Sức sống của Truyện Kiều trong dòng chảy văn hóa, văn học dân tộc

Truyện Kiều là tác phẩm lớn của đại thi hào Nguyễn Du. Sức sống của Truyện Kiều trong dòng chảy văn hóa, văn học dân tộc được cả dân tộc Việt Nam ghi nhận và tự hào.

Truyện Kiều mãi là dòng chảy văn hoá nhân văn trong tâm thức người Việt

Trải qua hai thế kỷ với những thăng trầm của lịch sử, truyện Kiều vẫn có một sức sống mãnh liệt trong đời sống người dân Việt Nam, bởi nó không chỉ là câu chuyện về văn chương Việt mà còn là ý thức và bản ngã về văn hóa Việt, bản sắc Việt, bản lĩnh Việt, tâm hồn Việt.

Sức sống của truyện Kiều trong đời sống người dân Việt Nam được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Trong đời sống dân gian, nhiều câu thơ trong truyện Kiều được nhân dân truyền miệng, vận dụng và dần trở thành một lối hành văn biểu đạt ý nghĩa sâu sắc. Nhiều nhân vật trong truyện Kiều trở thành khuôn mẫu điển hình mang tính biểu trưng cao, thậm chí còn xuất hiện những hình thức như tập Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều hay đố Kiều. Huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh, quê hương của đại thi hào Nguyễn Du còn nổi tiếng với một loại hình diễn xướng là trò Kiều. Được chuyển tác từ truyện Kiều, trò Kiều là hình thức hát, diễn xuất và làm trò với những nội dung là những điển tích điển cố trong truyện Kiều.

Còn đối với các loại hình biểu diễn chuyên nghiệp, truyện Kiều cũng là cảm hứng cho các văn nghệ sỹ sáng tạo, từ hội họa, văn học, âm nhạc, sân khấu, chúng ta bắt gặp rất nhiều tác phẩm được phóng tác chuyển thể từ truyện Kiều. Truyện Kiều cũng đã được chuyển thể sang các loại hình nghệ thuật như chèo, tuồng, điện ảnh. Từ những năm 1923-1924 đã dựng một bộ phim có khoảng 20-30 nhân vật trong truyện Kiều nhưng không được thành công bởi sức ảnh hưởng và lan tỏa của truyện Kiều trong đời sống quá lớn.

Trong lĩnh vực sư phạm, truyện Kiều là tác phẩm duy nhất được đưa vào giảng dạy ở tất cả các bậc, từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và thậm chí ở cả bậc đại học. Khoa văn học chất lượng cao thuộc Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, các sinh viên vẫn tiếp tục được học về Nguyễn Du và tác phẩm truyện Kiều với tổng số các môn học lên tới 4 tín chỉ. Không như ở cấp bậc phổ thông, chỉ tiếp cận truyện Kiều ở khía cạnh tìm hiểu về thi pháp của Nguyễn Du, ở bậc đại học các sinh viên sẽ được lý giải sâu sắc hơn nữa truyện Kiều nhìn từ góc độ văn hóa xã hội dân tộc.

- Đối với bản thân em, sức sống của Truyện Kiều trong dòng chảy văn hóa, văn học dân tộc là vô cùng mãnh liệt. Bởi lẽ mặc dù Truyện Kiều được ra đời cách đây rất lâu nhưng hiện giờ, trong cuộc sống nhộn nhịp cùng thời kì hội nhập quốc tế khiến con người chúng ta vô tình quên đi những giá trị tinh hoa của các tác phẩm văn học, thơ ca thì "Truyện Kiều" vẫn ở đó, còn lại và đọng lại mãi trong người dân đất Việt. Hơn thế nữa, sức sống của "Truyện Kiều" không chỉ ở biên giới của một quốc gia mà nó còn ở cả khắp các nước trên thế giới.

- Theo em, chúng ta cần phải làm những việc sau đây để giữ gìn và phát huy giá trị của Truyện Kiều của Nguyễn Du trong tình hình hiện nay:

+ Phát huy giá trị của "Truyện Kiều" ra khắp các nước trên thế giới bằng cách dịch nó ra nhiều thứ tiếng khác nhau.

+ Tuyên truyền ý nghĩa to lớn mà tác phẩm này mang lại.

+ Gìn giữ nó, tuyệt đối không để nó bị đánh cắp, sao chép bản quyền và bị vùi lấp bởi bụi thời gian.

Mời các bạn tham khảo các bài khác trong mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
4 4.099
0 Bình luận
Sắp xếp theo