Xác định lỗi trong tai nạn giao thông

Xác định lỗi trong tai nạn giao thông là vấn đề quan trọng trong giải quyết các vụ tai nạn giao thông để xác định đúng trách nhiệm của các bên, xác định mức bồi thường thiệt hại hợp lý. Làm thế nào để xác định lỗi trong tai nạn giao thông?

1. Xác định lỗi trong tai nạn giao thông

Để xác định ai là người có lỗi trong vụ tai nạn giao thông, cần phải đối chiếu hành vi của người đó với quy định pháp luật, đối chiếu với hậu quả của vụ tai nạn để biết rằng hành vi đó có phải la nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ tai nạn hay không?

Hoatieu.vn xin đưa ra một ví dụ để phân tích như sau:

Ví dụ: Anh B đang điều khiển xe mô tô lưu thông trên đường thẳng, đúng phần đường dành cho xe mô tô thì bất ngờ ở bên trái đường có anh C điều khiển xe mô tô rẽ trái chuyển hướng ngang qua đường. Do ở khoảng cách gần, anh B không kịp xử lý để đạp phanh. Hậu quả là xe do anh B điều khiển đã va đụng vào phần hông bên phải xe mô tô do anh C điều khiển đang đi ngang sang đường, làm anh C bị thương phải vào điều trị nhiều tháng tại bệnh viện.

Xác định lỗi trong tai nạn giao thông

Thông thường khi nhìn vào trường hợp này nhiều người sẽ suy nghĩ lỗi thuộc về anh B. Vì anh B đã điều khiển xe va đụng vào xe của anh C (bánh trước xe của anh B đã va đụng thẳng vào hông bên phải xe của anh C). Như vậy, phải chăng anh B là người gây ra vụ tai nạn giao thông đường bộ làm cho anh C bị thương phải vào điều trị tại bệnh viện và phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Để biết được ai là người có lỗi thì phải đối chiếu với quy định của Luật Giao thông đường bộ, cụ thể:

  • Xét hành vi của anh B

Anh B là người điều khiển xe mô tô trên đường thẳng (theo Điều 15 Luật Giao thông đường bộ thì người đi trên đường thẳng được quyền ưu tiên) => nên được chạy với vận tốc tối đa mà pháp luật cho phép.

Khi này nếu bất ngờ một ai đó băng ngang qua đường mà không quan sát thì anh B không thể nào kịp xử lý để đạp phanh (lưu ý ở đây là bất ngờ băng ngang). Đồng thời để giảm tốc độ của một phương tiện giao thông thì dù có phanh ngay cũng cần phải có một quãng đường nhất định tuỳ theo tốc độ đang di chuyển của phương tiện để có dừng phương tiện đó lại hoàn toàn

=> Trường hợp như trên, việc xử lý để tránh một vụ tai nạn giao thông là không thể đối với anh B

=> Việc anh C đột ngột rẽ sang đường được xem là sự kiện bất ngờ đối với anh B

=> Theo quy định tại chương IV Bộ luật Hình sự 2015, anh B được loại trừ trách nhiệm hình sự

  • Xét hành vi của anh C

Điều 15 Luật GTĐB quy định: Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác

=> Anh C khi chuyển hướng phải quan sát và nhường đường cho cho anh B

=> Anh C băng qua đường đột ngột, không chú ý quan sát, không nhường đường là anh C đã đi sai quy tắc giao thông, vi phạm Luật giao thông đường bộ, là người có lỗi gây ra vụ tai nạn giao thông.

=> Trong ví dụ nói trên, người có lỗi gây ra vụ tai nạn là anh C nên anh B sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hành chính và không phải bồi thường thiệt hại

2. Sự kiện bất ngờ trong tai nạn giao thông

Điều 20 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về sự kiện bất ngờ như sau:

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự

=> Sự kiện bất ngờ là sự kiện mà người khác không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước

Ví dụ: A đang đi trên đường, đúng tốc độ cho phép thì đột nhiên B từ trong ngõ nhỏ lao ra, không có tín hiệu khiến A đâm vào B

Trong trường hợp này, việc B đột ngột lao ra được xem là sự kiện bất ngờ. Do đó, A sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường thiệt hại.

3. Luật đền bù trong tai nạn giao thông

Vấn đề bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông được điều chỉnh theo quy định Bộ luật Dân sự 2015

Trong những trường hợp sau thì người gây tai nạn sẽ không phải bồi thường thiệt hại cho bị hại:

  • Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
  • Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Trong trường hợp cả 2 cùng có lỗi thì người gây tai nạn không phải bồi thường phần thiệt hại do lỗi của người bị hại gây ra.

Để biết thêm các mức bồi thường, thủ tục đòi bồi thường, mời các bạn tham khảo bài: Thủ tục đòi bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông

Trên đây, Hoatieu.vn cung cấp các quy định của pháp luật liên quan Xác định lỗi trong tai nạn giao thông. Mời các bạn đọc các bài viết liên quan tại mục Dân sự, mảng Hỏi đáp pháp luật.

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
1 1.315
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm