Các kỹ thuật giúp khơi gợi hứng thú học tập của học sinh

Các kỹ thuật giúp khơi gợi hứng thú học tập của học sinh. Giáo viên có thể làm gì để thu hút và duy trì sự chú ý của học sinh trong giờ học? Hứng thú học tập của học sinh là yếu tố quan trọng góp phần quyết định hiệu quả của giờ học. Vậy làm sao để giáo viên tạo được sự hứng thú cho học sinh?

Hãy cùng Hoatieu.vn tìm hiểu các kỹ thuật giúp khơi gợi hứng thú học tập của học sinh.

1. Các kỹ thuật giúp khơi gợi hứng thú học tập của học sinh

1.1 Tạo hứng thú học tập bằng cách làm cho học sinh nhận thức được mục tiêu, lợi ích của bài học

Đối với những thứ khó hiểu, con người thường dễ nản lòng. Chính vì vậy mà bước cơ bản của việc tạo sự hứng khú cho học sinh chính là làm cho học sinh nhận thức được mục tiêu, lợi ích của bài học

Hứng thú học tập trước hết được tạo ra bằng cách làm cho học sinh ý thức được lợi ích của việc học để tạo động cơ học tập. Mục tiêu này có thể được trình bày một cách tường minh ngay trong tài liệu học tập (như­ cách trình bày của tài liệu hướng dẫn học của dự án Mô hình trường học mới Việt Nam) hoặc có thể trình bày thông qua các tình huống dạy học cụ thể

Với mỗi bài học cụ thể, giáo viên cần giúp cho học sinh nhận ra tính lợi ích của một nội dung nào đó. Chẳng hạn, sự cần thiết của dấu phẩy sẽ được làm rõ khi chỉ ra sự khác nhau về nghĩa của hai câu: Đêm hôm, qua cầu gãy và Đêm hôm qua, cầu gãy. Tính lợi ích của một nội dung dạy học cũng được thể hiện rõ khi chúng ta đặt ra sự đối lập giữa “có nó” và “không có nó”, ví dụ: Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta không có chữ viết? Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta không có những từ đồng nghĩa, không có câu ghép?

1.2 Tạo hứng thú học tập bằng cách tác động vào nội dung dạy học

Các kỹ thuật giúp khơi gợi hứng thú học tập của học sinhCác kỹ thuật giúp khơi gợi hứng thú học tập của học sinh

Sau khi đã giúp học sinh nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của bài học, hãy khiến cho nội dung học tập trở nên thú vị hơn. Các thầy cô có thể sắp xếp lại các kiến thức trong SGK theo phong cách của mình hoặc chia nhỏ nội dung học

Nội dung mỗi bài học được làm ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm làm gia tăng tỷ lệ học sinh xem hết bài giảng cũng như ghi nhớ kiến thức. Thêm vào đó, việc học bài trở thành một nhiệm vụ dễ hoàn thành, học sinh cũng sẽ hào hứng, tự tin hơn.

Việc lấy các ví dụ là phần quan trọng giúp các em học sinh nắm bắt, hiểu rõ hơn lý thuyết. Các thầy cô hãy tránh lấy các ví dụ chuẩn SGK, thay vào đó là những ví dụ gần gũi với đời sống xung quanh học sinh

1.3 Tạo hứng thú học tập bằng cách phối hợp các phương pháp và các hình thức dạy học linh hoạt

Cách truyền tải là yếu tố quan trọng quyết định trong việc khơi gợi hứng thú học tập của học sinh.

Nội dung hay nhưng cách truyền tải không khơi gợi được hứng thú thì rất uổng phí phần nội dung mà các thầy cô đã mất công tìm tòi, nghiên cứu. Có nhiều thầy, cô chỉ chú trọng nội dung mà không để ý đến cách giảng dạy, khiến học sinh cảm thấy khó hiểu, đôi khi là "nhàm chán" với bài học.

Các thầy cô có thể tham khảo một số hình thức giảng dạy giúp khơi gợi hứng thú học tập của học sinh như sau:

  • Tổ chức trò chơi học tập

Trò chơi lúc nào cũng khiến học sinh hứng thú hơn những bài học. Việc lồng ghép kiến thức vào trong các trò chơi có thể mang lại hiệu quả cao hơn.

  • Tổ chức học tập ngoài trời

Không gian học tập rộng mở, mới lạ có thể giúp học sinh cảm thấy hứng thú hơn rất nhiều. Tuy nhiên hình thức này cũng khó áp dụng đối với một số môn học vì không đủ công cụ dạy học khi học ngoài trời, không có bảng, bàn ghế cho học sinh ghi chép.

Hình thức này chỉ phù hợp với những môn học khoa học, thực tế: môn công nghệ, khoa học... Việc tìm tòi từ thiên nhiên sẽ giúp học sinh đến gần với thực tế hơn là những lý thuyết, mô hình học tập.

  • Tạo ra những video dạy học thú vị

Thay vì chỉ đọc viết, chép bảng, các thầy, cô có thể thử hình thức truyền tải kiến thức thông qua các video.

Việc trình chiếu video vừa giúp học sinh thư giãn sau hàng tiếng đồng hồ đọc sách, nhìn bảng, vừa giúp thầy cô đan cài kiến thức. Quá trình này có thể giúp học sinh ghi nhớ kiến thức được lâu và nhanh hơn.

Tuy nhiên việc tìm kiếm, tạo ra các video phù hợp cũng tiêu tốn khá nhiều thời gian và đòi hỏi thầy cô phải có trình độ tin học nhất định. Phương pháp này cũng đặt ra yêu cầu về cơ sở vật chất với lớp học

=> Việc áp dụng đôi khi còn nhiều khó khăn với những lớp học không có lợi thế về cơ sở vật chất

  • Học nhóm

"Học thầy không tày học bạn". Đôi khi sự đồng điệu trong lứa tuổi lại giúp học sinh tiếp thu bài nhanh hơn, thoải mái hơn trong việc trao đổi ý kiến.

Đôi khi vì hàng rào tuổi tác cũng như vị trí thầy - trò mà nhiều học sinh còn rụt rè trong việc trao đổi ý kiến với giáo viên.

=> Học nhóm có thể giúp khắc phục những khuyết điểm này. Tuy nhiên phương pháp này cũng cần sự quản lý của giáo viên, bởi có nhiều học sinh lợi dụng phương pháp này để nói chuyện riêng thay vì trao đổi kiến thức

2. Biện pháp nâng cao hứng thú học tập môn Tiếng Việt

Nội dung học tập môn tiếng Việt được chia thành nhiều mức độ, nhiều mảng. Vậy làm sao để nâng cao hứng thú học tập môn Tiếng Việt?

Không có con đường nào khác để làm nảy sinh và duy trì hứng thú của học sinh với tiếng Việt ngoài cách giúp các em thấy được sự thú vị, vẻ đẹp và khả năng kì diệu của chính đối tượng học tập - tiếng Việt, văn chương.

Việc nâng cao hứng thú học tập môn Tiếng Việt có thể được tạo dựng từ những điều nhỏ nhặt như cách vào bài, lời vào bài hấp dẫn cho giờ học. Ví dụ: Đây là một con chim sẻ rất nhỏ bé. Thế nhưng nhà văn Tuốc-ghê-nhép đã kính cẩn nghiêng mình thán phục trước nó, vì sao vậy? Chúng ta hãy cùng nhau đọc bài Con sẻ để trả lời câu hỏi này. Việc đưa ra các câu hỏi có thể kích thích sự tò mò, tìm hiểu của học sinh.

Bên cạnh đó, hứng thú của học sinh cũng được khơi dậy từ việc chỉ ra vẻ đẹp của một từ, cái hay của một tình tiết truyện, chẳng hạn: Tiếng hót của chim chiền chiện không phải “ríu rít”, “thánh thót” mà “ngọt ngào”, “long lanh”, “chan chứa” thì mới gây ấn tượng.

Ngay cả những vấn đề lí thuyết ngữ pháp khô khan cũng đều có thể gây hứng thú cho học sinh nếu chúng ta biết lựa chọn ngữ liệu khai thác những đặc điểm thú vị của tiếng Việt ví dụ giá trị gợi tả gợi cảm của lớp từ láy, quy luật chuyển nghĩa của từ nhiều nghĩa; khả năng tạo những “định danh nghệ thuật”, “đồng nghĩa kép” của hiện tượng đồng nghĩa

Ngữ điệu của giáo viên cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao hứng thú học tập môn Tiếng Việt. Việc nhấn nhá vào trọng tâm câu có thể giúp học sinh nắm bắt được đâu là trọng tâm của bài, đâu keyword của cả một câu dài. Đọc diễn tả những bài thơ, bài văn cũng giúp học sinh hiểu được cảm xúc của tác giả và cảm thấy thích thú với tiết học.

Ngoài ra, những kiến thức ngữ pháp nên được xem xét dưới góc độ của người sử dụng ngôn ngữ sẽ gây được hứng thú. Ví dụ, dạy bài Danh từ riêng có thể bắt đầu bằng cách nhận xét về cách đặt tên của người Việt. Khi dạy Đại từ nhân xưng, có thể cho học sinh nhận xét về văn hóa của người Việt trong cách xưng hô. Học sinh chưa hiểu hết được sự tế nhị trong cách xưng hô của người Việt và không phải em nào cũng biết xưng hô với bạn bè, cha mẹ, người thân một cách có văn hóa nên phát hiện này đối với các em cũng là điều thú vị…

Không có cách gì tạo ra hứng thú với tiếng mẹ đẻ và văn chương ngoài con đường cho trẻ tiếp xúc trực tiếp, càng nhiều càng tốt với những tác phẩm văn chương, những mẫu hình sử dụng ngôn ngữ mẫu mực vì: Không làm thân với văn thơ thì không nghe thấy được tiếng lòng chân thật của nó (Lê Trí Viễn).

3. Tạo hứng thú học tập môn Toán

Toán là môn học tiếp xúc nhiều với những con số, công thức nên có phần "khô khan". Làm thế nào để tạo hứng thú học tập môn Toán?

Để tạo hứng thú học tập môn Toán, giáo viên có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Nên sử dụng công nghệ thông tin, đưa trò chơi vào tiết học để thêm phần sinh động.
  • Đưa các bài toán thực tế, các ứng dụng liên môn vào soạn giảng để học sinh thấy được các ứng dụng của toán học trong nhiều lĩnh vực, nhiều môn học.
  • Sử dụng mô hình trực quan (như trong phần hình học không gian) và sử dụng các phần mềm hỗ trợ việc dạy và học toán như Geometer’s sketchpad, Cabri, Maple,…

Bên cạnh đó trong các bài kiểm tra nên đưa đủ dạng bài phù hợp với năng lực của nhiều học sinh. Chỉ toàn bài dễ thì sẽ khiến những bạn có năng lực khá, tốt cảm thấy nhàm chán, còn quá nhiều bài khó sẽ khiến các bạn học yếu hơn cảm thấy nản lòng.

Trên đây, Hoatieu.vn đã gửi đến bạn đọc Các kỹ thuật giúp khơi gợi hứng thú học tập của học sinh. Mời các bạn đọc thêm các bài viết liên quan tại mảng Tài liệu.

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
2 5.377
0 Bình luận
Sắp xếp theo