Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em bị phạt tiền như thế nào?

Hành vi sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; cung cấp thông tin không có cơ sở khoa học, không chính xác về thuốc lá và tác hại của thuốc lá bị phạt tiền như thế nào? Luật phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực kể từ ngày, tháng, năm nào? Mời bạn đọc đón xem bài viết dưới đây của Hoatieu.vn để cùng tìm hiểu nhé.

Hút thuốc lá gây nên những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, không chỉ đối với bản thân người hút trực tiếp, mà còn ảnh hưởng với những người xung quanh ngửi phải khói thuốc, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai, là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Do đó, việc in ấn, quảng bá hình ảnh thuốc lá trên báo chí, ấn phẩm xuất bản dành riêng cho trẻ em; cung cấp thông tin không có cơ sở khoa học, không chính xác về thuốc lá, tác hại của thuốc lá, gây hiểu lầm cho người đọc là hành vi bị cấm và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

1. Luật phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực kể từ ngày, tháng, năm nào?

Ngày 18 tháng 6 năm 2012, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và ngày 02 tháng 7 năm 2012 Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Luật này.

Luật phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2013. Bao, tút, hộp thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam theo quy định tương ứng của pháp luật về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trước ngày Luật này có hiệu lực sẽ không được sử dụng sau 06 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Dựa trên quan điểm tiếp cận của y tế công cộng, mục tiêu chủ yếu của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá là giảm tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, tính mạng con người, tương lai nòi giống dân tộc và nâng cao sức khỏe cộng đồng bằng việc thực hiện thường xuyên, liên tục các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ và từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá; hạn chế, giảm dần tỷ lệ người sử dụng thuốc lá, đặc biệt là giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân từ thuốc lá. Điều đó cũng phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là chú trọng công tác y học dự phòng tích cực, chủ động kiểm soát và ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

2. Hành vi sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; cung cấp thông tin không có cơ sở khoa học, không chính xác về thuốc lá và tác hại của thuốc lá bị phạt tiền như thế nào?

Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em là hành vi bị cấm theo Điều 9 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012. Vậy mức xử phạt khi sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; cung cấp thông tin không có cơ sở khoa học, không chính xác về thuốc lá và tác hại của thuốc lá bị phạt tiền như thế nào?

Căn cứ Khoản 3, Khoản 6 Điều 29 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định khác về phòng, chống tác hại của thuốc lá:

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em;

b) Cung cấp thông tin không có cơ sở khoa học, không chính xác về thuốc lá và tác hại của thuốc lá;

c) Không đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, không đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ;

d) Không hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh theo quy định của pháp luật.

...

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi sản phẩm để khắc phục, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, d khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều này. Trường hợp không khắc phục được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy;

b) Buộc hoàn trả số tiền lãi từ khoản chênh lệch do nộp chậm khoản đóng góp bắt buộc đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 4 Điều này;

c) Buộc hoàn trả số tiền do sử dụng sai quy định đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 4 Điều này;

d) Buộc hoàn trả số tiền phải nộp và số tiền lãi (nếu có) do kê khai sai, trốn, gian lận khoản đóng góp bắt buộc đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều này.

Theo Khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức khi vi phạm quy định khác về phòng, chống tác hại của thuốc lá:

5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

=> Như vậy, cá nhân có hành vi sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; cung cấp thông tin không có cơ sở khoa học, không chính xác về thuốc lá và tác hại của thuốc lá sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, bị buộc thu hồi sản phẩm sử dụng hình ảnh thuốc lá trên ấn phẩm xuất bản dành riêng cho trẻ em hoặc buộc tiêu hủy.

Còn đối với tổ chức vi phạm thì mức xử phạt sẽ là từ 6 triệu đến 10 triệu đồng.

Mời bạn đọc đón xem các bài viết hữu ích khác tại mục Hỏi đáp pháp luật của Hoatieu nhé.

Đánh giá bài viết
1 15
0 Bình luận
Sắp xếp theo