Bài dự thi Người Thầy thuốc trong tôi lần 2 2024
Hoatieu xin chia sẻ một số bài mẫu: bài dự thi Người Thầy thuốc trong tôi lần 2. Cuộc thi Người Thầy thuốc trong tôi lần 2 năm 2023 đã chính thức được Báo người lao động phát động để kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam. Mời các bạn tham khảo.
Mẫu bài viết Người Thầy thuốc trong tôi
1. Nội dung dự thi Người Thầy thuốc trong tôi
- Bài viết người Thầy thuốc trong tôi thể hiện dưới dạng ký sự nhân vật, ghi chép, trần thuật, phỏng vấn xây dựng chân dung, kèm theo ảnh liên quan đến câu chuyện hoặc nhân vật.
- Kể về cá nhân riêng lẻ hoặc tập thể là người Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực y tế.
- Chuyện kể có thể diễn ra vào thời chiến tranh hoặc thời bình, xây dựng đất nước; trong suốt thời gian phòng chống dịch COVID-19 và hậu COVID-19 ở nước ta (nhân vật chính nếu đã qua đời thì cần cung cấp thông tin thân nhân để xác minh).
- Tác phẩm dự thi về nhân vật hoặc tập thể phải có sự đặc biệt, câu chuyện xúc động, hành động tử tế, quyết định quan trọng tác động sâu sắc đến cuộc đời của người kể chuyện (tác giả), đến gia đình tác giả hoặc xã hội, qua đó đúc kết được bài học có giá trị cho cuộc sống.
- Chuyện về người Thầy thuốc giàu lòng nhân ái; giàu nghị lực hoặc giỏi chuyên môn để vươn đến thành công, trở thành gương sáng cho nhiều người khác noi theo.
2. Thời hạn nộp và địa chỉ nhận bài dự thi Người Thầy thuốc trong tôi
- Bài dự thi Người Thầy thuốc trong tôi sẽ được nhận kể từ ngày 1-3-2023.
- Tác phẩm dự thi được gửi qua email: thaythuocnld@gmail.com và thaythuoc@nld.com.vn; hoặc gửi về: Tòa soạn Báo Người Lao Động, 123-127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM; ĐT: 028.39306262. Ngoài bì thư ghi gõ: Tác phẩm dự thi "Người Thầy thuốc trong tôi".
- Cuối bản thảo cần cung cấp cho Tòa soạn đầy đủ thông tin về tác giả, bao gồm: bút danh, họ và tên thật, số điện thoại, địa chỉ liên hệ, số tài khoản ngân hàng, tên chủ tài khoản ngân hàng, tên ngân hàng/chi nhánh ngân hàng.
3. Mẫu bài dự thi Người Thầy thuốc trong tôi lần 2
3.1. Bài dự thi Người Thầy thuốc trong tôi: Lặng lẽ bên đời
Tôi học Y, nhưng hành nghề báo, “nhà báo” cấp ngành của tỉnh lẻ. Được cầm bút, cầm máy kể những câu chuyện về ngành mình cũng có bao niềm vui.
Tôi yêu những nụ cười hồ hởi của các bác sĩ Bệnh viện Hàm Tân khi lần đầu tiên họ mổ bắt con cho một sản phụ người dân tộc thiểu số ngay tại đơn vị mình, thay vì chuyển viện. Cái bệnh viện bé xíu được cơi nới từ một trạm y tế xã. Tôi trân trọng các bác sĩ Bệnh viện Quân dân y Phú Quý khi trong vòng 20 phút, họ “mổ bụng” người mẹ đẻ khó để em bé 2,7 kg thành công dân đảo. Lần đầu tiên nghe tiếng khóc chào đời giữa trùng khơi ấy có gì đó đặc biệt trong tôi. Trong khi nhiều người học thành bác sĩ thì tìm cách vào đất liền, hai nữ bác sĩ của ca mổ ấy ở lại và gắn bó với đảo nhỏ của mình, dẫu vô vàn khó khăn cả chuyên môn lẫn điều kiện vật chất.
Khi huyện Hàm Tân chưa chia tách như bây giờ, tôi có dịp chứng kiến tấm lòng cao cả của rất nhiều thầy thuốc của bệnh viện tuyến huyện. Trước hết, một vị bác sĩ từ TP.HCM về nhà để tang cha mà vẫn sẵn lòng trở thành trưởng kíp mổ một ca thủng tim thập tử nhất sinh. Sau đó là tập thể y sinh thực tập chìa tay ra hiến máu một cách nhiệt tình cho bệnh nhân “4 không” (mạch = 0, huyết áp = 0, không giấy tờ tùy thân, không người nhà) ấy. Chính vì không có người nhà, nên các thầy thuốc chăm lo cho anh như chính người thân của mình, không một đòi hỏi nhỏ nhoi nào. Ngày bệnh nhân ra viện, cứ gặp ai mặc áo choàng trắng là anh chắp tay vái một cách thành kính những người đã cứu mạng mình. Hình ảnh bệnh nhân được cứu sống từ những con người vị tha, vô tư ấy theo tôi mãi đến bây giờ.
Ngày xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc) mới thành lập, cái được gọi là Trạm Y tế cheo leo trên dốc núi, chỉ có một cái bàn, hai cái ghế, điện thoại bàn mang số hiệu tỉnh Lâm Đồng. Một anh y sỹ và một cô điều dưỡng cứ thế mà mang thùng vắc-xin leo hết dốc này sang đồi kia, tháng này sang tháng khác tiêm chủng cho trẻ nhỏ. Nhìn hai bóng dáng hun hút theo dáng núi mờ sương mới thấy rằng mỗi sự hy sinh, tận tụy vì sức khỏe đồng bào mang một sắc thái khác nhau. “Nghề mình nó vậy mà!”, anh y sỹ thản nhiên trả lời như không có gian lao, nhọc nhằn gì ở xã vùng cao đầy khó khăn này.
Mới đây thôi, khi hỏi chuyện hai bà mẹ có con điều trị methadone tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tôi thấy tia hy vọng sáng lên trong đôi mắt quá mệt mỏi của họ. Một người bày tỏ: “Có chỗ này thấy yên tâm lắm chú ạ. Ở đây coi con tôi là bệnh nhân, hỏi han, động viên đủ điều. Mặc cảm vì con cũng bớt đi nhiều lắm!”. Dẫu biết là nhiệm vụ chuyên môn, nhưng cứ nghĩ đến việc trực tất cả các ngày trong năm để phục vụ bệnh nhân thì mới thấy giá trị của sự yên tâm mà bà mẹ nọ gửi trao cho thầy thuốc.
“Có ai lựa ngày mình cấp cứu vào thứ bảy, chủ nhật, tết, lễ gì đâu mà biểu con nó về nhà đúng như nó hứa”. Tôi nghe ông nông dân giải thích cho vợ khi mà con trai duy nhất của ông không về cúng giỗ. Anh ấy là bác sĩ khoa cấp cứu.
Hình như các phương tiện thông tin đại chúng thì thích khai thác đề tài sai sót của ngành Y thay vì kể những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của họ. Sự hy sinh đó bao gồm tất cả những ai đang phục vụ cho công tác dự phòng và điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Có thể họ là vị bác sĩ “mát tay” đáng kính, là cô điều dưỡng thuần thục kỹ thuật, là anh tài xế căng thẳng nhưng an toàn trong chuyển viện cấp cứu, là chị hộ lý vệ sinh, là những y tế thôn, cộng tác viên… và nhiều người “vô danh” khác.
Tôi may mắn có hai nghề. Tôi vẫn đang làm công việc ghi chép hành trình không bằng phẳng nhưng chan chứa tình người của anh em mình. Có người bảo, Ngày Thầy thuốc thì bác sĩ ít thấy được tặng hoa như thầy cô nhân Ngày Nhà giáo. Thôi thì so sánh là khập khiễng. “Mỗi vết thương lành một nỗi vui”, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết như thế. Ừ nhỉ.
3.3. Bài dự thi Người Thầy thuốc trong tôi: Nữ lương y
Con yêu, con có biết không, hôm nay quả là một ngày mệt mỏi đối với mẹ!
Như mẹ hay nghe nói, bác sĩ và giáo viên là hai nghề đáng quý bậc nhất trong mọi loại nghề. Mẹ cũng nghĩ vậy.
Con thử nghĩ mà xem: một bác sĩ, hay kể cả là một giáo viên, đều cứu người, mặc cho mọi thứ như quá khứ, nghề nghiệp hay tính cách của họ, đó là còn chưa kể đến bao người tâm huyết với nghề. Bác sĩ thì sẽ cứu mạng sống của họ, giáo viên thì sẽ cứu tương lai của họ. Bởi vậy, mẹ chọn con đường trở thành bác sĩ. Mẹ nghĩ nếu con người không thể sống, sao họ có tính cách, quá khứ hay nghề nghiệp? Mặc dù từ đầu mẹ đã biết nó không hề đơn giản, nhưng nó còn khó khăn hơn cả tưởng tượng của mẹ!
Con biết không, mẹ vốn rất sợ khi nhìn thấy ai đó bị thương. Mặc dù xem nhiều bộ phim, mẹ cứ nghĩ rằng nếu mình là nhân vật, mình sẽ không hốt hoảng như vậy. Thế nhưng, khi thấy ai đó bị tai nạn, chảy máu từ vết thương, mẹ hốt hoảng lắm. Nếu là một vết trầy thì không sao, nhưng nếu đó là cả một mảng da bị rạch, hay một vết đâm sâu, mẹ thường trốn đi và ngồi khóc, sau đó lại day dứt không yên. Nay, chọn con đường làm bác sĩ ngoại khoa, mẹ còn phải chứng kiến cảnh đó nhiều hơn cơm bữa, làm sao mà không khó chứ!
Hơn nữa, nước ta giờ chưa phát triển lắm về y học. Thế nên, có nhiều bệnh nhân, dù đau đến quằn quại hay hơi thở vô cùng yếu ớt, các bác sĩ cũng chỉ có thể cho một liều giảm đau, hay bình thở ô xy thôi. Họ có thể ra đi bất cứ lúc nào. Nghề y là như thế đấy! Qua bao năm, cuối cùng mẹ đã học được cách kìm những giọt nước mắt của mình trước những cảnh như thế. Nhưng, cái cảm giác tội lỗi vẫn cứ đeo bám mẹ không thôi. Mẹ luôn có một ý nghĩ mình đã có thể làm gì đó, dù ít dù nhiều, để giúp đỡ họ. Dù miệng nói là không còn hi vọng, nhưng mẹ còn có một niềm hi vọng rất lớn lao, mẹ không dám chắc có thể lớn hơn niềm hi vọng của người nhà bệnh nhân không, nhưng mẹ cảm thấy vậy. Mỗi ngày qua, mẹ đã phải chứng kiến bao người chết, bao người được cứu sống. Có giọt nước mắt vui mừng, thì cũng có từng ấy giọt nước mắt thất vọng. Nếu mẹ là người nhà bệnh nhân, thấy họ chết, có lẽ mẹ còn cảm thấy nhẹ lòng hơn. Thế nhưng, bệnh nhân đưa đến để mẹ cứu sống, nhưng họ lại mất đi, thì nỗi day dứt còn tăng lên gấp bội. Chính vì vậy, giờ mẹ mới hiểu: làm bác sĩ cũng như một kẻ sát nhân vậy, dù đó không phải chủ ý của mình, nhưng họ chết dưới tay mình, thì cũng như nhau cả thôi! Mẹ không thể hiểu được loại người ham danh hám lợi. Mặc dù mấy thứ đó cũng quan trọng thật đấy, nhưng mẹ có thể đi ăn xin chỉ để cho những bệnh nhân của mẹ thoát khỏi bàn tay tử thần. Có tiền để làm gì kia chứ, khi một con người đang quằn quại chỉ vì các bác sĩ chưa nhận được cái thứ “phí bồi dưỡng” kinh tởm kia? Và cũng chính tại mấy kẻ vô lương tâm được gán cho mác “bác sĩ” đó đã làm cho nghề vô cùng cao quý này bị ô uế đi.
Hôm nay là ca trực của mẹ, thế nên mẹ không thể về nhà được. Mẹ xin lỗi con! Mai lại còn là ngày khai trường vào lớp 1 của con nữa chứ. Mẹ chẳng ở nhà để chuẩn bị cho con được. Nhưng từ mấy tuần nay mẹ đã dặn dò con kỹ lắm. Chắc con sẽ ổn thôi! Ngày khai trường này sẽ rất có ý nghĩa với con, cho dù sau này con sẽ không nhớ rõ về nó, nhưng ấn tượng mà nó để lại chắc chắn sẽ không phai nhòa. Mẹ không biết mai mẹ có thể về kịp để đưa con của mình đi nữa không, nhưng mẹ sẽ cố gắng. Tất nhiên, nếu có chuyện khẩn cấp xảy ra, mẹ sẽ chọn ở lại bệnh viện. Mẹ biết con luôn hiểu cho mẹ. Mẹ cũng biết từ ngày mẹ bước chân vào giảng đường đại học Y rằng, nếu mẹ đi theo con đường này, mẹ sẽ không thể chăm sóc cho gia đình mình chu toàn như những người phụ nữ khác. Đêm nay, các bà mẹ sẽ trằn trọc vì lo cho những đứa con của mình, nhưng mẹ phải thức trắng, nửa lo cho con, nửa lo cho các bệnh nhân trong viện. Bấy nhiêu thôi đã tạo nên một sự khác biệt to lớn giữa mẹ và họ rồi.
Có thể sau này, khi lớn hơn và hiểu biết hơn, con sẽ gắt gỏng với mẹ vì mẹ không thể chăm lo cho con như những người mẹ khác. Có thể gia đình mình sẽ trách mẹ vì mẹ không túc trực hằng ngày ở nhà. Có thể sau này mẹ cũng sẽ cảm thấy hối hận vì đã không dành thời gian bên những người thân thương. Nhưng ngay bây giờ đây, mẹ không cảm thấy hối tiếc vì đã trở thành một bác sĩ, và mẹ sẽ cố gắng để trở thành một vị lương y cao quý. Con đã, đang và sẽ hiểu cho mẹ, trong một lúc nào đó, phải không nào?
3.3. Bài dự thi Người Thầy thuốc trong tôi: Thắp sáng ngọn lửa đam mê
Có bao giờ bạn tự hỏi mình sinh ra để làm gì? Tại sao mình phải tự chọn con đường tương lai phía trước cho chính mình mà không phải là một ai khác?
Và đã có khi nào bạn phải hối tiếc khi nhìn lại con đường mà bạn đã đi qua chưa? Đối với tôi con đường tương lai mà tôi đang tiếp bước vẫn còn rất dài và xa lắm. Nhưng tôi tự hào với sự lựa chọn tương lai cho chính mình vì tôi thật sự yêu thích màu áo blouse trắng mà tôi đang khoác lên mình mỗi ngày. Con đường tương lai mà tôi đã và đang đi chính là nghề y. Nhưng công việc mà tôi lựa chọn không phải là một nữ bác sĩ hay một nữ y tá mà đó là công việc của một người dược sĩ.
Tôi thích nhìn ngắm những viên thuốc đầy màu sắc rực rỡ ngay từ hồi còn bé. Và rồi tôi ước mơ lớn lên tôi sẽ thi vào trường y dược. Nhưng tôi lại thi không đậu vào trường này. Tưởng chừng như ước mơ của tôi đã dừng lại ở đó nhưng may mắn thay tôi lại có thêm cơ hội nữa khi tôi thi đậu ngành dược hệ trung cấp. Ngày cắp sách đến trường học lớp dược sĩ trung cấp, tôi hứa với lòng sẽ cố gắng học thật tốt để mai này phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Ngày tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi tôi được nhận vào công tác tại khoa Dược của Trung tâm y tế huyện Long Điền.
Tôi được Trưởng khoa phân công phụ trách bộ phận kho cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân. Ban đầu tôi nghĩ công việc này hẳn đơn giản lắm đây, chỉ cần nhìn toa thuốc và lấy thuốc trao cho bệnh nhân thế là xong. Nhưng thực tế công việc cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân không êm ái, nhẹ nhàng, đơn giản như bạn tưởng đâu mà nó rất phức tạp và đòi hỏi phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ cao. Làm việc tại bộ phận cấp phát thuốc bảo hiểm y tế hàng ngày tôi phải tiếp xúc với mọi tầng lớp bệnh nhân từ trẻ nhỏ đến các ông cụ, bà cụ. Nếu chỉ nhìn toa thuốc rồi lấy thuốc đưa cho bệnh nhân thì công việc quá nhẹ nhàng rồi. Thuốc nếu chúng ta biết cách sử dụng đúng sẽ có tác dụng đều trị bệnh cao, hiệu quả, an toàn. Nếu sử dụng sai mục đích, dùng không đúng cách có thể dẫn đến nguy hại thậm chí tử vong. Sau khi lấy thuốc cho bệnh nhân xong tôi phải kiểm tra lại lần nữa số lượng cũng như tên thuốc mình lấy cho bệnh nhân có đúng không. Trước khi đưa thuốc cho bệnh nhân tôi phải chỉ dẫn bệnh nhân cách uống thuốc như thuốc nào uống lúc đói, thuốc nào uống lúc no… nhất là các em bé nhỏ và các ông cụ bà cụ lớn tuổi.
Trong suốt những năm công tác ở bộ phận cấp phát thuốc bảo hiểm y tế tại Trung tâm y tế huyện Long Điền, có những bệnh nhân gắn liền với những kỉ niệm làm tôi không thể nào quên. Một buổi chiều tháng 7 trời mưa rả rích, một cụ bà hơn 80 tuổi trên tay run run cầm toa thuốc đến quầy phát thuốc. Bà cụ thều thào nói “Cô ơi! Cô làm ơn phát dùm tôi toa thuốc này trước được không? Con cháu tôi đi làm ăn xa nhà không có ai hết tôi phải tự mình bắt xe ôm đi khám bệnh giờ tôi mệt quá nếu có thể cô làm ơn lấy thuốc trước dùm tôi đi cô”. Giọng bà cụ sao mà xót xa đến thế. Tôi thấy thế liền cầm toa thuốc và nói để tôi lấy trước cho bà đồng thời cũng không quên nói với những bệnh nhân khác thông cảm cho bà cụ. Lấy thuốc cho bà cụ xong tôi chỉ bà cụ cách uống từng loại thuốc và dặn bà uống thuốc đúng giờ cũng như dặn bà nên ăn lạt vì huyết áp của bà hơi cao. Dặn dò xong tôi đưa bịch thuốc cho bà rồi dắt bà ra xe. Qua mấy hôm sau, đang phát thuốc bỗng dưng tôi thấy có người đến và dúi vào tay tôi một bịch trái cây. Gọi là bịch cho thấy nhiều chứ bên trong có mấy trái xoài và quýt thôi. Ngẩng đầu lên thì tôi ngạc nhiên khi nhận ra đó là cụ bà mà tôi cấp thuốc bữa trước. Tôi từ chối không nhận và trả lại nhưng bà cụ cứ một mực năn nỉ tôi phải nhận. Bà nói bà cảm ơn tôi nhiều lắm nếu có nhiều người như tôi thì những người già như bà được giúp đỡ rất nhiều. Dù không phải là ngày bà đi khám bệnh nhưng bà vẫn lặn lội từ nhà mang theo trái cây lên cho tôi. Cảm động trước tấm lòng của bà tôi vui mừng khôn xiết vì lần đầu tiên từ khi công tác tại bộ phận cấp phát thuốc đến giờ tôi mới được bệnh nhân khen. Bao nhiêu áp lực công việc cùng nỗi vất vả bấy lâu nay dường như được xoa dịu.Mỗi ngày bộ phận tôi cấp phát khoảng 400 toa thuốc vào những ngày thứ 2 và thứ 6 thì khoảng 600 toa. Áp lực công việc đè nặng lên vai chúng tôi trong khi bộ phận cấp phát thuốc lúc bấy giờ chỉ có vỏn vẹn 3 nhân sự. Nhiều người biết thì thông cảm cho chúng tôi còn nhiều người chờ lấy thuốc lâu quá đâm ra quát nạt thậm chí là đụng tay đụng chân với chúng tôi. Ai đã từng làm trong nghề mới thấu hiểu hết những áp lực mà chúng tôi phải gánh chịu. Chúng tôi cũng hiểu nỗi khổ của bệnh nhân lắm chứ. Ai trong người có bệnh mà chẳng bực bội nhưng mong xã hội hãy có cái nhìn thoáng hơn về ngành y tế chúng tôi mặc dù đâu đó còn phảng phất những y bác sĩ làm cho bệnh nhân không hài lòng. Cũng nhờ có những góp ý của bệnh nhân mà đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi có thêm niềm đam mê, trưởng thành hơn và hoàn thiện mình hơn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Không chỉ có bà cụ này mà còn vài ông cụ bà cụ khác mỗi khi đến khám bệnh lấy thuốc đều không quên cho chúng tôi khi thì vài viên kẹo khi thì vài ba quả trái cây tuy không nhiều nhưng bấy nhiêu đó cũng làm ấm lòng và tăng thêm động lực làm việc cho đội ngũ nhân viên cấp phát thuốc bảo hiểm y tế như chúng tôi. Chúng tôi tự hào vì mình được khoác lên màu áo blouse trắng tinh khiết tượng trưng cho những gì tốt đẹp và cao quí nhất. Hình ảnh người thầy thuốc với những viên thuốc trên tay như những vị thần tiên mang sức sống đến cho mọi người.
Tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn đồng nghiệp cũng như những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường nghề dược sĩ chỉ dành tặng cho những ai biết cống hiến vì sự sống con người, giúp trái tim bạn mở rộng, bao dung với những con người, những mảnh đời bất hạnh, không may. Và một ngày nào đó không xa hi vọng rằng xã hội sẽ có cái nhìn tốt đẹp hơn và ghi nhận những đóng góp thầm lặng của những người thầy thuốc như chúng tôi để chúng tôi tiếp thêm ngọn lửa đam mê trên con đường cứu lấy sự sống của con người.
4. Mẫu bài dự thi Người Thầy thuốc trong tôi đạt giải
Dưới đây Hoatieu xin chia sẻ một số mẫu bài dự thi Người Thầy thuốc trong tôi lần 1 đạt giải. Mời các bạn tham khảo.
4.1. Bài Người Thầy thuốc trong tôi đạt giải đặc biệt
Trọn vẹn 1 chữ tâm - Hoài Thương
Trên giường điều trị Covid-19, qua điện thoại, bác sĩTrịnh Hữu Nhẫn cố gắng nén những cơn ho, tận tình hướng dẫn cho người bệnh dùng thuốc. Đến những giây phút cuối đời, ông vẫn không quên cứu người.
Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn nguyên là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP HCM. Ngày 4-8, ông qua đời trong quá trình tham gia chống dịch Covid-19.
Đã hơn 1 tháng kể từ ngày bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn mất, mỗi ngày bà Thân Ngọc Hương (62 tuổi, vợ bác sĩ Nhẫn) vẫn nhận được những lời chia buồn, động viên của người dân ở xã Phước Lộc cũng như các cấp lãnh đạo địa phương, thành phố và trung ương.
Bà Hương nhớ lại: Sau khi tốt nghiệp y sĩ vào năm 1982, ông Nhẫn tình nguyện đến Cần Giờ để chăm sóc sức khỏe cho Lực lượng Thanh niên xung phong và những người học tập cải tạo tại đây. Bà và ông gặp nhau ở đó rồi nên duyên vợ chồng. Năm 1984, ông nhận nhiệm vụ Trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè. Bà khăn gói theo ông về đây xây tổ ấm. Vợ chồng bà sống trong khu nhà tập thể sát vách trạm y tế.
Thời ông bà mới về xã đảo Phước Lộc, ở đây nổi tiếng với "3 không" (không điện, không đường, không nước sạch), người dân còn túng thiếu với cơm ăn áo mặc, nghĩ đến việc được chăm sóc y tế như một điều xa xỉ. Không ít người bệnh đã mất trên đường đến trạm y tế, giữa mênh mông sóng nước.
Trước hoàn cảnh đau lòng đó, ông Nhẫn trăn trở, quyết tâm học chèo xuồng, vững tay chèo để tự tìm đến với người bệnh. Thời ấy, cả xã chỉ có một nữ hộ sinh. Xã nghèo, đi lại đều bằng xuồng ghe. Khó khăn vậy nên chẳng thể giữ chân được người trẻ. Từ đó, ông Nhẫn vừa khám bệnh vừa trở thành nam hộ sinh bất đắc dĩ của cả vùng.
"Đang ăn cơm nhưng nghe người dân đến báo có ca cần cấp cứu là ổng bỏ chén, xách túi thuốc đi liền. Nửa đêm, tại trạm có sản phụ vỡ ối, ổng tất bật đỡ đẻ. Trạm thiếu người nên tôi xắn tay vào phụ cầm đèn dầu rọi sáng. Trước ngọn đèn dầu, ổng đã giúp hàng trăm đứa trẻ và sản phụ được mẹ tròn con vuông. Nhiều lần sản phụ chuyển dạ bất ngờ nên không thể tới được trạm. Thế là giữa khuya khoắt mưa gió, ổng theo người ta lên ghe. Trên ghe, hai người và một chiếc đèn vượt sóng gió lao đi, đến rạng sáng mới trở về. Ổng mệt, đuối nhưng miệng cười rất tươi, rồi khoe "đứa nhỏ cưng lắm". Ông vui, tôi cũng vui lây!" - bà Hương nghẹn ngào.
"Bà con còn nghèo, tôi ở lại để giúp..."
Nhiều người dân ở đây nói với tôi họ ví bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn như ngọn lửa tinh thần, bởi từ ngày ông cắm chốt tại xã đảo thì người dân yên tâm hơn, vui hơn, khỏe hơn. Ông đem y tế đến từng nhà dân. Những người già neo đơn, tật nguyền, bà mẹ Việt Nam anh hùng được ông xem như người thân, năng lui tới săn sóc thường xuyên. Gặp người bệnh ngặt khó, ông bỏ tiền túi mua thuốc, động viên họ vượt lên nghịch cảnh. Ông giúp những đứa trẻ khỏe mạnh chào đời.
Từ năm 1990, xã Phước Lộc có điện lưới về, rồi đường sá, nước máy… Đời sống người dân khấm khá hơn trước. Nhưng so với sự phát triển chung của TP HCM thì cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn nên khó giữ chân được nhân sự. Tại Trạm Y tế xã Phước Lộc, nhiều nhân viên chỉ làm việc được vài năm rồi xin luân chuyển đến nơi khác hoặc chuyển đổi lĩnh vực có cơ hội phát triển cao hơn. Người đi, người về đã nhiều dịp nhưng bác sĩ Nhẫn vẫn thủy chung với trạm, tiếp tục làm điểm tựa cho người dân xã đảo.
Bà Hương hồi ức: "Sau khi ổng học chuyên tu lên bác sĩ đa khoa, vừa tốt nghiệp đã có người mời về làm tại một bệnh viện lớn. Một lần khác, có người bạn ngỏ ý mời về công ty làm nhưng cả hai lần ổng đều nhẹ nhàng từ chối. Tôi hỏi vì sao, ổng chỉ nói "Bác sĩ trẻ thì không chọn về đây. Bà con mình còn nghèo, tôi ở lại giúp được việc gì thì giúp". Vậy là ở lại".
"Tôi hiểu ổng đã coi trạm y tế như nhà của mình, coi người dân nơi đây như người thân nên không nỡ rời đi. Bao nhiêu cơ hội ổng đều từ bỏ mà không một chút đắn đo suy nghĩ" - bà Hương kể tiếp về chồng.
Từ tháng 4-2021, Covid-19 bùng phát trở lại ở TP HCM, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn cùng các nhân viên y tế tại Trạm Y tế xã Phước Lộc lao vào chống dịch. Cuối tháng 5, huyện Nhà Bè bắt đầu xuất hiện những ca bệnh trong cộng đồng. Bác sĩ Nhẫn thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của xã Phước Lộc, ngày đêm cùng đội ngũ tuyến đầu thực hiện công tác tuyên truyền các biện pháp chống dịch, lấy mẫu, truy vết ca bệnh trong cộng đồng.
Thời điểm đó, chỉ còn 4 tháng nữa là bác sĩ Nhẫn nghỉ hưu. Tuổi cao và nhiều năm mang căn bệnh cao huyết áp khiến sức khỏe ông giảm sút. Là vợ, bà Hương không tránh khỏi lo lắng. Đã 2 lần bà khuyên ông nghỉ để lớp trẻ, khỏe chống dịch nhưng ông đều gạt đi.
"Ổng nói đợt dịch này gay go lắm, tình hình phức tạp nên phải ráng cùng anh em đưa bình yên trở lại cho người dân. Đợt cao điểm, ổng ở luôn tại trạm y tế để ngày đêm chống dịch. Rồi sau đó ổng nhiễm virus, cả gia đình tôi cũng mắc bệnh, được đưa vào Bệnh viện Dã chiến số 6" - bà Hương nói trong nước mắt.
Thầy thuốc như mẹ hiền
Các y - bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 6 kể khi bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn vào đây, dù được yêu cầu nghỉ ngơi để tập trung điều trị vì ho nhiều, mệt nhưng khi tỉnh táo, ông lại đòi cầm điện thoại để xem có tin nhắn hay cuộc gọi nào của người bệnh từ xã Phước Lộc không. Hễ có là ông lại xin phép đồng nghiệp được hồi âm. Ông kìm nén từng cơn ho, hướng dẫn kỹ càng từng loại thuốc, liều lượng cho bà con. Ông nói chỉ có thế thì ông mới an tâm để điều trị... Tiếc là tình trạng bệnh của ông ngày càng trở nặng.
Ngày 4-8, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn qua đời tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức). Ông được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định truy tặng Huân chương Lao động hạng ba cho "Nhân viên y tế có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP HCM".
Dược sĩ Trần Thị Kim Trang, Phó trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, bày tỏ: "12 năm tôi làm việc tại trạm, luôn được bác sĩ Nhẫn động viên, khích lệ. Chúng tôi quý mến, kính trọng anh như người anh cả trong gia đình đã sống và cống hiến trọn vẹn cho nghề nghiệp với một chữ Tâm. Từ ngày mất thủ lĩnh, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt nhân sự chỉ còn 4 người, không có bác sĩ. Sau đó, may mắn được một nhóm bác sĩ quân y chi viện nên hiện nay, mọi mũi nhọn phòng chống dịch trên địa bàn vẫn được giữ vững".
Bác sĩ Trần Văn Tám, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, nhận xét: "Tính đến nay, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn đã cống hiến cho ngành y gần 40 năm. Đối với chúng tôi, anh vừa là một người anh, người bạn vừa là đồng nghiệp đáng quý. Trong gần 40 năm vượt khó cống hiến cho ngành y, anh đã có thành tích xuất sắc, được nhận nhiều sự tuyên dương từ các cấp. Nhưng điều đặc biệt chính là anh đã để lại những tình cảm ấm áp cho người dân, lưu lại hình ảnh cao đẹp về người thầy thuốc tận tụy với nghề, xứng đáng là "Lương y như từ mẫu".
4.2. Bài dự thi Người thầy thuốc trong tôi đạt giải
Nữ y tá trên đỉnh Kon Chiêng - Phạm Đức Long
Lúc nhớ con quá, chị lén nhặt tờ truyền đơn của địch có in hình con rồi cắt giấu trong người, cố giữ chút hình bóng đứa con thân yêu, coi như một chút hơi ấm để tự động viên mình.
Cái Tết định mệnh
Trường học cũng là bệnh xá, được dựng trên đỉnh núi Kxôn cao nhất của dãy Kon Chiêng (nay thuộc huyện Măng Yang, tỉnh Gia Lai) - địa danh có con đèo ngất ngưởng ví như cổng trời thuộc tỉnh Gia Lai. Đây là tuyến hành lang quan trọng, liên kết giữa Đông và Tây Trường Sơn. Để có được đỉnh cao này, quân ta phải đánh nhau với địch, tranh giành suốt mấy năm liền.
Học ở lớp y tá đầu tiên ấy, bà Ngọc đã bén duyên người thầy phụ trách lớp, quê Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Đó là ông Võ Duy Tài - chồng bà bây giờ. Hai người tổ chức cưới vào năm 1966.
Đến năm Mậu Thân 1968, bà Ngọc sinh bé gái đầu lòng. Vì cháu là đứa bé hiếm hoi được sinh tại đỉnh núi Kxôn cao nhất vùng nên bà con dân tộc Bah Nar ở đó đặt cho cái tên là Kxôn. Sau này gia đình đặt tên khai sinh là Võ Thị Mỹ Phương. Cũng năm đó, ông Tài phải về Khu 5, rồi ra Bắc học tiếp chuyên môn bác sĩ, để lại vợ con trên vùng núi Tây Nguyên vời vợi, mịt mùng.
Tết năm 1972 là một cái Tết định mệnh với gia đình bà Ngọc. Ngày 27 Tết, Nguyễn H. - một cán bộ của bệnh xá, ra vùng giải phóng bị địch bắt. Vì không chịu nổi đòn tra tấn của địch, H. khai ra vị trí của đơn vị bộ đội 408 gần bệnh xá. Khi biết tin, đơn vị bộ đội đã hành quân di chuyển ngay vị trí.
Lúc ấy, cô Võ Thị Ngọc Lan, con của một liệt sĩ chống Pháp, được giao trách nhiệm là bệnh xá trưởng. Một mặt vì kinh nghiệm của cô Lan còn non nớt, mặt khác do thời chiến có một sự ngầm hiểu cả bên ta lẫn bên địch là không đánh nhau trong những ngày Tết cổ truyền để người dân hai bên được hưởng sự vui chơi yên bình. Hơn nữa, đã quá cận kề Tết, trạm xá lúc ấy được chuyển tạm về vị trí cũ của đơn vị bộ đội vừa rút đi, với ý định ra năm mới sẽ dời toàn bộ đến một địa điểm khác.
Đúng mùng 2 Tết, lúc ấy kho gạo có quyết định di chuyển vị trí, bà Ngọc cùng một số chị em trong đơn vị đi cõng gạo. Bệnh xá chỉ còn lại cô Lan, anh Thu, bé Phương và một số thương binh. Bất ngờ, địch tấn công bệnh xá tại vị trí đơn vị bộ đội đã chuyển đi. Địch dùng máy bay đánh phá bao vây suốt 2 ngày, ngày thứ 3 chúng đổ bộ quân chiếm toàn bộ khu vực. Bấy giờ, vị trí cũ của bệnh xá vẫn bình yên.
Sau khi địch rút lui, đoàn cõng gạo mới trở về được vị trí bệnh xá. Trước mắt mọi người chỉ còn một vùng tan hoang. Người bị địch bắt. Đồ dùng, ba lô, quần áo bị địch lấy sạch. Xoong nồi bị địch đục thủng, nhà bị đốt.
Đứng trước cảnh ấy, bà Ngọc đau thương tột độ, cô đơn tột độ. Nhiều đêm nhớ hơi con, bà không sao chợp mắt. Có khi vừa mơ màng thì lại thấy hình bóng con khóc rát vì đói khát, lại giật mình thức trắng. Nhiều lúc tưởng chừng đã không thể vượt qua được nỗi đau mất mát ấy.
Chút hơi ấm để động viên mình
Ở nhà là con gái đài các, được học hành (học hết lớp 8 ở quê), chưa bao giờ phải giặt giũ một món đồ bẩn, ấy vậy mà khi ở trạm xá, bà Ngọc luôn tay tắm rửa, thay đồ, giặt đồ dơ bẩn máu mủ của bệnh nhân với một tấm lòng tận tụy, yêu quý đến thản nhiên. Xung quanh bà, cái chết diễn ra hằng ngày, bao nhiêu thương binh phải chịu đựng vô vàn đớn đau, thảm khốc.
Hoàn cảnh ấy không cho phép bà được yếu mềm vì những chuyện riêng tư. Tất cả nhớ thương bé Phương, bà chỉ ấp ủ trong lòng. Trước mọi người, thương con, nước mắt chảy vào trong.
Bọn địch bắt cô Lan và bé Phương đưa về giam một đêm tại Nhà lao Pleiku. Vì bé Phương còn nhỏ, nhớ mẹ khóc suốt đêm suốt ngày sinh ra ốm đau nên sau đó địch chuyển bé về cho các ni cô chùa Phù Đổng nuôi. Tại Tịnh xá Ngọc Bảo, bé Phương bị tách ra khỏi cô Lan - người thường ngày vẫn thường xuyên như người mẹ chăm bẵm bé khi còn ở trạm xá và là người cùng bị bắt đưa đi với bé mà ban đầu địch tưởng nhầm là hai mẹ con.
Những ngày sau, địch đã nghĩ kế dùng bé Phương làm con mồi dụ bà Ngọc ra hàng để thực hiện chiêu bài tâm lý chiến, tác động vào tinh thần cán bộ của ta. Hàng loạt tờ truyền đơn in hình bé Phương sau đó đã được rải xuống khắp nơi, cùng những dòng chữ chiêu hồi người thân ruột thịt ra đầu thú Chính phủ Quốc gia để đoàn tụ và hưởng lượng khoan hồng. Những chiếc máy bay rải truyền đơn, ra rả phát đi lời kêu gọi dụ dỗ: "Bé Phương khỏe nhưng nhớ mẹ khóc nhiều sưng mắt, cô Lan bị sốt, mẹ ra mà ẵm con!"…
Có lúc thương con quá, nhớ con quá, chị Ngọc lén nhặt tờ truyền đơn của địch có in hình bé Phương mà lòng như xát muối. Chị lẳng lặng cắt nguyên hình con gái từ tờ truyền đơn giấu trong người, cố giữ chút hình bóng đứa con thân yêu, coi như một chút an ủi, một chút hơi ấm để tự động viên mình.
Năm 1972, sư Huỳnh Liên thuê máy bay chở 12 bé gái không cha không mẹ ở Tịnh xá Ngọc Bảo về Sài Gòn (TP HCM ngày nay) và đưa vào các nhà chùa để nuôi. Các ni cô, sư bà đã dùng tên một công chúa đặt lại tên cho bé Phương, là Ngọc Duệ. Trải qua nhiều nhà chùa, 27 năm dưới sự nuôi dạy của các sư cô Hạnh Liên, Diệu Liên, Huỳnh Liên, bé Ngọc Duệ đã học hết chương trình phổ thông trung học, lại giỏi tiếng Anh, em nuôi chí tìm cơ hội để gặp lại cha mẹ mình.
Sau khi đất nước hòa bình thống nhất, bé Phương xin nhà chùa ra làm con nuôi một gia đình cán bộ hưu trí là ông bà Nguyễn Hoàng Quí, Đinh Thị Liên.
Hạnh phúc của ngày đoàn viên
Lại nói về gia đình bà Ngọc. Sau năm 1975, ông bà về công tác tại ngành y tế tỉnh Gia Lai, họ có thêm 2 trai, 1 gái nhưng nỗi nhớ đứa con gái đầu lòng vẫn day dứt quay quắt mãi trong tâm can. Ông bà cất công đi tìm hết mọi cô nhi viện ở miền Nam mà vẫn không gặp được đứa con lưu lạc của mình. Đến lúc để giải tỏa tâm lý, ông Tài phải nhận nuôi một bé gái tầm tuổi con mình. Coi như yên phận chuyện tìm con.
Đầu năm 2008, tình cờ bà Ngọc tìm được manh mối để đưa tin tìm lại đứa con thất lạc. Đó là khi có cô gái tên Liên lưu lạc cha mẹ, làm con nuôi tận bên Mỹ, đang về Việt Nam làm việc thiện. Bà Ngọc xem báo biết địa chỉ, liền viết ngay bức thư gửi cô Liên nói lên nguyện vọng của mình. Chỉ 2 ngày sau, cô Liên trả lời và cho địa chỉ nhà của một nhà báo để tiện liên lạc. Có địa chỉ, bà mừng quá, vội viết ngay thư cho nhà báo này. Từ những liên hệ ấy, bà Ngọc đã được đưa vào chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" ngày 5-6-2008 của Đài Truyền hình Việt Nam.
Bây giờ, Phương đã trở về Pleiku với cha mẹ đẻ, với gia đình. Cô đi học trung cấp dược tại Gia Lai với cái tên là Võ Thị Ngọc Duệ, đúng tên của nhà chùa đặt cho, chỉ gắn thêm họ của ba mình.
Khi tôi chắp nối lại câu chuyện ly kỳ này, Ngọc Duệ đã ra trường, là dược sĩ công tác tại Bệnh viện Đông y Gia Lai. Cô đã lập gia đình với thầy giáo Huỳnh Văn Tăng ở phường Hoa Lư, TP Pleiku, vào năm 2010, khi tròn 43 tuổi. Vì hai người tuổi đã lớn, việc sinh nở cũng gặp những khó khăn. Nhưng rồi trời thương. Năm 2015, khi cô 48 tuổi, họ cũng có được cậu con trai kháu khỉnh, là niềm hạnh phúc lớn lao của những ngày đoàn viên sau tất cả những tháng năm nổi chìm lưu lạc.
Đó là cái hậu của một nữ y tá suốt đời tận tụy với không biết bao nhiêu thương binh, bệnh binh, người bệnh bằng tấm lòng yêu thương nhân ái!
4.3. Bài dự thi Người thầy thuốc trong tôi đạt giải lần 1
Thắp lửa niềm tin nơi tâm dịch Bình Dương - Lê Thị Hiệp
Sẽ đọng mãi trong tâm trí tôi hình ảnh PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu xông pha trong những ngày Bình Dương căng thẳng nhất với dịch bệnh. Ông như cánh chim không mỏi giữa tâm dịch với một trái tim nhiệt thành
Cuộc chiến cam go
Trong những ngày dịch tràn qua khu nhà tôi ở, đã có những người thân, bạn bè, xóm giềng nhiễm bệnh và ra đi. Tôi nức nở ôm con vào lòng! Mai này, khi con lớn lên, "Con sẽ mang đất nước đi xa/ Đến những tháng ngày mơ mộng". Và tôi sẽ kể cho con nghe về những ngày chúng tôi sống ở tâm dịch, có vị bác sĩ đến chi viện đã góp phần mang đến ngày mai tươi sáng cho mẹ con chúng tôi và vùng đất này. Đó là PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Y khoa Trung tâm Hồi sức tích cực Bình Dương.
Tháng 4-2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu bùng phát ở TP HCM. Thời điểm này, Bình Dương vẫn còn giữ vững "trận địa" trong sản xuất - kinh doanh và các hoạt động xã hội. Tháng 5-2021, từ một ca bệnh chỉ điểm, vài ngày sau, Bình Dương xét nghiệm nhiều khu vực liên quan và điều không mong muốn đã xảy ra: Dịch Covid-19 đã âm thầm lây lan trong cộng đồng, lan vào các công ty, nhà xưởng, các dãy trọ chật hẹp, đông người.
Kịch bản 1.000, 5.000 rồi 20.000 ca nhanh chóng bị lạc hậu trong vòng 1 tháng. Hệ thống y tế dù đã sẵn sàng nhưng vẫn dồn dập rơi vào quá tải. Tâm dịch Bình Dương trở thành nỗi lo đặt lên bàn của các cấp, lo âu trong nỗi suy tư của các vị lãnh đạo, của y - bác sĩ; dội vào dạ dày từng lao động; ăn vào ánh mắt từng đứa trẻ ngơ ngác khi bị nhốt trong nhà. Bình Dương bước vào cuộc chiến cam go. Dân chúng không ít hoang mang.
Nhận lời đề nghị của tỉnh Bình Dương và sự phân công của Bộ Y tế, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu đã vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch và xây dựng hệ thống điều trị Covid-19. Với vai trò hỗ trợ Bình Dương về mặt chuyên môn và chiến lược chống dịch, bước chân PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu không mỏi qua từng vùng dịch phức tạp của Bình Dương. Ông miệt mài lên phương án chuyên môn cho các bệnh viện dã chiến, tư vấn các giải pháp cho y tế tuyến cơ sở. Nhiều ý kiến của ông đã đóng vai trò quan trọng giúp Sở Y tế tỉnh Bình Dương tháo gỡ khó khăn về chuyên môn, tìm giải pháp khống chế dịch bệnh.
Vượt qua từng ngày
Nhìn ông xông pha chiến đấu với những F0, chúng tôi - những người dân đã sống những tháng ngày đầy lo lắng giữa tâm dịch - cảm nhận vị bác sĩ này đang như một vị tướng dũng cảm và đầy mưu lược trên chiến trường khốc liệt. Ông như đang chiến đấu chống dịch ở chính quê hương ông chứ không phải là nơi đến chi viện.
Qua các bản tin chống dịch của tỉnh Bình Dương lúc bấy giờ, gần như mỗi ngày chúng tôi đều dõi theo ánh mắt lo âu, bước chân của ông từ bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung, cùng các đoàn chi viện hay đội tình nguyện, cùng y tế cơ sở và đặc biệt là ở trọng trách nặng nề Giám đốc Y khoa Trung tâm Hồi sức tích cực Bình Dương.
Giữa tâm dịch quay cuồng, những đêm trắng, chúng tôi vẫn đầy hy vọng vào một vị thầy thuốc mà mình chưa từng gặp. Ông đang lo toan cho chúng tôi. Ông đến vùng đất mà dịch bệnh đang hoành hành, có mặt trên khắp các nẻo đường chống dịch. Còn chúng tôi - dân sống ở tâm dịch - nhìn vào những ngọn lửa nơi tuyến đầu như ông và các chiến sĩ khác nữa để vững tin mà vượt qua từng ngày một.
Mai này hết dịch, chúng ta sẽ khác đi. Có thể sẽ thản nhiên hơn, bình tĩnh hơn trước những được, mất; biết cách chấp nhận hơn với những thiệt thòi. Dịch rồi sẽ qua nhưng ký ức về nó sẽ còn. Sẽ có những chiều kẹt xe để nhớ ngày thành phố vắng hoe. Và cũng sẽ nhớ rất nhiều những gì mà chúng ta đã cùng nhau và cùng mọi người đi qua những ngày này: Đã có nhiều người mắc bệnh và vĩnh viễn rời xa chúng ta!
Với những người như tôi, sẽ còn đọng mãi trong tâm trí hình ảnh người bác sĩ đến chi viện Bình Dương trong những ngày căng thẳng nhất. Như cánh chim không mỏi giữa tâm dịch, chúng tôi đã cảm nhận được ở người bác sĩ ấy một trái tim nhiệt thành!
Chỉ cần tuyến đầu vững
Cái đêm xem phóng sự "Ranh giới" trên truyền hình, tôi thẫn thờ rồi khóc nức nở.
Mang thai trong suốt thời gian bùng phát dịch, tôi nghẹn ngào như thấy mình trong đó. Sức khỏe yếu nên tôi không đủ tự tin và đã từ chối tiêm vắc-xin. Mang thai khi ở tâm dịch, ngày tháng trở nên thật dài. Dãy phố trước nhà vì dịch mà chiều nào cũng buồn tênh. Tôi đọc những dòng tin sản phụ phải sinh con ở chốt kiểm soát dịch, càng thấy mức độ dịch căng thẳng ở Bình Dương. Rồi con tôi cũng chào đời. Hôm ấy, Bình Dương công bố có gần 6.000 ca nhiễm Covid-19.
Bản đồ dịch leo thang thẳng đứng. TP Thuận An nơi tôi ở, có những chỗ phải "khóa chặt, đông cứng", tuyệt đối dân không rời khỏi nhà trong 15 ngày. Phố phường như có chiến tranh mà kẻ thù thì tàng hình và nguy hiểm. Trong 15 ngày khóa chặt đó, Bình Dương quyết tâm xoay chuyển tình thế. Đó là những ngày PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cùng lực lượng tuyến đầu của Bình Dương quyết tâm và đầy lo toan. Chúng tôi cùng ra trận. Phố phường, chính quyền, nhân dân đùm bọc nhau để xoay chuyển tình thế.
Đứa em tôi làm việc ở một bệnh viện tận Hà Nội, ríu rít gọi điện khoe: "Em được chi viện cho Bình Dương rồi. Cũng được về bệnh viện chỗ thầy Hiếu luôn. Bọn em sẽ được hỗ trợ chống dịch ở Trung tâm Hồi sức tích cực Bình Dương".
Thương quá. Nó hân hoan khoe được đến nơi căng thẳng nhất của dịch bệnh. Nơi mà theo một bác sĩ đã chia sẻ: "Lần đầu tiên bước chân vào buồng bệnh tầng 3, tôi choáng ngợp trước sự hoành hành của đại dịch. Ở đây toàn người bệnh nặng và rất nhiều người tử vong".
Em tôi cũng như nhiều y - bác sĩ của Bình Dương coi PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu như bậc thầy truyền lửa và niềm tin chuyên môn giữa tâm dịch. Còn chúng tôi ngày ngày xem các bản tin về tuyến đầu và thầm tin tưởng: Chỉ cần tuyến đầu còn trụ vững, chúng tôi nguyện đồng hành để chúng ta chiến thắng. Tôi đã mừng đến phát khóc khi đọc được một dòng trạng thái ông chia sẻ trên mạng xã hội: "Tôi thật vui hôm nay. Lần đầu tiên ca tử vong của Bình Dương xuống thấp nhất từ khi dịch bùng phát ở nơi đây. Cảm ơn tất cả". Tôi đã vững tin như ngày chiến thắng đang đến gần.
Đã có nhiều thay đổi cần thiết trong chiến lược chống dịch nhưng chỉ cần những người ở tuyến đầu còn trụ vững, còn tự tin thì chúng tôi vẫn hy vọng sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Sau việc khống chế được dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu lại cùng các ban, ngành của tỉnh Bình Dương xây dựng các kế hoạch hậu thời bùng dịch. Các vấn đề như quản lý người nghi nhiễm, giảm tỉ lệ tử vong, giải tán các khu cách ly, nhanh chóng phủ vắc-xin toàn dân, tách đôi mỗi bệnh viện để sẵn sàng điều trị...
Không sợ Covid-19 là cách sống mới mà chúng tôi cần thay đổi. Mỗi ngày, chúng tôi vẫn thấy ông băng băng đi khắp các huyện thị của Bình Dương để chia sẻ những khó khăn mà nhân viên y tế ở đây vừa chiến đấu vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Những rào chắn đầu tiên được gỡ bỏ là những kỷ niệm thật khó phai, tạo nên niềm xúc động sâu sắc trong chúng tôi.
Vào một ngày thắng lợi, Bệnh viện Dã chiến Thới Hòa - bệnh viện lớn nhất Bình Đương - đã đóng cửa. Các đoàn chi viện đã dần hoàn thành nhiệm vụ. PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cũng chia sẻ: "Ngày cuối cùng đến thăm các huyện, thị Bình Dương. Tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện trở lên sẽ có khoa điều trị bệnh truyền nhiễm tách biệt khỏi khu điều trị thông thường... Thành lập các bệnh viện mini trong các khu công nghiệp... Ngày hôm qua, số ca tử vong của Bệnh viện Hồi sức dã chiến Bình Dương đã là 0... Chia tay và hẹn sớm gặp lại các bạn trong một bối cảnh hoàn toàn khác".
Bình Dương của chúng tôi đã đi qua đại dịch bằng sự cố gắng và nhiều sự giúp đỡ của những người như PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu. Tôi cũng như bao người may mắn khỏe mạnh nhưng đã không có cơ hội được gặp để cảm ơn họ đã đem niềm tin đến nơi đây. Ngày mai chúng tôi sẽ khác trong trạng thái bình thường mới. Con tôi sẽ lớn lên trong những ngày bình an và chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm, có chuẩn bị cho những tình huống mới.
Tạm biệt vị bác sĩ mà nhân dân ở tâm dịch Bình Dương chúng tôi yêu mến. Ông và đồng nghiệp đã góp phần đem ngày mai tươi sáng đến Bình Dương. Ngày mai chúng tôi sẽ mạnh mẽ và có cuộc sống tươi đẹp hơn. Cảm ơn những người đã đến chi viện cho Bình Dương trong những ngày gian nan nhất!
Vũ khí là chuyên môn, nhiệt huyết
Lịch sử dân tộc ta những ngày qua đã ghi dấu ấn của một lớp đông đảo cán bộ, nhân viên ngành y coi tương lai dân tộc là tương lai chính mình. Với vũ khí là chuyên môn, nhiệt huyết, họ đã góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho những nơi từng là tâm dịch. Trong rất nhiều ngọn lửa giữa trận chiến chống dịch ấy, tôi muốn dành những dòng tri ân trân trọng nhất đến PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu - người đã góp phần thắp lên trong tôi niềm tin từ nơi tâm dịch Bình Dương!
Trên đây là những mẫu Bài dự thi Người Thầy thuốc trong tôi lần 2 2024 và bài viết Người Thầy thuốc trong tôi đạt giải lần 1. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác tại mục Tài liệu: Bài thu hoạch, bài dự thi nhé.
- Chia sẻ:Lê Diệu Linh
- Ngày:
Gợi ý cho bạn
-
(Tuần 2) Đáp án thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số Hà Giang 2024
-
Đáp án thi trắc nghiệm tìm hiểu về Chuyển đổi số Thái Bình
-
Việc làm nào dưới đây không đảm bảo an toàn khi đi xe đến nơi có tầm nhìn bị che khuất?
-
Bài dự thi Người anh hùng nhỏ tuổi chí lớn, viết về Kim Đồng 2024
-
Báo cáo kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của chi bộ 2024
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Bài thu hoạch, bài dự thi
Bộ câu hỏi Thi tìm hiểu thủ tục hành chính kiểm soát có đáp án
Câu hỏi về an toàn giao thông cho học sinh THPT
Em hãy phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của học sinh trường em khi tham gia giao thông
8 Bài tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường 2024
Đáp án thi trực tuyến tìm hiểu Luật An ninh mạng Bắc Giang 2024
Hướng dẫn đánh giá thường xuyên môn tiếng Anh tiểu học