Mùng 1 Tết nên ăn gì để năm mới được may mắn?

Mùng 1 Tết, ngày đầu năm mới là những ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho tất cả mọi người bởi nó khởi đầu cho một năm với nhiều mong ước được an lành và thịnh vượng. Vậy Mùng 1 Tết nên ăn gì để năm mới được may mắn là câu hỏi nhiều người quan tâm.

1. Gà luộc: Cầu gì được nấy, phúc đức đủ đầy

Gà luộc là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Thông thường, người ta sẽ luộc gà nguyên con, sau đó chặt nhỏ để tạo dáng chúng và dùng với muối tiêu chanh. Mỗi con gà nằm trên đĩa với lớp da vàng óng mượt, bóng bẩy, tượng trưng cho một năm mới an khang, vạn sự như ý.

Để thịt gà ngon và đẹp mắt, bạn cần lưu ý vài điểm nho nhỏ để sau khi luộc gà không bị nứt da mà da vẫn vàng mượt. Ngó qua bài viết sau để bỏ túi những bí quyết luộc gà ngon cho dịp Tết này nhé.

Mùng 1 Tết nên ăn gì để năm mới được may mắn?

2. Xôi gấc: May mắn, phước lành

Theo quan niệm của người Việt, màu đỏ là màu của ngày Tết, tượng trưng cho may mắn, vận đỏ sẽ tới trong năm mới. Vì vậy, xôi gấc là một món ăn có mặt trên bàn tiệc ngày Tết để đem lại an vui, thịnh vượng, cát tường cho mọi người.

Từng hạt gạo nếp dẻo thơm được nhuộm bởi màu đỏ đẹp tự nhiên của gấc, lại vô cùng bổ dưỡng vì trong gấc chứa rất nhiều các chất chống oxy hoá. Thử làm ngay món xôi gấc này cho mâm cỗ sắp tới bạn nhé.

3. Canh khổ qua: Muộn phiền qua đi, mọi sự như ý

Người Việt Nam ta thường rất thích đối thơ, chơi chữ. Bằng việc thưởng thức “khổ qua”, mọi người đều mong ước rằng những đau khổ mất mát trong năm cũ đều trôi qua và nhiều niềm vui, may mắn sẽ gõ cửa trong năm mới.

Bên cạnh đó, khi bạn ăn canh khổ qua nhồi thịt, trước tiên bạn sẽ cảm nhận cái vị đắng nhẹ của khổ qua rồi sau đó mới tới vị ngọt nhân thịt. Điều đó muốn nói lên rằng những điều ngọt ngào, hạnh phúc sẽ luôn tới nếu ta biết nhẫn nại vượt qua mọi điều muộn phiền và bất ý.

4. Thịt kho tàu: Vạn sự vuông tròn, sum vầy ấm cúng

Thịt kho tàu hay thịt kho hột vịt là một món ăn đặc trưng ngày Tết của người dân Nam Bộ. Đất miền Nam được trời phú cho cây dừa mọc mọi nơi và luôn lủng lẳng trái. Vậy nên món thịt kho tàu nhờ nước dừa mà có vị ngọt thanh, hấp dẫn.

Từng miếng thịt được cắt vuông vức, bên cạnh là hột vịt đã luộc tròn xoe, như muốn gửi gắm ý niệm vuông tròn ấm êm, cuộc đời sung túc. Để thực hiện món ăn thơm ngon này thành công, cùng xem qua hướng dẫn dưới đây nào.

5. Bánh chưng, bánh tét: Biết ơn cha ông và đất trời xứ sở

Bánh chưng và bánh tét đều cùng nguyên liệu chung là gạo nếp ngon, thịt mỡ và đậu xanh. Tuy nhiên mỗi vùng miền lại có bí quyết riêng để hai loại bánh này có vị thơm ngon đặc trưng riêng đấy nhé!

Tuy hình dáng bánh chưng vuông vức, góc cạnh còn bánh tét thì thon dài nhưng đều mang chung một ý nghĩa. Đó là lòng biết ơn vô bờ đối với cha ông và đất trời. Nhờ các vị tổ tiên hào kiệt hi sinh và thiên nhiên trù phú mà người dân Việt Nam được đón Tết trong hoà bình, ấm no.

6. Dưa hấu: cát tường, như ý

Dưa hấu là một loại quả ăn rất ngọt và mát, thường được dùng làm món tráng miệng trong những mâm cỗ ngày Tết. Dáng hình quả dưa tròn trịa, còn ruột dưa thì đỏ thắm tượng trưng cho may mắn, phúc lành.

Ngoài ra, khi ăn dưa sẽ cảm thấy xôm xốp giống như “cát”, từ này đồng âm với từ “cát” trong tiếng Hán, mang nghĩa cát tường, thịnh vượng. Đồng thời dưa hấu có nhiều hạt tượng trưng cho con cháu đầy nhà, phúc lộc viên mãn.

7. Đu đủ: Đủ đầy, thịnh vượng

Đu đủ là một trong năm loại trái cây của mâm ngũ quả “cầu sung dừa đủ xoài”. Với ý nghĩa đủ đầy, sung túc, đu đủ là một loại trái thường được cúng cũng như ăn tráng miệng trong dịp lễ Tết.

Màu cam của đu đủ chín là biểu tượng của sự năng động, xông pha, không ngại khó. Không những vậy, đu đủ còn chứa rất nhiều hợp chất tốt cho sức khoẻ như các chất chống oxy hoá, vitamin C và vitamin A nữa đó.

8. Hoa quả hình tròn: Trọn vẹn, đong đầy

Người Việt thường có quan niệm những vật hình tròn đầy là dấu hiệu của sự may mắn. Có lẽ vì thế, hoa quả có dáng tròn như cam, bưởi, hồng, nho, lựu,... đều là những quả thường ăn trong dịp Tết.

Bên cạnh hương vị thơm ngon của các loại quả này, dáng tròn trịa biểu tượng cho sự vẹn nguyên, không méo mó, trọn vẹn và đong đầy.

9. Khay mứt: Sum vầy đoàn viên, thịnh vượng phú quý

Bánh mứt ngọt là những món thường được dọn đãi khách bên cạnh các tách trà ngon. Khung cảnh người thân, bạn hữu vừa ngồi thưởng trà vừa nhâm nhi bánh mứt và trò chuyện tâm tình thì còn gì sánh bằng phải không nào?

Mứt gừng cay nồng đầm ấm, mứt hạt sen bổ dưỡng béo bùi, mứt tắc vàng óng thịnh vượng, mứt dừa béo ngọt thơm ngon,... tất cả đều cùng tượng trưng cho sự đoàn viên, sum họp và năm mới phát lộc phát tài.

12 món ăn ngày tết mang lại may mắn

10. Rau nhiều lá xanh: Giàu sang sung túc

Ngày Tết nếu bên cạnh những món thịt nhiều đạm được ăn cùng những món ngon từ rau xanh thì trên cả tuyệt vời. Các loại rau lá xanh như cải thìa, xà lách, cải xoăn, cải bó xôi,... đều là các loại rau giàu chất chống oxy hoá, khoáng chất và kali.

Người ta quan niệm rằng tiền tài trong năm tới sẽ nhiều giống như cây rau có vô vàn lá. Đồng thời, khi ăn nhiều rau thì bạn cũng khoẻ mạnh hơn, có sức và ý chí làm nên việc lớn.

11. Các món ăn từ cá: Đầu xuôi đuôi lọt, vươn lên dư giả

Từ “cá” trong tiếng Hán đồng âm với từ “dư” trong dư dả. Vậy nên bạn thường thấy có rất nhiều bức tranh phong thuỷ vẽ cá nhằm mong cầu tiền bạc đầy dư, đời sống sung túc.

Trong mâm cơm người Việt cũng vậy, bên cạnh các món từ thịt heo, thịt bò, không thể thiếu một món cá bổ dưỡng và thơm ngon. Với ý nghĩa thu hút tài vận, thành công trong công danh sự nghiệp, sẽ thật tuyệt nếu sắp tới bạn chiêu đãi gia đình mình bằng những món ăn ngon từ cá.

12. Mì sợi dài: Sự dài lâu, trường thọ

Những cọng mì có sợi dài tượng trưng cho sự trường thọ. Vì vậy người ta thường mách nhau rằng khi ăn mì, nhất là trong dịp Tết thì không nên cắn đứt sợi mì, mà dùng đũa lấy một vài sợi và ăn hết vào miệng. Nhờ đó mà cuộc sống dài lâu, không gặp bất trắc.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.241
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi