Phân tích bài thơ Mầm non của Võ Quảng

Phân tích bài thơ Mầm non

Võ Quảng là nhà thơ trẻ mãi với những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Thơ ông nhẹ nhàng, hóm hỉnh như khúc đồng dao. Ngôn ngữ và cảm xúc trong sáng, ý tưởng tươi tắn, hồn nhiên, cách diễn đạt giản dị, chắc khoẻ, bất ngờ, hóm hỉnh và tinh tế đó là phong cách nghệ thuật và hồn thơ đậm đà của Võ Quảng. Sau đây là bài văn mẫu phân tích bài thơ Mầm non của Võ Quảng, mời các bạn cùng tham khảo.

Bài thơ “Mầm non” của Võ Quảng

Dưới vỏ một cành bàng

Còn một vài lá đỏ,

Một Mầm Non nho nhỏ

Còn nằm ép lặng im.

Mầm non mắt lim dim

Cố nhìn qua kẽ lá

Thấy máy bay hối hả

Thấy lất phất mưa phùn

Rào rào trận lá tuôn

Rải vàng đầy mặt đất

Rừng cây thông thưa thớt

Như chỉ cội với cành...

Mầm Non vừa nghe thấy

Vội bật chiếc vỏ rơi

Nó đứng dậy giữa trời

Khoác áo màu xanh biếc.

Phân tích bài thơ năm chữ Mầm non

Sức sống mùa xuân, âm thanh mùa xuân rạo rực trong từng làn da thớ thịt của có cây hoa lá được nhà thơ Võ Quảng lắng nghe bằng cả tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết và thể hiện vô cùng tinh tế trong bài thơ ngũ ngôn “Mầm non” hết sức đáng yêu.

Võ Quảng là nhà thơ trẻ mãi với những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Thơ ông nhẹ nhàng, hóm hỉnh như khúc đồng dao. Ngôn ngữ và cảm xúc trong sáng, ý tưởng tươi tắn, hồn nhiên, cách diễn đạt giản dị, chắc khoẻ, bất ngờ, hóm hỉnh và tinh tế đó là phong cách nghệ thuật và hồn thơ đậm đà của Võ Quảng. Với hai mươi sáu câu thơ ngũ ngôn không non lép một từ nào, bài thơ “Mầm non” đã hội đủ tất cả những phẩm chất tốt đẹp của phong cách nghệ thuật và hồn thơ đáng yêu ấy.

Mầm non - biểu tượng của linh hồn thơ bé, biểu tượng cho cái mới, cái tươi non, xinh đẹp trong cuộc đời được nhà thơ Võ Quảng quan sát bằng con mắt tỉnh tường và một trái tim giàu yêu thương. Trong tấm áo xù xì của thân bàng mẹ mầm non đang nín thở chờ đợi. Sự tinh tế của thi sĩ là đã “nghe”, đã “thấy” đã “biết” bước đi của mùa xuân qua hai tín hiệu “lá đỏ” và “Mầm Non”

“Dưới vỏ một cành bàng

Còn một vài lá đỏ,

Một mầm non nho nhỏ

Còn nằm ép lặng im.”

Mầm Non “lim dim” đôi mắt, nép mình chờ đợi khoảnh khắc tuyệt diệu của chúa Xuân đang khẽ nhón gót chân đi dạo khắp nhân gian, đang lắng nghe sự chuyển mình của đất trời, của vạn vật, cỏ cây hoa lá, của thiên nhiên vũ trụ - bước chuyển mình của cuối đông đầu xuân. Mây “hối hả” bay, mưa phùn “lất phất” rây bụi mờ:

“Mầm Non mắt lim dim

Cổ nhìn qua kẽ lá

Thấy mây bay hối hả

Thấy lất phất mưa phùn”.

Cảnh vật như vừa bừng tỉnh, tưởng như còn nhiều vương vấn. “Mầm Non” vẫn nép mình nằm chờ đợi mùa xuân ... lắng nghe lá rơi “rào rào” theo chiều gió cuốn. mặt đất rải lá vàng. Không gian trở nên thoáng đãng. Rừng thưa thớt. Cây trụi lá, trơ cành, tích nhựa chờ xuân để đâm chồi này lộc. Lão già Mùa Đông đã kết thúc cuộc hành trình của mình. Nàng Xuân nhẹ nhàng nhún bước trên mặt đất, đất chợt hồi sinh:

“Rào vào trận lá tuôn

Rải vàng đầy mặt đất

Rừng cây thông thưa thớt

Như chỉ cội với cành...”

Mọi vật đang hồi sinh, đang cựa mình đón Xuân. Tất cả đang đợi chờ chúa Xuân. Cùng với Mầm Non, thi sĩ đã mơ hồ cảm nhận sự chuyển mình hết sức tinh vi của đất trời, tạo vật:

“Một chú thỏ phóng nhanh

Chạy nấp vào bụi vắng

Và tất cả im ắng

Từ ngọn cỏ làn rêu...”

Nàng xuân đã đến thật rồi! Một buổi sớm mai, một âm thanh của chim muông “chiếp chiu, chiu! Xuân tới”. Vạn vật bừng lên sức sống, bừng nở cùng lúc đón chào nàng Xuân. Tiếng chim kêu – tín hiệu vui – cảnh vật như đang cựa mình, khúc nhạc Xuân cùng tấu lên vui nhộn. Nước suối dâng đầy, như vừa “róc rách” chảy, vừa cất tiếng “reo mừng”. Ngàn vạn chim muông tung cánh “hát ca vang dậy” đón chào Chúa Xuân đang tới. Khúc nhạc xuân tưng bừng. Vũ điệu mùa xuân thêm náo nức, hớn hở, say mê. Điệp ngữ “tức thì” như hai nốt nhạc du dương trong giai điệu hối hả mà ngọt ngào: Suối reo, chim hót, Mầm Non và nhà thơ cùng reo, cùng hát khúc hoan са:

“Chợt một tiếng chim kêu

- Chiếp chiu, chiu! Xuân tới!

Tức thì trăm ngọn suối

Nổi róc rách reo mừng

Tức thì ngàn chim muông

Nổi hát ca vang dậy”

Và Mầm Non sau bao ngày chờ đợi “nằm ép lặng im” đã “nghe thấy”, đã cựa mình, rồi “đứng dậy”, rồi “khoác áo màu xanh biếc” - Hình tượng khoẻ và đẹp, tượng trưng cho mùa xuân, vẻ đẹp thanh xuân và tinh khôi của thiên nhiên. Hình tượng Mầm Non còn là cái mới, cái trẻ trung, tươi đẹp, sức sống mới, là cái đẹp xuất hiện thay thế cho cái cũ kĩ, già nua.

Thơ Võ Quảng có rất nhiều loại nhạc điệu đa dạng, trẻ em thích và dễ thuộc, vì nhạc điệu đó ông hay sáng tác thơ có âm điệu giống như đồng dao, giọng điệu vui tươi, sinh động. Nhà thơ khai thác tối đa các phép nhân hóa, so sánh, xây dựng các hình ảnh liên tưởng độc đáo và vui tươi. Sử dụng các biện pháp tu từ, dùng nhiều từ láy làm cho vốn từ của trẻ thêm sinh động và hấp dẫn hơn, tạo sự chắc khỏe, vui tươi. Bởi lẽ đó bài thơ “Mầm non” như khúc nhạc say mê khiến bao trẻ em yêu mến.

Mọi sự chuyển động của thiên nhiên trong mùa xuân đều được thay đổi và lớn dần trong đôi mắt của Mầm non. Hình ảnh Mầm Non thật đẹp, là biểu tượng của sức sống mùa xuân, của vẻ đẹp tinh khôi trước thiên nhiên. Mầm non ra đời trong sự chuyển động tươi vui của thiên nhiên tạo vật. Sức sống mùa xuân đang ứ đầy trong làn da thớ thịt của Mầm Non. “Mầm Non” là khúc ca mùa xuân, là vũ điệu mùa xuân và còn là khát vọng mùa xuân.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 7 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
13 3.109
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm