Thủ thư là gì? Thủ thư làm những công việc gì?

Tại các cơ quuan nhà nước, nhà trường, thư viện..., chúng ta hay nghe đến vị trí việc làm thủ thư. Vậy thủ thư là gì? Thủ thư làm những công việc gì? Để làm thủ thư thì cần học ngành gì? Mời bạn tham khảo bài viết sau của Hoatieu.vn để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết.

Trước nay, chúng ta vẫn hiểu đơn giản thủ thư là những người làm công việc quản lý sổ sách, tài liệu tại một cơ quan, đơn vị hoặc người làm công tác lưu trữ sách trong các hệ thống thư viện. Vậy cụ thể nhân viên thủ thư là những ai? Cùng đón xem bài viết dưới đây của Hoatieu.vn để tìm hiểu kỹ hơn nhé, biết đâu bạn lại yêu thích và tìm đến ngành học cùng công việc này.

1. Thủ thư là gì?

Thủ thư là những ai?
Thủ thư là những ai?

Bạn đã biết đến công việc thủ thư chưa? Thực tế không có khái niệm chung về công việc thủ thư.

Có thể hiểu rộng rằng, thủ thư là những người quản lý tài liệu, sách báo, công văn của một tổ chức, đơn vị, cơ quan. Cụ thể như sau:

- Thủ thư làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước là người có nhiệm vụ phân loại, quản lý, lưu trữ tài liệu, công văn, các văn bản chỉ đạo, thông tư, báo cáo của ngành đến và đi; đảm bảo công văn chỉ đạo từ cấp trên đến đơn vị không bị thất thoát, đồng thời báo cáo từ công vị chuyển đi không bị thất lạc. Thủ thư ở các đơn vị hành chính nhà nước cũng phải nắm rõ các loại giấy tờ được lưu trữ ở đâu, bằng văn bản giấy hay bản mềm để sẵn sàng trình cấp trên khi được yêu cầu.

- Thủ thư làm việc tại các thư viện là người làm công việc quản lý tài liệu, sách và tìm kiếm thông tin trong các hệ thống thư viện lớn nhỏ. Họ là những người nắm rõ các thông tin có trong thư viện để có thể phục vụ nhu cầu của bạn đọc một cách nhanh chóng và hữu ích nhất.

=> Như vậy, có thể thấy, công việc thủ thư đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, người làm thủ thư không chỉ cần biết quản lý dữ liệu, thời gian, mà còn cần đến kỹ năng xử lý thông tin nhạy bén và các kỹ năng về công nghệ thông tin thành thạo để xử lý các dữ liệu mềm.

Nếu bạn yêu thích sách, thích không gian như thư viện, muốn được tiếp cận nguồn tri thức khổng lồ của văn minh nhân loại, bạn có thể tìm hiểu về ngành nghề thủ thư là gì? Làm thủ thư học ngành gì?

2. Công việc của thủ thư gồm những gì?

Từ khái quát thủ thư là gì ở phần 1, chúng ta có thể hiểu đơn giản về công việc của thủ thư bao gồm:

- Lưu trữ thông tin: nhân viên thủ thư có nhiệm vụ phải lưu trữ thông tin, tài liệu bản cứng, các file tài liệu bản mềm hoặc bản thảo được viết bằng tay để sẵn sàng xuất trình khi cấp trên cần hoặc hướng dẫn người đọc tìm kiếm tư liệu. Do đó, ở những cơ quan, thư viện lớn, đôi khi phải cần rất nhiều nhân viên thủ thư làm việc ở các vị trí khác nhau để đảm bảo công việc được lưu thông thuận lợi.

- Bổ sung sưu tập và kiểm soát nguồn tài nguyên thông tin cho thư viện: nguồn thông tin có thể đến từ các nhà xuất bản, văn thư phải cập nhập thường xuyên các loại sách, tư liệu mới nhất để phục vụ bạn đọc.

- Ngoài ra, với nhân viên thủ thư ở thư viện, họ cần phải làm các công việc khác như:

+ Hướng dẫn các độc giả - người tìm kiếm thông tin cách để tìm kiếm tra cứu nguồn thông tin có trong thư viện.

+ Giới thiệu các thông tin tổng quát về thư viện: nội quy, cách sử dụng và tìm kiếm thông tin.

+ Đảm bảo thực hiện các công việc liên quan đến việc quản lý thông tin bạn đọc về thời gian mượn, trả sách.

+ Đảm bảo sự ngăn nắp gọn gàng đối với các loại sách được bày trên kệ, trên giá trong thư viện luôn đảm bảo tính thẩm mỹ và tính trật tự nhất định.

+ Theo dõi những thông tin liên quan đến thư viện như cập nhật thông tin công văn mới về thư viện trường học, các văn bản quy định về việc quản lý thư viện.

3. Vai trò của thủ thư trong môi trường thư viện số

Thủ thư là gì? Thủ thư làm những công việc gì?

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thế giới đang bước vào kỷ nguyên công nghệ số, mà Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Theo đó, các thư viện cũng cần phải "trở mình" mạnh mẽ để phù hợp hơn với thời đại và nhu cầu của người sử dụng, tạo ra thách thức không nhỏ cho đội ngũ cán bộ văn thư, bao gồm cả cán bộ quản lý và cán bộ nghiệp vụ, đó là phải tự đổi mới bản thân, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo trình độ, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Như vậy, vai trò của thủ thư trong môi trường thư viện số càng quan trọng và có giá trị hơn. Cụ thể:

+ Người làm thủ thư là người trực tiếp điều hành và thực hiện các tác nghiệp thư viện từ bổ sung tài liệu, xử lý kỹ thuật tài liệu, tổ chức kho dữ liệu và hệ thống máy tra cứu đến tổ chức hệ thống phục vụ người dùng hay tổng hợp, kiểm kê, thống kê... các số liệu và dữ liệu của hoạt động thư viện. => Đây không phải nhiệm vụ mới, nhưng trong kỷ nguyên số, các dữ liệu, tài liệu được cập nhật và quản lý trên hệ thống mạng điều hành, đòi hỏi thủ thư phải có thêm kỹ năng tin học, những kiến thức về quản trị mạng, Internet, từ đó giúp người đọc khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống tài liệu số của thư viện.

+ Hướng dẫn người đọc cách tra cứu cũng như định hướng, gợi mở, cập nhật thông tin mới dựa trên nhu cầu của người dùng.

+ Sàng lọc thông tin cung cấp cho người dùng, giúp người dùng nhận diện và tiếp cận các nguồn thông tin trong không gian thông tin rộng lớn từ internet.

+ Trong thời đại hội nhập toàn cầu, nhân viên thủ thư phải phát huy tối đa vai trò của mình thông qua việc khai thác, xử lý nguồn thông tin bằng tiếng nước ngoài một cách hiệu quả; hiểu biết về pháp luật liên quan đến lĩnh vực xuất bản (Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng... ). Nói cách khác, các thách thức về an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu hay môi trường thư viện hiện đại đòi hỏi đội ngũ cán bộ thư viện phải không ngừng đổi mới, nâng cao trình độ, năng lực quản lý cũng như nghiệp vụ bên cạnh các nghiệp vụ thư viện thông thường.

+ Nhân viên thư viện, nhân viên thủ thư có vai trò quan trọng trong tổ chức các phong trào, nuôi dưỡng thói quen và hứng thú đọc sách cho mọi người, đặc biệt trong thời đại kỷ nguyên số, nhiều người có thói quen đọc sách điện tử và nghe audio.

4. Thủ thư học ngành gì?

Người làm thủ thư thông thường sẽ học ngành Thông tin - Thư viện tại một số trường đại học. Đây là ngành học đào tạo cử nhân khoa học về có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật tự động hóa trong công tác thông tin thư viện.

Nếu bạn yêu công việc của một thủ thư, bạn có thể học ngành Thông tin - Thư viện tại Khoa Thông tin–Thư viện của các trường sau: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Trường Đại học Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Dân lập Đông Đô…

Tham gia vào ngành thư viện, bạn có thể làm việc tại Cơ quan quản lý Nhà nước về thư viện như Vụ Thư viện (Bộ Văn hoá – Thông tin), hay trong các hệ thống thư viện khác nhau như: hệ thống thư viện công cộng (Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện các tỉnh, thành phố), thư viện các cơ quan đoàn thể, thư viện các trường học, thư viện của các viện, các trung tâm nghiên cứu khoa học, thư viện của các đơn vị vũ trang, các tổ chức chính trị – xã hội v.v…

Mời bạn đọc đón xem các bài viết hữu ích khác tại mục Hỏi đáp pháp luật của Hoatieu.vn nhé.

Đánh giá bài viết
1 75
0 Bình luận
Sắp xếp theo