Hỏi đáp về sách Âm nhạc lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống
SGK Âm nhạc lớp 2 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cùng tìm hiểu về sách qua bài Hỏi đáp về sách Âm nhạc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống sau đây nhé.
Tìm hiểu SGK lớp 2 Âm nhạc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống
Câu hỏi 1. Khi tiếp cận với cuốn sách Âm nhạc 2 trong bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” chúng tôi thấy sách bao gồm 8 chủ đề, cấu trúc mỗi chủ đề bao gồm 4 nội dung. Vậy xin cho hỏi số tiết dành cho mỗi chủ đề là bao nhiêu để triển khai phù hợp với quĩ thời gian 35 tiết của khung chương trình môn học.
Trả lời:
Xin được cảm ơn câu hỏi của anh/ chị!
Mỗi chủ đề của SGKAN 2 dự kiến 4 tiết x 8 chủ đề = 32 tiết , cộng với 3 tiết kiểm tra đánh giá; Như vậy, sẽ đảm bảo tổng thời lượng là 35 tiết theo qui định của chương trình. Ở chủ đề 4 và 8, ngoài nội dung mới còn kết hợp phần ôn tập để đánh giá Học kì 1 và cuối năm học.
Câu hỏi 2. Khi xem sách chúng tôi thấy cấu trúc của mỗi chủ đề đều gồm 4 nội dung, mở đầu bằng bài hát và kết thúc là mục Vận dụng- Sáng tạo. Vậy cách triển khai chủ đề vào từng tiết sẽ triển khai như thế nào? Xin cho biết?
Trả lời:
Xin cảm ơn các anh chị!
Mỗi chủ đề dự kiến đều mở đầu bằng bài hát và kết thúc là mục Vận dụng- Sáng tạo. Các giáo viên (GV) có thể linh hoạt, chủ động chọn một trong những nội dung (trừ việc sử dụng toàn bộ nội dung mục Vận dụng – Sáng tạo) để triển khai ở tiết 1, nhưng thông thường sẽ dạy bài hát hoặc câu chuyện âm nhạc trước. Sau đó ở các tiết 2, 3, 4 sẽ kết nối các nội dung còn lại như: đọc nhạc/ nhạc cụ/ nghe nhạc hay giới thiệu nhạc cụ (tùy theo cấu trúc và các nội dung cụ thể ở từng chủ đề) với cách thức vừa dạy vừa kết hợp ôn tập ở các tiết tiếp theo.
Riêng mục Vận dụng – Sáng tạo, thông thường gồm 3 câu tương ứng với 3 mức độ của khung năng lực (Biết; Hiểu;Vận dụng - sáng tạo). Do đó, tùy theo nội dung và yêu cầu của từng tiết, GV có thể lựa chọn các câu ở mục này để lồng ghép vào các tiết phù hợp, gắn với việc yêu cầu học sinh (HS) vận dụng, sáng tạo những hiểu biết, kiến thức đã được học ở chủ đề vào giải quyết các nhiệm vụ của bài học và kết nối tri thức với cuộc sống.
Câu hỏi 3: Xin cho biết, để triển khai dạy học theo tinh thần của bộ sách, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ hỗ trợ giáo viên như thế nào về nguồn tư liệu, học liệu, tài nguyên số để triển khai hiệu quả sách giáo khoa Âm nhạc 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống?
Trả lời:
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ cung ứng đồng bộ các học liệu, tư liệu, nhạc cụ… cho GV và HS theo các mạch nội dung ở mỗi chủ đề.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa ra các gợi ý về phương án tổ chức các tiết học/ các bài học ở SGV, vở bài tập để GV tham khảo và cam kết hỗ trợ các file âm thanh (mp3)/ video clip (mp4) với chất lượng tốt để GV thuận tiện trong khi tổ chức hoạt động dạy và học. Hệ thống học liệu sẽ hỗ trợ giáo viên rất tiện ích và sẽ giảm bớt các thao tác cơ học, giúp GV dành được nhiều thời gian của tiết học vào tổ chức các hoạt động cho HS (Tham khảo phần hướng dẫn tổ chức dạy học câu 1, 2, 3 mục VDST CĐ 1– SGV)
Câu hỏi 4: Cách thiết kế các hoạt động Hát ở các chủ đề của SGK ÂN 2 bao gồm các câu lệnh và hệ thống câu hỏi. Xin cho biết cách triển khai tổ chức dạy học như thế nào để đúng với quan điểm dạy học phát triển năng lực?
Trả lời:
Để tổ chức hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu dạy hát, GV cần dựa trên sự gợi ý từ các câu hỏi/ câu lệnh/ các hình ảnh minh hoạ ở SGK để thiết kế/ tổ chức các hoạt động/ trò chơi, tạo cho HS sự hứng thú, tích cực tương tác với giáo viên/ tự khám phá nội dung lời ca, tiết tấu. GV sử dụng các câu hỏi ở sách giáo khoa và các câu hỏi khác phù hợp với mặt bằng thực tế của HS để gợi ý và khuyến khích HS cùng tương tác với GV trong khi đọc lời ca, chia câu hát, cảm nhận nội dung và giai điệu của bài hát trước khi vào học hát.
Khi dạy hát, ngoài việc tiến hành theo tiến trình của các bước, GV cần lưu ý phân hoá học sinh theo khả năng để đưa ra các yêu cầu/ nhiệm vụ phù hợp. Và cũng trên cơ sở đó, sẽ có sự hướng dẫn/ hỗ trợ học sinh khắc phục các lỗi sai, những phần còn hạn chế của mỗi học sinh.
Câu hỏi 5. Xin cho biết phương pháp dạy hát theo SGK phát triển năng lực có điểm gì khác với phương pháp dạy hát hiện hành.
Trả lời:
Ngoài việc sử dụng các phương pháp truyền thống, các qui trình, các phương pháp đặc thù của bộ môn, khi dạy hát, GV cần chủ động, sáng tạo khi thiết kế và tổ chức các hoạt động học hát theo hệ thống câu lệnh và câu hỏi ở từng bài hát/ chủ đề sao cho mỗi bài học đều mang đến cho HS những trải nghiệm và cảm xúc mới lạ.
GV cần lưu ý phân hoá khả năng của HS để đưa ra các yêu cầu/ nhiệm vụ phù hợp trong khi dạy hát. Dần dần giúp HS tự tin và phát triển năng lực thể hiện, cảm thụ và sáng tạo âm nhạc trong khi học hát theo tố chất của mình. Với các HS có tố chất và khả năng về giọng hát, GV cũng cần thiết kế các bài tập mở rộng/ tích hợp để tạo cơ hội cho HS được rèn luyện và phát triển năng lực âm nhạc của cá nhân.
GV cần khai thác và kết hợp hiệu quả các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực giúp HS dần hình thành khả năng đọc sách, tự tìm hiểu và khá phá bài học, học tích cực, học hợp tác, biết chia sẻ, hỗ trợ nhau trong luyện tập và biểu diễn các bài hát.
Câu hỏi 6: Nội dung đọc nhạc có nhất thiết phải sử dụng kí hiệu bàn tay ở tất cả các bài đọc nhạc hay không? Nhất là với bài đọc nhạc có tiết tấu móc đơn thì việc đọc kết hợp kí hiệu bàn tay sẽ triển khai như thế nào?
Trả lời:
Việc dạy học nội dung đọc nhạc cho HS lớp 2 vẫn được tổ chức ở các hoạt động cảm thụ trực quan qua hình ảnh và âm thanh (giọng của GV/ File âm thanh/ Nhạc cụ, hay các trò chơi/ hoạt động kết hợp với kí hiệu bàn tay). Do đó, với các bài đọc nhạc có nốt nhạc mới, GV vẫn nên sử dụng kí hiệu bàn tay để giúp HS ghi nhớ vị trí tay đồng thời cảm nhận độ cao và đọc được tên và độ cao của các nốt nhạc. Trường hợp ở bài đọc nhạc có tiết tấu móc đơn, GV cần cho HS đọc và kết hợp kí hiệu bàn tay ở tốc độ chậm, sau một số lần thực hiện, nếu HS đã ghi nhớ và thành thục hơn, GV sẽ yêu cầu HS đọc tăng tốc độ để phù hợp với tính chất của bài.
Về qui trình dạy đọc nhạc vẫn thực hiện như cách triển khai ở SGK ÂN 1.
(Tham khảo Bài đọc nhạc số 4- tr. 50, SGK ÂN 2 và SGV chủ đề 7)
Câu hỏi 7: Xin cho biết khi tổ chức hoạt động nghe nhạc ở SGK Âm nhạc 2 có điểm gì mới so với SGK Âm nhạc 1 và cách tổ chức cần lưu ý những điểm gì?
Trả lời
Về cơ bản các bước dạy nghe nhạc ở SGK Âm nhạc 2 cũng kế thừa cách tổ chức như SGK Âm nhạc1. Tuy nhiên, có một bước trong qui trình được nhấn mạnh hơn đó là: yêu cầu HS biết tập trung chú ý khi lắng nghe và có thể tự thế hiện cảm xúc khi nghe nhạc theo cách của mình. GV cần khai thác các câu hỏi/ tình huống để huy động vốn tri thức, kinh nghiệm đã có ít nhiều của HS vào khám phá nội dung của bài học.
Quá trình HS cảm thụ và thể hiện cảm xúc cần tăng cường các hình thức: gõ đệm theo nhịp/ tiết tấu, hay vận động cơ thể, thể hiện biểu cảm/ giọng hát theo nhân vật hoặc cảm thụ hình tượng âm nhạc và thể hiện qua vẽ tranh,...
Tham khảo phần hướng dẫn nghe nhạc bài bài hát Ru con Nam Bộ - chủ đề 6; Vũ khúc đàn gà con – chủ đề 7 (Trích tác phẩm Những bức tranh trong phòng triển lãm – Mút- sooc -xki) ở SGV.
Câu hỏi 8. Xin cho biết khi tổ chức dạy học sinh gõ đệm nhạc cụ tiết tấu cho bài hát trong chương trình SGK Âm nhạc 2 có điểm gì mới ? Hiện nay ở một số địa phương nhạc cụ cho HS còn thiếu, vậy GV phải thực hiện như thế nào để đáp ứng yêu cầu của bài học?
Trả lời:
Điểm mới ở nội dung Nhạc cụ trong SGK ÂN 2 đó là:
- Nội dung học Nhạc cụ Song loan bắt đầu từ chủ đề 2
-Phần luyện gõ hình tiết tấu đã có sự kết hợp của hai nhạc cụ
Qui trình dạy nội dung Nhạc cụ ở SGK ÂN 2 vẫn triển khai như hướng dẫn ở SGK ÂN 1, cụ thể bao gồm các bước sau:
1. Giới thiệu nhạc cụ
Gồm các nội dung : giới thiệu tên, cấu trúc chung, chất liệu, cách chơi
2. Gõ theo hình tiết tấu
Yêu cầu HS nắm được cách chơi nhạc cụ, biết vận dụng gõ theo hình tiết tấu sẽ gắn với yêu cầu gõ đệm cho bài hát ở mục 3
3. Hát kết hợp gõ đệm theo hình tiết tấu
HS luyện tập hình tiết tấu đệm cho bài hát ở chủ đề đã được học thuộc.
(Tham khảo phần dạy nhạc cụ bài Con chim chích choè, Ngày hè vui ( CĐ 2 và CĐ 8- SGV)
Để khắc phục tình trạng Nhạc cụ còn thiếu ở địa phương, GV cần hướng dẫn HS sử dụng các vật dụng phù hợp (thìa nhôm, cốc giấy) các vật liệu tái sử dụng để tự tạo thành nhạc cụ cho HS sử dụng gõ đệm (lõi cuộn giấy; lon nước ngọt, sọ quả dừa phơi khô...) để HS dùng thay thế nhạc cụ.
- GV cần tích cực và sáng tạo khai thác các động tác vận động cơ thể cho HS vận dụng thực hành, đây cũng là giải pháp rất hiệu quả trong việc nâng cao khả năng cảm thụ và phản xạ với tiết tấu cho HS.
Câu hỏi 8. Xin các tác giả nói rõ thêm về các bước và những điểm mới ở nội dung dạy Thường thức âm nhạc lớp 2?
Trả lời:
Cũng như ở lớp 1, nội dung Thường thức âm nhạc ở SGK Âm nhạc 2 bao gồm hai nội dung, đó là: Giới thiệu nhạc cụ và Câu chuyện âm nhạc. Các bước cụ thể như sau:
a/ Nội dung giới thiệu nhạc cụ
+ Giới thiệu tên và một vài đặc điểm cơ bản của nhạc cụ
+ Trải nghiệm âm thanh nhạc cụ qua bài hát/ đoạn nhạc/ hình tiết tấu
+ Cảm thụ và thể hiện cảm xúc/ điệu bộ/ động tác/ gõ đệm hình tiết tấu khi nghe trình diễn nhạc cụ.
Qui trình dạy nội dung Giới thiệu nhạc cụ tham khảo phần Thường thức âm nhạc: Cây đàn bầu Việt Nam ( chủ đề 2) và nhạc cụ Ma-ra-cát ( chủ đề 6).
Lưu ý: GV cần khai thác các nguồn học liệu điện tử để phần giới thiệu nhạc cụ sinh động, hấp dẫn, ưu tiên các phần trình diễn của nhạc cụ trong không gian/ bối cảnh của đời sống. GV có thể tự trình diễn hát kết hợp gõ đệm nhạc cụ cho HS nghe trực tiếp cũng sẽ rất hiệu quả vì tạo những cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp về GV trong ý thức của mỗi HS.
b/ Các bước dạy nội dung Câu chuyện âm nhạc như sau:
+ Tìm hiểu nội dung câu chuyện
+ Thảo luận/ chia sẻ ý kiến
+ Thể hiện: tái tạo/ mô phỏng/ các ý tưởng của nhóm/ cá nhân (tuỳ theo chủ đề/ nội dung bài học), nhắc tên nhân vật yêu thích, kể lại câu chuyện theo tranh vẽ, hình ảnh, hay sự tưởng tượng của HS.
Với phần thường thức âm nhạc, ngoài các bước hướng dẫn chung nêu trên, khi giới thiệu nhạc cụ hay kể câu chuyện, GV cần khai thác gợi mở để HS tự khám phá qua SGK, tư liệu hỉnh ảnh/ âm thanh/ các nhân vật, chia sẻ các kinh nghiệm đã có của HS... để xâu chuỗi được gì đã quan sát/ trải nghiệm với những hiểu biết/ kiến thức mới của bài học, từ đó giúp HS hiểu, thực hành/ thể hiện theo yêu cầu chung của bài học và sau đó là sự vận dung- sáng tạo ( ở mức độ ít nhiều).
Qui trình dạy nội dung Câu chuyện âm nhạc tham khảo phần Thường thức âm nhạc: Ước mơ của bạn Đô (chủ đề 1) và Câu chuyện bài hát Chú voi con ở Bản Đôn ( chủ đề 5 ).
Câu hỏi 9. Việc đánh giá năng lực của HS theo chương trình SGK Âm nhạc 2 có điểm gì mới? Xin hướng dẫn cụ thể.
Trả lời: Đánh giá năng lực học sinh lớp 2 môn Âm nhạc được triển khai theo thông tư 27 của Bộ Giáo dục & Đào tạo: 27/2020 TT BGD&DT
- Đánh giá thường xuyên: là hoạt động đánh giá diễn ra liên tục trong suốt quá trình học tập của học để ghi nhận sự tiến bô của HS.
- Vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh theo các mức sau:
− Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực
− Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập và có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực
− Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập hoặc chưa có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực
Về nội dung đánh giá
HS được lựa chọn một trong các nội dung đã học theo năng lực của mình để tham gia đánh giá ở hình thức cá nhân, nhóm.
Ví dụ: Nội dung đánh giá ở Chủ đề 1 ở SGK Âm nhạc 2 được triển khai cụ thể như sau:
Mức 1: Biết
+ Hát theo giai điệu và thuộc lời ca bài hát Dàn nhạc trong vườn
+ Bước đầu đọc được bài đọc nhạc số 1 theo kí hiệu bàn tay
+ Nói lại một vài chi tiết trong câu chuyện.
Mức 2: Hiểu
+ Hát đúng lời ca, giai điệu bài Dàn nhạc trong vườn kết hợp gõ đệm hoặc vận động cơ thể theo nhịp điệu bài hát.
+ Đọc được bài đọc nhạc số 1 kết hợp thực hiện kí hiệu bàn tay hoặc gõ đệm.
+ Kể lại câu chuyện theo hình ảnh minh họa
Mức độ 3: Vận dụng - Sáng tạo
+ Trình diễn theo nhóm bài hát Dàn nhạc trong vườn, thể hiện được tính chất nhịp nhàng vui tươi của bài hát. . Có ý tưởng sáng tạo trong trình diễn bài hát.
+ Đọc đúng cao độ, trường độ bài đọc nhạc kết hợp gõ đệm hoặc vận động cơ thể .
+ Kể lại câu chuyện theo cách hiểu của bản thân. Liên hệ được câu chuyện vào thực tế cuộc sống để nói lên ước mơ của bản thân trong tương lai.
Câu hỏi 10. Chúng tôi băn khoăn khi hợp nhất hai bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống với Cùng học để phát triển năng lực, việc triển khai dạy- học của GV và HS có gặp khó khăn?
Trả lời:
Khi hợp nhất hai bộ sách lấy tên là Kết nối tri thức với cuộc sống, tính ưu việt của hai bộ sách được kết hợp tạo điều kiện thuận lợi cho GV khi triển khai hoạt động dạy học. Tính mở và những câu lệnh định hướng triển khai các hoạt động dạy -học giúp GV linh hoạt, chủ động sáng tạo khi tổ chức các hoạt động, HS được tự khám phá, tự trải nghiệm và thể hiện những hiểu biết sẵn có của mình phù hợp với năng lực và điều kiện dạy học ở địa phương. Cần hiểu rõ những câu lệnh ở các mạch nội dung không phải là qui trình dạy học mà chỉ trình tự các hoạt động để GV tổ chức các hoạt động dạy học cho học sinh.
Tham khảo câu lệnh ở các chủ đề và câu lệnh định hướng ở nội dung Hát –SGK ÂN 1.
VD: Đọc lời ca. Ở câu lệnh này, với HS lớp 1, khi các em chưa đọc thông viết thạo, GV cần phải đọc mẫu cho học sinh. Nhưng khi lên lớp 2, GV có thể hướng dẫn HS đọc lời ca/ chia câu hát; hoặc GV có thể yêu cầu HS tự tìm hiểu và đọc lời ca/ chia câu hát ( GV hoàn toàn chủ động và linh hoạt cho phù hợp với đối tượng học sinh). Phần tập hát, GV sẽ hướng dẫn trực tiếp học sinh, hoặc với sự cung cấp đồng bộ của hệ thống học liệu điện tử, HS có thể tự tìm hiểu và tự học hát theo giai điệu...
Câu lệnh cuối cùng ở phần Hát đó là: Hát kết hợp với vận động cơ thể theo nhịp điệu là câu lệnh hoàn toàn mở và đây vừa là nội dung, vừa là yêu cầu phân hoá . Và tuỳ theo khả năng của HS, GV có thể lựa chọn hình thức hát kết hợp với vận động cơ thể hay động tác phụ hoạ để tổ chức cho HS vận dụng/ sáng tạo sau khi đã học thuộc và cảm nhận được sắc thái, tính chất âm nhạc của bài hát. Với các nhóm/ cá nhân học sinh có tố chất/ khả năng khác nhau ngay trong một lớp, giáo viên sẽ linh hoạt điều chỉnh các nội dung, yêu cầu để thực sự bám sát quan điểm dạy học phát triển năng lực cho mỗi HS...
Mời các bạn tham khảo các giáo án khác trong phần Dành cho giáo viên của mục Tài liệu.
- Hỏi đáp về sách Tự nhiên xã hội lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống
- Hỏi đáp về sách Đạo đức lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống
- Hỏi đáp về sách Toán lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống
- Hỏi đáp về sách Tiếng Việt lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống
- Hỏi đáp về sách Hoạt động trải nghiệm lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống
- Chia sẻ:Tran Thao
- Ngày:
Tham khảo thêm
Gợi ý cho bạn
-
Sách giáo khoa Ngữ văn 9 Cánh Diều
-
Gợi ý minh chứng đánh giá giáo viên trên TEMIS 2024
-
Phiếu góp ý bản mẫu SGK lớp 12 môn Lịch sử (3 bộ sách)
-
Bộ câu hỏi ôn thi Rung Chuông Vàng Trung học cơ sở 2024 có đáp án
-
Kế hoạch dạy tích hợp lớp 4 bộ sách Kết nối tri thức (Đủ KNS, QCN, QPAN, STEM, ATGT, LTCM, BMVN)
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Dành cho giáo viên
Cách xem kho học liệu trực tuyến từ lớp 1 đến lớp 12
Kế hoạch tích hợp Giáo dục địa phương lớp 2 năm học 2024-2025
Thần chú lăng nghiêm
Đáp án câu hỏi trắc nghiệm chức danh nghề nghiệp hạng 2 chuyên đề 10
Kế hoạch giáo dục cá nhân học sinh khuyết tật lớp 8
Phẩm chất đạo đức cần hình thành cho học sinh THPT được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 là những phẩm chất nào?