Viết bài thu hoạch sau khi đi tham quan

Viết bài thu hoạch sau khi đi tham quan là một trong số các hoạt động ý nghĩa giúp các em học sinh hệ thống lại những kiến thức bổ ích tiếp thu được sau chuyến tham quan đến bảo tàng hay các di tích lịch sử nối tiếng. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các bạn đọc một số mẫu viết bài thu hoạch sau khi đi tham quan hay và chi tiết để các bạn nắm được cách viết bài thu hoạch tham quan chuẩn nhất.

Mẫu bài thu hoạch sau khi đi tham quan

1. Bài thu hoạch tham quan K9 Đá chông

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngày......, Chi bộ trường Tiểu học ..... đã tổ chức cho ...... nhà trường đi tham quan thực tế tại khu di tích lịch sử K9 - Đá Chông, Ba Vì – Hà Nội. Đây là địa điểm gìn giữ thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1969 - 1975.

Vào năm 1957, trong một lần thăm sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ăn trưa trên đỉnh đồi, ngay dưới chân ba tảng đá Chông hùng vĩ. Thấy khí hậu nơi đây mát mẻ, địa hình hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của TW đề phòng chiến tranh có thể mở rộng toàn quốc. Năm 1960, Cục Doanh trại thuộc tổng cục Hậu cần xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ chính trị TW Đảng. Xung quanh là hệ thống công sự kiên cố, khu vực này đặt tên là công trường K9. Những năm có chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ chính trị đã lên làm việc và nghỉ ngơi tại đây. Ngày 2/9/1969, Bác Hồ đi xa. Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15/12/1969 công trình gìn giữ thi hài Bác Hồ tại K9 đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày. Để giữ bí mật K9 đổi thành K84. Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969 thi hài Bác đã được di chuyển từ K75A đưa vào nơi lưu giữ ở K84 một cách an toàn, đảm bảo kỹ thuật tuyệt đối vào sáng ngày 24/12/1969.

Buổi tham quan thực tế thực sự bổ ích và lý thú, một bài học thực tế mà không có bài học sách vở nào có thể so sánh được dành cho lực lượng đảng viên và quần chúng trong Chi bộ. Sau buổi tham quan thực tế cán bộ, đảng viên, giáo viên nhà trường đã hiểu biết nhiều hơn về khu di tích lịch sử K9 - Đá Chông, hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu cũng như công việc mà Trung ương Đảng đã thực hiện gìn giữ thi hài Bác trong suốt những năm tháng từ 1969 đến 1975.

2. Bài thu hoạch tham quan K9 Đá chông cho học sinh

Năm lớp 8, lớp chúng tôi được tổ chức chuyến đi tham quan khu di tích lịch sử K9-Đá Chông Ba Vì và Đảo Ngọc Xanh. Tôi đã vô cùng háo hức và sự thật thì chuyến đi quả không làm tôi thất vọng. Từ trung tâm Thủ đô Hà Nội, du khách lên ôtô đi theo đường quốc lộ 32 hoặc Đại lộ Thăng Long đều đến thị xã Sơn Tây, rẽ theo đường 414 (tỉnh lộ 87) đi khoảng 19 km là đến đồi Đá Chông, thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Sau năm 1975, sau khi đón thi hài Bác Hồ về Lăng, K9 trở thành một khu di tích do Đoàn 285 Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý. Đến K9 trong không khí trang nghiêm, thành kính, chúng tôi đã dâng hương bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc tới chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Nơi đây khi xưa Bác đã chọn làm an toàn khu cho Trung ương thời kỳ chống Mỹ, chúng tôi thăm phòng ở, phòng làm việc của Bộ chính trị và Bác Hồ - thăm nơi bảo quản, gìn giữ thi hài của Bác Hồ từ năm 1969 - 1975. Càng đi, chúng tôi càng thêm tự hào và biết ơn về những công lao vĩ đại của Bác. Sau khi tham quan khu di tích K9, chúng tôi tiếp tục lên xe tiến về khu du lịch Đảo Ngọc Xanh. Ngay từ khi đặt chân xuống địa điểm du lịch, tất cả mọi người đều bị thu hút bởi khung cảnh rộng lớn và đầy màu sắc tươi vui, mới lạ. Chúng tôi đã có những trải nghiệm vui vẻ với các trò chơi tại nơi đây và chụp ảnh lưu niệm. Chuyến đi đã để lại trong tôi những cảm xúc và kỉ niệm khó phai mờ.

3. Bài thu hoạch tham quan K9 Đá chông cho sinh viên

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm ....năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày ............., Học viện báo chí tuyên truyền đã tổ chức chuyến trải nghiệm thực tế tại Khu di tích lịch sử K9 – Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) cho học viên lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí truyền thông ...... Đây là địa điểm gìn giữ thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ năm 1969 đến 1975.

Tham gia hoạt động ý nghĩa này có đồng chí ........., đại diện Ban tổ chức tuyển sinh Học viện báo chí & tuyên truyền.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là khu di tích K9- Đá Chông, cách Thủ đô Hà Nội trên 70km, thuộc huyện Ba Vì – Hà Nội. Thông qua sách báo, lịch sử thì K9 - Đá Chông đã trở thành một địa danh quen thuộc với mọi người, nơi đây là khu căn cứ địa bí mật của Đảng và Chính phủ ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Khu di tích nằm bên bờ hữu ngạn sông Đà hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng.

Tại khu di tích K9, đoàn đã thành kính dâng hương tưởng niệm Bác Hồ kính yêu tại Nhà tưởng niệm Bác, tham quan những địa danh lịch sử và nghe các câu chuyện cảm động gắn liền với cuộc đời của Bác trong thời gian Người sống và làm việc tại đây. Mỗi kỷ vật lưu niệm đều mộc mạc, đơn sơ và gắn với từng sự kiện, từng câu chuyện trong một quãng đời hoạt động của Bác khiến chúng tôi vô cùng xúc động và càng thêm khâm phục, mến mộ về tấm gương, đạo đức, nhân cách của Người.

Sau khi dâng hương tại Nhà tưởng niệm, chúng tôi được nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu về một số di tích, lịch sử nơi đây. Trước hết là lịch sử cội nguồn khu di tích: Vào năm 1957, trong một lần lên thăm sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, khi dừng chân ăn trưa ngay dưới những tảng Đá Chông hùng vĩ trên đỉnh đồi, thấy phong cảnh thiên nhiên hũng vĩ, khí hậu mát mẻ, một nơi “Sơn thủy hữu tình”, có lợi thế cả về đường bộ, đường thủy nên Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương đề phòng khi chiến tranh có thể mở rộng ra cả miền Bắc và Hà Nội.

Tiếp theo, chúng tôi được tìm hiểu cụ thể về một số di tích: Nhà sàn, Nhà kính, Hầm ngầm, và nhà để bốn chiếc xe làm nhiệm vụ chở thi hài Bác. Câu chuyện về Nhà sàn không chỉ cung cấp cho chúng tôi sự hiểu biết mà còn cho chúng tôi nhiều kĩ năng sống. Nhà sàn được Cục doanh trại thuộc Tổng cục hậu cần xây dựng năm 1960, làm nơi hội họp và nghỉ ngơi của Bác và Trung ương Đảng. Đây là nơi đã chứng kiến nhiều cuộc họp quan trọng quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Khi xây dựng Nhà sàn, Bác yêu cầu trải sỏi cuội xung quanh cả những con đường từ Nhà sàn đến điểm Đá Chông, đường xuống chân đồi, … theo Bác về mùa hè oi nóng đi trên sỏi mát chân, trời mưa không bị trơn trượt và khi có thú dữ hay biệt kích lọt vào sẽ gây tiếng động.

Đến K9 –Đá Chông chúng tôi được biết: Sau khi Bác qua đời, thi hài của Người đã được đưa về đây. Và trong suốt những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt từ 1969 đến 1975, thi hài Bác đã dược gìn giữ ở đây. Các công trình Nhà kính và Hầm ngầm được Bộ tư lệnh Công binh xây dựng để gìn giữ lâu dài thi hài Hồ Chủ Tịch.

Theo chân cô hướng dẫn viên, chúng tôi đến khu nhà để bốn chiếc xe làm nhiệm vụ chở thi hài Bác từ K9 ra Thủ đô và ngược lại, trong đó có hai chiếc trực tiếp được chở, hai chiếc còn lại mới chỉ được diễn tập dự phòng. Qua những trang sách lịch sử, tuy đã biết cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra rất ác liệt, nhiều cam go thách thức. Đặc biệt, sau năm Mậu Thân giặc Mỹ càng điên cuồng đánh miền Bắc với những cuộc không kích bằng máy bay B52, tuy vậy chúng cũng không thể đánh được K9. Trong khi cuộc chiến đang diễn ra ác liệt như vậy, nhưng có lúc vẫn phải di chuyển thi hài Bác ra Thủ đô và quay lại K9, mặt đất đường sá bị cày xới nham nhở, nhưng những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ thi hài Bác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nghe đến đây trong lòng tôi dâng lên tình cảm yêu thương Bác vô bờ bến, biết ơn và cảm phục các chiến sĩ bảo vệ làm nhiệm vụ ở K9.

Sau một ngày trải nghiệm K9– Đá Chông, chúng tôi đã gặt hái được nhiều bài học quý giá: Nơi đây đã để lại những bài học lớn về đạo đức, tác phong, nhân cách sống cao đẹp, giản dị của Bác Hồ. Nơi đây cũng là một cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp từng được Bác chăm sóc và gìn giữ. Vì thế chúng ta cần phải gìn giữ và phát huy hết giá trị về văn hóa, lịch sử của khu di tích này; trở thành một nội dung có ý nghĩa đóng góp cho cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; giáo dục truyền thống cách mạng, tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Chuyến đi thực tế về K9 đã mang lại cho chúng tôi ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống uống nước nhớ nguồn, giúp cho các học viên càng thêm thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách vĩ đại của Người; từ đó mỗi cá nhân tự đặt ra cho mình những việc làm cụ thể để học tập và làm theo Bác theo đúng Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng tôi càng thêm kính phục biết ơn Bác Hồ, biết ơn công lao của Đảng, tự hào thêm về giang sơn đất nước mình.

4. Viết bài thu hoạch sau khi đi tham quan Bạch Đằng giang

Trường THPT Cát Hải là nơi đã nuôi dưỡng, gắn bó mật thiết với em trong 3 năm cấp ba. Sống trong đó chúng em đã hiểu được thế nào là tình yêu thương, sự sẻ chia, những gắn bó sâu nặng giữa thầy và trò. Ngoài những bài học trên sách vở, chúng em còn được đi học ngoại khóa, tham gia những chuyến tham quan, trải nghiệm để tìm hiểu thêm kiến thức trong cuộc sống. Và gần đây nhất là chuyến tham quan ngày ...... với địa điểm lí thú, trong đó “ Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang” để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất.

Nằm ngay cửa Sông Bạch Đằng, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 25km, di tích lịch sử Bạch Đằng Giang ở Tràng Kênh - Thủy Nguyên xứng đáng là quần thể hội tụ những dấu ấn lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng lớn bậc nhất Hải Phòng, một trong những điểm đến hấp dẫn du khách thập phương. Vùng cửa sống Bạch Đằng thực sự là một địa danh đặc biệt bởi trong một không gian không mấy rộng nhưng lại gắn liền với 3 trận thủy chiến. Đó là những trận chiến cho biểu tượng cho tinh thần một dân tộc anh hùng, chống lại những thế lực ngoại xâm hùng mạnh.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt công trình của khu di tích Bạch Đằng Giang đã được hình thành. Trước hết là quần thể 3 ngôi đền lần lượt gắn với tên tuổi 3 nhà cầm quân lẫy lừng của dân tộc: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền. Cả 3 ngôi đền đều được xây dựng theo kiến trúc cổ, với sự kết hợp kỳ công giữa gỗ và đá tự nhiện, tọa lạc dưới bóng cây rờm rợp, dọc theo triền núi ven sông, tạo thành một vùng sinh thái thơ mộng, trên bến dưới thuyền, sơn thủy hữu tình gắn quyện. Dọc đường đi, chúng em được chiêm bái một hệ thống đền thờ, miếu viện, tượng đài thờ tự và vinh danh các bậc tiền nhân, anh hùng dân tộc. Qua nhà trưng bày hiện vật là đền thờ hoàng đế Lê Đại Hành - Người đã đánh thắng quân Tống xâm lược năm 1981. Tiếp đó là Trúc Lâm thiền tự, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông, rồi đến đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - Người chỉ huy đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288, cũng bằng thế trận cọc ngay trên khúc sông này. Tiếp đến là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía cuối gần tiếp giáp với bờ sông Bạch Đằng là đền thờ Đức Vương Ngô Quyền vị tổ trung hưng, người đã làm nên chiến thắng lịch sử, đánh tan quân Nam Hán năm 938 đem lại nền độc lập, mở ra kỷ nguyên tự chủ cho nước nhà. Suốt dọc đường đi, ta nghe thấy tiếng nhạc thiền du dương, êm dịu tạo nên không khí thanh bình khiến tâm hồn nhẹ nhàng thư thái. Phía bờ, nơi nhô lấn ra sông là tượng đài 3 vị anh hùng dân tộc đã nêu trên. Nhìn những bức tượng uy nghi, mắt dõi theo nhìn thẳng xuống dòng sông như đang chỉ huy trận đánh. Tượng mang dáng vẻ uy phong, hùng dũng nhưng cũng toát lên được vẻ độ lượng, khoan hòa - có lẽ đây là những bức tượng thần thái sống động nhất em từng được chiêm ngưỡng. Ngoài bến sông Bạch Đằng có thêm con đường rộng thênh thang, dẫn lối tới cầu đá nổi, được chạm khắc tinh xảo, tôn thêm vẻ hùng tráng đến kì vĩ của 3 pho tượng; Phía dưới là bãi cọc, tái tạo chứng tịch lịch sử ấn tượng một thuở non sông vang dội.

Sau chuyến đi, chúng em lại trở về trường tiếp tục công việc học tập. Nhưng chắc chắn rằng đằng sau một chuyến trải nghiệm thú vị này, hiểu biết thêm về các di tích lịch sử, danh thắng của đất nước đặc biệt, là truyền thống yêu nước của nhân dân ta - lòng tự hào đó sẽ là hành trang là động lực tiếp bước cho chúng em trong quãng đường học tập và lao động sau này. Một chuyến đi quá bổ ích và lý thú! Sau cuộc hành trình này chúng em đã tích lũy và trang bị được thêm cho bản thân những kiến thức mới, những bài học cuộc sống ý nghĩa mà không bị giới hạn bởi mạng xã hội hay các thiết bị điện tử. Qua chuyến đi này chúng em nhận ra một bài học quan trọng hơn chính là sứ mệnh cũng như trách nhiệm của mình đối với tương lai của đất nước. Hiện nay, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường và để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2018. Sắp tới, em hứa sẽ rèn luyện chăm chỉ, tích cực về cả học tập lẫn đạo đức để xây dựng xã hội ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp sức trẻ của mình vào sự nghiệp “ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước như Bác Hồ từng răn dạy. Chúng em cũng cảm ơn Ban giám hiệu nhà trường cũng như các thầy cô đã tổ chức những buổi học thật lý thú và bổ ích cho chúng em. Đây là một trong kỷ niệm đẹp nhất của em dưới mái trường và quãng thời gian 3 năm đầy ý nghĩa, nó sẽ khắc sâu vào trái tim những học sinh cuối cấp như chúng em để rồi mai đây trở thành hành trang vững chắc cho em bước ra xã hội.

5. Viết bài thu hoạch sau khi đi tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh

Nói đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, bất cứ ai dù chưa đến đó một lần cũng hiểu được nơi đây trưng bày những tư liệu hiện vật và những thước phim ảnh phác hoạ cuộc đời và sự nghiệp của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta. Là sinh viên, tôi may mắn một lần đựơc theo chân cuộc hành trình của môn học “Tư Tưởng Hồ Chí Minh” đến viếng thăm nơi đây. Cuộc viếng thăm đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng và xúc cảm sâu sắc. Đặc biệt qua những gì được tận mắt chứng kiến, cuộc viếng thăm còn đưa tôi đến với nhiều thực tế sinh động mà có thể trước đây tôi mới chỉ được nghe trên sách vở hoặc chưa hề nghĩ tới.

Bảo tàng Hồ Chí Minh còn được biết đến với tên gọi “Bến Cảng Nhà Rồng” toạ lạc tại số 1 Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4, TP Hồ Chí Minh; là chi nhánh nằm trong hệ thống các bảo tàng di tích lưu niệm về cuộc đời sự nghiệp của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng được chia làm ba không gian gắn liền với những giai đoạn hoạt động cách mạng của Người: Phía bên phải là hình ảnh đất nước ta; bên trái là bối cảnh thế giới trong những năm đầu thế kỷ XX; khu chính giữa là con đường Hồ Chí Minh. Một cách tổng thể, nơi đây trưng bày hơn 12 vạn tư liệu hiện vật và những thước phim ảnh phác hoạ cuộc đời và sự nghiệp của Bác.

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi bước chân đến đây, đứng trước một bến nước mênh mông với muôn vàn con sóng điệp trùng, tôi cảm phục về Bác – một con người đầy lý tưởng. Có lẽ cách đây 100 năm, ngày 5/6/1911, Bác cũng đang đứng ở đây như tôi, phóng tầm mắt nhìn ra biển khơi xa tít. Người thanh niên Nguyễn Văn Ba gầy gò ngày ấy đang mang trong mình một một tâm tư trĩu nặng và một hoài bão lớn lao. Nhìn những con sóng dữ tợn đang gấp gáp xô nhau vào bờ và những con thuyền nhỏ bé đang vập vềnh trên con nước, tôi tự hỏi: không biết ngày ấy khi bước lên con tàu Amiral Latouche Tréville để sang châu âu tìm đường cứu nước, trong lòng Bác có cảm thấy sợ hãi hay không? Bởi vì những chuyến đi biển thường hay gặp muôn vàn trắc trơ , đã có biết bao nhiêu con thuyền đã thất bại trước những con sóng dữ vĩnh viễn phải chìm sâu dưới lòng biển cả mà cuộc hành trình của Bác lại rất xa xăm không biết bao giờ mới tới nơi? Có lẽ là không. Bởi tình yêu quê hương đất nước, tình thương nhân dân, nỗi đau khi phải chứng kiến cảnh đồng bào mình đang chịu cảnh lầm nô lệ lầm than dưới gót giày bọn thực dân đế quốc đã tạo nên trong Người một lý tưởng cao cả, quyết tâm tìm ra con đường giải phóng dân tộc mình. Nhìn vào cuộc sống hiện tại, tôi thấy còn cảm phục Bác hơn nữa khi chúng tôi đang được sống trong một xã hội tự do, chúng tôi được học tập, một xã hội rộng mở với những cơ hội tốt đẹp về tương lai cho chúng tôi muôn vàn lựa chọn. Vậy mà, có biết bao nhiêu người trong chúng tôi đã sống không hề có lý tưởng, có biết bao người đã sa đoạ vào các tệ nạn, vào những thú vui qua ngày để giết dần sự sống của mình.

Bước vào không gian bên trong bảo tàng, qua lời chỉ dẫn của chị hướng dẫn viên, con đường và sự nghiệp cách mạng của Bác dần dần như được trải ra trước mắt tôi qua dấu tích của từng hiện vật và bức ảnh. Tôi không thể kìm nén được nỗi xúc động khi nghe giới thiệu về bộ tư trang của Bác. Trước mắt tôi là một chiếc áo Kaky đã bạc màu, cây gậy tre đơn xơ mộc mạc, chiếc mũ cối cũ kỹ phai màu và đôi dép cao su mòn đế – đó là hành trang đã đi theo Bác qua những năm tháng. Ôi! Giản dị biết bao. Một người bôn ba gần 40 năm trời, dành hơn nửa đời mình đi tìm đường cứu nước, một vị lãnh tụ đất nước, một danh nhân văn hoá được cả thế giới biết đến mà mà tư trang lại đơn giản vậy sao? Nó hoàn toàn đối lập với những gì tôi thường hay mường tượng tới. Tôi chợt nhớ đến bài thơ của Bác kể về cuộc sống của Người khi đang sống và chỉ đạo kháng chiến tại Cao Bằng mà tôi đã được học:

Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thế mà sang.

Bài thơ phác hoạ cuộc sống cũng như con người thật giản dị của Bác. Đối với Bác chỉ với “cháo bắp” và “rau măng” nhưng với chừng vậy Người đã gọi là “sang”. Qua đây tôi cũng hiểu thêm được vì sao Bác được mọi người yêu quý đến như vậy. Phải chăng không chỉ ở tư tưởng cao đẹp và vĩ đại, ở học thức hay con đường cứu nước mà Bác đã tìm thấy để giải phóng dân tộc nhưng còn ở nếp sống giản dị đơn sơ của Người.

Điều thú vị khi đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh là tôi không chỉ được tận mắt chứng kiến những tư liệu quan trọng đã từng được nghe trên giảng đường. Đặc biệt nhất ở đây, tôi còn được xem những lá thư tay mà Người đã viết cho các cán bộ Đảng viên, viết cho các chiến sỹ, cho quần chúng nhân dân, cho các cháu thiếu nhi… mà trong mỗi lá thư Bác viết dù là việc công hay việc tư, đều chất chứa những tình cảm dạt dào. Từng câu chữ trong những bức thư đều chứa đựng những tình cảm chân thành sâu lắng thiết tha. Có lẽ, chính những tình cảm ấy đã trở thành động lực giúp toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết kháng chiến. Sinh thời, một nhà thơ nào đó khi cảm nhận được tình cảm đó của Bác ông đã xúc động thốt lên:

Bác ơi tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người.

Cảm xúc của tôi dâng trào khi nghe kể về những năm tháng cuối đời của Bác. Bác ước mong được vào thăm Miền Nam như muốn bù đắp vỗ về cho đứa con sau bao năm thương đau xa cách nhưng đã không thể thực hiện được. Tôi xúc động nhớ đến câu chuyện mà chính Bác đã kể về mình lúc sinh thời: “ước mơ lớn nhất của cả cuộc đời tôi là làm sao cho đất nước được độc lập, dân tộc được tự do và mọi người được ấm lo hạnh phúc…”. Khi đến nơi đây, tôi mới hiểu hết được ý nghĩa của câu nói đó. Cả cuộc đời Bác đã dành cho dân tộc; cả tình yêu Bác đã dành cho đồng bào. Tron vẹn trái tim của Bác chỉ có duy nhất tình yêu dành hết cho nhân dân và dân tộc ta. Tình yêu đó thật cao thượng và đẹp đẽ biết bao.

Viếng thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau. Riêng đối với bản thân tôi, chuyến thăm quan đã phần nào bổ túc những tri thức về Bác mà tôi mới chỉ được học trên giấy vở. Không những vậy, còn giúp tôi thêm yêu mến và trân trọng môn học “Tư Tưởng Hồ Chí Minh”. Qua những câu chuyện được nghe, tôi cũng học tập được rất nhiều từ những đức tính tốt đẹp của Bác. Tôi sẽ đem lý tưởng của tôi để tự tin ra khơi cùng Bác vào biển đời mênh mông. Tôi cũng sẽ học cách yêu thương để mở rộng con tim của mình như Bác. Thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi càng thêm yêu và tự hào về giống nòi; càng thêm yêu đất nước Việt Nam – đất nước mà Bác đã cùng nhân dân ta phải đánh đổi bằng biết bao xương máu để dành lại.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
15 11.363
0 Bình luận
Sắp xếp theo