Công dân có thể thực hiện quyền khiếu nại trong trường hợp nào sau đây?

Công dân có thể thực hiện quyền khiếu nại trong trường hợp nào sau đây? Quyền khiếu nại là quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp 2013, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây của Hoatieu.vn để hiểu rõ quy định của pháp luật về thực hiện quyền khiếu nại như thế nào nhé.

1. Theo quy định của pháp luật, công dân có thể thực hiện quyền khiếu nại khi?

Theo quy định của pháp luật, công dân có thể thực hiện quyền khiếu nại khi? Hẳn sẽ nhiều bạn thắc mắc câu hỏi này khi mà bản thân có thể sẽ nhầm lẫn giữa tố cáo và khiếu nại. Bạn đọc tham khảo chi tiết để không bị nhầm lẫn giữa 2 khái niệm trên trong bài viết: Điểm khác biệt giữa khiếu nại với tố cáo?

Để hiểu rõ hơn thì Hoatieu.vn xin lấy 1 ví dụ phân tích như sau: Trong bộ đề thi minh họa THPT 2022 mới được Bộ giáo dục đào tạo công bố, quyền khiếu nại của công dân được đề cập tại câu hỏi số 109 trong môn GDCD.

Câu 109: Theo quy định của pháp luật, công dân có thể thực hiện quyền khiếu nại khi?

A. Nhận quyết định xử phạt chưa thỏa đáng

B. Bắt gặp đối tượng xuất cảnh trái phép

C. Chứng kiến hành vi phá rừng đầu nguồn

D. Phát hiện người trốn khỏi nơi cách ly

Đáp án đúng: A - Theo quy định của pháp luật, công dân có thể thực hiện quyền khiếu nại khi nhận quyết định xử phạt chưa thỏa đáng.

Giải thích đáp án: Quyết định xử phạt là quyết định hành chính áp dụng đối với cá nhân, quyết định đó chưa thỏa đáng tức là xâm phạm đến quyền và lợi ích của cá nhân đó. Do vậy, người này có quyền khiếu kiện để cơ quan, tổ chức xem xét lại quyết định xử phạt.

Các đáp án còn lại: B, C, D là những hành vi vi phạm pháp luật, mọi người có quyền tố cáo những hành vi ấy đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, ngăn chặn và xử phạt. Tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Các bạn có thể tham khảo chi tiết đề GDCD và đáp án mới nhất 2023 tại: Đáp án đề tham khảo 2023 môn GDCD thi tốt nghiệp THPT Quốc gia

Công dân có thể thực hiện quyền khiếu nại trong trường hợp nào sau đây?

2. Quyền khiếu nại của công dân được hiểu như thế nào?

Không phải mọi quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước đều là đúng đắn, khi thấy những quyết định đó trái pháp luật hay xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cá nhân có quyền khiếu nại đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó xem xét lại và điều chính cho đúng pháp luật.

Tại Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại 2011 quy định về định nghĩa khiếu nại như sau:

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Nghĩa là khi có một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có sai phạm hay sai lệch mà bất cứ cá nhân, tổ chức nào phát hiện được thì có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền.

Quyền khiếu nại của công dân còn được quy định tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013 như sau:

Điều 30.

1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.

3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

Như vậy, cá nhân có quyền khiếu nại khi thấy những quyết định hành chính trái pháp luật, cá nhân đó được pháp luật bảo vệ để thực hiện quyền của mình, nghiêm cấm các hành vi như trả thù người khiếu nại, lợi dụng quyền khiếu nại để làm hại người khác.

Còn Cơ quan có quyết định hành chính sai phải bồi thường cho người thiệt hại.

3. Người khiếu nại có quyền gì?

Người khiếu nại được pháp luật quy định là công dân, cơ quan, cán bộ tổ chức có quyền thực hiện khiếu nại. Nghĩa là bất cứ ai thấy được sự sai phạm trong quyết định hành chính đều có quyền khiếu nại để điều chỉnh cho chính xác.

Đây còn được coi là hình thức giám sát của nhân dân với cơ quan hành chính nhà nước, nhằm thực hiện đúng theo nghĩa vụ của mình.

Thông thường quyền khiếu nại hay được đề cập đến như một cụm từ "quyền khiếu nại", vậy cụ thể nội dung của quyền khiếu nại là gì? Căn cứ tại Điều 12 Luật Khiếu nại 2011, người khiếu nại có các quyền sau đây:

  • Tự mình khiếu nại:

    Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại;

    Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.

  • Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình: Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
  • Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;
  • Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;
  • Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;
  • Được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại;
  • Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó;
  • Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
  • Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
  • Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính;
  • Rút khiếu nại.

Tuy nhiên, để thực hiện quyền khiếu nại đúng theo quy định của pháp luật, người khiếu nại phải tuân thủ những nghĩa vụ sau đây:

  • Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;
  • Trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;
  • Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành theo quy định.
  • Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

Trên đây, Hoatieu.vn đã phân tích và giúp bạn đọc tìm hiểu về Công dân có thể thực hiện quyền khiếu nại trong trường hợp nào sau đây? Bài viết chỉ mang tính tham khảo, tùy tình huống thực tế có các căn cứ pháp lý khác, nên sẽ có sự sai biệt với nội dung giới thiệu trên.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Hỏi đáp pháp luật.

Đánh giá bài viết
2 10.894
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm