Các ngày lễ trong tháng 9 năm 2024

Các ngày lễ trong tháng 9 năm 2024 - Tháng 9 không chỉ là mùa tựu trường là còn diễn ra rất nhiều ngày lễ lớn, có ý nghĩa quan trọng. Vậy trong tháng 9 có ngày lễ gì đặc biệt không? Cùng HoaTieu.vn theo dõi bài viết tổng hợp các ngày lễ, sự kiện trong tháng 9 ở Việt Nam và trên thế giới tại bài viết dưới đây nhé.

1. Tháng 9 Việt Nam có những ngày lễ kỷ niệm nào?

Lịch Dương và Lịch Âm trong tháng 9/2024
Lịch Dương và Lịch Âm trong tháng 9/2024

Trong tháng 9 năm 2024 có rất nhiều ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện nổi bật trong nước. Hoatieu.vn xin tổng hợp một số ngày lễ lớn như sau:

1.1. Ngày Quốc Khánh Nước Việt Nam (2/9)

Tháng 9 có những ngày lễ, sự kiện gì

Ngay từ đầu tháng 9 năm 2024 sẽ diễn ra sự kiện vô cùng trọng đại của dân tộc Việt Nam, đó là ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sự kiện này diễn ra vào ngày mùng 2/9 hằng năm để kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) do chính Người soạn thảo, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Lễ Quốc khánh 2/9 hằng năm là dịp để bất cứ người dân Việt Nam nào, dù đang sống và làm việc ở đâu cũng hướng về Tổ quốc, cùng nhau tưởng nhớ những người anh hùng dân tộc đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và công lao to lớn của Bác Hồ vĩ đại.

Trong ngày lễ Quốc khánh, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên cả nước sẽ được nghỉ từ 3 đến 4 ngày theo quy định chung của nhà nước và một số quy định riêng của từng đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước.

1.2. Ngày Thành Lập Đài Tiếng Nói Việt Nam (7/9)

Ngày 7-9-1945, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức phát sóng chương trình đầu tiên. Đài Tiếng nói Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và được Chủ tịch Hồ Chủ tịch nhấn mạnh vai trò quan trọng trong cả đối nội và đối ngoại. Trong giai đoạn kháng chiến, Đài Phát thanh gần như là cơ quan báo chí duy nhất có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, khơi dậy lòng yêu nước toàn dân, là một trong những vũ khí sắc bén trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

76 năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã luôn đồng hành cùng dân tộc trong những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và kết nối trái tim hàng triệu người Việt Nam. Hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đang xây dựng chiến lược để kịp thời chiếm lĩnh thời cơ, tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ mới, nâng tầm vị thế, thương hiệu, tiến tới trở thành một trong những Đài Phát thanh hàng đầu trong khu vực.

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, có rất nhiều hoạt động diễn ra như: hoạt động văn nghệ, trưng bày báo chí, trao giải thưởng cho các cá nhân có cống hiến trong phát triển ngành báo chí phát thanh truyền hình...

1.3. Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9)

Ngày 10-9-1955: Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo đó, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội từ ngày 5 đến 10-9-1955 đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước. Từ ngày thành lập, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn thống nhất về ý chí và hành động, xứng đáng là người đại diện của quần chúng nhân dân; xây dựng, tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết, tạo thành sức mạnh để hoàn thành công cuộc giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

Trước và trong ngày 10/9, Ủy ban Trung ương MTTQ sẽ tổ chức hội nghị hoặc các buổi gặp gỡ để ôn lại truyền thống lịch sử trước kia và đề ra các giải pháp, chủ trương cho mặt trận dân tộc trong thời kỳ mới; tổ chức hội thi tìm hiểu về MTTQ Việt Nam tuyên truyền về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này trong xây dựng đất nước hiện nay.

1.4. Ngày thành lập Hải quan Việt Nam và Ngày truyền thống ngành Thuế Việt Nam (10/9)

Ngày 10/9 hằng năm cũng trở thành ngày kỷ niệm khai sinh ngành hải quan Việt Nam và là ngày truyền thống ngành Thuế Việt Nam.

Trong ngày này, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế cùng các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức tọa đàm kỷ niệm ngày thành lập, trước đó, 2 ngành đều có kế hoạch thi đua dài hạn để chào mừng ngày truyền thống của ngành.

1.4. Ngày Nam bộ kháng chiến (23/9)

Ngày 23/9/1945 nhân dân Nam Bộ lại phải đứng lên cầm súng chống lại cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp dù mới chỉ hưởng niềm vui hòa bình, độc lập, tự do khoảng ba tuần, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Nam Bộ đã cùng nhau chiến đấu với bọn thực dân Pháp để bảo vệ đất nước và thành quả là cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

Trong ngày 23/9, các địa phương phía Nam đã tổ chức nhiều chương trình ca nhạc để ôn lại lịch sử. Ngoài ra ở trường học còn tổ chức các cuộc thi diễn tiểu phẩm trong ngày này. Trên các kênh truyền hình sẽ phát lại những đoạn clip hào hùng một thời về ngày Nam bộ kháng chiến

1.5 Tết Trung Thu (17/09/2024 Dương Lịch)

Ngày Tết trung thu
Ngày Tết trung thu

Tết Trung thu hay còn gọi là Tết đoàn viên. Đây là ngày Tết truyền thống và đặc biệt của dân tộc Việt Nam, cũng là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần, sum vầy, cùng nhau ngắm trăng, trò chuyện, thưởng trà,...

Tết Trung thu được tổ chức hằng năm vào ngày 15/08 (Rằm tháng 8) âm lịch. Trung thu 2024 rơi vào thứ 3, ngày 17/09/2024 dương lịch.

Hoạt động diễn ra:

Vào ngày này, các em thiếu nhi trên khắp mọi miền đất nước sẽ được tham gia nhiều hoạt động như rước đèn, xem múa lân, phá cỗ,...

⇒ Tóm lại, trong tháng 9 diễn ra các ngày lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9, ngày Thành Lập Đài Tiếng Nói Việt Nam 7/9, ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 10/9, ngày thành lập Hải quan Việt Nam và ngày truyền thống ngành Thuế Việt Nam 10/9, ngày Nam bộ kháng chiến 23/9, Tết Trung Thu.

2. Ngày lễ Quốc tế trong tháng 9

2.1. Ngày Quốc tế Từ thiện (5/9)

Ngày 05 tháng 9 mỗi năm được Liên hiệp quốc chọn làm Ngày Quốc tế Từ thiện. Theo Nghị quyết phê chuẩn hồi tháng 12 năm 2012, Ðại hội đồng LHQ cho biết lý do thành lập Ngày này: để ghi nhận những nỗ lực của các tổ chức và các cá nhân trong công việc từ thiện.

Hoạt động diễn ra:

  • Gây quỹ vì người nghèo
  • Tham gia phát thực phẩm cho người dân ở các nước nghèo thuộc Nam Phi

2.2. Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ (8/9)

Vào ngày 8/9/1965, các bộ trưởng giáo dục từ nhiều quốc gia trên thế giới đã đến dự Hội nghị được tổ chức tại Tehran, thủ đô Iran nhằm bàn bạc về chủ đề xóa nạn mù chữ trên khắp thế giới. Từ đó, ngày 8/9 hằng năm đã được UNESCO chính thức chọn làm ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ để nhằm nâng cao tầm quan trọng của việc biết đọc, viết cũng như ý thức về sự phát triển cá nhân, cộng đồng trong vấn đề giáo dục.

Hoạt động diễn ra:

Vào ngày này tại trụ sở chính của UNESCO tại Paris, Pháp, UNESCO sẽ tổ chức Lễ trao giải và vinh danh các tổ chức và cá nhân có đóng góp tích cực trong công cuộc xóa mù chữ cho nhân loại.

2.3 Ngày Thế giới Phòng chống Tự sát

Ngày Thế giới Phòng chống Tự sát, hay còn được gọi là World Suicide Prevention Day do IASP - Hiệp hội Quốc tế về Phòng chống Tự sát cùng WHO - Tổ chức Y tế Thế giới thành lập và đồng tài trợ.

Hoạt động diễn ra:

Tổ chức lễ kỷ niệm nhằm đề cao vai trò của sức khỏe tinh thần, đồng thời thúc đẩy hành động, biện pháp từ các chính phủ trên khắp thế giới về việc phòng chống tự sát.

2.4. Ngày Quốc tế Bảo vệ Tầng Ozone (16/9)

Ngày Quốc tế Bảo vệ Tầng ozon
Ngày Quốc tế Bảo vệ Tầng ozon

Ngày 16/9/1987 các nước trên thế thế giới đã họp bàn đồng ý ký vào Nghị định Montreal về Loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone khi đã ý thức được mối nguy hại về vấn nạn thủng tầng Ozon. Đến năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày 16/9 làm ngày Quốc tế Bảo vệ Tầng Ozone, với mong muốn tuyên truyền cho mọi người trên thế giới về vai trò của tầng Ozon cũng như nhiệm vụ bảo vệ tầng Ozon trong sinh hoạt hằng ngày.

Hoạt động diễn ra:

Tạo ra các cuộc diễu hành, mít tinh, tuyên truyền tầm quan trọng của tầng Ozon đối với trái đất. Tổ chức trồng thêm mới các cây xanh

2.5. Ngày Quốc tế Hòa bình (21/09)

Trong một nghị quyết do Costa Rica và vương quốc Anh bảo trợ năm 2002, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ra quyết định chọn ngày 21/9 hằng năm để tổ chức ngày lễ kỷ niệm Quốc tế hòa bình, ngòai ra ngày này cũng được biết đến là ngày đình chiến toàn thế giới.

Hoạt động diễn ra:

  • Tổ chức những cuộc thi thiết kế áp phích, thông điệp về chủ đề được đưa ra trong năm đó.
  • Tổ chức những cuộc mít tinh, những cuộc tuần hành
  • Tổ chức những cuộc picnic, những cuộc vui chơi cho trẻ em

2.6. Ngày du lịch thế giới (27/9)

Ngày Du lịch Thế giới có tên gọi tiếng anh là World Tourism Day, được cử hành lần đầu tiên bởi Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) vào năm 1980. Tại khóa họp lần thứ 12 của UNWTO, Đại hội đồng quyết định sẽ chỉ định một quốc gia chủ nhà vào 27/9 mỗi năm để cử hành ngày lễ đặc biệt này.

Hoạt động diễn ra:

Vào Ngày Du lịch thế giới mỗi năm, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đều đưa ra các chủ đề khác nhau, góp phần kích thích sự phát triển đúng hướng của các công ty du lịch, khách du lịch và các chính quyền địa phương.

3. Một số ngày lễ khác

  • 12 tháng 9: Ngày Liên Hợp Quốc về Hợp tác Nam-Nam (tiếng Anh: United Nations Day for South-South Cooperation) diễn ra vào ngày 12/09.
  • 15 tháng 9: Ngày Quốc tế vì Dân chủ (tiếng Anh: International Day of Democracy) tổ chức vào ngày 15/09.
  • Thứ Năm tuần cuối cùng của tháng 9 hằng năm: Ngày Hàng hải Thế giới (tiếng Anh: World Maritime Day). Tùy vào năm mà ngày tổ chức sẽ thay đổi.
  • 26 tháng 9: Ngày Quốc tế Xóa bỏ hoàn toàn Vũ khí hạt nhân (tiếng Anh: International Day for the Total Elimination of Nuclear Weapons)

4. Người lao động được nghỉ làm ngày lễ nào trong tháng 9?

Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Nghỉ lễ, tết

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch: 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.

=> Như vậy, trong tháng 9, người lao động làm việc tại doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, người lao động làm việc tại Việt Nam sẽ được nghỉ làm có hưởng lương vào ngày 2/9. Kỳ nghỉ lễ kéo dài 3 đến 4 ngày.

Tìm hiểu thêm: Cách tính lương khi đi làm vào kỳ nghỉ 2/9

Bên cạnh đó cử tri nhiều tỉnh và Công đoàn Việt Nam đã kiến nghị, đề xuất bổ sung thêm 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh, nghỉ từ ngày 2/9 đến ngày khai giảng 5/9 để người lao động có cơ hội đưa con đến trường.

Cử tri các tỉnh Bắc Kạn, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận đề nghị xem xét trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng bổ sung thêm 1 ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương là ngày 5/9 hằng năm.

Trên đây là tất cả các ngày lễ, ngày kỉ niệm trong tháng 9 mà HoaTieu tổng hợp được. Mời các bạn cùng tham khảo các bài viết hữu ích khác trong mục Tài liệu: Văn hóa của HoaTieu.vn nhé.

Đánh giá bài viết
11 4.899
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm