Đề xuất tăng mức phạt mua bán dâm, cầm cố căn cước công dân

Tăng mức xử phạt vi phạm an ninh trật tự, tệ nạn xã hội

Bộ Công an đề xuất tăng mức xử phạt lên nhiều lần đối với các hành vi mua bán dâm, sàm sỡ nơi công cộng, báo cháy giả.

Bộ Công an đang đăng tải và lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC và phòng, chống bạo lực gia đình.

Dự kiến, nghị định mới sẽ thay thế Nghị định 167/2013, quy định cùng về các nội dung nêu trên. Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt lên nhiều lần đối với hầu hết các hành vi vi phạm so với Nghị định 167/2013.

Tăng gấp đôi mức phạt mua, bán dâm

Bộ Công an đề xuất phạt 1-2 triệu đồng đối với người có hành vi mua dâm, trường hợp mua dâm từ 2 người trở lên cùng lúc thì phạt 2-5 triệu đồng.

Đề xuất này tăng gấp đôi so với quy định hiện hành tại Nghị định 167/2013, khi người mua dâm bị phạt hành chính từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Với hành vi bán dâm, dự thảo cũng đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng, trường hợp bán dâm cho 2 người trở lên cùng lúc thì áp dụng mức phạt tiền 1-2 triệu đồng.

Nghị định 167/2013 quy định phạt tiền tối đa 300.000 đồng với hành vi bán dâm, nếu bán dâm cho nhiều người cùng lúc sẽ bị phạt 300.000-500.000 đồng.

Tương tự, các hành vi che giấu, bảo kê, giúp sức, lôi kéo, xúi giục, ép buộc hoặc cưỡng bức người khác mua, bán dâm sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng…

Sàm sỡ trong thang máy: Phạt đến 8 triệu đồng

Bộ Công an đề xuất phạt tiền 5- 8 triệu đồng đối với các hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục, khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng. Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm (trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu).

Nghị định 167/2013 không quy định chi tiết về từng hành vi nêu trên, chỉ nêu chung chung rằng xử phạt 100.000-300.000 đồng đối với các hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.

Thời gian qua, dư luận rất bức xúc trước tình trạng hàng loạt vụ sàm sỡ, quấy rối tình dục, nhất là trong thang máy chung cư, công sở...liên tiếp xảy ra. Tuy nhiên, mức phạt đối với hành vi này theo Nghị định 167/2013 lại rất thấp, trung bình chỉ 200.000 đồng, không đủ sức răn đe.

Khắc phục bất cập nêu trên, tại dự thảo nghị định thay thế, Bộ Công an đã liệt kê cụ thể tên của các hành vi quấy rối (sàm sỡ, quấy rối tình dục, khiêu dâm, kích dục), đặc biệt là nâng mức xử phạt tới hơn 25 lần so với quy định hiện hành.

Phạt đến 6 triệu đồng nếu cầm cố CCCD

Bộ Công an đề xuất phạt 4- 6 triệu đồng đối với hành vi làm giả CMND hoặc CCCD (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự); sử dụng CMND hoặc CCCD giả; thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại CMND hoặc CCCD; mua, bán, thuê, cho thuê CMND hoặc CCCD; mượn, cho mượn CMND hoặc CCCD để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Theo quy định tại Nghị định 167/2013, việc cầm cố, thế chấp CMND chỉ bị xử phạt khi hành vi này thực hiện nhằm mục đích thực hiện một hành vi trái pháp luật.

Tuy nhiên, ở dự thảo, Bộ Công an quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này. Theo đó, người dân chỉ cần thực hiện hành vi thế chấp, cầm cố CMND hoặc CCCD là sẽ bị xử phạt theo mức phạt đã nêu ở trên.

Lần đầu tiên có quy định phạt về họ, hụi, biêu, phường

Bộ Công an đề xuất bổ sung riêng một điều luật quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về họ, hụi, biêu, phường. Nghị định 167/2013 không có nội dung này.

Dự thảo quy định phạt 2- 5 triệu đồng đối với hành vi không thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi; không thông báo đầy đủ về số lượng dây họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi tắt là họ), phần họ, kỳ mở họ hoặc số lượng thành viên của từng dây họ mà mình đang làm chủ họ cho người muốn gia nhập dây họ…

Mức phạt 5-10 triệu đồng được áp dụng với hành vi không thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức từ hai dây họ trở lên.

Riêng hành vi lợi dụng việc tổ chức họ để cho vay lãi nặng hoặc huy động vốn trái pháp luật sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.

Báo cháy giả: Phạt đến 6 triệu đồng

Bộ Công an đề xuất phạt tiền 4 - 6 triệu đồng đối với các hành vi báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả; không báo cháy, sự cố, tai nạn hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn.

Theo Nghị định 167/2013, mức xử phạt đối với các hành vi nêu trên là 2-5 triệu đồng. Như vậy, ở mức phạt tối thiểu, Bộ Công an đề xuất tăng lên gấp đôi.

Thời gian qua, nhiều đơn vị công an “đau đầu” với tình trạng cố tình báo cháy giả để trêu đùa, “giết thời gian”. Hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu hộ, cứu nạn. Với việc nâng cao mức phạt, hi vọng sẽ không còn tình trạng báo cháy giả nữa.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất tăng mức phạt đối với nhiều hành vi liên quan đến PCCC, cao nhất là 50 triệu đồng.

Theo Bộ Công an, một số hành vi vi phạm về PCCC tại Nghị định 167/2013 có mức phạt tương đối thấp, chưa có tính răn đe, dẫn đến có tình trạng một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tồn tại tâm lý là chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính vẫn có lợi hơn so với việc chấp hành đúng quy định của pháp luật hoặc có tư tưởng xem nhẹ các sai phạm đó.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 22
0 Bình luận
Sắp xếp theo