Tiền thai sản là tài sản chung hay riêng của vợ chồng? Giải đáp 2024

Trong quá trình sinh đẻ thì hỗ trợ tiền thai sản là chi phí giúp cho những mẹ bầu có thể yên tâm nghỉ ngơi làm việc, không tham đi làm sớm mà hại cho sức khỏe. Vậy, tiền thai sản là tài sản chung hay riêng của vợ chồng? Bài viết này Hoatieu.vn sẽ giúp bạn hiểu được rõ hơn.

1. Tiền thai sản có phải tài sản riêng của vợ/chồng?

Tài sản riêng là những tài sản vật chất, lợi ích vật chất.. không thuộc nhóm tài sản chung của vợ và chồng, được quy định tại Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Như vậy, theo quy định tại Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản riêng của vợ chồng bao gồm:

  • Tài sản có trước khi kết hôn
  • Tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân
  • Tài sản được chia riêng theo thảo thuận vợ chồng
  • Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu mà pháp luật quy định thuộc sở hữu riêng
  • Tài sản được hình thành từ tài sản riêng, hoa lợi lợi tức từ tài sản riêng của vợ chồng.

Trong đó, tiền thai sản là quyền lợi dành riêng cho lao động nữ sinh con hoặc lao động nam có vợ sinh con, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và đáp ứng một số điều kiện nhất định mà pháp luật quy định.

Vì vậy, tiền thai sản có thể hiểu là tài sản gắn liền với nhân thân của vợ hoặc chồng, do đó không thể chuyển giao cho người khác được. Vì thế, tiền thai sản là tài sản riêng của vợ hoặc chồng (người được hưởng).

2. Quy định về tài sản chung của vợ chồng

Tài sản chung của vợ chồng được hiểu là những vật, lợi ích vật chất được làm, phát sinh và đóng góp chung trong thời kỳ hôn nhân, thuộc sở hữu chung của vợ chồng, được quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Như vậy, theo quy định trên thì tài sản chung của vợ chồng bao gồm:

  • Tài sản do vợ, chồng tạo ra
  • Thu nhập do lao động
  • Hoạt động sản xuất, kinh doanh
  • Hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng
  • Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân
  • Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có sau khi kết hôn (trừ trường hợp được thừa kế, tặng cho riêng).

Tiền thai sản là tài sản chung hay riêng của vợ chồng?

3. Cách tính tiền thai sản 2024

  • Tiền nghỉ đi khám thai

Tiền thai sản = Số ngày nghỉ theo Luật x (100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ khám thai/24)

Trường hợp khi nghỉ khám khi chưa đóng BHXH đủ 06 tháng thì tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của các tháng đã đóng BHXH.

  • Trợ cấp khi sinh con

Theo quy định của Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Hiện tại mức lương cơ sở đang là 1.800.000 đồng/tháng, do đó:

Tiền trợ cấp = 1.800.000 x 2 = 3.600.000 đồng/mỗi con.

Trong trường hợp vợ không tham gia bảo hiểm xã hội, chồng tham gia thì chồng sẽ được khoản tiền trợ cấp một lần khi sinh con.

  • Tiền trong thời gian nghỉ sinh

Đối với người mẹ

Căn cứ tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Mức hưởng 01 tháng = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Đối với người bố

Khi nghỉ chế độ thai sản trong vòng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh. Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con thì trong vòng 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh được nghỉ hưởng chế độ thai sản như sau:

  • 05 ngày làm việc nếu vợ sinh thường;
  • 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
  • 10 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
  • 14 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.

Tiền thai sản = Số ngày nghỉ x (100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ /24)

Trường hợp khi nghỉ chưa đóng BHXH đủ 06 tháng thì tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của các tháng đã đóng BHXH.

  • Tiền dưỡng sức sau sinh

Theo quy định Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì:

Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ được tính cụ thể như sau:

- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

- Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh mổ;

- Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Thời gian này bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Trong những ngày nghỉ dưỡng sức, lao động nữ được hưởng tiền trợ cấp với mức mỗi ngày bằng 30% lương cơ sở, do đó:

Tiền dưỡng sức = Số ngày nghỉ dưỡng sức x 30% x 1.800.000

Mời các bạn tham khảo thêm một số bài viết hữu ích khác như: Đơn nghỉ thai sản mới nhất 2024, Thủ tục làm hồ sơ hưởng chế độ thai sản từ chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của trang Hoatieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 110
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm