Quy định đánh giá học sinh tiểu học mới theo Thông tư 27

Quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học

Bộ giáo dục mới ban hành quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học tại Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT. Theo đó việc đánh giá học sinh tiểu học sẽ có nhiều thay đổi mới so với quy định đánh giá học sinh tiểu học tại Thông tư 22.

Thông tư được xây dựng trong bối cảnh từ năm học 2020-2021, Việt Nam triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018), bắt đầu từ lớp 1. Việc ban hành Thông tư là rất cần thiết, đáp ứng chương trình mới, trên cơ sở kế thừa những ưu việt của Thông tư hiện hành.

Đánh giá học sinh tiểu học chủ yếu qua lời nói, quan sát, vấn đáp, không cho điểm

Việc đánh giá học sinh tiểu học bao gồm đánh giá thường xuyên và định kỳ sẽ bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đang triển khai ở lớp 1 năm học này) nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Trong đó, đánh giá thường xuyên được sử dụng bằng nhiều phương pháp linh hoạt như quan sát, vấn đáp, đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh, kiểm tra viết dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận.

Trong đánh giá thường xuyên đối với học sinh tiểu học, quy định mới cũng nghiêng về đánh giá bằng lời nói, nhận xét, không cho điểm.

Việc đánh giá sẽ kết hợp giữa đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.

Đánh giá định kỳ sẽ kết hợp giữa nhận xét và cho điểm. Cụ thể, đánh giá định kỳ diễn ra vào cuối học kỳ I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc gồm: tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, lịch sử và địa lý, khoa học, tin học và công nghệ, sẽ có bài kiểm tra định kỳ để đánh giá học sinh. Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn tiếng Việt, môn toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.

"Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh", thông tư quy định.

Theo ông Thái Văn Tài, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cũng cho biết một trong những điểm mới của thông tư 27 so với các thông tư đánh giá học sinh tiểu học trước đây là quy định rõ hơn về việc khen thưởng học sinh.

Theo đó, vào cuối năm học, hiệu trưởng tặng danh hiệu học sinh xuất sắc hoặc danh hiệu học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh thực sự xuất sắc và xứng đáng, được tập thể lớp công nhận.

Việc khen thưởng đột xuất được áp dụng với học sinh có thành tích đột xuất trong năm học. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Bên cạnh đó, thông tư trên còn quy định hình thức "thư khen" trong hoạt động khen thưởng học sinh.

Cụ thể, "cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt".

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 2.742
0 Bình luận
Sắp xếp theo