em chắc chứ?

- Dạ chắc. Không tin thì thầy thử để một cục vàng ra ngoài đường xem.

- !?!

3. Truyện cười hay về thầy cô

Trong giờ học đạo đức, thầy giáo đang giảng về công ơn của thầy cô. Thầy giáo hỏi cả lớp:

- Các em hãy cho thầy biết một câu tục ngữ về người thầy. Lớp im lặng. Thầy giáo mớm ý:

- Câu này có 2 chữ “mày” và “nên” Lớp vẫn im lặng. Thầy giáo lại mớm ý:

- Câu này có cả 2 chữ “không” và “đố” Lớp tiếp tục im lặng. Thầy giáo điên tiết:

- Câu này có 6 chữ, có cả 2 chữ “thầy” và “làm”. Ðây là câu gì? Cuối lớp có 1 cánh tay rụt rè giơ lên.

- Thưa thầy đó là câu “Làm thầy mày không nên đố”.

4. Cô đúng hay trò đúng?

Cô giáo mầm non mang một tập giấy vẽ hình con vịt cầm ô. Cô dặn tô con vịt màu vàng và tô màu xanh da trời cho cái ô. Cả lớp đều ngoan ngoãn vâng lời, trừ bé Pinky. Cô giáo cầm bài tô màu của Pinky, nhíu mày hỏi:

- Này Pinky, em đã bao giờ nhìn thấy con vịt nào màu xanh da trời chưa?

- Dạ chưa ạ! - cô bé đáp.

Cô giáo hỏi tiếp:

- Thế tại sao em lại tô vịt màu xanh?

Pinky nhún vai:

- Vậy cô đã bao giờ nhìn thấy con vịt nào có thể cầm ô chưa ạ?

Ví dụ toán học

Trong giờ Toán, thầy giáo gọi một học sinh lên bảng hỏi:

- Em hãy cho thầy biết các thí dụ về đơn thức, nhị thức và đa thức.

Học sinh nhanh nhảu trả lời:

- Thưa thầy, tối qua cả nhà em ai cũng thức xem đá bóng, đó là đa thức. Khi sắp hết hiệp một thì chỉ còn lại em và ba em xem, đó là nhị thức. Đến cuối trận chỉ còn mình em xem, đó là đơn thức.

5. Truyện cười về thầy cô

Thầy giáo hỏi học sinh:

- Ai lấy cắp nỏ thần của An Dương Vương?

Cả lớp im lặng. Thầy chỉ một trò:

- Em có biết ai lấy nỏ thần của An Dương Vương không?

- Dạ không phải em

Trò sợ sệt đáp. Vừa lúc đó hiệu trưởng đi qua, thầy giáo đang bực mình liền nói:

- Anh xem, học trò bây giờ tệ quá, hỏi ai lấy cắp nỏ thần của An Dương Vương mà cũng không biết.

Hiệu trưởng gật gù:

- Thôi, anh cứ bảo anh Vương làm báo cáo rồi tôi nói ban giám hiệu xuất quỹ đền cho, đừng làm rùm beng lên để mang tiếng chết!

3. Truyện cười ngắn đăng báo tường ngày 20/11

Truyện cười ngắn đăng báo tường ngày 20/11
Truyện cười ngắn đăng báo tường ngày 20/11

1. Truyện cười Ai tìm ra châu Mĩ

Trong giờ địa lý, cô giáo gọi Hà lên hỏi.

- Em hãy chỉ cô biết đâu là châu Mỹ?

Hà chỉ trên bản đồ.

- Thưa cô, đây ạ!

Cô giáo gật đầu:

- Tốt lắm! Nào, thế bây giờ trò Tí hãy nói cho cô biết ai đã có công tìm ra châu Mỹ?

- Thưa cô, bạn Hà ạ.

- !?

2. Truyện cười học sinh

Bị bắt đứng phạt ở góc lớp, Tũn ấm ức hỏi cô giáo:

- Thưa cô, người xung quanh vẫn thường ví thầy cô giống như “người lái đò” có đúng không ạ?

- Đúng vậy thì sao?

Cô giáo Nhìn Tũn hỏi. Tũn bức xúc:

- Thế tại sao bọn em dùng phao, “người lái đò” lại cấm và phạt thế này ạ?!!!

3. Mừng hụt

Cả lớp đang chờ thầy giảng bài mới.

Thầy: "Thầy có việc bận, cả lớp ta được nghỉ tiết này."

Nghe thầy nói xong, cả lớp sung sướng ra về.

Thầy: "Khoan đã. Các em đã được nghe thông tin nghỉ học. Vậy các em xử lý thông tin đó như thế nào?"

Trò: "Dạ, chúng em sẽ về nhà hoặc đi chơi ạ"

Thầy: "Tốt! Đó chính là một ví dụ về "Thông tin và xử lý thông tin". Các em mở vở ra và học bài mới nào!"

Trò: ....

4. Mẩu chuyện ngắn ngày 20/11

Thầy giáo đang say sưa giảng bài thì thấy Tí ngủ gục trên bàn. Thầy liền đi xuống lấy thước gõ gõ lên bàn nói:

- Này Tí, thầy nghĩ chỗ này không thích hợp để ngủ, nên tốt nhất em nên về nhà ngủ thì hơn!
Tũn ngẩng mặt lên gãi đầu nói:

- Dạ không sao, chỉ cần thầy và các bạn nói nhỏ lại một chút là được ạ!

5. Cô giáo xinh nhưng không biết gì hết

Lần đầu tiên đến trường, Tomy khoe với bố mẹ:

- Cô giáo con xinh lắm ạ.

- Thế cô dạy con những gì?

- Cô chẳng biết gì hết, chỉ luôn miệng hỏi: Ai nói cho cô biết nào?

Trên đây là những mẩu chuyện ngắn, truyện cười hay nhất mà Hoatieu sưu tầm được. Các bạn có học sinh có thể đọc cho nhau nghe, hoặc viết những câu chuyện ngắn trên vào phần báo tường của mình. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác trong mục Tài liệu: Văn hóa nhé.

Đánh giá bài viết
3 2.560
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm