Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo 2024 (13 đề)
Đề kiểm tra giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo
- 1. Ma trận đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 10 CTST 2024
- 2. Đề thi giữa kì 2 lớp 10 Chân trời sáng tạo môn Văn 2024
- 3. Đáp án đề thi giữa kì 2 lớp 10 Chân trời sáng tạo môn Văn 2024
- 4. Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo - đề 1
- 5. Đáp án đề thi giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo - đề 1
- 6. Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo - đề 2
- 7. Đáp án đề thi giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo - đề 2
- 8. Đề kiểm tra Ngữ văn 10 giữa kì 2 CTST - đề 3
- 9. Đáp án đề kiểm tra Ngữ văn 10 giữa kì 2 CTST - đề 3
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo 2024 - Nhằm giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo ôn thi giữa kì 2 môn Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ các mẫu đề thi giữa kì 2 lớp 10 Chân trời sáng tạo môn Văn có đầy đủ ma trận đề thi, bảng đặc tả ma trận đề thi và gợi ý đáp án chi tiết. Sau đây là nội dung chi tiết đề thi giữa kì 2 Văn 10 CTST, mời các bạn cùng tham khảo và tải về sử dụng.
Để xem trọn bộ 13 đề thi giữa kì 2 Văn 10 CTST có đáp án, mời các bạn sử dụng file tải về.
1. Ma trận đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 10 CTST 2024
TT | Kĩ năng | Nội dung/đơn vị kĩ năng | Mức độ nhận thức | Tổng % điểm | |||||||
Nhận biết (Số câu) | Thông hiểu (Số câu) | Vận dụng (Số câu) | Vận dụng cao (Số câu) | ||||||||
TNKQ | TL | TNKQ | TL | TNKQ | TL | TNKQ | TL | ||||
1 | Đọc | Thơ ( trung đại/hiện đại) | 6 | 0 | 0 | 2 | 0 | 1 | 0 | 0 | 60 |
2 | Viết | Viết văn bản nghị luận về một đoạn thơ. | 0 | 1* | 0 | 1* | 0 | 1* | 0 | 1 | 40 |
Tỉ lệ điểm từng loại câu hỏi | 30% | 10% | 0% | 30% | 0 | 20% | 0 | 10% | 100 | ||
Tỉ lệ điểm các mức độ nhận thức | 40% | 30% | 20% | 10% | |||||||
Tổng % điểm | 70% | 30% |
2. Đề thi giữa kì 2 lớp 10 Chân trời sáng tạo môn Văn 2024
Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
ĐÒ LÈN
Nguyễn Duy
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực
giữa bà tôi và tiên phật, thánh thần
cái năm đói củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm
Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!
(Đò Lèn, Nguyễn Duy - Trích tập thơ Ánh trăng – NXB Tác phẩm mới - 1/1984)
* Tác giả:
- Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948 tại Thanh Hóa. Mẹ mất sớm, Nguyễn Duy ở với bà ngoại từ nhỏ. Trong tâm hồn của Nguyễn Duy, bà ngoại là hình ảnh thân thuộc, gần gũi nhất. Năm 1966, ông nhập ngũ và có mặt tại các chiến trường ác liệt như: Khe Sanh, Đường chín Nam Lào. Sau đó ông học khoa Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1977 đến nay ông làm Đại diện thường trú của báo Văn nghệ các tỉnh phía Nam.
- Thơ của Nguyễn Duy có sự kết hợp hài hòa giữa cái duyên dáng, trữ tình với chất thế sự đậm đặc.
* Bài thơ: Bài Đò Lèn được viết năm 1983, trong một dịp nhà thơ trở về quê hương, sống với những hồi ức đan xen nhiều buồn vui thời thơ ấu. Bài thơ được in trong tập Ánh trăng.
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
A. Thể thơ 5 chữ
B. Thể thơ 6 chữ
C. Thể thơ 7 chữ
D. Thể thơ tự do
Câu 2. Hai khổ thơ đầu bài thơ Đò Lèn, Nguyễn Duy đã tái hiện lại:
A. Những kỉ niệm tuổi thơ của chú bé nhà nghèo, vô tư, ham chơi, tinh nghịch
B. Tái hiện xúc động hình ảnh người bà yêu quý
C. Cả hai đáp án trên đều đúng
D. Cả hai đáp án trên đều sai
Câu 3. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong các câu thơ sau?
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
A. So sánh
B. Nhân hoá
C. Liệt kê
D. Ẩn dụ
Câu 4. Từ ngữ nào không thể hiện sự lam lũ, vất vả của người bà trong bài thơ?
A. Mò cua, xúc tép
B. Gánh chè xanh
C. Đi bán trứng
D. Chân đất đi đêm
Câu 5. Hình ảnh người bà qua kí ức của tác giả trong bài thơ là người như thế nào?
A. Lam lũ, tần tảo, hiền lành, đôn hậu, giàu đức hi sinh
B. Lam lũ, tần tảo, hiền lành, đôn hậu, giàu lòng thương người
C. Vui vẻ, vô tư, hiền lành, đôn hậu, giàu đức hi sinh
D. Lam lũ, tần tảo, hiền lành, đôn hậu.
Câu 6. Những địa danh trong kí ức tuổi thơ của tác giả được nhắc tới trong ba khổ thơ đầu của bài thơ?
A. Chợ Bình Lâm, đền Cây Thị, đền Sòng, chùa Trần.
B. Đền Cây Thị, cống Na, Bình Lâm, Ba Trại, Đồng Giao, Quán Cháo, chùa Trần
C. Đồng Quan, đền Cây Thị, Đồng Giao, Đồng Quan, chùa Trần, Quán Thơ
D. Đồng Quan, Chợ Bình Lâm, Đồng Giao, đền Sòng, Cây Thi, Đồng Giao
Câu 7. Giá trị nội dung của bài thơ Đò Lèn:
A. Gợi lên những kí ức đẹp đẽ về thời thơ ấu và hình ảnh người bà tảo tần
B. Bày tỏ tấm lòng yêu quý, kính trọng rất mực của người cháu đối với người bà đã mất
C. Sự ân hận của người cháu về thời thơ ấu vô tư, vô tâm, sống bằng ảo tưởng đẹp mà không thấu hiểu cuộc sống cơ cực của bà.
D. Tất cả các đáp án trên
Trả lời câu hỏi/ thực hiện các yêu cầu:
Câu 8. Anh/ chị hiểu như thế nào về hai câu thơ sau:
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!
Câu 9. Anh/chị rút ra được thông điệp gì cho bản thân thông qua bài thơ?
Câu 10. Bài thơ Đò lèn gợi anh/chị liên tưởng đến bài thơ nào đã học ở lớp dưới? Vì sao?
II. VIẾT (4.0 điểm)
Anh/ chị hãy viết một văn bản nghị luận (khoảng 500 chữ) phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy.
3. Đáp án đề thi giữa kì 2 lớp 10 Chân trời sáng tạo môn Văn 2024
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | D | 0,5 | |
2 | A | 0,5 | |
3 | C | 0,5 | |
4 | D | 0,5 | |
5 | A | 0,5 | |
6 | B | 0,5 | |
7 | D | 0,5 | |
8 | Hiểu về hai câu thơ: “khi tôi biết thương bà thì đã muộn - Thể hiện tình yêu thương của tác giả đối với người bà - Thể hiện tâm trạng nuối tiếc, hối hận muộn màng vì sự hồn nhiên, khờ dại của mình, đã không thấu hiểu nỗi vất vả của bà, khi biết thương bà thì đã quá muộn. Hướng dẫn chấm: - Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm - Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25 điểm - Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm *Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lí là chấp nhận được. | 1,0 | |
9 | Câu 9. Thông điệp rút ra cho bản thân thông qua bài thơ. - Phải biết yêu thương, quan tâm tử tế đối với người thân. - Biết nâng niu, trân quý tình cảm gia đình, truyền thống, cội nguồn. - Sống phải biết ăn năn và cảnh tỉnh sau những lỗi lầm của mình. Hướng dẫn chấm: - Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm - Học sinh trả lời đúng một ý: 0,5 điểm - Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25 điểm - Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm *Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lí là chấp nhận được. | 1,0 | |
10 | Bài thơ Đò Lèn gợi liên tưởng đến bài thơ đã học ở lớp dưới là: Bài thơ Bếp lửa – Bằng Việt. - Vì cả hai bài thơ đều gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu; đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước. Hướng dẫn chấm: - Học sinh trả lời tương đương với 2 ý đã gợi trong đáp án: 0,5 điểm - Học sinh trả lời được 1 ý: 0,25 điểm - Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm *Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lí là chấp nhận được. | 0,5 | |
II | VIẾT | 4.0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề | 0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đặc sắc về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ “Đò Lèn”. Hướng dẫn chấm: - Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,25 điểm. - Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm. | 0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới: | 2.0 | ||
* Giới thiệu tác giả Nguyễn Duy, tác phẩm Đò Lèn, nêu nội dung: đặc sắc về chủ đề và một số nét nghệ thuật. * Chủ đề: Qua những kí ức tuổi thơ gắn liền với người bà và địa danh thân thuộc quê hương, tác giả đã bộc lộ tình yêu thương, sự biết ơn bà và tình yêu quê hương, đất nước. - Kí ức thời thơ ấu: tinh nghịch, hiếu động, hồn nhiên, vô tư đến vô tâm, không thấy được sự lam lũ của bà. - Hình ảnh người bà cơ cực, lam lũ tần tảo: mò cua xúc tép, gánh chè xanh những đêm lạnh, bán trứng ở Ga Lèn ngày bom Mĩ dội… - Tình cảm của tác giả khi nghĩ về bà ngoại: Thấu hiểu nỗi cơ cực, tần tảo, tình yêu của bà; thể hiện sự tôn kính, lòng trân trọng với bà; ân hận, ngậm ngùi, xót xa khi nghĩ về bà. * Nghệ thuật: - Thể thơ tự do. - Từ ngữ, hình ảnh giản dị, gần gũi với cuộc sống đời thường, chất hóm hỉnh dân gian. - Cách gieo vần gieo vần, ngắt nhịp linh hoạt, nhịp nhàng, phù hợp với tâm trạng của chủ thể trữ tình. - Sử dụng thủ pháp nghệ thuật liệt kê, đối lập, phép so sánh đối chiếu. - Giọng điệu thành thực, thẳng thắn … Hướng dẫn chấm: - Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,0 điểm. - Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1,0 điểm – 1,75 điểm. - Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 0,75 điểm. - Không phân tích: 0,0 điểm | |||
* Đánh giá chung: - Hình ảnh người bà trong bài thơ mang nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa. - Đó cũng chính là những dòng hồi tưởng đẹp, đầy xúc động về bà, qua đó thể hiện tình yêu bà sâu sắc của tác giả. Hướng dẫn chấm: - Trình bày tương đương như đáp án hoặc đúng 2 ý: 0,5 điểm. - Trình bày được 1 ý: 0,25 điểm. | 0.5 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. | 0.5 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.5 | ||
I+II |
| 10 |
4. Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo - đề 1
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản:
Sang thu
Hữu Thỉnh
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
(Từ chiến hào đến thành phố, NXB Văn học, 1991)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ?
A. Tự sự
B. Biểu cảm
C. Nghị luận
D. Thuyết minh
Câu 2: Bài thơ Sang thu được viết theo thể thơ nào?
A. Lục bát
B. Ngũ ngôn
C. Song thất lục bát
D. Thất ngôn tứ tuyệt
Câu 3: Sự biến đổi của đất trời lúc sang thu được nhà thơ cảm nhận bắt đầu bằng:
A. Một mùi hương
B. Một cơn mưa
C. Một đám mây
D. Một cánh chim
Câu 4: Hai câu thơ “Sương chùng chình qua ngõ- Hình như thu đã về” sử dụng phép tu từ nào?
A. Nhân hóa
B. Ẩn dụ
C. Hoán dụ
D. Điệp từ
Câu 5: Từ “chùng chình” được hiểu thế nào?
A. Đi rất chậm, dò từng bước một
B. Đi rất nhanh, vừa đi vừa nghiêng ngả
C. Ngập ngừng như không muốn đi
D. Ẩn giấu nhiều điều không muốn nói
Câu 6: Ý nào sau đây nêu được nét đặc sắc nhất về nghệ thuật của bài thơ trên?
A. Sử dụng câu ngắn gọn, chính xác
B. Sử dụng đa dạng, phong phú phép so sánh, ẩn dụ
C. Sáng tạo những hình ảnh quen thuộc mà vẫn mới mẻ, gợi cảm
D. Sáng tạo những hình ảnh giàu ý nghĩa, triết lý
Câu 7: Trong bài thơ trên, hình ảnh thiên nhiên vào thời điểm giao mùa hạ- thu có đặc điểm gì?
A. Sôi động, náo nhiệt
B. Bình lặng, ngưng đọng
C. Xôn xao, rộn ràng
D. Nhẹ nhàng, giao cảm
Trả lời các câu hỏi
Câu 8: Cho biết cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ?
Câu 9: Thông điệp mà nhà thơ gửi găm trong hai câu thơ:
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Câu 10: Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 - 7 dòng) cảm nhận về thời khắc sang thu ở quê hương em.
II. VIẾT (4.0 điểm)
Đọc đoạn văn sau:
....Sơn xúng xính rủ chị ra chợ chơi. Nhà Sơn ở quay lưng vào chợ, cạnh một dãy nhà lá của những người nghèo khổ mà Sơn quen biết cả vì họ vẫn vào vay mượn ở nhà Sơn. Sơn biết lũ trẻ con các gia đình ấy chắc bây giờ đương đợi mình ở cuối chợ để đánh khăng, đánh đáo.
Không phải ngày phiên, nên chợ vắng không. Mấy cái quán chơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề. Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh và cay mắt. Nhưng chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa Sơn thấy rõ như ở gần. Mặt đất rắn lại và nứt nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên lanh tanh dưới nhịp guốc của hai chị em.
Đến cuối chợ đã thấy lũ trẻ đang quây quần chơi nghịch. Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng xa, không dám vồ vập. Chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy, tuy Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.
Thằng Cúc, con Xuân, con Tý, con Túc sán gần giương đôi mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn. Sơn nhận thấy chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Nhưng hôm nay, môi chúng nó tím lại và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau.
Thằng Xuân đến mó vào chiếc áo của Sơn, nó chưa thấy cái áo như thế bao giờ. Sơn lật vạt áo thâm, chìa áo vệ sinh và áo dạ cho cả bọn xem. Một đứa tắc lưỡi, nói:
- Cái áo này mặc thì nóng lắm. Chắc mua phải đến một đồng bạc chứ không ít, chúng mày nhỉ.
Đứa khác nói:
- Ngày trước thầy tao cũng có một cái áo như thế, về sau bán cho ông lý mất.
Con Túc ngây ngô giương đôi mắt lên hỏi Sơn:
- Cái này cậu mua tận Hà Nội phải không?
Sơn ưỡn ngực đáp:
- Ở Hà Nội, chứ ở đây làm gì có. Mẹ tôi còn hẹn mua cho tôi một cái áo len nhiều tiền hơn nữa kia.
Chị Lan bỗng giơ tay vẫy một con bé, từ nãy vẫn đứng dựa vào cột quán, gọi:
- Sao không lại đây, Hiên? Lại đây chơi với tôi.
Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi nó không lại, bước gần đến trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Chị Lan cũng đến hỏi:
- Sao áo của mày rách thế Hiên, áo lành đâu không mặc? Con bé bịu xịu nói:
- Hết áo rồi, chỉ còn cái này.
- Sao không bảo u mày may cho?
Sơn bây giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn cùng nói với Hiên đùa nghịch ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm:
- Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.
- Ừ, phải đấy. Để chị về lấy.
Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui....
(Gió lạnh đầu mùa, Thạch Lam, Văn học 8, tập 1, trang 56, NXB Giáo dục – 2001)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của nhân vật Sơn trong đoạn văn trên.
5. Đáp án đề thi giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo - đề 1
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | A | 0,5 | |
2 | B | 0,5 | |
3 | A | 0,5 | |
4 | A | 0,5 | |
5 | C | 0,5 | |
6 | C | 0,5 | |
7 | D | 0,5 | |
8 | - Nhân vật trữ tình có những cảm nhận hết sức tinh tế trước khoảnh khắc giao mùa sang thu - Cảm xúc của nhân vật trữ tình đi từ ngỡ ngàng bâng, khuâng đến sự nuối tiếc nhẹ nhàng vào khoảnh khắc chuyển giao kì diệu của đất trời. Hướng dẫn chấm: - Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm. - Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25 điểm. - Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm. * Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được. | 0,5 | |
9 | Hàng cây đứng tuổi như con người từng trải, không còn thấy bất ngờ trước những vang động bất thường của cuộc sống. Hướng dẫn chấm: - Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm. - Học sinh trả lời đúng 1 ý: 0,5 điểm. - Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25 điểm. - Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm. * Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được. | 1.0 | |
10 | - HS cảm nhận được phút giây giao mùa sang thu ở quê hương mình qua một và hình ảnh thiên nhiên cụ thể Hướng dẫn chấm: - Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm. - Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25 – 0,75 điểm. - Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm. * Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được. | 1.0 | |
II | VIẾT | 4,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề | 0,5 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận. vẻ đẹp của nhân vật Sơn Hướng dẫn chấm: - Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm. -Học sinh xác định đúng một nửa vấn đề cần nghị luận: 0,25 điểm - Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm. | 0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới: * Đặc điểm: - Sơn là một đứa trẻ được yêu thương - Sơn là một đứa trẻ hòa đồng, thân thiện - Sơn là một đứa trẻ thương người * Nghệ thuật: Nghệ thuật tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm tinh tế cùng các thủ pháp đối lập, miêu tả tâm lí xuất sắc Hướng dẫn chấm: - Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,0 điểm. - Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1,0 điểm – 1,75 điểm. - Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 0,75 điểm. | 2.0 | ||
* Đánh giá chung: - Vẻ đẹp của nhân vật Sơn cũng chính là tấm lòng nhân hậu của nhà văn - Phong cách viết truyện ngắn Thạch Lam - Khẳng dịnh ý nghĩa của tình yêu thương trong cuộc sống Hướng dẫn chấm: - Trình bày được 2 ý: 0,5 điểm. - Trình bày được 1 ý; 0,25 điểm. | 0,5 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. | 0,25 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0,25 | ||
I + II | 10 |
6. Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo - đề 2
I. ĐỌC HIỂU (6đ)
Học sinh đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi phía dưới
PHƯƠNG ẤY
(Hoàng Nhuận Cầm)
Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy
Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai
Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài
Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy
Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn.
Là cái phương sao quá bồn chồn
Đón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói
Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói
Chiếc lá xanh kì lạ trút trong đời.
Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi
Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ
Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé
Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay.
Chỗ Hiến nằm – giờ trời nắng heo may
Chỗ Thi ngủ- bình minh rơi tím đất
Mặt trận xưa, đồng trưa đưa cỏ mật
Ơi chiến hào tha thiết tuổi hai mươi.
Cái chiến hào tha thiết ở trong tôi
Xanh thăm thẳm lưng đèo giao thừa tới
Người con gái cõng mình qua đạn xối
Tình yêu thầm, kín lại lối giao liên.
Là cái phương chưa rõ cả mặt em
Chưa khóc kịp bao bạn bè nhắm mắt
Là cái phương nấm mộ người giữ đất
Chớp bên đường như một ánh sao nâu.
Phương ấy dài ngút ngút Cà Mau
Nơi trắng sóng, lá rừng xanh ngắt ngắt
Ôi phương ấy ở đâu tôi cũng gặp
Hát vô bờ chữ Đất, lá cây ơi!
Phương ấy còn ở mãi trong tôi
Ngỡ nâng lấy tay mình, ngỡ như người biết nói
Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi
Trên hai vai tuổi trẻ- trước chân trời.
(Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Hoàng Nhuận Cầm, NXB Hội nhà văn, 2007)
Câu 1: Dòng nào nói đúng về đặc điểm hình thức chính của bài thơ?
A. Thơ tự do, chia khổ không đều, gieo vần liền
B. Thơ tự do; mỗi khổ 4 dòng; gieo vần, số tiếng trong dòng thơ linh hoạt
C. Thơ hỗn hợp, dòng, khổ dài ngắn khác nhau
D. Thơ tự do, các khổ dài, không có vần
Câu 2: Dòng nào nói lên đề tài của bài thơ?
A. Người lính
B. Nỗi nhớ bạn bè
C. Chiến tranh và kí ức
D. Hậu chiến
Câu 3: Dòng nào nói lên ý nghĩa của cụm từ “Là cái phương”, “phương ấy”?
A. Lặp lại nhiều lần như điệp khúc khẳng định phương ấy là nỗi nhớ da diết, là dòng cảm xúc mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ.
B. Lặp lại nhiều lần như điệp khúc khẳng định nỗi nhớ của nhà thơ đang hướng về phương ấy
C. Lặp lại nhiều lần như điệp khúc khẳng định phương ấy có đồng đội của nhà thơ đang chờ
D. Lặp lại nhiều lần như điệp khúc khẳng định phương ấy là nơi chứa những kỉ niệm không thể phai mờ
Câu 4: Trong kí ức của nhà thơ, phương ấy đã gợi nhớ những điều gì?
A. Tình yêu với cô gái giao liên khi bị thương
B. Sự hủy diệt của bom đạn, chờ thư mẹ, nhớ mẹ; nơi mất đồng đội; nơi mình bị thương; nơi mình gánh trách nhiệm với đất nước
C. Sự hủy diệt của bom đạn; chờ thư mẹ, nhớ mẹ; nơi mất đồng đội
D. Sự hủy diệt của bom đạn; chờ thư mẹ, nhớ mẹ; nơi mất đồng đội; nơi mình bị thương; xác định sẽ hy sinh
Câu 5: Những hình ảnh nào gợi sự hủy diệt của bom đạn, chất độc hóa học thời chiến tranh
A. Mùi cỏ cháy; không tiếng gà cất gáy; cỏ cháy rát hoàng hôn
B. Không tiếng gà cất gáy; cỏ cháy rát hoàng hôn; dãy kẽm gai dài
C. Mùi cỏ cháy; không tiếng gà cất gáy; sao rơi
D. Mùi cỏ cháy; cỏ cháy rát hoàng hôn
Câu 6: Cụm từ: sao quá bồn chồn diễn tả tâm trạng của nhà thơ ở thời điểm nào?
A. Khi chờ thư mẹ
B. Ngóng chờ về phương ấy
C. Khi khẩu súng nắm trên tay
D. Khi lá xanh kì lạ trút trong đời
Câu 7: Dòng thơ nào cho thấy cảnh chiến trường và đồng đội của nhân vật trữ tình được gợi ra từ kí ức?
A. Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy
B. Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai
C. Mặt trận xưa, đồng trưa đưa cỏ mật
D. Cả B và C
Câu 8: Dòng nào nói lên tình cảm, cảm xúc bao trùm bài thơ?
A. Nhớ thương, trân trọng, tự hào ngợi ca người lính hy sinh vì Tổ quốc.
B. Buồn đau vì những đồng đội đã hy sinh
C. Day dứt, ân hận vì không kịp khóc khi bạn hi sinh
D. Tự hào vì đã dâng hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc
Câu 9: Phân tích hiện thực được phản ánh và vẻ đẹp tâm hồn của người lính trẻ trong khổ thơ sau:
Cái chiến hào tha thiết ở trong tôi
Xanh thăm thẳm lưng đèo giao thừa tới
Người con gái cõng mình qua đạn xối
Tình yêu thầm, kín lại lối giao liên. (1đ)
Câu 10: Bài thơ “Phương ấy” – Hoàng Nhuận Cầm cho em nhận thức gì về hiện thực chiến tranh, về lẽ sống của những người lính trẻ trong kháng chiến chống Mỹ? Sưu tầm 2 câu thơ nói về trách nhiệm của những người lính thời chống Mỹ đối với Tổ quốc(1đ)
II. VIẾT (4đ)
Câu 1: Quan sát bức ảnh và ngữ liệu sau để và trả lời câu hỏi a,b (1đ)
2. Mùi cỏ cháy (Tựa tiếng Anh: The Scent of Burning Grass) là một bộ phim điện ảnh Việt Nam công chiếu vào năm 2012. Bối cảnh chính của phim là mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là bốn sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là: Hoàng, Thành, Thăng và Long theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện cấp tốc để tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Thành, Thăng và Long đã hi sinh còn Hoàng thì may mắn trở về. Bộ phim được kể lại từ ký ức của Hoàng. Mùi cỏ cháy do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Kịch bản của phim do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đảm nhiệm, dựa trên quyển nhật kí Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
a. Phát hiện những chi tiết, sự việc liên quan giữa những bức ảnh, ngữ liệu trên với bài thơ Phương ấy- Hoàng Nhuận Cầm.
b. Cho biết các phương tiện chuyển tải thông tin ấy nhằm mục đích gì? Từ đó hãy đánh giá thái độ, tình cảm của thế hệ ngày nay đối với lịch sử và những người lính ấy đã hy sinh trong chiến tranh vệ quốc.
Câu 2: Viết bài luận về bản thân để ứng tuyển tham gia vị trí trưởng ban truyền thông cho Dự án Bản anh hùng ca thành cổ Quảng Trị do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức (3đ)
7. Đáp án đề thi giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo - đề 2
Câu 1(0.5đ) | Câu 2 (0.5đ) | Câu 3(0.5đ) | Câu 4(0.5đ) | Câu 5(0.5đ) | Câu 6(0.5đ) | Câu 7(0.5đ) | Câu 8 (0.5đ) |
B | A | A | B | A | B | D | A |
Câu 9: Phân tích hiện thực được phản ánh và vẻ đẹp tâm hồn của người lính trẻ trong khổ thơ sau:
Cái chiến hào tha thiết ở trong tôi
Xanh thăm thẳm lưng đèo giao thừa tới
Người con gái cõng mình qua đạn xối
Tình yêu thầm, kín lại lối giao liên. (1đ)
Lời giải chi tiết:
- Hiện thực chiến tranh khốc liệt cảnh chiến hào, đạn xối; Người con gái cõng – khi bị thương
- Tình cảm thầm kín với cô giao liên khiến chiến hào trở nên tha thiết, khiến màu xanh lưng đèo thăm thẳm hơn
→ Thể hiện đồng thời chiến tranh và tình cảm thiêng liêng, rung động trong tâm hồn người lính trẻ làm dịu đi sự ác liệt của chiến tranh, tiếp thêm sức mạnh tinh thần nơi chiến trường
- Khổ thơ thể hiện tinh tế vẻ đẹp lãng mạn trong tâm hồn người lính dũng cảm, nhạy cảm lạc quan…
Câu 10: Bài thơ “Phương ấy” – Hoàng Nhuận Cầm cho em nhận thức gì về hiện thực chiến tranh, về lẽ sống của những người lính trẻ trong kháng chiến chống Mỹ? Sưu tầm 2 câu thơ nói về trách nhiệm của những người lính thời chống Mỹ đối với Tổ quốc(1đ)
Lời giải chi tiết:
- Học sinh tự trả lời theo nhận thức của cá nhân, chú ý bám sát hiện thực được phản ánh qua hình ảnh, từ ngữ của văn bản thơ
- Có thể tham khảo gợi ý sau:
+ Hiện thực chiến tranh vô cùng khốc liệt: đời sống vật chất, tinh thần của người lính đều diễn ra dưới mưa bom, bão đạn; liên tục phải đối mặt với thương vong; có lúc không kịp khóc thương, tiễn biệt đồng đội.
+ Lẽ sống: Người lính chiến đấu quả cảm, giàu tình cảm, lạc quan; khi đối mặt với hiểm nguy là khi tình yêu Tổ quốc dâng lên mãnh liệt nhất; người lính luôn nghĩ về trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc.
- Sưu tầm 2 câu thơ:
+ “Chúng tôi đi không tiếc cuộc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi còn chi Tổ quốc” (Thanh Thảo)
+ Cả thế hệ dàn hàng gánh đất nước trên vai (Bằng Việt)
+ Ta đi hôm nay đã không là sớm
Đất nước hành quân mấy chục năm rồi.
Ta đến hôm nay cũng không là muộn
Đất nước còn đánh giặc chưa thôi (Phạm Tiến Duật)
PHẦN II. VIẾT
Câu 1:
a. Phát hiện những chi tiết, sự việc liên quan giữa những bức ảnh, ngữ liệu trên với bài thơ Phương ấy- Hoàng Nhuận Cầm.
Lời giải chi tiết:
- Những chi tiết, sự việc liên quan: Cỏ cháy; yếu tố bi hùng (sự hy sinh và tình yêu Tổ quốc, lý tưởng sống…); Cuộc kháng chiến chống Mỹ; tác giả Hoàng Nhuận Cầm (biên kịch phim và bài thơ Phương ấy)
b. Cho biết các phương tiện chuyển tải thông tin ấy nhằm mục đích gì? Từ đó hãy đánh giá thái độ, tình cảm của thế hệ ngày nay đối với lịch sử và những người lính ấy đã hy sinh trong chiến tranh vệ quốc.
Lời giải chi tiết:
- Chuyển tải thông tin ấy nhằm mục đích: ngợi ca, tôn vinh những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc; tái hiện chiến tranh khốc liệt.
- Đánh giá thái độ, tình cảm của thế hệ ngày nay: tôn trọng lịch sử; biết ơn, nhớ ơn những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc; thấu hiểu lịch sử dân tộc…
Câu 2: Viết bài văn
Bài luận về bản thân để ứng tuyển tham gia vị trí trưởng ban truyền thông cho Dự án Bản anh hùng ca thành cổ Quảng Trị | ||
Phần chính | Điểm | Nội dung cụ thể |
Mở bài | 0.25 | - Nêu vấn đề của bài viết: mong muốn ứng tuyển… - Khả năng đáp ứng tốt các yêu cầu của bản thân. |
Thân bài | 2.00 | - Giới thiệu khái quát về bản thân (tên, học vấn, vị trí, mong muốn hiện tại) - Năng lực để thực hiện: + Yêu thích, hiểu biết về lịch sử, thơ văn viết về chiến tranh và sự hi sinh của những người lính… +Sẵn sàng dành thời gian, tâm huyết để tham gia + Khả năng đảm bảo vị trí: có kinh nghiệm về điều hành (minh chứng): kĩ năng CNTT; viết bài truyền thông đa phương thức; kỹ năng xử lý hình ảnh, âm thanh…) - Cam kết thực hiện các yêu cầu *Lưu ý: - Gắn kết thông tin với các trải nghiệm của cá nhân. - Dùng yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, phương tiện đa phương thức hỗ trơ - Lần lượt trình bày các luận điểm (dùng lí lẽ, dẫn chứng để thuyết phục). - Bài viết phải thể hiện rõ phát hiện, quan điểm riêng của bạn về vấn đề đang được quan tâm |
Kết bài | 0.5 | - Khẳng định nguyện vọng, khả năng hoàn thành công việc - Cảm ơn về sự quan tâm và xét duyệt |
Yêu cầu khác | 0.25 | - Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại: luận về bản thân - Diễn đạt rõ ý; lập luận logic; suy luận, bình luận phù hợp với văn hóa dân tộc |
8. Đề kiểm tra Ngữ văn 10 giữa kì 2 CTST - đề 3
ĐỀ KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ GIỮA KỲ II, NĂM HỌC 2023-2024
MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 10
(Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề)
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
TIẾNG VIỆT MẾN YÊU
-Nguyễn Phan Hách-
Năm mươi người con theo cha xuống biển
Năm mươi người con theo mẹ lên rừng
Những người con ngồi đúc trống đồng
Tiếng chim hót phổ vào giọng nói
Mẹ là tiếng đầu tiên trẻ gọi
Nghe dịu dàng âu yếm biết bao
Tiếng Việt ơi, tiếng Việt có từ đâu
Sau tiếng Mẹ là tiếng Yêu thánh thót
Tiếng Nước nghe như rơi từng giọt
Tiếng Đất nghe chắc nịch vững bền
Tiếng Cơm nghe ngạt ngào hương thơm
Người Giao Chỉ lắng nghe tiếng gió
Tiếng dòng sông rì rào sóng vỗ
Tiếng trời xanh lồng lộng mênh mang
Tiếng xôn xao của nắng thu vàng
Tiếng dế đêm trăng thanh vời vợi
Tiếng hổ gầm vang trong hốc núi
Tiếng mây bay vương vấn sắc trời
Tiếng sấm rền và tiếng mưa rơi
Tiếng nhịp đập trái tim thiếu nữ
Tiếng bập bùng nhen trong bếp lửa
Những thanh âm tha thiết bồi hồi
Bật ra thành tiếng Việt trên môi..
Câu 1. (1.0 điểm) : Hãy chỉ ra hai hình ảnh thiên nhiên được khắc họa trong bài thơ?
Câu 2. (1.0 điểm) : Xác định chủ thể trữ tình trong bài thơ?
Câu 3. (1.0 điểm) : Chỉ ra và sửa lỗi trật từ trong câu sau:
Mẹ là tiếng đầu tiên mẹ trẻ gọi, nghe dịu dàng âu yếm biết bao.
Câu 4. (1.0 điểm) : Xác định vần và phân tích tác dụng của cách gieo vần trong đoạn thơ sau:
Tiếng dế đêm trăng thanh vời vợi
Tiếng hổ gầm vang trong hốc núi
Tiếng mây bay vương vấn sắc trời
Tiếng sấm rền và tiếng mưa rơi
Câu 5. (1.0 điểm) : Phân tích một số từ ngữ, hình ảnh thể hiện cảm xúc của chủ thể trữ tình trong hai câu thơ sau: Những thanh âm tha thiết bồi hồi
Bật ra thành tiếng Việt trên môi…
Câu 6. .(1.0 điểm) : Qua bài thơ, tác giả muốn gởi đến thế hệ trẻ thông điệp gì?
II. VIẾT (4.0 điểm):
Hãy viết một bài văn nghị luận phân tích nội dung và một số nét đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ “ Tiếng Việt mến yêu” của Nguyễn Phan Hách.
9. Đáp án đề kiểm tra Ngữ văn 10 giữa kì 2 CTST - đề 3
Xem trong file tải về.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo 2024 (13 đề)
07/03/2023 11:37:00 SATải Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo pdf
242,5 KB 07/03/2023 12:04:20 CH
Tham khảo thêm
- Môn Toán
- Ngữ văn
- Lịch sử
- Giữa học kì 1
- Cuối học kì 1
- Đề cương ôn tập học kì 1 môn Lịch sử 10 sách Kết nối tri thức 2025
- Đề cương ôn tập học kì 1 môn Lịch sử 10 sách Chân trời sáng tạo
- Đề thi học kì 1 môn Lịch sử lớp 10
- Đề thi học kì 1 Lịch sử 10 Kết nối tri thức
- Đề thi học kì 1 Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo
- Đề kiểm tra học kì 1 Lịch sử 10 học sinh khuyết tật
- Giữa học kì 2
- Cuối học kì 2
- Địa lí
- Hóa học
- Vật lí
- Sinh học
- Công nghệ
- Tiếng Anh 10 Global Success
- Tiêng Anh 10 iLearn Smart World
- Giáo dục Kinh tế & Pháp luật
- Hoạt động trải nghiệm
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2025 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2025
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2025
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2025
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Đề thi lớp 10
Đề thi giữa kì 1 Văn 10 Kết nối tri thức
Cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2025 môn Toán
Đề cương ôn tập học kì 1 môn Lịch sử 10 sách Chân trời sáng tạo 2025
Bộ đề kiểm tra Ngữ văn 10 Cánh Diều cả năm có đáp án (48 đề)
Đề thi giữa kì 1 lớp 10 môn Tiếng Anh Global Success
Đề thi giữa học kì 2 môn Sinh học lớp 10 Cánh diều 2025 có đáp án