Thông tư 02/2021/TT-BNNPTNT hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai

Thông tư số 02/2021/TT-BNNPTNT

Ngày 7/6/2021 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 02/2021/TT-BNNPTNT về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương.

Thông tư 02/2021/TT-BNNPTNT sẽ được áp dụng đối với đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương.

Trình tự xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai sẽ được thực hiện theo các bước như sau:

  • Rà soát, thu thập tài liệu;
  • Xác định, đánh giá rủi ro và đề xuất giải pháp.
  • Xây dựng dự thảo kế hoạch phòng, chống thiên tai; lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan; tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo.
  • Ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai: Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt, ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai của cấp mình.

Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 25/7/2021.

Thông tư này làm hết hiệu lực Thông tư 04/2013/TT-BVHTTDL

Nội dung Thông tư 02 năm 2021 BNNPTNT

BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

_________

Số: 02/2021/TT-BNNPTNT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 2021

THÔNG TƯ
Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương

___________

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống thiên tai đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương.

Điều 3. Trình tự xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai

1. Rà soát, thu thập tài liệu; điều tra, khảo sát số liệu cơ bản.

2. Xác định, đánh giá rủi ro và đề xuất giải pháp.

3. Xây dựng dự thảo kế hoạch phòng, chống thiên tai; lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan; tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo.

4. Ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai: Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt, ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai của cấp mình.

Chương II. KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI CÁC CẤP Ở ĐỊA PHƯƠNG

Mục 1. KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI CẤP TỈNH

Điều 4. Nội dung kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh

1. Các căn cứ pháp lý để lập kế hoạch: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Thủy lợi; Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai; các văn bản hướng dẫn Luật và các văn bản có liên quan.

2. Mục đích, yêu cầu: Phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng, chống thiên tai của cấp trên; dự báo, cảnh báo; tình hình thực tế và nguồn lực của cấp tỉnh.

3. Đặc điểm về tự nhiên, dân sinh, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng bao gồm:

a) Đặc điểm về tự nhiên: Vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, địa chất, đặc điểm khí tượng, thủy văn, hải văn.

b) Đặc điểm về dân sinh, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng chủ yếu theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

4. Đánh giá hiện trạng công tác phòng, chống thiên tai theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

5. Xác định, đánh giá rủi ro thiên tai gồm: Xác định loại hình thiên tai thường gặp; phạm vi, phương pháp, nội dung đánh giá theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

6. Các biện pháp phòng, chống thiên tai gồm: Biện pháp phòng ngừa, ứng phó, phục hồi, tái thiết phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai; kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông thuộc tỉnh và các kế hoạch liên quan khác theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

7. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai: Xác định phương pháp, cách thức lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

8. Xác định nguồn lực và tiến độ hằng năm và 05 năm theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

9. Xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

Điều 5. Đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng trên địa bàn cấp tỉnh

1. Đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội:

a) Đặc điểm dân sinh gồm tổng dân số, mật độ, phân bố dân cư, đối tượng dễ bị tổn thương, dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, số hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng của thiên tai cần phải di dời; đặc điểm nhà ở (kiên cố, bán kiên cố, thiếu kiên cố, đơn sơ) và phân bố theo đơn vị hành chính cấp huyện; trình độ văn hóa, giáo dục, y tế, đặc điểm dân tộc, tập quán.

b) Đặc điểm kinh tế - xã hội gồm các ngành kinh tế chủ yếu bị ảnh hưởng bởi thiên tai (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ), định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Đặc điểm cơ sở hạ tầng:

Thống kê, đánh giá chung về cơ sở hạ tầng chủ yếu trong phạm vi quản lý, bao gồm: Hệ thống giao thông, thủy lợi, phòng, chống thiên tai; mạng lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình; hệ thống tiêu thoát nước, cấp nước sạch, xử lý môi trường; hệ thống trường học, bệnh viện, khu công nghiệp; đường cứu hộ, cứu nạn và cơ sở hạ tầng khác. Nội dung thống kê, đánh giá chung toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đối với khu vực trọng điểm xảy ra thiên tai của địa phương cần chi tiết đến cấp huyện.

Điều 6. Đánh giá hiện trạng công tác phòng, chống thiên tai

1. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến phòng, chống thiên tai: Đánh giá mức độ thực hiện pháp luật, các cơ chế, chính sách; kế hoạch đảm bảo nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai.

2. Hệ thống chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và quy chế phối hợp: Mô tả tổ chức bộ máy của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; nguồn nhân lực, năng lực của lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm phòng, chống thiên tai của cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai các cấp; cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh và cấp huyện; quy định về phân công nhiệm vụ các thành viên, quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

3. Công tác dự báo, cảnh báo sớm: Đánh giá hiện trạng công tác dự báo, cảnh báo sớm tại địa phương thông qua cơ quan trung ương, cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và các cơ quan có trách nhiệm dự báo, cảnh báo trong tỉnh, khu vực về mức độ chi tiết, độ tin cậy, tính đầy đủ, liên tục, kịp thời, dễ hiểu và các công cụ truyền tin.

4. Phương tiện, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai: Thống kê, đánh giá hiện trạng, danh mục, số lượng, chất lượng, địa điểm dự trữ, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý trên địa bàn cấp tỉnh. Đánh giá chung về cơ chế quản lý và sử dụng, khả năng đáp ứng hiện tại và nhu cầu trong tương lai.

5. Công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn: Đánh giá năng lực của các lực lượng nòng cốt trong ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn cấp tỉnh; sự tham gia của các tổ chức, cá nhân dân sự khác. Nội dung đánh giá bao gồm: số lượng, năng lực, trang thiết bị, phương tiện của lực lượng này.

6. Thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai: Đánh giá hiện trạng hệ thống thông tin, truyền thông tại địa phương; các phương thức thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai. Đánh giá năng lực ứng dụng và quản lý cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai tại địa phương.

7. Năng lực và nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai:

Đánh giá chung về nhận thức, kỹ năng ứng phó thiên tai của cộng đồng và công tác tập huấn phòng, chống thiên tai tại địa phương.

8. Cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai: Đánh giá hệ thống công trình phòng, chống thiên tai (trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai, công trình đê điều, hồ đập, kè, chống úng, chống hạn, chống xâm nhập mặn, chống sạt lở, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân, công trình phòng cháy, chữa cháy rừng và các công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai); hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc, truyền thanh, truyền hình; hệ thống giao thông phục vụ cứu hộ, cứu nạn.

9. Đánh giá thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội: Hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành; kết quả thực hiện lồng ghép, thuận lợi và khó khăn; đề xuất, kiến nghị.

10. Đánh giá về công tác phục hồi, tái thiết sau thiên tai: Hiện trạng công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai (thống kê, đánh giá thiệt hại và nhu cầu); kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ và sử dụng nguồn lực hỗ trợ khẩn cấp để sửa chữa cơ sở hạ tầng, ổn định cuộc sống, sinh kế bền vững; thực hiện các dự án ổn định dân cư vùng thiên tai.

11. Đánh giá về nguồn lực tài chính thực hiện công tác phòng, chống thiên tai ở địa phương, đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua nội dung lồng ghép) bao gồm: Ngân sách chi thường xuyên, ngân sách chi đầu tư phát triển, dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính, nguồn vốn ODA, nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn hợp pháp khác.

Điều 7. Xác định, đánh giá rủi ro thiên tai

1. Xác định loại hình thiên tai thường gặp theo phân vùng rủi ro thiên tai ban hành tại Bảng 1, Phụ lục I kèm theo Thông tư này và bản đồ cảnh báo thiên tai của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Luật Phòng, chống thiên tai.

2. Đánh giá rủi ro thiên tai

a) Phạm vi đánh giá:

Phạm vi không gian là đánh giá rủi ro thiên tai theo đơn vị hành chính của địa phương; phạm vi thời gian là đánh giá rủi ro thiên tai trong tương lai do tác động của biến đổi khí hậu (theo kịch bản biến đổi khí hậu mới nhất được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố), chuỗi số liệu thu thập về cường độ của thiên tai và thiệt hại trong quá khứ trong vòng 05 đến 10 năm gần nhất và thống kê các thiên tai lịch sử, thiên tai lớn đã xảy ra trước đó;

b) Phương pháp, nội dung đánh giá, theo trình tự như sau:

Đánh giá cường độ của từng loại hình thiên tai điển hình tại địa phương dựa vào quy định về cấp độ rủi ro thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành, dựa vào số liệu đo đạc thực tế, kết quả tính toán để đánh giá cường độ của từng loại hình thiên tai điển hình ở địa phương; đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương của từng đối tượng chịu tác động như: con người, nhà ở, một số ngành kinh tế chính (nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch), cơ sở hạ tầng (giao thông, xây dựng, điện lực, viễn thông, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, y tế, giáo dục, văn hoá); đánh giá tổng hợp mức độ rủi ro của từng loại hình thiên tai tác động lên từng đối tượng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh tế - xã hội trong phạm vi quản lý.

3. Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai của địa phương với tỉ lệ trong khoảng từ 1:5.000 đến 1:50.000 và phù hợp với bản đồ hành chính các cấp của địa phương; các khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra thiên tai, mật độ dân cư cao cần xây dựng bản đồ tỷ lệ lớn hơn 1:5.000; mô tả mức độ rủi ro đối với từng loại hình thiên tai bằng các màu khác nhau (màu xanh dương nhạt: rủi ro nhỏ, màu vàng nhạt: rủi ro trung bình, màu da cam: rủi ro lớn, màu đỏ: rủi ro rất lớn và màu tím: thảm họa).

Điều 8. Nội dung, biện pháp phòng, chống thiên tai

1. Xác định nội dung, biện pháp phòng, chống thiên tai phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại thiên tai cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, chú ý khu vực nguy hiểm và đối tượng dễ bị tổn thương, cụ thể: Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu (biện pháp công trình và biện pháp phi công trình); biện pháp ứng phó và biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Tập trung xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông thuộc tỉnh; kế hoạch phòng, chống bão mạnh, siêu bão; kế hoạch phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông do mưa lũ hoặc dòng chảy, sạt lở bờ biển.

3. Biện pháp cụ thể với một số loại hình thiên tai chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Biện pháp cơ bản phòng chống thiên tai cấp tỉnh chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Nguồn lực, tiến độ hằng năm và 05 năm để thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai

1. Nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 6, Điều 8 Luật Phòng, chống thiên tai được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

2. Tiến độ hằng năm và 05 năm để thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai: Căn cứ danh mục nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án phòng, chống thiên tai để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thực hiện, phân kỳ đầu tư, xác định nguồn lực thực hiện; hằng năm rà soát, cập nhật, bổ sung vào kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh. Bố trí vốn để thực hiện kế hoạch hằng năm và kế hoạch 05 năm.

Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai

Xác định nội dung các nhiệm vụ cụ thể và phân công trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh.

1. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao trong kế hoạch phòng, chống thiên tai; tiến độ và các nguồn lực đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ tại kế hoạch phòng, chống thiên tai.

2. Xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm để thực hiện các mục tiêu đề ra của kế hoạch 05 năm; rà soát, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai hằng năm và 05 năm.

3. Triển khai, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh; tổng hợp, báo cáo, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch hằng năm và 05 năm.

Mục 2. KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI CẤP HUYỆN

Điều 11. Nội dung kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp huyện

1. Các căn cứ pháp lý để lập kế hoạch: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Thủy lợi; kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh; các văn bản hướng dẫn Luật và các văn bản có liên quan.

2. Mục đích, yêu cầu: Phù hợp với kế hoạch phòng, chống thiên tai của cấp tỉnh; chủ trương của Hội đồng nhân dân cấp huyện; tình hình thực tế và nguồn lực của cấp huyện.

3. Đặc điểm tự nhiên, dân sinh, kinh tế - xã hội, bao gồm:

a) Đặc điểm về tự nhiên: Vị trí địa lý; đặc điểm địa hình, địa chất; khí tượng, thủy văn, hải văn.

b) Đặc điểm về dân sinh, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

4. Tình hình thiên tai của địa phương:

a) Các loại hình thiên tai thường xảy ra: Thống kê, đánh giá về cường độ, tần suất, thời gian thường hay xảy ra;

b) Phạm vi ảnh hưởng, lĩnh vực bị ảnh hưởng, các khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai;

c) Thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra ở địa phương;

d) Đánh giá hiện trạng công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.

5. Nội dung và biện pháp phòng, chống thiên tai theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

6. Chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết cho hoạt động phòng, chống thiên tai: Căn cứ phương án ứng phó thiên tai hằng năm của cấp huyện được phê duyệt để chuẩn bị, bao gồm số lượng; cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị; địa điểm dự trữ để đáp ứng sẵn sàng huy động sử dụng khi có thiên tai xảy ra.

7. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

8. Đề xuất nhu cầu về nguồn lực và tiến độ thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

9. Trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

Điều 12. Đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng trên địa bàn cấp huyện

1. Đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội:

a) Đặc điểm dân sinh gồm tổng dân số, mật độ, phân bố dân cư, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương, dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, số hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng của thiên tai cần phải di dời; đặc điểm nhà ở (kiên cố, bán kiên cố, thiếu kiên cố, đơn sơ) và phân bố theo đơn vị hành chính cấp xã; trình độ văn hóa, giáo dục, y tế, đặc điểm dân tộc, tập quán;

b) Đặc điểm kinh tế - xã hội gồm các ngành kinh tế chủ yếu bị ảnh hưởng bởi thiên tai (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ), định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Đặc điểm cơ sở hạ tầng:

Thống kê, đánh giá chung về cơ sở hạ tầng chủ yếu trong phạm vi quản lý, bao gồm: Hệ thống giao thông, thủy lợi; mạng lưới điện, hệ thống thông tin, truyền thông; hệ thống tiêu thoát nước, cấp nước sạch, xử lý môi trường; hệ thống trường học, bệnh viện, trung tâm y tế và cơ sở hạ tầng khác.

Điều 13. Đánh giá hiện trạng công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện

1. Hệ thống chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bao gồm: Thành lập, kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện; xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai, các văn bản chỉ đạo điều hành.

2. Lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ phòng, chống thiên tai: Thống kê số lượng; cơ quan, đơn vị huy động, dự trữ; địa điểm dự trữ; chất lượng, thời hạn sử dụng.

3. Thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai

Đánh giá hiện trạng hệ thống thông tin, truyền thông, cảnh báo thiên tai chung và riêng biệt tại địa phương; các phương thức thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai.

4. Năng lực, nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai

Đánh giá chung về nhận thức, kỹ năng của người dân, cộng đồng và công tác tập huấn phòng, chống thiên tai tại địa phương.

5. Hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai ở địa phương: Thống kê và đánh giá năng lực, mức độ, khả năng chống chịu các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

6. Nguồn lực tài chính để thực hiện công tác phòng, chống thiên tai ở địa phương, đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua nội dung lồng ghép) bao gồm: Ngân sách chi thường xuyên, ngân sách chi đầu tư phát triển, dự phòng ngân sách nhà nước, Quỹ dự trữ tài chính, nguồn vốn ODA, nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn hợp pháp khác.

Điều 14. Nội dung và biện pháp phòng, chống thiên tai

1. Nội dung và biện pháp phòng chống thiên tai phù hợp với từng loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra trên địa bàn, chú ý đến đối tượng dễ bị tổn thương: Xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai của địa phương theo phân cấp; tổ chức thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; tổ chức xác định các khu vực nguy hiểm do các loại hình thiên tai gây ra trên địa bàn; xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai cho loại hình thiên tai cụ thể thường gặp tại địa phương; xây dựng kế hoạch tổ chức thường trực công tác phòng, chống thiên tai hằng năm; xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống thiên tai.

2. Biện pháp cơ bản phòng, chống thiên tai cấp huyện chi tiết tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 15. Đề xuất nhu cầu về nguồn lực và tiến độ hằng năm và 05 năm để thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai

1. Danh mục các công trình phòng, chống thiên tai theo phân cấp cho kế hoạch hằng năm và 05 năm: Tên dự án, địa điểm, dự kiến tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự kiến, bố trí vốn hằng năm.

2. Nhu cầu về nhân lực và tài chính hằng năm và 05 năm để thực hiện các nhiệm vụ: Tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; khảo sát, thống kê xác định các khu vực nguy hiểm do các loại hình thiên tai gây ra trên địa bàn; xây dựng các phương án ứng phó với các loại hình thiên tai cụ thể thường gặp trên địa bàn; kinh phí mua sắm trang thiết bị chuyên dùng cho hoạt động chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai.

Điều 16. Trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai

Xác định nội dung các nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện, kiểm tra theo dõi việc thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp huyện.

1. Nội dung tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể và tiến độ thực hiện trong kế hoạch phòng, chống thiên tai; các nguồn lực đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch phòng, chống thiên tai.

2. Lập kế hoạch thực hiện hằng năm để thực hiện các mục tiêu đề ra của kế hoạch 05 năm; rà soát, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai 05 năm.

3. Triển khai, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai của địa phương; tổng hợp, báo cáo, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch hằng năm và 05 năm.

Mục 3. KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI CẤP XÃ

Điều 17. Nội dung kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp xã

1. Các căn cứ pháp lý để lập kế hoạch: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Thủy lợi; kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp huyện; các văn bản hướng dẫn Luật và các văn bản có liên quan.

2. Mục đích, yêu cầu: Phù hợp với kế hoạch phòng, chống thiên tai của cấp huyện; chủ trương của Hội đồng nhân dân cấp xã; tình hình thực tế và nguồn lực của cấp xã.

3. Đặc điểm về tự nhiên, dân sinh, kinh t ế - xã hội, bao gồm:

a) Đặc điểm về tự nhiên: Vị trí địa lý; đặc điểm địa hình, địa chất; khí tượng, thủy văn, hải văn;

b) Đặc điểm về dân sinh, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng trong phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 18 Thông tư này.

4. Đánh giá hiện trạng công tác phòng, chống thiên tai cấp xã theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.

5. Nội dung và biện pháp phòng, chống thiên tai theo quy định tại Điều 20 Thông tư này.

6. Chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết cho hoạt động phòng, chống thiên tai: Căn cứ phương án ứng phó thiên tai hằng năm của cấp xã được phê duyệt để chuẩn bị, bao gồm số lượng vật tư, trang thiết bị; cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị; địa điểm dự trữ, đơn vị hợp đồng sẵn sàng huy động sử dụng khi có thiên tai xảy ra.

7. Đề xuất nhu cầu về nguồn lực và xác định tiến độ hằng năm và 05 năm để thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai tại địa phương: Căn cứ phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai được phê duyệt, tình hình thiên tai, tình hình dự trữ vật tư, nguồn lực được phân bổ về xã để xác định nhu cầu cần hỗ trợ và tiến độ thực hiện hằng năm của kế hoạch.

8. Xác định trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 21 Thông tư này.

Điều 18. Đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng trên địa bàn cấp xã

1. Đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội:

a) Đặc điểm dân sinh gồm tổng dân số, mật độ, phân bố dân cư, đối tượng dễ bị tổn thương, dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, số hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng của thiên tai cần phải di dời; đặc điểm nhà ở (kiên cố, bán kiên cố, thiếu kiên cố, đơn sơ); trình độ văn hóa, giáo dục, y tế; đặc điểm dân tộc, tập quán;

b) Đặc điểm kinh tế - xã hội các ngành kinh tế chủ yếu bị ảnh hưởng bởi thiên tai (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ), định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Đặc điểm cơ sở hạ tầng: Thống kê, đánh giá về cơ sở hạ tầng chủ yếu trong phạm vi quản lý về giao thông, thủy lợi; mạng lưới điện, hệ thống thông tin, truyền thông; hệ thống tiêu thoát nước, cấp nước sạch, xử lý môi trường; hệ thống trường học, trạm y tế và các cơ sở hạ tầng khác.

Điều 19. Đánh giá hiện trạng công tác phòng, chống thiên tai cấp xã

1. Hệ thống chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Bao gồm thành lập, kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã; thành lập, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

2. Lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ phòng, chống thiên tai: Thống kê số lượng; cơ quan, đơn vị huy động, dự trữ; địa điểm dự trữ.

3. Thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai

Đánh giá hiện trạng hệ thống thông tin, truyền thông, cảnh báo thiên tai chung và riêng biệt tại địa phương; các phương thức thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai.

4. Năng lực, nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai

Đánh giá chung về nhận thức, kỹ năng của người dân, cộng đồng và công tác tập huấn phòng, chống thiên tai tại địa phương.

Điều 20. Nội dung và biện pháp phòng, chống thiên tai

1. Tổ chức thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai

Tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai bao gồm: phát bản tin về phòng, chống thiên tai; phổ biến tài liệu tới người dân và cộng đồng; phát bản tin cảnh báo, bản tin hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai tại địa bàn quản lý.

2. Xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại hình thiên tai cụ thể: Căn cứ tình hình, diễn biến thiên tai tại địa phương, tình hình nhân lực, vật tư và trang thiết bị phục vụ phòng chống thiên tai, tiến hành xây dựng phương án ứng phó.

3. Tổ chức thường trực, cập nhật thông tin diễn biến thiên tai

Tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

4. Xác định khu vực nguy hiểm trên địa bàn quản lý: Căn cứ tình hình thiên tai tại địa phương, đặc biệt các trận thiên tai lịch sử và đặc điểm về địa hình, địa chất của khu vực quản lý để xác định các khu vực nguy hiểm.

5. Chuẩn bị địa điểm sơ tán: Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, vị trí khu vực nguy hiểm, xác định số lượng hộ dân cần sơ tán, khả năng sơ tán để lựa chọn địa điểm, xây dựng phương án và chuẩn bị sơ tán khi có yêu cầu.

6. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống thiên tai, thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, bao gồm: tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống thiên tai theo hướng dẫn; tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai; tổ chức diễn tập ứng phó thiên tai theo phương án được phê duyệt; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Điều 21. Trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai

Ủy ban nhân dân cấp xã xác định nội dung các nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai; tổ chức rà soát và điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai 05 năm; lập kế hoạch thực hiện hằng năm để thực hiện các mục tiêu đề ra của kế hoạch 05 năm; xác định trách nhiệm cụ thể của các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã, các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp xã.

Chương III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm và nguồn kinh phí xây dựng, cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện: Thu thập, phân tích số liệu, dự thảo, tham mưu trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai 05 năm và kế hoạch thực hiện hằng năm; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai của địa phương, mô tả mức độ rủi ro thiên tai đối với từng loại hình thiên tai cụ thể.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các Sở, cơ quan khác theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và rà soát, đề xuất điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai của địa phương.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Chỉ đạo Phòng chuyên môn được giao quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai: Chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan tổ chức thực hiện thu thập, phân tích số liệu, dự thảo, tham mưu trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai 05 năm và kế hoạch thực hiện hằng năm; chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan xây dựng các phương án ứng phó với các loại hình thiên tai cụ thể thường gặp trên địa bàn; đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp xã trong phạm vi quản lý; xây dựng kế hoạch tổ chức thường trực công tác phòng, chống thiên tai hằng năm; chủ trì tổ chức xác định các khu vực nguy hiểm do các loại hình thiên tai gây ra trên địa bàn; phối hợp với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện và các phòng, ban liên quan, xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống thiên tai.

b) Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp với phòng chuyên môn được giao quản lý nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai trong việc xây dựng, thực hiện và cập nhật điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai của địa phương.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Chỉ đạo công chức được giao quản lý nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai: Chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện thu thập, phân tích số liệu, xây dựng dự thảo kế hoạch, tham mưu trình Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai 05 năm và kế hoạch thực hiện hằng năm; phối hợp với công chức Tài chính - Kế toán tham mưu, đề xuất nhu cầu về nguồn lực và kinh phí để thực hiện kế hoạch.

b) Chỉ đạo các công chức và cơ quan khác theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp xây dựng và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai của địa phương.

4. Trong quá trình xây dựng, cập nhật và điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương, cơ quan được giao chủ trì thực hiện có thể thuê tư vấn có đủ năng lực để hỗ trợ thực hiện.

5. Kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương được xây dựng và phê duyệt theo chu kỳ 05 năm tương ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được cập nhật, điều chỉnh hằng năm.

6. Kinh phí xây dựng, rà soát kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương bao gồm Ngân sách nhà nước, Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 23. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai

1. Sau khi Kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp được phê duyệt, Ủy ban nhân dân các cấp báo cáo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo kế hoạch phòng, chống thiên tai với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Quốc phòng để tổng hợp, chỉ đạo.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai hằng năm của địa phương. Nội dung báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp bao gồm:

a) Tình hình, ảnh hưởng thiên tai tại địa phương;

b) Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch hoạch phòng, chống thiên tai tại địa phương;

c) Kết quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tại kế hoạch phòng, chống thiên tai tại địa phương; danh mục nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án phòng, chống thiên tai tại địa phương chi tiết tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Đánh giá thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân;

đ) Đề xuất, kiến nghị.

3. Thời gian chốt số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo:

a) Thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ hằng năm tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước năm báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của năm báo cáo;

b) Thời hạn các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo bằng văn bản cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chậm nhất vào ngày 25 tháng 12 năm báo cáo;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình cụ thể và nội dung yêu cầu báo cáo để xác định thời hạn gửi báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã cho phù hợp.

Điều 24. Quy định chuyển tiếp

Kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương đã được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đã duyệt và hằng năm được đánh giá, cập nhật bổ sung các nội dung theo quy định tại Thông tư này.

Điều 25. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2021.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân kịp thời thông tin về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, sửa đổi./.

Nơi nhận:

- Thủ tướng Chính phủ;

- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Văn phòng Trung ương Đảng;

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chính phủ;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;

- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;

- Bộ trưởng Lê Minh Hoan (để b/c);

- Website Bộ NN&PTNT;

- Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Lưu VT, PCTT (200).

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Hoàng Hiệp

Văn bản có các biểu mẫu đính kèm, mời các bạn sử dụng file tải về để xem nội dung chi tiết.

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Tài nguyên môi trường được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônNgười ký:Nguyễn Hoàng Hiệp
Số hiệu:02/2021/TT-BNNPTNTLĩnh vực:Tài nguyên
Ngày ban hành:07/06/2021Ngày hiệu lực:25/07/2021
Loại văn bản:Thông tưNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 342
0 Bình luận
Sắp xếp theo