Liên hệ trách nhiệm bản thân khi tham gia không gian mạng

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, điện thoại thông minh, TV thông minh, mạng xã hội... đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phục vụ như cầu ngày càng đa dạng của người dùng, từ học sinh, sinh viên, thanh niên đến các cán bộ công chức, viên chức, đảng viên và quần chúng nhân dân. Với không gian mở của mạng lưới Internet, bên cạnh những tiện ích thuận lợi thì mạng xã hội cũng là môi trường đầy rẫy thông tin xấu, độc, chưa được kiểm chứng; cũng là nơi các thế lực thù địch, đối tượng phản động núp bóng để thực hiện các chiêu trò nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Vậy trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia không gian mạng là gì? Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của Hoatieu.vn để tìm hiểu nội dung chi tiết.

1. Trách nhiệm bản thân cán bộ, đảng viên khi tham gia không gian mạng

MỞ ĐẦU

Với sự bùng nổ của mạng xã hội, bên cạnh những tiện ích mà chúng mang lại thì đây cũng là môi trường hấp dẫn để các thế lực thù địch lợi dụng phát tán thông tin sai lệch, nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta, hạ bệ uy tín, danh dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng; xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Nhà nước về kinh tế, quốc phòng, an ninh; kích động, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, đưa tin giả gây hoang mang dư luận.

Ngày nay, mỗi công dân đều sở hữu ít nhất một tài khoản xã hội như Zalo, Facebook, Instagram..., trong đó có cán bộ, đảng viên để thuận tiện cho việc tìm kiếm, chia sẻ, kết nối thông tin phục vụ nhu cầu công việc và cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, để tạo nên một môi trường mạng lành mạnh, phục vụ sự phát triển của đất nước, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu khi sử dụng mạng xã hội.

NỘI DUNG

I - Thực trạng vấn đề:

1. Thuận lợi:

- Đại đa số cán bộ, đảng viên có nhận thức tốt về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; có trách nhiệm trong công việc được giao.

- Nhiều cán bộ, đảng viên có trình độ chuyên môn và lý luận cao, là nền tảng xây dựng tổ chức Đảng, bộ máy nhà nước vững mạnh.

- Cán bộ, công chức, đảng viên được tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, có môi trường rèn luyện đạo đức cách mạng lý tưởng...

- Mạng xã hội, mạng Internet đang là công cụ đắc lực giúp cán bộ Đảng, chính quyền kịp thời nắm bắt tình hình địa phương, nhanh chóng giải quyết xung đột, mâu thuẫn ngay tại cấp cơ sở...

2. Khó khăn:

- Hiện nay, Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng đã và đang bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động lợi dụng để phát tán tin giả, tin sai sự thật, những thông tin xấu, độc, những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong đó có các tài khoản trên mạng xã hội lấy tên gần giống với cơ quan báo chí chính thống gây hiểu lầm cho người đọc như: Tintức Việtnam, Tintức 24h, Tin Chính trị Việt Nam; Nhật ký yêu nước...

- Một số cá nhân, trong đó, có người từng đứng trong hàng ngũ của Đảng, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị vì bất mãn cá nhân hoặc bị mua chuộc bởi lợi ích vật chất, kinh tế nên đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phản bội Tổ quốc, phản bội Nhân dân, chà đạp lên lịch sử dân tộc.

- Một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ, kịp thời trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội để đấu tranh, phán bác, định hướng thông tin không chính thức gây hoang mang dự luận.

- Các văn bản chỉ đạo quán triệt, định hướng, đính chính, phản bác lại thông tin sai sự thật trên mạng xã hội của các cơ quan chức năng vẫn còn chậm, chưa kịp thời định hướng đúng dư luận.

- Bên cạnh đó, có tình trạng đảng viên không vi phạm pháp luật nhưng cũng không phải là đầu tàu gương mẫu, không xung kích đi đầu, thấy sai không đấu tranh, phó mặc sự đe dọa bình yên của xã hội. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng đã xác định “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị.

=> Thực trạng này đặt ra yêu cầu ngày càng cao về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên tham gia đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

II - Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong bảo vệ an ninh mạng:

Từ các vấn đề nêu trên, để nâng cao hiệu quả khi tham gia không gian mạng, từng bước góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề rất cần thiết của tất cả cán bộ, đảng viên. Vì vậy, trách nhiệm của bản thân là đảng viên, tôi xin trao đổi một số giải pháp cơ bản như sau:

1/ Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động, tích cực nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua các hình thức, phương pháp khác nhau để nâng cao trình độ chính trị; góp phần trau dồi kiến thức về Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và đấu tranh, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

2/ Hiểu sâu, hiểu đúng Luật an ninh mạng 2018; bộ quy tắc ứng xử của cán bộ công chức trên mạng xã hội; một số nội dung tại Quy định 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội.

3/ Tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc sử dụng công cụ Internet, mạng xã hội. Sử dụng mạng xã hội như một kênh để vừa nắm bắt thông tin, dư luận xã hội, vừa gửi gắm những thông điệp cần tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như định hướng trước các vấn đề “cư dân mạng” đang quan tâm. Không đăng tải thông tin không chính thống lên mạng xã hội.

4/ Khi sử dụng mạng xã hội cá nhân cần chia sẻ, cung cấp, định hướng thông tin chính thống, tích cực cho địa phương và đất nước. Tích cực đăng tải về những kết quả nổi bật trong công tác lãnh đạo của Đảng ta trên tất cả các lĩnh vực, những gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn... để từ đó từng bước củng cố lòng tin của Nhân dân vào chủ trường, đường lối của Đảng.

5/ Đặc biệt với cán bộ lãnh đạo giữ chức vị quan trọng của ngành, địa phương, phải biết kiểm soát thông tin trước khi đăng tải, chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung thông tin mà mình cung cấp, phát tán trên trang cá nhân. Nếu đăng thông tin sai sự thật, phải chủ động đính chính, gỡ bỏ, ngăn chặn các bình luận tiêu cực, gây hiểu lầm về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về tổ chức và cá nhân.

KẾT LUẬN

Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ xuyên suốt, thường xuyên và lâu dài; nhiệm vụ tiên quyết của cả hệ thống chính trị, trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên đóng vai trò là chủ thể. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị trước hết cần tự nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội để cộng hưởng thành một khối thống nhất, lực lượng đủ mạnh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin xấu, độc, chống phá của các thế lực thù địch; cần hướng đến mục tiêu là một trong những kênh thông tin tuyên truyền tích cực trên mạng xã hội.

2. Trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ an ninh mạng

Theo ước tính đến nay, Việt Nam đứng thứ 12 về lượng người dùng Internet trên toàn thế giới; có khoảng hơn 72,1 triệu người sử dụng Internet (chiếm 73,2% dân số), trong đó chủ yếu là thế hệ trẻ; đây là lực lượng có nhiều tiềm năng về sức khỏe, trí tuệ và khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường xung quanh; bên cạnh đó, thanh niên mang những đặc điểm của tâm lý tuổi trẻ là dễ tiếp cận cái mới, thích tự do, muốn khẳng định bản thân, nhưng đôi lúc việc nhận thức các vấn đề chính trị - xã hội còn không ít hạn chế, sai lầm. Trong khi đó, các thế lực thù địch lại luôn tìm cách sử dụng các thủ đoạn tinh vi nhằm lôi kéo, kích động thanh niên có các hành vi chống đối, bất hợp tác với chính quyền, tham gia các hoạt động gây rối, làm mất an ninh trật tự. Thực tiễn cũng cho thấy, một bộ phận thanh niên đã có những biểu hiện phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, thiếu trách nhiệm, một số trí thức trẻ, sinh viên, học sinh bị ảnh hưởng, kích động đã hùa theo, đề cao cái gọi là “tự do ngôn luận”, “xã hội dân sự”, “dân chủ”, “nhân quyền”,… dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

Là lực lượng đông đảo trên không gian mạng xã hội, với trách nhiệm của mình, thanh niên phải là lực lượng xung kích, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cực đoan. Để làm được điều này, bản thân mỗi người cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của bản thân khi tham gia không gian mạng. Cụ thể:

+ Tích cực tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống, lịch sử do các cấp, ngành tổ chức; chủ động nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử thông qua sách và những cuộc thi tìm hiểu do các cấp, ngành phát động. Việc học và hiểu về lịch sử đất nước có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, bồi dưỡng nhân cách cho mỗi người.

+ Chủ động tìm hiểu, học tập kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có cách hiểu đúng, hiểu sâu về những sự kiện đang kinh tế, chính trị, xã hội đang diễn ra hằng ngày.

+ Không ngừng học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, tự nâng cao "sức đề kháng" trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

+ Tìm đọc, tiếp cận nguồn thông tin từ các kênh truyền thông chính thống, có kỹ năng nhận diện và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng do Đoàn thanh niên, tổ chức chính trị - xã hội liên quan tổ chức.

Trên không gian mạng, thanh niên phải tận dụng triệt để sức trẻ, khả năng sáng tạo để tạo nên những sản phẩm thông tin tốt, thông tin đẹp một cách đa dạng, mới mẻ, thu hút đông đảo công chúng; thường xuyên đăng tải các nội dung theo phương châm “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”. Mỗi tài khoản mạng xã hội của mỗi thanh niên, học sinh, sinh viên cần phải trở thành một nguồn thông tin đáng tin cậy và lành mạnh.

3. Trách nhiệm của giáo viên trong bảo vệ an ninh mạng

Không gian mạng (Facebook, ZaLo, Youtube, Google,..) đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích đối với các quốc gia, dân tộc trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên do có tính mở, với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, nhiều khi bị xoá nhoà ranh giới giữa thực và ảo, vì vậy, không gian mạng mang đến không ít thách thức đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng, giáo viên, giảng viên các nhà trường đã biết cách khai thác thông tin trên mạng một cách hiệu quả để bồi đắp thêm cho bài giảng, giáo án của mình; cập nhật những thông tin thời sự mới nhất giúp học sinh, sinh viên, học viên nắm bắt nhanh, đúng các vấn đề xã hội. Trong quá trình sử dụng các thông tin trên mạng, tôi nhận thấy thực trạng có rất nhiều người có thói quen chia sẻ cuộc sống, thông tin tại cơ quan, đơn vị đang công tác lên mạng xã hội; có những người lại sử dụng mạng xã hội để chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng... Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến các giá trị văn hoá tốt đẹp của cộng đồng.

Trước thực trạng này, với vai trò là một giáo viên, đảng viên, không chỉ có nhiệm vụ truyền thụ kiến thức cho học sinh, mà còn phải thực hiện vai trò truyền bá, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tôi cho rằng việc nhận thức và phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, để phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò của đội ngũ giáo viên, giảng viên, bản thân mỗi người cần nhận thức và tự sử mình như sau:

1/ Giáo viên phải là những người tiên phong nghiên cứu, hiễu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung của Luật an ninh mạng, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Luật an ninh mạng không phải để hạn chế người dùng, mà cốt lõi là nhằm quy định những hành vi bị cấm trên không gian mạng; phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gia mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống Nhà nước.

2/ Bản thân giáo viên là đảng viên phải luôn trau dồi kỹ năng nhận diện âm mưu, thủ đoạn gây nguy cơ mất an ninh mạng, nhất là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

3/ Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức phòng tránh, tự vệ khi tham gia mạng xã hội. Nghiên cứu và hiểu rõ nội dung trước khi like, chia sẻ bài viết, các đường link, các file tài liệu; có trách nhiệm với nội dung bản thân đăng tải.

4/ Cần biết cách tận dụng, sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn và hiệu quả, biến mạng xã hội thành một phương tiện, một kênh hữu ích để mở mang kiến thức, cùng nhau xây dựng môi trường văn hoá mạng xã hội lành mạnh, tránh bị các thông tin ảo chi phối tác động, góp phần phòng chống, ngăn chặn những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch một cách hiệu quả.

5/ Phổ biến, tuyên truyền lồng ghép vào nội dung vào các bài giảng lý luận cho học viên, những người trong gia đình, người thân, bạn bè và Nhân dân nơi cư trú các quy định của Luật An ninh mạng để mọi người nắm, hiểu và không thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến an ninh mạng, góp phần xây dựng “không gian mạng lành mạnh từ cơ sở”.

Trên đây Hoatieu đã gửi tới bạn đọc nội dung câu hỏi Trách nhiệm của bản thân khi tham gia không gian mạng, bảo vệ an ninh mạng. Mời các bạn đón xem các bài viết hữu ích khác tại chuyên mục Tài liệu của Hoatieu nhé.

Đánh giá bài viết
1 499
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi