Giải thích câu tục ngữ Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại

Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại là câu tục ngữ được ông cha ta đúc kết lại với ý nghĩa dạy con người nên tha thứ bỏ qua cho những người đã nhận ra lỗi lầm của mình. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu dàn ý giải thích câu tục ngữ Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại cũng như các bài văn mẫu giải thích và nêu ý nghĩa câu tục ngữ: Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại giúp người đọc hiểu rõ hơn về ý nghĩa của câu tục ngữ này.

1. Dàn ý giải thích câu Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại

1. Mở bài

Giới thiệu câu tục ngữ: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”.

2. Thân bài

a. Giải thích câu tục ngữ “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”:

– “Đánh kẻ chạy đi”: những người mắc lỗi mà không biết ăn năn, hối cải mà vẫn tiếp tục mắc sai lầm.
– “Không ai đánh người chạy lại”: Cần tha thứ, bỏ qua lỗi lầm cho những người biết nhận ra lỗi lầm của mình và có ý thức sửa sai để hoàn thiện mình.

=> Câu tục ngữ khẳng định sự cần thiết của lòng bao dung và thức tỉnh mỗi người khi không may phạm sai lầm phải nhìn thẳng vào sự việc, chịu trách nhiệm với lỗi lầm của mình.

b. Vì sao cần phải tha thứ, bao dung trong cuộc sống?

– Trong cuộc sống, ai cũng từng phạm sai lầm, dù ít, dù nhiều, dù vô tình hay cố ý mỗi sai lầm đều khiến chúng ta thất vọng, tiếc nuối.

– Nếu sai lầm không được tha thứ thì những người phạm sai lầm và không có cơ hội sửa chữa, làm lại cuộc đời.

– Nếu nhận được bao dung, tha thứ vì lỗi lầm mình gây ra, những người đó sẽ thấy lòng nhẹ nhàng hơn, vơi bớt phần nào những áp lực vì lỗi lầm mình phạm phải.

– Sự tha thứ và động viên từ người khác như một liều thuốc tinh thần hữu hiệu ngay lúc ấy để họ được ủi an, sẻ chia, từ đó cố gắng sửa sai, hoàn thiện bản thân mình, tránh những sai lầm trong tương lai.

– Khi chúng ta biết bao dung, tha thứ cho lỗi lầm người khác, chúng ta cũng được thanh thản và vui vẻ hơn rất nhiều.

– Những người được tha thứ họ cũng tôn trọng, xem mình như là chỗ dựa tinh thần để vượt qua.

– Bao dung cho người khác sẽ góp phần tạo nên những mối quan hệ bền chặt, tốt đẹp, đầy tình người trong cuộc sống.

c. Biểu hiện:

– Trải qua bao mất mát, đau thương từ cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, Mĩ. Bước vào giai đoạn hòa bình, Việt Nam vẫn thể hiện thái độ hoà hiếu, tôn trọng quốc gia, cùng nhau hợp tác phát triển với những quốc gia này.

– Những tù nhân sau khi trở về với cuộc sống đời thường được người thân, bạn bè, làng xóm động viên, giúp đỡ, nhờ vậy mà đã tạo nên sức mạnh cảm hoá kì diệu cho những lầm lạc họ từng gây ra, dần trở nên tốt đẹp hơn.

– Cha mẹ tha thứ cho sai phạm của con, thầy cô tha thứ cho lỗi lầm của trò,…

d. Liên hệ:

– Nuôi dưỡng lòng bao dung trong cuộc sống.

– Sáng suốt, tỉnh táo, tránh tha thứ cho những kẻ xảo tra, dối gian.

3. Kết bài

Khẳng định ý nghĩa của câu tục ngữ.

2. Ý nghĩa câu Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại

Vế thứ nhất ý muốn nói con người ta khi mắc lỗi vẫn không biết ăn năn hối cải để mong mọi người tha thứ mà vẫn tiếp tục sai lầm nối tiếp sai lầm. Vế thứ hai là ý muốn nói khi con người ta mắc lỗi, biết mình sai, biết nói lời xin lỗi.

Câu tục ngữ không chỉ giải thích cho ta hiểu về sự bao dung, chấp nhận lời xin lỗi của con người, mà cũng như một lời nhắc nhở mỗi chúng ta khi mắc lỗi lầm hãy biết nhìn thẳng vào sự việc.

3. Giải thích câu tục ngữ Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại - mẫu 1

Cả “kẻ chạy đi” và “người chạy lại” đều là những người đã mắc phải lỗi lầm. Nhưng “kẻ chạy đi” là những người không biết hối hận, vẫn tiếp tục phạm lỗi dù đã được nhắc nhở nhiều lần. Còn “người chạy lại” là những người đã nhận ra được lỗi của mình và quyết tâm khắc phục, sửa chữa. Chúng ta cần có thái độ khoan dung, độ lượng với những “người chạy lại” và kiên quyết, dứt khoát tẩy chay với những “kẻ chạy đi”. Đó chính là truyền thông đạo đức của cha ông ta truyền lại.

Đây cũng là câu ẩn dụ nói về tính cách nhân hậu của người Việt Nam ta. Chúng ta sẵn sàng tha thứ cho những ai có lỗi mà biết ăn năn hối lỗi .Những người phạm lỗi đáng trách nhưng nếu biết hối lỗi thì sẽ được thông cảm , sẽ có cơ hội phục hồi trở về với cộng đồng. Ngay trong luật pháp của nước ta cũng thể hiện điều này rất rõ, những người thành tâm chuộc lỗi bao giờ cũng được khoan hồng.

Con người chúng ta không ai là hoàn hảo, ai cũng đã từng có những lỗi lầm. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta nhận ra lỗi lầm và biết sửa chữa, tất cả mọi người sẽ thông cảm và tha thứ. Chính vì vậy mà ông cha ta đã đúc kết nên câu tục ngữ: “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Câu tục ngữ như một lời khuyên nhẹ nhàng cho chúng ta nếu biết hối lỗi và quay đầu lại sẽ được mọi người tha thứ.

Truyền thống của dân tộc Việt Nam ta bao đời nay là “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Chúng ta sẵn sàng tha thứ, bỏ qua cho những người đã nhận ra lỗi lầm của mình, để họ có cơ hội sửa sai, làm lại. Chính sách của Đảng và Nhà nước ta là khoan hồng với những người lầm lỡ, kiên trì giáo dục, thuyết phục để họ nhận thức được hành vi sai trái của mình và giúp đỡ để họ sửa chữa lỗi lầm, trở thành những người có ích cho xã hội.

Trong những cuộc biểu tình, tụ tập đông người vừa qua, đối với những người “nhẹ dạ cả tin” bị bọn người xấu lừa gạt, xúi dục, kích động, nên đã có những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, chúng ta đã có biện pháp kết hợp giữa chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục họ. Bởi vì, ai cũng đã nhận ra sai lầm của mình và có lòng hối hận vì những chuyện đã qua.

Dân tộc Việt Nam ta xưa nay vốn khoan dung và độ lượng nên việc tha thứ và thông cảm cho những người biết quay đầu là lẽ đương nhiên. Lòng tốt bụng, lòng bao dung sẽ khiến con người ta trở nên thay đổi theo những hướng tích cực hơn. Đó cũng là bài học về cách cư xử của người xưa truyền lại cho thế hệ chúng ta bây giờ.

Chúng ta dễ dàng thấy được điều này trong cách nuôi dạy con nhỏ của người Việt. Cha mẹ thường hay nhẹ nhàng với con, dạy con cảm ơn và xin lỗi khi nhận được giá trị từ người khác. Nếu lời xin lỗi và thái độ chân thành, con sẽ được bỏ qua lỗi lầm và làm lại từ đầu. Tuy nhiên, con sẽ bị nghiêm trị nếu sai mà còn cố chấp không nhận. Như vậy, đức tính đó sẽ dần dần hình thành từ khi trẻ còn nhỏ cho đến khi khôn lớn nên người.

Thật lòng, sự bao dung không phải ai cũng có được vì khó có ai tha thứ được cho người đã từng làm tổn thương mình. Thế nhưng, con người chúng ta vốn vẫn biết sống tình cảm, biết xót thương và mủi lòng trước thái độ hối lỗi của ai đó. Và khi nhìn thấy họ biết sai sửa sai, tìm cách bù đắp thì sẽ dễ dàng tha thứ. Cha mẹ luôn bao dung với con cái dù chúng có phạm phải sai lầm nghiêm trọng như thế nào. Những người càng thân thiết thì càng dễ tha thứ cho nhau vì tình cảm luôn lấn áp lý trí.

Tuy vậy, chúng ta cũng nên sáng suốt nhận ra rằng đâu là lời xin lỗi chân thành và đâu chỉ là sự hối cải nằm ở trên miệng. Lời xin lỗi sáo rỗng mà lòng dạ xảo trá thì không đáng để được tha thứ.

Khoan dung là một phẩm chất đáng trân trọng của con người. Khoan dung là biết tha thứ, bỏ qua cho những sai lầm thiếu sót của người khác; là biết chấp nhận những yếu đuối sai phạm của người khác và giúp họ đứng lên sau vấp ngã. Khoan dung, còn nghĩa là tự tha thứ cho chính mình…

Không chỉ là biểu hiện của một tấm lòng nhân ái cao đẹp, lòng nhân ái đã thấm đượm tình người, khoan dung còn là phẩm chất của một con người biết mình biết ta. Không ai là không phạm sai lầm. Chính khi khoan dung với người khác là bạn đang chuẩn bị cho mình “một lối đi về”… Bởi cũng sẽ đến lượt bạn sa ngã, bạn phạm lỗi. Ai sẽ tha thứ cho bạn nếu bạn không từng biết tha thứ? Ai sẽ chấp nhận bạn nếu bạn từng không đoái hoài đến sự ăn năn hối lỗi của người khác? Và ai sẽ khoan dung với bạn nếu bạn chưa từng khoan dung với kẻ khác đây?

Chúng ta luôn sẵn sàng sự khoan dung và tha thứ đối với những người biết hối lỗi và quay đầu cũng như dành sự nghiêm trị cho những kẻ không biết hối cãi. Theo bao nhiêu năm, thế hệ tuổi trẻ tương lai vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy lòng nhân ái từ cha ông truyền lại. Ai cũng có những lỗi lầm và nếu bạn thật lòng biết sai thì không ai mãi dồn ép bạn được.

Chỉ hy vọng rằng, chúng ta không phạm cùng một sai lầm vào nhiều lần nữa và hãy luôn phấn đấu để rèn luyện bản thân một cách hoàn thiện hơn.

4. Giải thích câu Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại - mẫu 2

"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

Ông cha ta đâu chỉ đang nhắc chuyện bầu, chuyện bí. Câu ca dao còn mang thông điệp nhân văn về lòng thương người, nhân ái, bao dung. Vậy thế hệ tiếp nhận bài học đó có còn hiểu và thực thi lòng khoan dung trong cuộc sống đúng cách?

Ba chữ “lòng khoan dung” rất dễ hiểu. Khoan dung là sự rộng lòng tha thứ cho người có lỗi lầm. Tuy nhiên, nếu nói “lòng khoan dung” thì bạn nên hiểu rộng hơn đó là bao dung, vị tha, biết đùm bọc, che chở, thậm chí hy sinh lợi ích cá nhân cho một điều gì đó xứng đáng. Đây là một đức tính tốt đẹp của con người.

Đúng như nghĩa chính nhất của nó, khoan dung biểu hiện ở cách bạn biết tha thứ lỗi lầm. Không ai sinh ra mà hoàn hảo cả. Trong cuộc sống, ít nhiều sẽ mắc lỗi, bản thân mỗi chúng ta đều hiểu điều đó. Khi bản thân bạn mắc lỗi, bạn cũng cần được tha thứ. Do vậy, hãy tha thứ cho một ai đó khi họ mắc phải lỗi lầm. Lấy ví dụ trong lớp học, môi trường gần gũi với chúng ta nhất. Giả sử trong lớp có bạn bị phát hiện trộm cắp một món đồ của một học sinh khác. Bạn đó biết lỗi và đã trả lại món đồ. Cô giáo và các bạn khác đã tha thứ, bỏ qua và lại quan hệ hòa đồng với nhau trở lại. Biết tha thứ và từ bỏ ý niệm xấu xa trong mình, điều đó không gì khác ngoài lòng khoan dung.

Khoan dung biểu hiện cao cả hơn trong những vấn đề tế nhị hơn. Hãy nghĩ tới những ngày kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bão lửa. Khi giặc thua, đầu hàng, quân dân ta đã tha tội, thậm chí lo toan đủ miếng ăn, áo mặc và trả lính về với quê hương họ. Việc làm ấy khiến không ít bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Bản thân quân lính thua trận cũng tôn trọng quân và dân ta hơn.

Tôi khá tâm đắc một câu nói của Nam Cao: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình”. Có thể coi đây là một định nghĩa khác cụ thể hơn về khoan dung. Khoan dung biểu hiện trong cách bạn đối xử với người khác, đặc biệt là người yếu thế. Bạn sinh ra có một hình hài hoàn thiện, bạn đã là “kẻ mạnh” so với những người khiếm khuyết cơ thể. Hãy thương yêu, bao bọc lấy họ giống như cách mà Thị Nở đã đến và yêu thương mảnh hồn tàn tạ, méo mó Chí Phèo. Đôi khi, một vài yêu thương nhỏ bé lại có khả năng cứu rỗi một đời người.

Như vậy, lòng khoan dung đem lại cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nó giúp ta sống hòa đồng, thiện chí với mọi người hơn. Khoan dung sẽ tiếp thêm sức mạnh cho người khác, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.

Tuy vậy, khoan dung không đồng nghĩa với sự tha thứ mù quáng. Hãy đặt lòng khoan dung đúng lúc, đúng chỗ. Bạn chỉ nên tha thứ cho những người thực sự muốn được tha thứ. Đối với những kẻ cố tình mắc sai lầm và không có ý định sửa chữa, bạn không nên đặt sự tha thứ nơi họ. Làm như vậy trái lại chỉ để cho lòng tốt của chúng ta bị lợi dụng mà thôi.

Có câu “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, hãy khoan dung nếu có thể. Điều đó tốt cho bạn và tốt cho mọi người. Khi bạn sống khoan dung, bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn so với những gì bạn nghĩ. Với tôi, sống khoan dung giúp tôi thanh thản hơn.

5. Đoạn văn giải thích câu Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại

Ai cũng có thể phạm phải sai lầm trong cuộc sống của mình dù là vô tình hoặc cố ý. khi người khác phạm sai lầm với bản thân mình nhưng biết nhận lỗi và sửa đổi thì họ xứng đáng nhận được sự tha thứ, bởi lẽ: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Câu tục ngữ này mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Khi người khác muốn rời ta mà đi, hãy vui vẻ trước sự ra đi đó. Khi có người muốn quay lại, muốn sửa chữa lỗi lầm vì chúng ta chỉ được sống một lần duy nhất, không nên mang mãi những oán hận, căm hờn bên mình, hãy nhìn ra xa, rộng hơn, hãy sống yêu thương để thấy cuộc đời này vô cùng ý nghĩa. Việc bao dung, sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm của người khác không chỉ khiến cho mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn mà nó còn là nền tảng để chúng ta rèn luyện nhiều đức tính tốt đẹp khác, từ đó lan tỏa được nhiều thông điệp tích cực hơn ra cộng đồng. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, để đạt được mục tiêu của mình không ngại làm chuyện xấu; lại có những người quá khoan dung không biết lựa chọn đúng sai mà tha thứ cho những lỗi lầm không xứng đáng để làm khổ bản thân mình hết lần này đến lần khác,… những người này cần bị phê phán, chỉ trích. Mỗi con người được tự lựa chọn cho mình cách sống, cách cư xử. Không một ai là hoàn hảo, cũng không ai dám chắc mình không bao giờ phạm phải sai lầm. Hãy sống với tấm lòng yêu thương, rộng lượng và khoan dung để thấy cuộc đời có nhiều điều tốt đẹp hơn ta từng nghĩ.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
16 17.820
0 Bình luận
Sắp xếp theo