Nguyên nhân sụp đổ của Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Hoatieu xin chia sẻ các nguyên nhân từ sâu xa đến trực tiếp, từ khách quan đến chủ quan dẫn đến sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Mời các bạn tham khảo trong bài.

1. Nguyên nhân sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô?

  • Một là, do đường lối lãnh đạo mang tính chủ quan, duy ý chí; cùng với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp làm cho sản xuất trì trệ, đời sống nhân dân không được cải thiện. Thêm vào đó là sự thiếu dân chủ và công bằng đã làm tăng thêm sự bất mãn trong quần chúng.
  • Hai là, không bắt kịp bước phát triển của khoa học – kĩ thuật tiên tiến. Điều này dẫn tới tình trạng trì trệ, khủng hoảng về kinh tế, xã hội. Minh chứng là vào những năm 70 của thế kỉ XX, Liên Xô phải nhập lương thực của các nước Tây Âu.
  • Ba là, khi tiến hành cải tổ lại phạm phải sai lầm trên nhiều mặt làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng. Đặc biệt là sai lầm khi thực hiện chế độ đa nguyên đa đảng, từ bỏ quyền lãnh đạo cao nhất của Đảng.
  • Bốn là, sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước có tác động không nhỏ làm cho tình hình trở nên thêm rối loạn.
Nguyên nhân chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sụp đổ
Nguyên nhân chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sụp đổ

1.1. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô là do sự chậm đổi mới đối với những bất cập trong mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội trước những biến đổi của hoàn cảnh lịch sử.

Ở Liên Xô, sau khi V.l. Lênin qua đời. Chính sách kinh tế mới không được tiếp tục thực hiện mà chuyển sang kế hoạch hoá tập trung cao độ. Thời gian đầu, kế hoạch hoá tập trung đã phát huy mạnh mẽ tác dụng, song đã biến dạng thành kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô vẫn tiếp tục duy trì mô hình này. Mô hình này đã tuyệt đối hoá cơ chế kế hoạch hoá tập trung cao, từ bỏ hay gần như từ bỏ một cách chủ quan duy ý chí nền kinh tế hàng hoá, cơ chế thị trường, thực hiện chế độ bao cấp tràn lan, triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của người lao động.

Do chậm đổi mới cơ chế kinh tế, hệ thống quản lý, nói chung là chậm đổi mới mô hình của chủ nghĩa xã hội, nên hậu quả là Liên Xô đang rút ngắn dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế so với các nước tư bản phát triển thì từ giữa những năm 70 của thế kỷ XX tình hình diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Sự thua kém rõ rệt của Liên Xô thể hiện trong lĩnh vực công nghệ và năng suất lao động.

Những sai lầm chủ quan nghiêm trọng kéo dài đã nói ở trên cản trở sự đổi mới đúng đắn là nguyên nhân sâu xa làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa bị suy yếu, rơi vào khủng hoảng.

1.2. Nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô

Nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp dẫn tới sự khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô là do những sai lầm nghiêm trọng trong đường lối chính trị, tư tưởng, tổ chức trong tiến trình cải tổ ở Liên Xô không được nhanh chóng sửa chữa và sự can thiệp của các thế lực thù địch đối với chủ nghĩa xã hội.

Cụ thể:

Thứ nhất, về những sai lầm nghiêm trọng trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức không được nhanh chóng sửa chữa.

Cuộc cải tổ ở Liên Xô bắt đầu từ năm 1986 đã kết thúc trong sự đổ vỡ hoàn toàn năm 1991 vì đường lối cải tổ thực chất là đường lối trượt dài từ cơ bội hữu khuynh đến xét lại, đến từ bỏ hoàn toàn chủ nghĩa Mác - Lênin.

Những người lãnh đạo cải tổ lùi dần từng bước, từng bước, thậm chí ngày càng công khai tuyên bố từ bỏ những mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà họ đã từng hứa hẹn, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Hội nghị Đảng toàn quốc lần thứ 19 (năm 1988) chủ trương chuyển trọng tâm sang cải tổ hệ thống chính trị trên cơ sở cái gọi là “tư duy chính trị mới". Nhóm lãnh đạo cải tổ tìm cách loại bỏ khỏi uỷ ban Trung ương Đảng hàng loạt những người không tán thành đường lối sai lầm của cải tổ, kiên trì đường lối chủ nghĩa Mác - Lênin. Những người ngấm ngầm hoặc công khai thù địch với chủ nghĩa Mác - Lênin chiếm các vị trí chủ chốt trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Bằng phát súng lệnh “công khai”, “dân chủ”, “không có vùng cấm”, cải tổ dã nhanh chóng tạo ra làn sóng phê phán, công kích, bôi đen tất cả những gì gắn với lịch sử 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ định sạch trơn mọi thành tựu của chủ nghĩa xã hội. Nó gây hoang mang, xáo động đến cực độ trong tư tưởng xã hội, phá vỡ niềm tin của quần chúng đối với những giá trị của chủ nghĩa xã hội. Người ta sử dụng toàn bộ phương tiện thông tin đại chúng để làm việc này và chiến dịch tuyên truyền, đào bới, phủ định, xuyên tạc quá khứ được các đài, báo phương Tây tiếp sức mạnh mẽ và lái theo những ý đồ, mục đích đen tối của chúng.
Thứ hai, về sự can thiệp của các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội.

Các chiến lược gia phương Tây sớm nhận ra “cái gót chân Asin” của cải tổ: đó là đường lối xét lại, là hệ tư tưởng tư sản, là chính sách thoả hiệp, nhân nhượng vô nguyên tắc với Mỹ và phương Tây thể hiện tập trung ở “tư duy chính trị mới”. Các thế lực bên ngoài tác động vào cải tổ cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Hứa hẹn viện trợ kinh tế được dùng làm một thứ vũ khí rất lợi hại để lái cuộc cải tổ theo quỹ đạo mà phương Tây mong muốn. Chủ nghĩa đế quốc đã đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hoà bình” trong nội bộ Liên Xô và Đông Âu.

Tóm lại, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc cùng với sự phản bội từ bên trong và từ trên chóp bu của cơ quan lãnh đạo cao nhất là nguyên nhân trực tiếp làm cho Liên Xô sụp đổ. Hai nguyên nhân này quyện chặt vào nhau, tác động cùng chiều, tạo nên một lực cộng hưởng rất mạnh và nhanh như một cơn lốc chính trị trực tiếp phá sập ngôi nhà xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên, xét cho cùng chính bọn cơ hội, xét lại và phản bội, sự mất cảnh giác cách mạng trong hàng ngũ những người cộng sản đã tạo ra “cơ hội vàng” cho chủ nghĩa đế quốc “chiến thắng mà không cần chiến tranh”.

2. Nguyên nhân sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu

Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu
Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu

2.1. Nguyên nhân khách quan khiến chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ

  • Một là, xây dựng chủ nghĩa xã hội là con đường hoàn toàn mới mẻ, khó khăn, phức tạp chưa có tiền lệ trong lịch sử
  • Hai là, sự chống phá quyết liệt của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc đối với chủ nghĩa xã hội thế giới.
  • Ba là, hầu hết các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa có điểm xuất phát thấp, cơ sở vật chất, kỹ thuật và trình độ phát triển về kinh tế so với chủ nghĩa tư bản còn hạn chế.
  • Bốn là, về mặt khách quan, ảnh hưởng quá lớn của mô hình Xô Viết dẫn tới “áp đặt mô hình Xô Viết”, coi đó là mô hình duy nhất của chủ nghĩa xã hội.

2.2. Nguyên nhân chủ quan khiến chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ

  • Một là, hạn chế trong tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận của Đảng Cộng sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa trong việc tìm kiếm mô hình phù hợp với quốc
    gia, dân tộc mình.
  • Hai là, những yếu kém, khuyết điểm trong đường lối chính trị, sự vận hành kém hiệu quả của hệ thống chính trị và pháp luật xã hội chủ nghĩa.
  • Ba là, ở nhiều quốc gia, công tác xây dựng Đảng đã bị vi phạm cơ bản
  • Bốn là, sự mâu thuẫn, mất đoàn kết, thiếu thống nhất trong nội bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa

=> Nguyên nhân mang tính chất giáo điều đưa đến sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu là: Xây dựng một mô hình về CNXH không phù hợp với sự biến đổi của thế giới và thực tế khách quan.

3. Sự sụp đổ của độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu dẫn đến hậu quả gì?

Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ đồng nghĩa với việc Chủ nghĩa xã hội đã thất bại trên chính quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Sự tàn lụi của chủ nghĩa xã hội vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 được coi là "bi kịch lớn nhất", "cơn đại địa chấn chính trị" của thế kỷ XX; là tổn thất rất lớn đối với phong trào cộng sản và công nhân, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam. Chúng ta mất đi người anh cả của chủ nghĩa xã hội, mất đi điểm tựa vững chắc trên con đường chập chững xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Có thể thấy rõ, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô là sự kết thúc của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Đây là tổn thất hết sức nặng nề đối với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc thế giới và lực lượng tiến bộ trong cuộc đấu tranh vì độc lập chủ quyền dân tộc, vì sự hoàn bình ổn định và tiến bộ xã hội.

Thứ 2, đối với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại như Việt Nam, Cu ba, Trung Quốc và các đảng cộng sản đơn lẻ ở một số nước, Liên Xô sụp đổ dẫn đến hậu quả khiến các đảng cộng sản mất đi điểm tựa vững chắc về tư tưởng và kinh tế. Những tổ chức tương trợ kinh tế, tổ chức hiệp ước Vác-sa-va cũng quyên bố giải thể. Theo đó những thành phần cơ hội xuất hiện bắt đầu thực hiện âm mưu chống phá Đảng từ bên trong, gây ra rất nhiều khó khăn cho các Đảng Cộng sản thời kỳ cuối thế kỷ XX.

Bắt nguồn từ những nguyên nhân sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, đặt ra bài học lịch sử cho Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa ngày nay cần có mô hình xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa phù hợp với thời đại, đổi mới nhưng vẫn phải dựa trên nguyên tắc xây dựng Đảng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

4. Việt Nam rút ra bài học gì sau sự sụp đổ của Liên Xô

Cách đây 32 năm, vào một đêm đông lạnh giá ngày ngày 25.12.1991, lá cờ đỏ búa liềm từ đỉnh tháp Kremli đã bị hạ xuống sau 74 năm tung bay, đánh dấu sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, tạo nên cơn địa - chính trị chấn động thế kỷ XX. Sự sụp đổ của anh cả Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, để lại cho Việt Nam nhiều bài học sâu sắc về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội như sau:

- Thứ nhất, một trong những nguyên nhân gây sụp đổ, tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, công tác cán bộ…, không làm đúng những điều lãnh tụ Lê-nin đã cảnh báo. Đường lối lãnh đạo mang tính chủ quan, duy ý chí (chấp nhận chế độ đa nguyên, đa đảng và tiến hành tổng tuyển cử). Do đó, với Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, cần không ngừng tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng => Vấn đề xây dựng Đảng là vấn đề sống còn của Đảng để vươn lên làm tròn trọng trách trước dân tộc, trước nhân dân. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.

- Thứ hai, chúng ta cần kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Bởi nền tảng tư tưởng đúng đắn chính là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Đảng ta cần vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn, trong tình hình thế giới có nhiều biến động hiện nay.

- Thứ ba, một nguyên nhân khác rất quan trọng khiến Liên Xô tan rã là khi những người lãnh đạo bắt đầu bị thoái hoá biến chất, nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình, tự phê bình không được thực hiện nghiêm túc, nên chủ nghĩa xã hội mới thoái trào và cuối cùng là chuyên quyền, độc đoán, chỉ mang tính cá nhân rồi dẫn đến tan rã. => Do đó, Đảng ta và các Đảng viên phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng... Nếu Đảng mất cảnh giác, xa rời các nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Đảng thì sẽ bị suy yếu, thậm chí tan rã, sụp đổ.

- Thứ tư, lấy nhân dân làm gốc, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng trân trọng nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thành vô địch”. => Như vậy, việc chăm lo lợi ích cả về vật chất và tinh thần cho quần chúng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là việc cần làm thường xuyên, có vai trò rất quan trọng, thể hiện mối quan hệ bền chắc giữa Đảng và nhân dân.

- Thứ năm, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội và hệ thống chính trị. Theo đó phải giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng vũ trang. Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng chủ yếu để bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân.

=> Ngày nay, các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách chống phá, âm mưu "diễn biến hòa bình" chống chủ nghĩa xã hội, phá hoại Đảng ta. Trong khi đó, đáng lý đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Nhưng thực tế, một bộ phận đảng viên hiện nay có năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng. Đây là khó khăn rất lớn đòi hỏi Đảng ta phải có giải pháp đồng bộ, lèo lái con thuyền xã hội chủ nghĩa vững bước vượt qua con sóng của thời kỳ hội nhập.

Những bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô luôn đòi hỏi các Đảng Cộng sản trên thế giới nói chung và Đảng ta, đảng viên và quần chúng nhân dân phải luôn tỉnh táo, nhìn nhận đánh giá tình hình một cách khách quan. Việc nắm rõ bản chất lịch sử là điều kiện cấp thiết nhằm góp phần tìm ra các giải pháp để giữ vững mục tiêu, lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng và sự trường tồn của dân tộc.

Trên đây là tổng hợp tất cả các nguyên nhân sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, từ nguyên nhân sâu xa, trực tiếp đến nguyên nhân khách quan, chủ quan. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các bài viết liên quan khác trong mục Học tập của Hoatieu nhé.

Đánh giá bài viết
14 45.082
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi