Tiêu chuẩn lãnh đạo chức danh tư pháp trong ngành Kiểm sát

Tải về

Quyết định số 26/QĐ-VKSTC

Quyết định 26/QĐ-VKSTC của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Ngày 10/02/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định 26/QĐ-VKSTC về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Theo đó, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phải là Kiểm sát viên cao cấp trở lên, tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật trở lên và có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh) là Kiểm sát viên trung cấp trở lên, bên cạnh việc tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật trở lên phải có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị.

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/QĐ-VKSTC

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2020

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ VÀ CHỨC DANH TƯ PHÁP TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010;

Căn cứ Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015;

Căn cứ Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, qun lý các cấp;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 04/QĐ-VKSTC-V15 ngày 22/12/2015 của viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (ban hành kèm theo Quy định tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân).

Điều 3. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 3:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Lãnh đạo VKSNDTC:
- Đảng ủy VKSNDTC;
- Website VKSNDTC;
- Lưu: VT, V15.

VIỆN TRƯỞNG




Lê Minh Trí

QUY ĐỊNH

VỀ TIÊU CHUẨN CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ VÀ CHỨC DANH TƯ PHÁP TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 26/QĐ-VKSTC, ngày 10/02/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

ĐIều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với công chức, viên chức được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân, không áp dụng đối với Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng

1. Công chức, viên chức khi được xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý; chức danh tư pháp phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn của Quy định này.

2. Tiêu chuẩn nêu trong Quy định này là căn cứ để cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, làm cơ sở quy hoạch cán bộ và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa cán bộ lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp.

3. Trường hợp công chức, viên chức chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định này mà đơn vị có nhu cầu thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định.

Điều 4. Tiêu chuẩn chung

1. Về chính trị tư tưởng: Là công dân Việt Nam trung thành với lợi ích của Đảng, của Quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân: sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Yên tâm công tác, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

2. Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật: có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Tâm huyết và có trách nhiệm với công việc; không tham vọng quyền lực, không háo danh; có tinh thần đoàn kết, xây dựng, gương mẫu, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi và tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm; công bằng, chính trực, trọng dụng người tài, không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Tuân thủ và thực hiện nghiêm các nguyên tác tổ chức, kỷ luật của đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.

3. Về năng lực và uy tín: Có tư duy đổi mới, có tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo. Có khả năng phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, thời cơ, thuận lợi, vấn đề mới, khó và những hạn chế, bất cập trong thực tiễn; mạnh dạn đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để phát huy, thúc đẩy được tháo gỡ. Có năng lực thực tiễn, nắm chắc và hiểu biết cơ bản tình hình thực tế để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công; cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vì nhân dân phục vụ, có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, gương mẫu, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, cá nhân; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm.

4. Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý Viện kiểm sát nhân dân: Tổ chức thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật; bảo đảm chất lượng hoạt động công tố, truy tố đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan, sai. Tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác điều tra; tham mưu xây dựng pháp luật; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp; quản lý xây dựng Ngành; tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

5. Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu. Có đủ sức khỏe để đảm nhận công việc được giao; bảo đảm tuổi bổ nhiệm theo quy định. Bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý phải trong quy hoạch. Có lý lịch cá nhân đầy đủ, rõ ràng theo quy định của pháp luật.

6. Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật; không trong thời gian thi hành kỷ luật (từ cảnh cáo trở lên khi xem xét bổ nhiệm mới chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn) hoặc đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Không vi phạm quy định của Đảng, của Ngành về bảo vệ chính trị nội bộ.

Chương II

TIÊU CHUẨN CỤ THỂ

Mục 1. CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ

Điều 5. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Vị trí, chức trách

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là người giúp việc người đứng đầu ngành Kiểm sát nhân dân; là chức vụ lãnh đạo, quản lý, đồng thời là chức danh tư pháp; có trách nhiệm phụ trách, chỉ đạo một số đơn vị, lĩnh vực công tác theo sự phân công hoặc ủy quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

2. Trình độ, năng lực và điều kiện khác

Thực hiện theo quy định tại Điều 64 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và quy định của Bộ Chính trị.

Điều 6. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

1. Vị trí, chức trách

a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là người đứng đầu Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; là chức vụ lãnh đạo, quần lý, đồng thời là chức danh tư pháp; có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao;

b) Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là người giúp việc cho người đứng đầu đơn vị; là chức vụ lãnh đạo quản lý, đồng thời là chức danh tư pháp; có trách nhiệm giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phụ trách, chỉ đạo một số đơn vị, lĩnh vực công tác theo sự phân công hoặc ủy quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

2. Ngạch công chức: Kiểm sát viên cao cấp trở lên

3. Trình độ và điều kiện khác

a) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật trở lên;

b) Có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị.

Điều 7. Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương

1. Vị trí, chức trách

a) Vụ trưởng và tương đương là người đứng đầu đơn vị; là chức vụ lãnh đạo, quản lý, thực hiện chức năng tham mưu, quản lý chuyên ngành; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao;

b) Phó Vụ trưởng và tương đương là người giúp việc cho người đứng đầu đơn vị; là chức vụ lãnh đạo, quản lý; có trách nhiệm giúp Vụ trưởng phụ trách, chỉ đạo một số lĩnh vực công tác theo phân công hoặc ủy quyền của Vụ trưởng; chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

2. Ngạch công chức

a) Đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Kiểm sát viên cao cấp hoặc Điều tra viên cao cấp trở lên;

b) Đơn vị không trực tiếp làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Kiểm sát viên trung cấp hoặc tương đương trở lên đối với cấp phó; Kiểm sát viên cao cấp hoặc tương đương đối với cấp trưởng.

3. Trình độ và điều kiện khác

a) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật trở lên hoặc đại học chuyên ngành khác trở lên phù hợp với vị trí bổ nhiệm;

b) Có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị.

Điều 8. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh)

1. Vị trí, chức trách

a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là người đứng đầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; là chức vụ lãnh đạo, quản lý, đồng thời là chức danh tư pháp; có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp dưới trực thuộc, tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao;

b) Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là người giúp việc cho người đứng đầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; là chức vụ lãnh đạo, quản lý, đồng thời là chức danh tư pháp; có trách nhiệm giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phụ trách, chỉ đạo một số đơn vị, lĩnh vực công tác theo sự phân công hoặc ủy quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

2. Ngạch công chức: Kiểm sát viên trung cấp trở lên.

3. Trình độ và điều kiện khác

a) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật trở lên;

b) Có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị.

Điều 9. Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

1. Vị trí, chức trách

a) Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là người đứng đầu đơn vị Viện nghiệp vụ hoặc tương đương; là chức vụ lãnh đạo, quản lý; có trách nhiệm quản lý, điều hành Viện nghiệp vụ hoặc tương đương và các phòng trực thuộc; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao;

b) Phó Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là người giúp việc cho người đứng đầu Viện nghiệp vụ hoặc tương đương; là chức vụ lãnh đạo, quản lý; có trách nhiệm giúp Viện trưởng Viện nghiệp vụ hoặc tương đương phụ trách một số phòng, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công hoặc ủy quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Viện trưởng Viện nghiệp vụ hoặc tương đương, trước lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

2. Ngạch công chức

a) Viện nghiệp vụ: Kiểm sát viên cao cấp;

b) Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao: Kiểm sát viên cao cấp đối với Chánh Văn phòng; Kiểm tra viên chính hoặc tương đương trở lên đối với Phó Chánh Văn phòng.

3. Trình độ và điều kiện khác

a) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật trở lên;

b) Có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

Điều 10. Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương

1. Vị trí, chức trách

a) Trưởng phòng và tương đương là người đứng đầu đơn vị phòng hoặc tương đương; là chức vụ lãnh đạo, quản lý; có trách nhiệm tham mưu, giúp lãnh đạo đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo đơn vị cấp trên và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao;

b) Phó Trưởng phòng và tương đương: là người giúp việc cho người đứng đầu đơn vị phòng hoặc tương đương; là chức vụ lãnh đạo, quản lý, có trách nhiệm giúp Trưởng phòng quản lý, theo dõi một số nhiệm vụ theo sự phân công hoặc ủy quyền của Trưởng phòng và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

2. Ngạch công chức

a) Viện kiểm sát nhân dân lối cao:

a1) Phòng trực tiếp làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra: Kiểm sát viên trung cấp hoặc Điều tra viên trung cấp trở lên;

a2) Phòng không trực tiếp làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp: Kiểm tra viên chính hoặc tương đương trở lẻn phù hợp với vị trí được bổ nhiệm đối với Trưởng phòng. Kiểm tra viên, Chuyên viên hoặc tương đương trở lên phù hợp với vị trí được bổ nhiệm đối với Phó Trưởng phòng.

b) Viện kiểm sát nhân dân cấp cao:

b1) Phòng trực tiếp làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử và phòng trực tiếp giải quyết án: Kiểm sát viên cao cấp đối với Trưởng phòng. Kiểm sát viên trung cấp hoặc tương đương trở lên đối với Phó Trưởng phòng;

b2) Phòng không trực tiếp làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử và phòng không trực tiếp giải quyết án: Kiểm sát viên trung cấp hoặc tương đương trở lên.

c) Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh:

c1) Phòng trực tiếp làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp: Kiểm sát viên trung cấp;

c2) Phòng không trực tiếp làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp: Kiểm sát viên trung cấp đối với Trưởng phòng; Kiểm sát viên sơ cấp hoặc tương đương trở lên đối với Phó Trưởng phòng.

d) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện: Kiểm sát viên sơ cấp.

3. Trình độ và điều kiện khác

a) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật hoặc đại học chuyên ngành khác trở lên phù hợp với vị trí bổ nhiệm;

b) Có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

Điều 11. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện)

1. Vị trí, chức trách

a) Viện trưởng là người đứng đầu Viện kiểm sát nhân dân huyện; là chức vụ lãnh đạo, quản lý, đồng thời là chức danh tư pháp; có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao;

b) Phó Viện trưởng là người giúp việc cho người đứng đầu Viện kiểm sát nhân dân huyện; là chức vụ lãnh đạo, quản lý, đồng thời là chức danh tư pháp, có trách nhiệm giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện quản lý phòng hoặc bộ phận công tác theo sự phân công hoặc ủy quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

2. Ngạch công chức: Kiểm sát viên sơ cấp trở lên.

3. Trình độ và điều kiện khác

a) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật trở lên;

b) Có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

Mục 2. CHỨC DANH TƯ PHÁP

Điều 12. Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung tại Điều 75 và tiêu chuẩn quy định tại Điều 80 hoặc Điều 81 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

2. Có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị.

Điều 13. Kiểm sát viên cao cấp

1. Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung tại Điều 75 và tiêu chuẩn quy định tại Điều 79 hoặc Điều 81 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

2. Có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị.

Điều 14. Điều tra viên cao cấp

1. Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung tại Điều 46 và tiêu chuẩn quy định tại Điều 49 hoặc Điều 50 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

2. Có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị.

Điều 15. Kiểm tra viên cao cấp

1. Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung tại Điều 2 và tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 924/2015/UBTVQH13 ngày 13/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân.

2. Có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị.

Điều 16. Kiểm sát viên trung cấp

1. Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung tại Điều 75 và tiêu chuẩn quy định tại Điều 78 hoặc Điều 81 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

2. Là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Điều 17. Điều tra viên trung cấp

1. Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung tại Điều 46 và tiêu chuẩn quy định tại Điều 48 hoặc Điều 50 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

2. Là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Điều 18. Kiểm tra viên chính

1. Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung tại Điều 2 và tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 924/2015/UBTVQH13 ngày 13/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân.

2. Là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Điều 19. Kiểm sát viên sơ cấp

Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung tại Điều 75 và tiêu chuẩn quy định tại Điều 77 hoặc Điều 81 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

Điều 20. Điều tra viên sơ cấp

Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung tại Điều 46 và tiêu chuẩn quy định tại Điều 47 hoặc Điều 50 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

Điều 21. Kiểm tra viên

Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung tại Điều 2 và tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 924/2015/UBTVQH13 ngày 13/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân.

Điều 22. Cán bộ điều tra

Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 59 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký Quyết định ban hành.

2. Các quy định trước đây trái với Quy định này bị bãi bỏ.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Quy định này; trên cơ sở quy hoạch, thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển công chức, viên chức.

2. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, thực hiện quy hoạch và bổ nhiệm công chức, viên chức theo Quy định này.

3. Trong quá trình thực hiện Quy định, nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ảnh về Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao để phối hợp giải quyết, báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định hoặc sửa đổi, bổ sung Quy định cho phù hợp với yêu cầu công tác./.

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Hành chính được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 95
Tiêu chuẩn lãnh đạo chức danh tư pháp trong ngành Kiểm sát
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm