5 điều Bác Hồ dạy thời gian, ý nghĩa, có nghị luận

Nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam luôn ghi nhớ 5 điều Bác dạy. Hoatieu.vn xin gửi tới bạn đọc nội dung 5 điều Bác Hồ dạy nhi đồng.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung về 5 điều Bác Hồ dạy, nguồn gốc, ý nghĩa 5 điều Bác Hồ dạy, liên hệ thực tế áp dụng và trả lời cho câu hỏi 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng được Bác viết vào dịp nào?

1. 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng

Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng là những lời căn dặn của Hồ Chủ tịch đối với thế hệ măng non của Tổ quốc và tất cả những thế hệ học sinh, từ khi những lời dặn của Bác Hồ được viết ra đều được giáo dục và học thuộc từng câu chữ.

1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

2. Học tập tốt, lao động tốt

3. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt

5. Khiêm tốn thật thà dũng cảm

5 điều Bác Hồ dạy nhi đồngNội dung 5 điều bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng.

Hiện nay, bản thảo của bức thư gửi thiếu niên, nhi đồng vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Cụ thể, nội dung thư có những điều căn dặn của Bác như sau:

Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh,

Thật thà, dũng cảm”.

2. Thời gian, nguồn gốc 5 điều Bác Hồ dạy chính xác

Vào năm 1961, nhân Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam (15/5/1941 - 15/5/1961), theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho thiếu niên, nhi đồng. Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện còn lưu giữ bản thảo của bức thư đó. Trong thư Bác căn dặn: “Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh,
Thật thà, dũng cảm”.

Nhưng trong cuốn sổ Giải thưởng Bác Hồ là loại sổ dành riêng để thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập năm học 1964 - 1965 thì 5 điều Bác dạy trên đây lại được in hoàn chỉnh là:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

(Chữ “thật tốt” và chữ “khiêm tốn” được bổ sung vào 2 câu cuối, nên mỗi câu đều có 6 chữ).

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Sở dĩ như vậy vì gần đến cuối năm 1965, để chuẩn bị phần thưởng cho giáo viên và học sinh vào cuối năm học, Bác thấy 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng từ năm 1965 trở về trước, 3 câu đầu mỗi câu có 6 chữ còn 2 câu cuối mỗi câu chỉ có 4 chữ, như vậy không cân đối. Bác đã suy nghĩ và bổ sung thêm cho mỗi câu đủ 6 chữ.

Đặc biệt, ở câu thứ 5, Bác thêm chữ “Khiêm tốn” vì từ năm 1965 trở đi, đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh, ném bom bắn phá miền Bắc, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt” nên xuất hiện ngày càng nhiều gương “Người tốt việc tốt” ở mọi lứa tuổi. ở miền Bắc xuất hiện nhiều gương thiếu nhi dũng cảm cứu người, cứu hàng; ở miền Nam xuất hiện nhiều gương dũng sỹ diệt Mỹ.

Nhưng Bác không muốn các em tự kiêu, mà muốn các em khiêm tốn, bởi chỉ có đức khiêm tốn thì các em mới có thể tiếp tục cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa và tiến bộ hơn. Bác đánh giá rất cao đức khiêm tốn ở các em. Bác nói: “ở nước Mỹ, người ta giết nhau chỉ vì đồng bạc giấy, thế mà ở Việt Nam ta các cháu bé đã biết sống như thế nào... Có cháu lên 6 tuổi cùng bạn đi chơi, bạn nó sảy chân ngã xuống ao, nếu chạy về gọi người lớn thì bạn chết mất, cháu liền bám vào bụi cỏ bờ ao, nhoai cái chân nhỏ xíu ra, miệng bảo bạn “bám vào đây, bám vào đây”. Cháu tuy nhỏ tuổi mà biết thương bạn như vậy. Thương bạn, thông minh và dũng cảm, cháu lại khiêm tốn nữa, cứu được mạng người mà không khoe khoang. Văn minh chiến thắng bạo tàn. Xã hội ta văn minh hơn xã hội Mỹ từ những việc làm của các cháu bé như vậy”.

5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng

3. Ý nghĩa 5 điều bác Hồ dạy hay nhất

Điều 1: Yêu tổ quốc, yêu đồng bào.

Tìm hiểu và hiểu biết về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương, hăng hái tham gia giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó. Có thái độ ứng xử đúng mực, tốt đẹp với mọi người xung quanh.

Điều 2: Học tập tốt, lao động tốt

Có nghĩa là xác định động cơ học tập, có thái độ đúng đắn trong học tập, chăm chỉ học tập đều các môn học, học trên trường lớp và cả trong cuộc sống hàng ngày, biết áp dụng lý thuyết vào thực tế, không học vẹt, lý thuyết suông. Đồng thời, phải biết yêu lao động, tự giác lao động, giúp đỡ bố mẹ cũng như tham gia các hoạt động xã hội, phải biết quý trọng các thành quả và giá trị lao động mà bản thân hoặc người khác mang lại. Giáo dục cho bản thân ý chí, nghị lực vượt khó để học tập và lao động tốt hơn và tập tính trung thực trong thi cử qua các phong trào rèn luyện tại nhà trường.

* Điều 3: Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Có tinh thần xây dựng và giữ tình đoàn kết được thể hiện trong mối quan hệ giữa bạn bè, anh, chị, em trong gia đình, trong tập thể và xa hơn nữa là trong cộng đồng. Phải biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, cố gắng khắc phục khó khăn, cùng nhau tiến bộ trong học tập với bạn bè. Thể hiện tình đoàn kết qua hành vi ứng xử trong cuộc sống hằng ngày giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống bằng những việc làm nhỏ của mình như giúp đỡ sách cũ, quần áo cũ. Không chỉ đoàn kết mà còn rèn luyện tính kỷ luật bản thân, nghiêm túc thực hiện các công việc, mục tiêu đề ra, dễ liên hệ nhất là việc chấp hành nội quy, quy định của trường lớp, những quy định chung ở những nơi cộng cộng v.v…

Điều 4: Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Cần giữ vệ sinh ở trường, giữ vệ sinh ở nhà và ở những nơi công cộng cũng như việc giữ gìn vệ sinh cá nhân của bản thân như giữ nhà cửa sạch sẽ, quét nhà, bàn học gọn gàng,... bản thân thì đầu tóc sạch sẽ, giữ vệ sinh tay, chân miệng,.... Việc này rè luyện ý thức sạch sẽ, bảo vệ môi trường; đồng thời rèn luyện cho các em kĩ năng giao tiếp ứng xử có văn hóa, kĩ năng phòng tránh thương tích, kĩ năng tổ chức hoạt động tập thể, kĩ năng thực hành xã hội.

Điều 5: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

Bác dạy để thiếu niên nhi đồng biết tự trọng bản thân, không tự kêu tự mãn, biết lễ phép với ông bà, thầy cô và cha mẹ. Biết tôn trọng người lớn tuổi, biết nói năng nhẹ nhàng, biết dạ, thưa khi được người lớn tuổi hỏi,.. và phải có tính trung thực, không gian dối trong cuộc sống, trong học tập với thầy cô, với bạn bè và đặt biệt là với ông bà, cha mẹ, mọi người trong xã hội. Và rèn luyện thêm đức tính "dũng cảm", một đức tính cao quý của con người, người dũng cảm là người biết nhìn nhận những khuyết điểm, thiếu sót của mình. Người dũng cảm luôn được mọi người quý mến.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, 5 điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng vẫn là bài học thuộc lòng quý giá để mỗi em ghi nhớ, học tập, rèn luyện, noi theo và là danh hiệu mà tất cả thiếu nhi Việt Nam đều mong muốn đạt được.

5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng đã được phổ biến rộng khắp trong các trường học ở Việt Nam. Nghe theo lời dạy của Người, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hăng hái thi đua tham gia phong trào “Hai tốt”, phong trào “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt”. Chính những đóng góp nhỏ bé của các em đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây đất nước.

4. Nghị luận xã hội 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi, nhi đồng

Năm điều Bác Hồ dạy với mỗi câu 6 chữ đã trở nên phổ biến rộng khắp tại các trường học ở Việt Nam và khiến các em hăng hái thi đua đạt thành tích tốt, Chính bởi những đóng góp của các em đã góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước và xây dựng Tổ quốc. Trong "Năm điều Bác Hồ dạy", Người đã khuyên "Học tập tốt, lao động tốt". Vậy, học sinh chúng ta ngày nay phải hiểu và vận dụng lời dạy trên như thế nào cho đúng?

Ngày nay, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vẫn đang được tuyên truyền và phổ biến rộng khắp. Ở các nhà trường, nhất là tại trường tiểu học giáo viên, ban giám hiệu nhà trường vẫn bám theo 05 điều Bác Hồ dạy để giáo dục, hình thành nhân cách cho các em.

"Học tập tốt" nghĩa là chăm chỉ, cần cù tìm hiểu, học học trong quá trình tiếp thu kiến thức của nhân loại. Và phải biết vận dụng kiến thức ấy vào cuộc sống thực tiễn. Còn "lao động tốt" có nghĩa là mỗi bản thân chúng ta phải tự giác, tự nguyện lao động, làm việc và tuân theo những quy định khi lao động. Vậy tóm lại "học tập tốt, lao động tốt" có thể hiểu là mỗi học sinh trong chúng ta phải không ngừng học hỏi thêm kiến thức mới, và phải chung tay góp sức lao động, làm việc để đất nước ngày một đi lên.

Và lí do để chúng ta phải "học tập tốt, lao động tốt" là gì? Đó là nhiệm vụ và quyền lợi của mỡi học sinh, mỗi người dân. "Học tập tốt" ta sẽ đạt được kết quả cao như mong muốn, thầy cô, cha mẹ sẽ tự hào về ta và học tập tốt cũng là một cách để góp phần vào việc nâng cao dân trí. Đất nước muốn giàu mạnh, phát triển thì không thể thiếu "lao động tốt". Thực hiện theo lời Bác "học tập tốt, lao động tốt" là đã góp một phần vào công cuộc xây dựng và đổi mới nước nhà. Người cũng đã từng nói: "Non song Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với cường quốc Năm Châu đc hay không, đó là nhờ công học tập của các cháu". Câu nói đó đã thể hiện rõ một điều: những học sinh chúng ta sẽ trở thành những chủ nhân của đất nước trong tương lai. Bởi thế nên chỉ có "học tập tốt, lao động tốt" mới giúp chúng ta áp dụng kiến thức vào cuộc sống, phục vụ Tổ Quốc, phục vụ nhân dân.

Bác Hồ là một tấm gương điển hình cho chúng ta noi theo. Người đã cần cù, chăm chỉ học tập và lao động kiên trì, bền bĩ. Kết quả Người đạt được là một vốn kiến thức to lớn và thành công trong việc giải phóng đất nước.

Dân có giàu thì nước mới mạnh, cuộc sống gia đình mới hạnh phúc, ấm êm, đời sống mới ngày càng được nâng cao. Tưởng tượng nếu một xã hội chỉ toàn những người lười nhác, không học tập, không lao động thì xã hội đó có phát triển được hay không? Nhân loại có được những phương tiện văn minh, hiện đại hay không?

Và nhiệm vụ của mỗi học sinh chúng ta là phải xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn. Đến trường phải ghi chép bài đầy đủ, tránh học tủ, học vẹt, học đối phó, học và hành phải luôn đi đôi với nhau, học từ những điều cơ bản rồi đến nâng cao, áp dụng những điều học được khi làm việc.

Những kẻ lười biếng, không có mục đích học và làm việc sẽ bị xã hội lên án, chỉ trích. Mỗi lời dạy của Bác là mỗi bài học đúng đắn cho chúng ta, cho xã hội đang đà phát triển. Nghe theo lời bác, bản thân em sẽ cố gắng "học tập tốt, lao động tốt" để không phụ lòng mong mỏi nơi Bác, gia đình và thầy cô.

5. Liên hệ thực hiện theo 5 điều Bác Hồ dạy

Hiện nay hầu hết các bạn đội viên trong toàn trường đều có thể thuộc 5 điều Bác Hồ dạy nhưng nhiều HS còn chưa biết thực hiện và làm theo những điều đó ra sao? Bản thân tại sao phải cần thực hiện các điều đó? Việc hiểu ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy của mỗi HS là rất cần thiết. Bởi 5 điều Bác Hồ dạy là sự đúc kết kinh nghiệm rèn luyện của bản thân Bác nhằm động viên thiếu niên nhi đồng Việt Nam trong lao động và học tập rèn luyện. Đồng thời, 5 điều Bác Hồ dạy là mục tiêu, cương lĩnh giáo dục thiếu niên nhi đồng Việt Nam thể hiện tính toàn diện, cả đức dục, trí dục, thẩm mỹ, thể chất để xây dựng thế hệ trẻ có đủ đức, đủ tài.

Tuy nhiên, các em làm theo không phải là thuộc 5 điều Bác dạy mà phải hiểu rõ, thực hiện đúng với chức năng nhiệm vụ của mình. Vậy, chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy:

* Điều 1: Yêu tổ quốc, yêu đồng bào.

- Yêu tổ quốc nghĩa là: Có hiểu biết về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương, hăng hái tham gia giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp. Việc học Lịch Sử và Địa Lí chính là HS đã thể hiện được ý nói trên.

- Yêu đồng bào: Là lòng yêu đồng bào được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày là cách giao tiếp, cách cư xử với mọi người xung quanh, với gia đình với bạn bè, thầy cô, sự tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong học tập.

* Điều 2: Học tập tốt, lao động tốt.

- Học tập tốt nghĩa là: Việc xác định đúng động cơ và thái độ học tập, chăm chỉ học tập đều các môn học. HS không chỉ học trong sách, vở mà còn phải học tập thêm ngoài cuộc sống hằng ngày. Cụ thể như: ở nhà, chuẩn bị bài học đầy đủ, chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập chu đáo. Đến lớp, chú ý lắng nghe thấy cô giảng, tích cực phát biểu, ghi chép bài đầy đủ, v.v…

- Lao động tốt: Là phải biết yêu lao động, phải biết quý trọng các thành quả và giá trị của lao động mà bản thân hoặc người khác mang lại. Biết thực hiện lao động vừa sức, tích cực tham gia lao động cùng tập thể. Cụ thể như: Việc trực nhật trường lớp; chăm sóc tốt bồn hoa, cây cảnh trong nhà trường. Ở nhà, biết giúp đỡ cha mẹ những công việc nhỏ tuỳ theo sức của mình. Tóm lại, lao động giúp ta nâng cao sức khỏe, sự kiên trì, nhẫn nại và hình thành thói quen tốt.

* Điều 3: Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

- Đoàn kết tốt: Tình đoàn kết được thể hiện trong mối quan hệ giữa bạn bè, anh, chị, em trong gia đình, trong tập thể và xa hơn nữa là trong cộng đồng. Tình bạn bè là phải biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, cùng bạn cố gắng khắc phục khó khăn, cùng nhau tiến bộ trong học tập.

- Kỷ luật tốt: Thể hiện ở việc chấp hành tốt nội quy, quy định của trường lớp, cũng như những quy định chung ở nơi cộng cộng.

* Điều 4: Giữ gìn vệ sinh thật tốt.

Giữ vệ sinh ở trường, ở nhà, nơi công cộng cũng như giữ gìn vệ sinh cá nhân của mỗi HS. Cụ thể như: ở trường, bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi. Ở nhà, biết giữ gìn vệ sinh xung quanh nhà. Ở nơi công cộng, giữ gìn vệ sinh chung. Về bản thân, phải biết giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ; ăn mặc, đầu tóc gọn gàng; thực hiện ăn chín, uống sôi…

* Điều 5: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

- Khiêm tốn: Là không tự kiêu tự đại, biết lễ phép với ông bà, thầy cô và cha mẹ. Biết tôn trọng người lớn tuổi, biết nói năng nhẹ nhàng, biết dạ, thưa khi được người lớn tuổi hỏi …

- Thật thà: Là phải biết trung thực, không gian dối trong cuộc sống, trong học tập. Phải có lối sống trung thực với mọi người, với thầy cô, với bạn bè và đặc biệt là với ông bà, cha mẹ.

- Dũng cảm: Là một đức tính cao quý của con người, người dũng cảm là người biết nhìn nhận những khuyết điểm, thiếu sót của mình. Người dũng cảm luôn được mọi người quý mến.

Bác Hồ là người luôn kỳ vọng nhất vào lớp thiếu nhi của đất nước. Mọi tình yêu thương, sự chăm sóc Bác đều dành cho thiếu nhi Việt Nam. Bởi như Bác đã từng nói:

"Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan".

Nhiều năm trôi qua, trên đất nước Việt Nam chúng ta đã có bao đổi thay lớn lao, bao biến cố lịch sử trọng đại, nhưng lời dạy của Bác vẫn mãi trường tồn và luôn khích lệ tuổi trẻ trên mọi miền Tổ quốc học tập và rèn luyện để dựng xây đất nước.

Thầy cô hi vọng rằng qua việc hiểu ý nghĩa của 5 điều Bác Hồ dạy, các em sẽ ra sức thi đua học tập, rèn luyện tốt 5 điều Bác dạy, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Và để thực sự các em thấy, chúng ta phải làm gì để thực hiện được 5 điều Bác Hồ dạy?

Các em hãy làm theo 10 điều sau đây:

1. Yêu trường, yêu lớp, xem trường học như là ngôi nhà thứ hai của mình. Biết giữ vệ sinh trường sạch - đẹp. Bảo quản cơ sở vật chất, bàn ghế, lớp học và cây xanh, cây cảnh trong nhà trường. Biết bảo vệ công trình, di tích lịch của địa phương;

2. Biết thương yêu ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, những người già và các em nhỏ. Biết giúp đỡ những cụ già, em nhỏ và những người không may gặp hoạn nạn, khó khăn. Thực hiện tốt phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, tấm lòng “Thương thân thương ái”,”Lá lành đùm lá rách”…

3. Thi đua thực hiện phong trào “Học tốt”, xây dựng cho mình phương pháp học tập ở lớp cũng như ở nhà nhằm nâng cao kết quả học tập;

4. Tham gia nhiệt tình các buổi lao động dọn vệ sinh trường lớp. Có ý thức cao trong việc chăm sóc và bảo vệ cây xanh trong trường. Tham gia làm các công việc nhà phù hợp với mình để giúp đỡ bố mẹ…

5. Xây dựng mối đoàn kết với bạn trong lớp, trong trường, không gây gỗ, không đánh nhau. Biết giúp đỡ ban bè trong học tập cũng như trong cuộc sống hàng ngày;

6. Thực hiện nghiêm túc các nội quy mà trường lớp và Liên đội đề ra. Tham gia tích cực phong trào “Nghìn việc tốt”;

7. Biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, tham gia thể dục thể thao để rèn luyện và nâng cao sức khỏe. Có ý thức cao trong việc giữ gìn trường lớp “Xanh – sạch – đẹp”;

8. Hòa nhã với bạn bè không tự cao, không xem thường bạn bè. Biết cách cư xử đúng mực với thầy cô, bạn bè;

9. Có đức tính thật thà, trung thực, không nói dối ba mẹ, thầy cô và bạn bè.

10. Biết nhận lỗi khi mình làm sai, khi làm phiền hà đến mọi người. Mạnh dạn phát biểu trong học tập và tham gia các hoạt động Đội, hoạt động xã hội. Mạnh dạn thực hiện những ước mơ, những ý tưởng hoài bão của mình.

Hi vọng rằng các đội viên sẽ luôn phấn đấu thực hiện để trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

Trên đây là nội dung, ý nghĩa, xuất xứ, và hướng dẫn thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy cho các em thiếu niên nhi đồng. Đây là 5 điều mà các em học sinh sẽ phải ghi nhớ trong suốt quá trình học tập và rèn luyện. Hy vọng nội dung bài viết đã cung cấp cho các em những thông tin hữu ích.

6. Video 5 điều Bác Hồ dạy bé Quý Dương

Để giúp các em thiếu niên, nhi đồng có thể dễ dàng ghi nhớ, Hoatieu xin gửi đến video về 5 điều mà Bác Hồ đáng kính đã dạy cùng video tuyển tập những ca khúc 5 điều Bác Hồ dạy thể hiện bởi bé Quý Dương. Hi vọng rằng với video ngắn gọn, dễ hiểu này các em có thể nhanh chóng học thuộc, ghi nhớ cũng như thực hiện theo để có thể trở thành một người con ngoan trò giỏi, trở thành tấm gương sáng về đạo đức và trong học tập nhé!

7. Bác Hồ gửi thư cho thiếu nhi cả nước và căn dặn các em 5 điều

Bác Hồ đã gửi thư cho thiếu nhi cả nước và căn dặn các em 5 điều: “yêu tổ quốc, yêu đồng bào học tập tốt, lao động tốt đoàn kết tốt, kỉ luật tốt giữ gìn vệ sinh thật tốt khiêm tốn thật thà dũng cảm”. Hãy cho biết bác gửi thư vào thời gian và nhân dịp gì?

=> Trả lời: Theo đó cách đây 63 năm, cụ thể là vào năm 1961. Trong dịp Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong (15/05/1941 - 15/05/1961), theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng, ân cần động viên, căn dặn các cháu thiếu niên, nhi đồng 5 điều.

Từ đó đến nay, 5 điều Bác Hồ dạy đã trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Và là nền móng vững chắc hình thành nên một thế hệ học sinh, sinh viên làm rạng danh đất nước sau này, góp phần xây dựng nước nhà sánh ngang với các cường quốc năm châu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu quý thiếu niên, nhi đồng. Không chỉ yêu quý, Bác còn rất quan tâm giáo dục các em. Bác nói thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà, cho nên cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng cho thiếu nhi.

Ngoài ra, để tim hiểu những tài liệu và thông tin hữu ích trong quá trình học tập, mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.

Đánh giá bài viết
241 118.719
1 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
  • 🖼️
    ngovannam Ngo

    uhm tôi thấy nó cũng hay

    Thích Phản hồi 09/04/22
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm